6. Khám Phá Cơ Hội
4 năm đại học thực sự trôi qua rất nhanh. Nếu bạn chỉ ngồi đó và chờ cơ hội đến với mình, nếu bạn nghĩ rằng tập trung học trên trường, trên lớp là đủ, thì bạn đã và đang lãng phí 4 năm quý giá nhất cuộc đời để phát triển bản thân mình.
4 năm đại học là khoảng thời gian mà bạn không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền. Đây là lúc bạn có thể tìm kiếm và khám phá những đam mê, thế mạnh của bản thân qua những cơ hội, những trải nghiệm quý giá thời sinh viên.
Hãy tự chủ động tìm kiếm cơ hội thông qua các tổ chức tình nguyện, các dự án xã hội, tổ chức phi chính phủ, các cơ hội thực tập, làm thêm và cả các buổi hội thảo, workshop, bootcamp,… để khai thác tối đa tiềm năng và phát triển toàn diện các kỹ năng của bạn trước khi ra trường.
Không ai có thể giúp bạn ngoài chính bạn. Vì vậy, hãy luôn tự chủ động tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội đến với mình.
7. Phát Triển Kỹ Năng Mềm
Bạn đã biết một trong những lời khuyên mà các anh chị sau khi tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động, thậm chí cả những CEO hay giám đốc thường truyền lại cho sinh viên chúng ta là gì chưa?
Đó không phải là lời khuyên về việc học giỏi để đạt điểm cao hay có tấm bằng xuất sắc để xin việc, cũng không phải là việc nhớ hết kiến thức từ những cuốn sách dày cộp trên giảng đường. Mà đó là việc cố gắng rèn luyện và nâng cao kỹ năng mềm trước khi ra trường.
Vì khi bước vào thực tế làm việc, bạn sẽ nhận ra rằng, việc có kiến thức tốt từ trường không đủ để thành công trong sự nghiệp. Bạn không thể nhớ hết kiến thức được học trên trường nhưng những kỹ năng bạn rèn luyện được sẽ luôn ở bên bạn trong suốt cuộc đời.
Hãy tận dụng 4 năm đại học của bạn để phát triển kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, lãnh đạo, kế hoạch hóa, phản biện, đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề, và cả kỹ năng đàm phán, thuyết phục, và nhiều hơn nữa thông qua việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, dự án, cuộc thi, câu lạc bộ, thực tập và làm thêm từ sớm.
Bạn sẽ nhận ra rằng những bước tiến của bạn vượt xa so với những người bạn cùng trang lứa nhờ vào những kỹ năng như thế này.
8. Tìm kiếm những người bạn đáng quý
(Nguồn:Pinterest)Ở đại học, bạn sẽ không còn đi cùng với những người bạn từ thời cấp 3 như trước nữa. Thay vào đó, bạn sẽ gặp gỡ nhiều sinh viên từ mọi miền đất nước, và mỗi lớp học sẽ có những người bạn mới thú vị.
Điều này làm cho việc tìm kiếm bạn bè thân thiết trở nên khó khăn. Thường thì mọi người nghĩ rằng, bạn bè ở đại học chỉ là những người bạn mặt trời trên giảng đường.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể tìm được những người bạn đáng tin cậy. Bằng cách mở rộng mối quan hệ và kết nối, bạn có thể tìm thấy những người bạn đồng hành và có thể sẽ là bạn bè thân thiết suốt đời của bạn.
Tôi đã gặp được những người bạn như vậy khi chúng tôi cùng học nhiều môn học, sống chung trong kí túc xá, tham gia các câu lạc bộ trường, dự án và còn có cả những người bạn từ công việc bán thời gian của mình nữa.
Tại sao bạn bè trong thời đại học lại quan trọng như vậy? Bởi vì, nếu không có ai đó ở bên cạnh bạn chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống học đại học, bạn sẽ cảm thấy rất cô đơn và lạc lõng. Cuộc sống đại học sẽ trở nên tuyệt vời hơn nhiều nếu bạn có những người bạn đồng hành cùng bạn vượt qua mọi thách thức trong học tập và cuộc sống.
Thậm chí, sau khi ra trường, dù bạn theo đuổi các lĩnh vực khác nhau, những người bạn đại học đó vẫn có thể hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, hãy nỗ lực để tìm kiếm những người bạn đáng quý của mình trong thời đại học.
9. Xây dựng thương hiệu cá nhân
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân có vẻ phức tạp nhưng thực ra chỉ là tổng hợp cách mọi người đánh giá và nhìn nhận về bạn.
Ví dụ, ở trường, có những bạn nổi tiếng với kỹ năng thuyết trình xuất sắc, có bạn có thành tích học tập ấn tượng, hoặc có bạn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đó chính là hình ảnh thương hiệu cá nhân.
Có thể bạn nghĩ rằng, để có một thương hiệu cá nhân, bạn phải thật sự nổi bật và xuất sắc. Nhưng thực ra không phải như vậy. Mỗi người có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Dù bạn có cố gắng xây dựng hay không, bạn luôn có một hình ảnh trong mắt người khác. Nhiệm vụ của bạn là hiểu rõ bản thân để bắt đầu xây dựng hình ảnh mà bạn muốn truyền tải.
Bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội và trong thực tế từ năm nhất đại học đã giúp tôi nhiều trong việc xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân và việc làm so với bạn bè cùng trang lứa.
Thay vì tự ti về việc xây dựng thương hiệu cá nhân, hãy tìm xem mình có thể đóng góp gì cho cộng đồng, giúp đỡ người khác, dù là nhỏ nhất. Quan trọng nhất là mong muốn và sự chủ động.
10. Nỗ lực ngay từ đầu
(Nguồn: QuanhwithgenZ)
Bạn có biết điểm khác biệt giữa một sinh viên xuất sắc và một sinh viên chỉ đến lớp để điểm danh là gì không? Đó là sự nỗ lực.
Nếu bạn chỉ muốn nhanh chóng ra trường với một tấm bằng khá, bạn học chỉ để qua môn và lười nhác, lướt facebook, instagram suốt ngày.
Trong khi đó, những người xuất sắc đã dành rất nhiều thời gian giải trí để chăm chỉ học hành, cải thiện điểm số. Họ dậy sớm thức khuya học bài, đọc sách, liên tục tìm kiếm cơ hội tham gia các hoạt động nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó thay đổi tương lai của họ theo hướng tích cực.
Nếu bạn muốn tương lai của mình không mơ hồ và không rối ren, hãy nỗ lực ngay từ đầu, vì mục tiêu của bản thân. Bạn không chịu đánh đổi bây giờ thì sẽ phải đánh đổi bằng tương lai của mình.
Tóm lại, đây là những việc mà mình nghĩ sinh viên nên bắt đầu ngay từ những ngày đầu bước vào đại học để tận dụng tối đa 4 năm quý giá này.
Tuy nhiên, đó không phải là danh sách bạn phải hoàn thành. Mỗi người có những mong muốn và điều kiện riêng. Hãy hiểu rõ bản thân và mục tiêu của mình để bắt đầu xây dựng một kế hoạch 4 năm đại học thú vị cho chính mình.