Hôm nay, tôi vẫn thức dậy từ 6h00 sáng nhưng thay vì chuẩn bị đến nơi làm việc như mọi ngày, tôi đã mang giày và xách xe đạp ra khỏi nhà. Hai vòng quanh công viên, vậy là đủ cho ngày đầu tiên. Tôi trở về nhà với tâm trạng hoàn toàn thoải mái.
Tôi đã chuẩn bị cho ngày này từ rất lâu, thậm chí là từ ngày đầu tiên vào công ty. Mới đây đã gần 4 năm. Bạn có biết không? Tôi đã mất gần 4 năm để quyết định thực hiện một công việc vô cùng đơn giản là viết một tờ giấy A4 có tiêu đề “Đơn xin thôi việc” gửi cho sếp. Tôi tự trách bản thân đã không quyết đoán vì từ trước đó, tôi đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng thất nghiệp là điều đáng sợ nhất của tuổi trẻ, thất nghiệp có nghĩa là đã mất giá trị của bản thân, nghĩa là bạn vô dụng kèm theo nhiều điều tiêu cực khác. Nhưng dù bạn phải đối mặt với điều gì đi nữa, thì điều tồi tệ nhất chưa chắc đã là điều tồi tệ nhất.
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại ngồi trong văn phòng này hôm nay chưa? Lý do gì để bạn làm công việc này? Bạn có cảm thấy vui vẻ trong mỗi giây phút làm việc không? Bạn có học hỏi được những điều thú vị từ công việc hàng ngày không?... Tôi mừng cho những ai có câu trả lời tích cực cho bốn câu hỏi trên, nhưng cũng chia sẻ với những người còn lại, bài viết này dành cho những người trong phần không may mắn thứ hai.
Có lẽ, giống như hầu hết các bạn đang đọc những dòng này, sau khi học xong phổ thông, tôi đã chọn cho mình một trường đại học, dành 4 năm tuổi trẻ để học những thứ mà có thể không sử dụng trong công việc sau này, đó là chưa nói đến những bạn làm nghề khác so với ngành học của mình. 'Có một sự thật rằng đa số thanh niên phải chọn nghề dựa vào lợi ích kinh tế mà ngành đó có thể mang lại mà không tính đến khả năng của bản thân, sở thích của bản thân và các yếu tố giá trị mà nghề nghiệp mang lại cho xã hội.' (Theo Nguyễn Quốc Vương, 'Đọc sách để sống trọn vẹn đời sống con người). Hậu quả của điều đó là sau khi học xong, sinh viên thất nghiệp. Và rất nhiều người đi làm cho đến khi nghỉ hưu mà vẫn không cảm thấy hài lòng với công việc mà họ đã dành cả đời chung sống. Chọn nghề nghiệp giống như chọn một người bạn tri kỷ, nếu chọn đúng thì sẽ được lắng nghe và hiểu biết, còn chọn sai thì những bức bách, khó chịu sẽ khiến bạn nổ tung một ngày nào đó. Câu hỏi là tại sao chúng ta lại chấp nhận một đời như vậy, làm một công việc chán ngắt đến chết? Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi với những quyết định của bản thân đến nỗi không dám hành động bất cứ điều gì khác ngoài việc đến văn phòng từ 8h/ngày làm một công việc giống nhau như ngày đầu tiên ta đến? Ta đã tự bỏ lỡ 1/3 cuộc đời một cách phí phạm và thiếu trách nhiệm.
Hôm qua, một đồng nghiệp đã hỏi tôi rằng cảm xúc của ngày làm việc cuối cùng thế nào? Tôi trả lời không có gì đặc biệt ngoài việc cảm thấy một chút xao xuyến với một nơi quen thuộc gần 4 năm qua, vì tất cả đã được chuẩn bị từ trước, kể cả cảm xúc. Cho đến sáng nay, đó là một cảm giác của sự tự do, sự giải phóng và hoàn toàn thoải mái. Tôi nghĩ quyết định này của tôi là đúng đắn dù cuộc sống có thách thức hơn so với khi vẫn làm việc và nhận lương hàng tháng cùng cảm giác sung sướng vào cuối giờ chiều thứ sáu hàng tuần.
Một câu hỏi kinh điển dành cho bất kỳ ai có quyết định nghỉ việc là “Sau đó, bạn sẽ làm gì?” Nếu đã có kế hoạch thì tốt, nhưng nếu chưa, thì sao? Nghỉ việc chỉ là nghỉ việc thôi. Tại sao lại phải kiếm được công việc mới thì mới được nghỉ? Không phải mọi người đều có khả năng tìm kiếm một công việc tốt hơn, nhưng điều này hoàn toàn không phải là lý do chính đáng cho quyết định của bạn. Rời đi hoặc ở lại là quyết định của bạn, nếu bạn muốn ở lại thì sẽ có lý do để ở lại, còn nếu muốn ra đi, thì không có gì để biện minh. Một số người cho rằng việc nộp đơn xin nghỉ việc để gây áp lực với sếp để đàm phán lại phúc lợi, nhưng nếu lý do xuất phát từ bên trong thì điều này hoàn toàn vô nghĩa.
“Nghỉ việc không có nghĩa là bạn bỏ cuộc. Đó chỉ là lựa chọn tập trung vào điều quan trọng hơn. Nghỉ việc không phải làm mất lòng tin. Đó chỉ là việc bạn nhận ra mình nên dành thời gian cho những điều có giá trị hơn. Đừng nghĩ rằng nghỉ việc là mình đang gây ra lỗi. Đó chỉ là học cách làm việc hiệu quả hơn.” (Theo Osayi Emokpae Lasisi, 'Impossible Is Stupid)
Cái bánh không ngon thì cũng không cần phải ăn.
Cuộc đời đôi khi cần những khoảnh khắc yên bình, đừng mù quáng để nó tự trôi theo quán tính, đáng buồn là lực quán tính này tỷ lệ thuận với khoảng thời gian mà bạn sống mà không chịu trách nhiệm. Sẽ có một lúc nào đó bạn sẽ mất kiểm soát, và không thể thay đổi được nữa. Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng không có vùng an toàn nào thực sự là an toàn, và rằng “mọi thứ dường như vẫn ổn cho đến khi quá muộn.”
Tặng các bạn một câu nói mà ai đó đã tổng kết và xin phép không bình luận thêm, cảm nhận đúng hay sai là của mỗi người, đó là:
“Cuộc đời này nên có 4 lần điên:
Dám bỏ ngang công việc đang làm.
Dám chi hết số tiền đang có.
Dám xách ba lô và đi du lịch một mình.
Dám tỏ tình khi biết chắc bị từ chối.”
Tác giả bài viết: Nam Tào