TÌNH HUỐNG 1: CHỌN SAI NGÀNH VÀ NHẬN THẤY KHẢ NĂNG CỦA BẢN THÂN KHÔNG PHÙ HỢP
Ví dụ, một người chọn học Kế toán vì nghe mọi người nói rằng 'Học kế toán ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm' hoặc 'Gia đình có người làm kế toán, học xong là có việc'.
Tuy nhiên, họ không thực sự yêu thích con số, không chú ý đến chi tiết và thiếu kiên nhẫn khi phải làm việc với số liệu. Khi học các môn trong ngành Kế toán, họ cảm thấy chán chường, không hiểu gì và liên tục trượt môn.
Nếu bạn đang ở trong tình huống này, tôi khuyên bạn nên ngồi xuống và suy nghĩ cẩn thận, xem xét việc dừng học ngành này để tìm hiểu thêm về bản thân và xem lĩnh vực nào phù hợp hơn, từ đó có thể ôn lại và thi tốt hơn.
Nếu đã dành mất một năm, hai năm để theo đuổi ngành này rồi - giờ muốn nghỉ thì cũng hơi ngần ngại. Nhưng hỡi bạn, phải can đảm lên. Hãy nghĩ xem, nếu tiếp tục bỏ thêm 2-3 năm nữa để theo đuổi một ngành hoàn toàn không phù hợp với khả năng tự nhiên của bản thân, hậu quả sẽ thế nào? Điểm số không cao, tâm lý bị ảnh hưởng, dễ tự ti và không có nhiều thời gian để theo đuổi sở thích.
Lúc này nên chuyển ngành thôi!!!
TÌNH HUỐNG 2: NHẬN THẤY HỌC SAI NGÀNH NHƯNG VẪN HỌC TẠM ĐƯỢC
Ví dụ, một bạn học ngành Kế toán, điểm số vẫn khá ổn, hiểu được các thuật ngữ của ngành, trả lời được câu hỏi từ giáo viên, làm được công việc nếu được giao - chỉ đơn giản là thấy chán và không có động lực khi làm công việc này, chỉ học để qua môn hoặc làm đủ để vừa lòng chứ không tìm hiểu sâu về ngành. Bạn có thể nhận ra rằng mình thích Marketing hơn hoặc một ngành nào đó khác.
Với trường hợp này, tôi nghĩ có thể có hai lựa chọn như sau:
1) Tiếp tục học
Mặc dù bạn cảm thấy không hứng thú, nhưng vẫn có thể quyết định tiếp tục học - bởi vì bạn vẫn có khả năng học tốt. Trong quá trình học, hãy dành thời gian để quan sát và suy ngẫm về những kỹ năng và kiến thức bạn học được và suy ngẫm xem chúng có thể hữu ích cho tương lai của bạn như thế nào. Ví dụ, những ai học kế toán và có nền tảng tốt về tài chính, sau này chuyển sang ngành marketing sẽ rất có lợi vì có khả năng làm việc với con số tốt, từ đó lên kế hoạch tài chính hiệu quả hơn.
Mặc dù bạn không hứng thú với ngành học của mình, nhưng vì bạn vẫn có khả năng học tốt, không cần phải dành nhiều thời gian để học mà vẫn không bị trượt môn, vì vậy bạn vẫn có thể dành thời gian rảnh rỗi để tham gia các câu lạc bộ hoặc làm thêm ở lĩnh vực mình yêu thích.
Ví dụ, nếu bạn quan tâm đến marketing, bạn có thể tham gia câu lạc bộ Marketing tại trường, tham gia các hội thảo về marketing hoặc nếu bạn là sinh viên năm cuối, bạn có thể xin thực tập ở một công ty marketing không lương. Khi tham gia và thực hiện các hoạt động ngoại khóa này, bạn cũng nên dành thời gian để suy ngẫm về những kiến thức và kỹ năng mình thu được và chúng có thể hỗ trợ cho công việc trong tương lai bạn đang theo đuổi.
2) Nghỉ một thời gian
Đây là lựa chọn của nhiều bạn hiện nay - nghỉ một năm để hiểu rõ hơn về bản thân. Thực ra, bạn không nhất thiết phải nghỉ một năm, nhưng có thể đặt một khoảng thời gian nhất định cho bản thân như là nghỉ 3 hoặc 6 tháng chẳng hạn.
Nhưng nghỉ không phải là để ở nhà đi du lịch hoặc xem phim, không như vậy đâu nhé. Nghỉ để dành thời gian để suy ngẫm, tham gia các hoạt động để hiểu rõ hơn về bản thân. Sau thời gian nghỉ, bạn phải đưa ra quyết định cho bản thân. Có thể tiếp tục, hoặc dừng để học một ngành khác.
Thực ra, không có quyết định nào đúng hay sai trong những lựa chọn trên cả, quan trọng là khi chúng ta đưa ra một quyết định, chúng ta cho thấy với bản thân và những người xung quanh rằng, chúng ta sẵn lòng chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình - điều đó đã là một bước nghiêm túc trong sự nghiệp.
Chúc các bạn đang tìm kiếm hướng đi của mình sớm tìm được con đường riêng của mình.