Chắc không ít bạn cũng đã từng gặp tình huống này: Viết CV xong mới nhận ra mình đã nhảy việc nhiều lần và chẳng chỗ nào làm quá 1 năm. Tôi biết có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề nhảy việc.
Có người cho rằng đó là cách thể hiện chính kiến của thế hệ Z, muốn làm những công việc mình thích và sống theo cách mình muốn. Cũng có người cho rằng, việc thay đổi công việc liên tục ảnh hưởng đến sự phát triển chuyên môn trong nghề, cũng là thước đo về khả năng chịu áp lực của nhân viên. Không thể phủ nhận, nhảy việc thường xuyên tạo ra một điểm trừ nhất định trong quá trình phỏng vấn xin việc.
Tại sao nhiều người lại nhảy việc thường xuyên như vậy?
Chán nản trong công việc chắc chắn là cảm giác ai trong chúng ta đều từng trải qua khi đi làm. Lý do có thể xuất phát từ công việc nhàm chán, không có điều gì mới mẻ, bạn không thích lĩnh vực đang làm, bạn cảm thấy không đủ sức lực đáp ứng công việc hoặc đôi khi mối quan hệ trong môi trường công sở có tác động tiêu cực đến bạn... Dần dần, bạn cảm thấy không còn hứng thú với công việc của mình, không muốn đến công ty mỗi ngày và rồi muốn nghỉ làm.
Đối với một số người, cảm giác chán việc đến nhanh chóng, họ có những lối mòn về sự nhàm chán, sự “không ổn” trong công việc và cứ thế lại “bốc hơi” khỏi công ty một cách nhanh chóng. Họ mãi mãi tìm kiếm một sự an toàn 100% và sự hứng thú trong những gì mỗi ngày họ làm ở công ty. Tuy nhiên, hầu như cảm giác đó không đến.
Vậy làm thế nào để “giảm” sự muốn nhảy việc?
Đặt lý trí lên trên cảm giác cá nhân
Nếu bạn nghỉ việc ở một công ty sau vài ba tháng chỉ vì công việc nhàm chán, không hợp với đồng nghiệp, bạn có chắc rằng đó là lựa chọn đúng đắn không?
Nếu bạn muốn nghỉ việc, bạn nên suy nghĩ về những điều sau:
Trong thời gian làm việc tại công ty, bạn đã có sự thay đổi hay tiến bộ như thế nào?
Còn điều gì khiến bạn muốn học ở công ty hay không, cả về chuyên môn, cách làm việc, giao tiếp, tạo mối quan hệ…?
Bạn có niềm vui nào khác ngoài công việc tại công ty hay không?
Bạn có đang có một mức lương ổn không? Và bạn có sự chuẩn bị nào nếu không còn nhận lương hàng tháng?
Bạn đã có dự định rõ ràng nào sau khi nghỉ việc hay chưa?
Nếu bạn cảm thấy mình đang ổn định về thu nhập và cần sự ổn định đó, cũng như còn những điều muốn học, muốn làm, niềm vui khác ngoài công việc tại công ty, hãy lấy đó làm lý do để mình ở lại, cho đến một thời gian đủ dài. Khi bạn làm ở một nơi đủ lâu, quen môi trường làm việc, khả năng của bạn mới được phát huy tốt nhất và điều đó giúp bạn thăng tiến, phát triển hoặc có được thêm những động lực mới để phát triển lâu hơn.
Hãy sử dụng lý trí để trả lời những câu hỏi trên.
Đối với những bạn sinh viên mới ra trường, làm việc đủ lâu tại một nơi nào đó là cực kỳ cần thiết để bạn bồi dưỡng những kỹ năng ban đầu.
Nhảy việc không phải là xấu, nhưng nếu bạn nhảy nhiều công ty vẫn không học được gì, nhảy qua nhiều lĩnh vực khác nhau, sẽ tốn của bạn rất nhiều thời gian. Làm theo những gì mình thích là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bạn hãy “vùng vẫy” trong khuôn khổ để tự rèn luyện bản thân và tỏa sáng. Vì vậy, hãy “nhảy việc” một cách có lý trí bạn nhé!