Đã hơn một năm kể từ ngày tôi bắt đầu công việc full-time đầu tiên tại Mỹ: Data Analyst (Chuyên viên phân tích dữ liệu) tại trường Đại học Penn State (The Pennsylvania State University)—cũng là nơi tôi vừa lấy bằng Tiến sĩ.
Ban đầu khi mới bắt đầu công việc này, tôi chỉ nghĩ đây là một công việc văn phòng bình thường, không có gì quá “sexy” cả 🙈 nên ít khi chia sẻ trên blog. Tuy vậy, càng ngày càng có nhiều bạn trẻ—cả Việt Nam lẫn nước ngoài—hỏi tôi về ngành nghề này. Các vị trí tuyển dụng cho ngành này dường như cũng tăng theo cấp số nhân trong năm vừa qua, chứng tỏ sức hút và nhu cầu ngày càng tăng với nghề Data Analytics. Ngay bản thân tôi sau một thời gian làm việc thì cũng hiểu hơn về công việc này và thấy yêu quý nó hơn cả thời điểm tôi mới nhận được việc làm.
Bởi vậy, bài viết này phân tích năm khía cạnh lớn nhất nghề này, dưới quan điểm và kinh nghiệm thực tiễn của tôi, bao gồm: (1) Data Analyst là gì, (2) Hành trình của tôi đến với nghề này, (3) Các kỹ năng cần thiết cho công việc, (4) Kinh nghiệm để trở thành một Data Analyst giỏi, và (5) Lời khuyên để chuẩn bị một hồ sơ cạnh tranh cho vị trí Data Analyst.
Lưu ý nhỏ trước khi đọc: Trong quá trình thực hiện bài viết, tôi đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu cả tiếng Anh và tiếng Việt, khảo sát nhiều vị trí tuyển Data Analyst tại nhiều ngạch công việc khác nhau ở các quốc gia để viết một bài khách quan, khái quát, và có tính ứng dụng cao nhất. Tuy nhiên, do đặc thù là ngành tương đối mới và ở mỗi ngạch công việc lại có yêu cầu khác nhau nên một bài viết nhỏ không thể bao quát được hết từng vị trí. Do vậy, thông tin dưới đây chỉ có tính tham khảo và bạn đọc nên tự nghiên cứu, tìm tòi, và kiểm chứng thông tin cho riêng mình.
DATA ANALYST LÀ GÌ?
Đúng như tên gọi, Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst) tập trung vào việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu để đưa ra quan sát, nhận định, báo cáo về một vấn đề cụ thể. Mục tiêu của báo cáo phân tích dữ liệu là giúp lãnh đạo hiểu rõ hơn về tình hình thực tế và hỗ trợ quyết định dựa trên dữ liệu.
Nguồn ảnh: Google
Đây là một công việc mang ý nghĩa và tầm quan trọng đối với mọi tổ chức và doanh nghiệp. Trong thời đại số hóa, số liệu trở nên vô cùng quan trọng với sự lan truyền của dữ liệu từ mạng xã hội, khảo sát, ý kiến khách hàng... Lãnh đạo nhạy bén cần hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn. Với lượng dữ liệu khổng lồ như vậy, cần có người có khả năng tổng hợp, phân tích và diễn giải số liệu thành thông tin hữu ích nhất.
Tuy nhiên, mỗi vị trí Data Analyst khác nhau tùy thuộc vào ngành công nghiệp, tổ chức và loại dữ liệu. Việc tìm hiểu hoàn cảnh và ngạch công việc là rất quan trọng khi bắt đầu nghề này.
Trước khi đưa ra lời khuyên về ngành này, tôi sẽ chia sẻ hành trình của mình trong việc trở thành một Data Analyst.
HÀNH TRÌNH CỦA TÔI TRỞ THÀNH DATA ANALYST
Ban đầu, tôi phải thừa nhận rằng Data Analyst không phải là công việc mơ ước của tôi theo nghĩa là tôi không chủ động lựa chọn nó như một mục tiêu nghề nghiệp. Thực tế, tôi bắt đầu công việc này không phải vì đam mê mà hơn là do một sự tình cờ và cảm giác bị đẩy đến.
Khi tôi đang viết luận án Tiến sĩ tại Mỹ, tôi bắt đầu tìm kiếm công việc full-time vì tôi muốn có việc làm sẵn khi tốt nghiệp. Đồng thời, việc đi làm cũng giúp tôi giảm stress và trở lại với bản thân sau thời gian đầy áp lực khi sinh con. Tuy background của tôi là nghiên cứu giáo dục và ban đầu tôi muốn làm giảng viên hoặc nhà nghiên cứu sau khi tốt nghiệp, nhưng tôi nhận ra thị trường việc làm trong ngành này rất hạn chế và cạnh tranh cao. Vì vậy, tôi quyết định thử sức với những công việc khác, mặc dù không phải là lựa chọn ban đầu của mình.
Tôi tình cờ biết vị trí Data Analyst tại trường Đại học Penn State qua thông tin tuyển dụng.
Tuy chỉ có thông tin ngắn gọn về vị trí Higher Education Data Analyst, nhưng tôi cảm thấy mình đủ khả năng để thực hiện công việc này. Dù không được đào tạo chuyên sâu về số liệu, nhưng qua quá trình nghiên cứu, tôi đã làm việc với nhiều dữ liệu và sử dụng nhiều phần mềm phân tích số liệu. Với kiến thức vững vàng về giáo dục và context của nhà trường, tôi tự tin nộp đơn ứng tuyển.
Tôi bắt đầu công việc chính thức khi con trai của tôi 6 tháng tuổi.
Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Higher Education Data Analyst. Dù không có đào tạo chuyên sâu nhưng thông qua kinh nghiệm nghiên cứu, tôi tự tin làm việc với số liệu và hiểu rõ về ngành giáo dục tại Mỹ. Với những kỹ năng này, tôi đã dám bước ra khỏi vùng an toàn để thực hiện công việc này.
Sau hai vòng phỏng vấn qua Zoom và trực tiếp với hơn 20 cán bộ trong trường, tôi nhận được offer công việc!
Nguồn ảnh: Google
Qua quá trình tìm kiếm vị trí Data Analyst, tôi đã trải qua không ít trắc trở. Tuy nhiên, những thách thức này đã giúp tôi trưởng thành và học hỏi được nhiều điều bổ ích.
Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này để bạn có thể thấy cách tôi vượt qua những khó khăn và trở thành một Data Analyst thành công dựa trên kinh nghiệm của mình và bài học từ người đi trước.