Báo cáo ngành là một trong những tài liệu hiệu quả để thu thập thông tin tập trung về một lĩnh vực cụ thể, nhưng trong quá trình đi dạy bán thời gian, tôi nhận thấy một số vấn đề từ sinh viên/ người mới vào nghề khi phải đọc báo cáo để nghiên cứu ngành/ trường hợp kinh doanh, như:
- Báo cáo nhiều, thời gian ít, làm thế nào để thu thập hết thông tin
- Khó hiểu báo cáo do có nhiều thuật ngữ chuyên ngành
- Khi đọc thấy thú vị nhưng không áp dụng được và quên nhanh chóng
Đã gần một tháng không có bài viết mới và sếp Hưng Lưu bảo rằng nếu không viết bài để đăng lên Facebook, thì không có khóa học tiếp theo. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cách tiếp cận khi đọc báo cáo ngành, kèm theo một ví dụ ở cuối chuỗi bài viết, hy vọng sẽ giúp ích cho những bạn đang gặp các vấn đề trên. (Ban đầu muốn mở bài một cách thú vị hơn, nhưng prompt của GPT mãi không ra, vậy nên phải mở đầu bằng các vấn đề và giải pháp như thế này)
Về bản chất, quá trình đọc báo cáo ngành của tôi bao gồm 5 bước:
Bước 1: Xác định mục đích khi đọc báo cáo
Bước này quan trọng, nhưng nhiều người khi thực hiện nghiên cứu ngành mà không có kiến thức cơ bản thì thường đọc mà không có mục đích cụ thể. Hậu quả là dành nhiều thời gian tìm kiếm báo cáo, nhưng khi đọc lại không hiểu, cảm giác như đọc một cách vô nghĩa, đọc một lúc thấy hiểu ít nhưng khi hỏi những câu hỏi quan trọng vẫn không biết…
Thường trước khi đọc, phải có một mục tiêu cụ thể là đọc để thu thập thông tin cho mục đích gì. Tuy nhiên, trong những trường hợp không có kiến thức cơ bản hoặc đang tìm kiếm cảm hứng từ một ngành mới, tôi thường tự xây dựng một khung tư duy cơ bản về các câu hỏi cần phải trả lời, vì dù các ngành khác nhau nhưng vẫn có những điểm chung trong cách tiếp cận đọc-hiểu ở mức độ đơn giản nhất, ví dụ:
- Các nhóm khách hàng và vấn đề mà ngành này giải quyết
- Chuỗi giá trị của ngành
- Quy mô của ngành (đo lường bằng các chỉ số khác nhau) và tốc độ tăng trưởng trong quá khứ/ tương lai
- Thị phần theo các phân khúc nhỏ hơn (vd: theo doanh nghiệp, sản phẩm, khu vực địa lý…) và tốc độ tăng trưởng trong quá khứ/ tương lai
- Một số chỉ số quan trọng của doanh nghiệp trong ngành (vd: kinh tế đơn vị, cấu trúc chi phí, biên lợi nhuận, đòn bẩy…)
- Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và xu hướng của ngành trong quá khứ/ tương lai
Dĩ nhiên, đây không phải là toàn bộ danh sách câu hỏi, và không phải tất cả các ngành đều có tất cả các câu trả lời sẵn có. Tuy nhiên, nếu không có một kế hoạch cụ thể về những gì bạn muốn tìm kiếm, thì việc tìm kiếm cũng chỉ giống như việc đi xem hàng trên cửa hàng mà không mua gì cả. Hiện nay trên mạng cũng có các khuôn khổ khi tiếp cận ngành, cần tìm hiểu thông tin gì, tôi sẽ đính kèm một cái dưới phần bình luận cho những ai quan tâm.
Bước 2: Tìm kiếm báo cáo để đọc
Thời gian có giá trị quý báu nên chọn nguồn đọc thông tin một cách cẩn thận, vì 'rubbish in, rubbish out'. Hồi còn là sinh viên, thói quen của tôi là đọc qua mọi thứ mà người khác gửi. Nhưng sau đó nhận ra rằng không phải ai cũng có thời gian để đọc tất cả, vậy nên tôi thường lưu lại và đọc sau. Nếu bạn cũng có thói quen như vậy, hãy suy ngẫm và xem tỷ lệ báo cáo bạn thực sự đọc là bao nhiêu nhé hehe.
