Bạn đang phản cảm với công việc hiện tại, muốn nghỉ việc ngay lập tức và luôn đặt ra câu hỏi “Có nên tiếp tục làm công việc mình không thích?”. Việc làm này cũng giống như một mối quan hệ, đôi khi cần kiên nhẫn và nhìn nhận từ nhiều góc độ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất!
Không phải ai cũng có thể tìm được công việc hoàn toàn phù hợp với mong muốn của mình. Vì thế, cảm giác “chán chường với công việc” không phải là điều xa lạ. Ban đầu, bạn có thể nhận công việc với niềm hi vọng và hào hứng nhưng sau một thời gian, bạn có thể cảm thấy chán chường và muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, việc quyết định nghỉ việc hay không cần được xem xét kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh. Dưới đây là một số câu hỏi cần suy nghĩ khi bạn phải đối mặt với tình trạng chán chường với công việc hiện tại.
Như đã đề cập, việc gắn bó với công việc cũng giống như việc gắn bó với một mối quan hệ, trên hành trình đôi ta có thể gặp phải mâu thuẫn và khó khăn. Đôi khi, bạn chỉ nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực và quên đi những điểm tích cực của công việc. Hãy bình tĩnh lại và suy nghĩ về những lợi ích mà công việc đem lại. Lợi ích không chỉ bao gồm mặt kinh tế, mà còn ở môi trường làm việc, cơ hội học hỏi, và khả năng phát triển bản thân. Hỏi bản thân bạn, nếu tiếp tục ở lại công việc này, bạn có cơ hội để phát triển bản thân không?
Hãy đưa ra sự so sánh giữa lí do bạn không thích công việc và những lợi ích mà công việc mang lại. Chia tờ giấy thành hai cột và ghi nhận lần lượt những điều tích cực và tiêu cực về công việc hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn suy nghĩ một cách rõ ràng và công bằng hơn khi đối diện với công việc hiện tại.
Dù bạn cảm thấy chán nản và muốn nghỉ việc ngay lập tức, hãy suy nghĩ về tương lai sau khi rời khỏi công việc hiện tại. Đây có thể là một trong những câu hỏi khiến bạn phải do dự trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, suy nghĩ về tương lai không phải là để trở nên bi quan và tiếp tục làm việc với tâm trạng buồn rầu mà là để hiểu rõ hơn về sự cần thiết của công việc hiện tại. Nếu bạn thấy công việc hiện tại vẫn cần thiết với bạn, hãy cố gắng sống hạnh phúc với nó.
Nếu bạn đã tìm thấy công việc mới tốt hơn, quyết định sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa tìm thấy công việc mới, thay vì tự hỏi “có nên nghỉ việc khi chưa tìm được việc mới không”, hãy cố gắng khơi gợi lại đam mê làm việc của bạn. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất như làm mới bàn làm việc để tạo không khí mới. Sau đó, hãy tìm giải pháp cho những vấn đề bạn đang gặp phải. Ví dụ, nếu vấn đề của bạn là về mức lương, hãy thảo luận lại với quản lí, thuyết phục họ rằng bạn xứng đáng với mức lương cao hơn dựa trên cống hiến và năng lực của bạn. Chỉ ra cho họ thấy công ty sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn để tìm người thay thế bạn. Hãy cùng nhau thảo luận để cả hai bên có lợi.
Nếu bạn đã thử mọi cách để thích công việc hiện tại nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề và quyết định “đường ai nấy đi”, hãy dành thời gian nghỉ ngơi ngắn nếu chưa có công việc mới ngay lập tức. Sau đó, suy nghĩ lại về những gì bạn thực sự yêu thích, liệu bạn muốn tiếp tục theo đuổi ngành nghề hiện tại không, và liệu bạn đã sẵn lòng chuẩn bị cho một bước chuyển mới trong sự nghiệp chưa.
Mối quan hệ giữa bạn và công việc cũ giống như một mối quan hệ tình cảm. Sẽ có niềm hy vọng, thất vọng, sự hăng hái và cãi vã. Nhưng điều quan trọng là phải kiên nhẫn, dành cho nhau cơ hội, và nếu quyết định chia tay, hãy làm điều đó một cách bình thản và sáng suốt trong các quyết định tiếp theo. Hi vọng những lời khuyên trên sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi liệu nên tiếp tục công việc mình không thích và sớm tìm ra điểm dừng lý tưởng trên con đường sự nghiệp của mình!