Ngày xưa, mình thích sự thành công, đặc biệt là những thành tựu mà ai cũng ngưỡng mộ, thành công trơn tru, không một vết xước.
Thành công ngay từ đầu mới là giỏi chứ.
Sau này lớn lên, mình gặp vài người như vậy và nhiều người ngược lại - ra trận 10 trận thì 8, 9 trận thua, hành sự 10 lần thì 8, 9 lần thất bại.
1. Và mình bắt đầu ngưỡng mộ những người ở vế sau hơn
Nguồn: Freepik
Mình biết một người anh trong giới Crypto. Anh ấy bỏ nghề designer với thu nhập không thấp để đầu tư vào bất động sản. Thất bại đâu đó 2 tỷ. Rồi anh lại đầu tư tiếp vào mảng khác cũng thua sạch không có xu dính túi. Đợt đó anh nằm viện, anh thậm chí không có tiền để lo cho ba. Rồi đâu đó vài lần ra quân nữa và anh tiếp tục thất bại.
Mình có một client. Chị ấy có sản xuất, có phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp. Không ít sản phẩm của chị bị khách hàng chê thậm tệ, có sản phẩm cả năm không bán được một cái nào.
Người anh ở trên hiện tại có cuộc sống như ý: mua nhà, mua xe, chu cấp cho gia đình. Anh hài hước và bình tĩnh, có chính kiến và mạnh mẽ trước dư luận.
Người chị ở trên hiện tại có 3 shop với 1 brand local tự mình nghiên cứu sản xuất, 2 brand là NPP độc quyền tại Việt Nam. Tuổi đời công ty 4 năm, quy mô công ty dưới 10 người (cụ thể là ban đầu chỉ có 2 người hoạt động, hiện tại có thêm 3 nhân viên là 5 người. Chị có sản phẩm đứng top 2, top 4 hàng tuần trên sàn S.
2. Tại sao mình chuyển từ ngưỡng mộ những người “đánh đâu thắng đó” sang những người thất bại nhiều lần?
Nguồn: Freepik
Ước lớn nằm ở vị trí đầu của thành công, nhiều khi chính may mắn đưa được người đến địa vị đó. Có người nói rằng may mắn cũng là 1 loại năng lực, tuy nhiên, ý chí và sức mạnh tinh thần vượt qua mọi thứ thách thức mới là điều thiện lương. Vị trên là một món quà từ trời, nhưng vị dưới là do chính sự cố gắng không ngừng, không có phần thuởng cho đó mà vẫn làm nên chuyện mới là người giỏi thật sự.
Ngược lại, người không biết thất bại là gì thì càng nguy hiểm. Lỡ ngã 1 cái có khi đứng lên không được nữa, mà đời này đâu phải toàn hoa hồng?!
Người nhiều thất bại thường có trải nghiệm phong phú. Ví như cùng 1 đích đến, người thất bại họ đi nhiều con đường. Họ gặp đường cụt, đường đá sỏi sình lầy. Gặp cướp, cây đổ ngáng chân. Đủ thứ xui rủi trên đời do ông trời mang đến hoặc do sự thiếu hiểu biết của mình gây ra.
Tuy nhiên, họ biết quan sát địa hình, nhìn cây đón gió. Biết cách phòng thân khi gặp cướp. Thái độ bình tĩnh giải quyết sự cố xảy ra.
Chơi với người như vậy, mình thường học được rất nhiều. Điều đó có ích cho mình hơn những câu chuyện kể của người luôn thành công.
Người chị trên kia từng nói:
Sự đáng sợ không phải là thất bại, mà là cảm giác nhục nhã, thấp kém, bị soi mói.
Miệng thiên hạ là thứ có thể dìm người khác tới dấu chấm cuộc đời. Người nhiều thất bại là đã nhiều lần bước ra từ nước miếng thiên hạ nên tâm thế của họ càng thêm vững vàng. Điều này lại liên quan đến nhân phẩm.
Họ không xen vào chuyện người khác, không bỏ đá xuống giếng, không soi mói phán xét vì từng trải qua. Họ biết cảm thông, thấu hiểu cho người khác hơn và hay có xu hướng trao đi, như chia sẻ kiến thức, hỗ trợ cộng đồng về của về người…
Họ lạc quan, có cái nhìn đa diện & thường tìm ra các điểm tích cực. Những người vui vẻ dễ chịu.
Họ trân trọng bản thân nhưng không tự cao tự đại, không kiêu căng phách lối hay ích kỉ vì đã trả nghiệm cảm giác từ dưới đáy đi lên. Hành trình đó thường giúp họ tìm được giá trị sống, có mục tiêu theo đuổi và chúng thực tế chứ không bánh vẽ ảo mộng.
Nên với mình, người đi qua nhiều thất bại, nhiều va vấp mới là người trưởng thành. Ngược lại, người tô vẻ sự hào nhoáng với các chiến tích lẫy lừng, làm gì cũng suôn sẻ thành công lại khiến mình e dè (nếu là người thân thì mình lo lắng đó).
Lửa thử vàng, gian nan thử ý chí. Mình biết bản thân không phải con cưng của trời và cuộc đời rất nhiều gai cùng đá nên mình thích chơi với những người nhiều thất bại hơn. Ý chí mạnh mẽ của họ khiến mình ngưỡng mộ á.