Bây giờ, dù tôi vẫn thường xuyên xem các bài đăng trong các nhóm chia sẻ báo cáo hoặc được gửi báo cáo để đọc, nhưng nếu không phù hợp với mục tiêu của tôi hoặc không đáp ứng tiêu chí về chất lượng, tôi sẽ bỏ qua. Khi quét để đọc, tôi thường quan tâm đến:
- Nguồn: Có phải từ các tổ chức trong ngành, các cơ quan chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực, hay từ đâu? Các nguồn có truy cập vào dữ liệu và có chuyên môn trong lĩnh vực thì hiển nhiên là tốt hơn so với một nguồn ngẫu nhiên. Nếu chọn một nguồn mà không có hiểu biết sâu về lĩnh vực, có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi nội dung được đọc. Ví dụ: Báo cáo về lĩnh vực bất động sản từ một số sàn giao dịch nhưng bị thiên vị về giao dịch của chính sàn đó, nếu đọc thì cũng phải nhận biết được sự thiên vị này.
- Giới thiệu: Nếu nguồn không được đánh giá cao và nổi tiếng nhưng được giới thiệu từ một người mà tôi tin tưởng thì cũng đáng để quét qua. Ví dụ: Một lần, khi tìm hiểu về ngành nước, tôi được giới thiệu một báo cáo từ một nguồn lạ mà trước đó tôi không biết đến, và mặc dù phải trả phí nhưng báo cáo đó quá chất lượng, hàng trăm trang. Tôi chỉ chọn những thông tin cơ bản nhưng nếu đọc hết, thì sẽ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực.
- Thời gian: Thường thì báo cáo ra càng gần thì càng tốt, nhưng đối với một số lĩnh vực cụ thể, nếu báo cáo được xuất bản trong vòng 2 năm thì vẫn chấp nhận được; 3-5 năm thì có thể đọc để lấy thông tin nhưng cần kiểm tra lại tính đúng đắn; còn quá 5 năm thì có lẽ chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu quá khứ, còn về mục đích nhìn vào tương lai thì hơi...
Xem nhiều về một ngành cũng giúp ta có cảm giác nhận biết được nguồn tin và sự thiên vị trong các báo cáo (ví dụ: sự thiên vị về dữ liệu được trích dẫn, về người viết báo cáo...). Tuy nhiên, nếu vẫn chưa có cảm giác và sau khi quét qua 3 yếu tố trên vẫn chưa rõ liệu có nên dành thời gian để đọc hay không, thì có thể lướt qua một cách nhanh chóng (cách lướt qua như thế nào thì có lẽ tôi sẽ viết ở phần sau).
Cuối cùng, nếu trong ngành có quá ít báo cáo để đọc, thì cũng phải chọn lựa tốt nhất từ danh sách đó thôi, nhưng thường thì trong những ngành đủ lớn (như ngành mà tôi đang làm hehe) thì có đủ nhiều báo cáo để lọc chọn, điều này rất quan trọng và giúp tiết kiệm thời gian không phải quét từng cái một. Vậy nếu có nhiều lựa chọn, hãy chọn một cách khôn ngoan.
Cuối bài viết cần có một lời kêu gọi hành động (CTA) nhưng bài này chưa viết xong, vậy nên có lẽ tôi sẽ hoàn thành sau, nhưng vẫn cần thêm một CTA... Các nội dung về nghiên cứu ngành và đọc báo cáo này đã được đề cập trong khóa học Data Foundation for Marketers trong phần 2, nhưng phần 3 sẽ được cập nhật tiếp (mặc dù kế hoạch đã đầy đủ lịch trình) vì vậy mặc dù trang landing page chưa được cập nhật vì bận rộn với công việc chính và công việc giảng dạy bán thời gian, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ với các bạn quan tâm.