Bạn đã từng cảm thấy ngần ngại khi muốn chia sẻ ý kiến, suy nghĩ hoặc điều gì đó với người khác chưa?
Nhìn vào sâu bên trong, mình cũng đã trải qua cảm giác ngại ngùng khi muốn chia sẻ. Đôi khi, mình lo lắng liệu những gì mình chia sẻ có chính xác không, mình sợ bị phê phán nếu ý kiến của mình trái ngược với ý kiến chung, và mình cũng lo lắng liệu có ai đón nhận những điều mình chia sẻ không.
Thực ra, có nhiều lý do dẫn đến tâm lý “ngại chia sẻ” của mình. Mình nhận ra rằng, việc chia sẻ cũng là một cách để giao tiếp với chính mình và với người khác bằng một cách nào đó.
1. Tâm lý “có gì thì mới dám chia sẻ”
Một ngày nọ, khi mình nghe một bài podcast kể về hành trình phát triển bản thân thông qua việc xây dựng thương hiệu cá nhân của một người anh, anh ấy nói: “Bất kỳ điều gì anh cũng dám chia sẻ, vì anh biết mình không có gì để mất. Nếu mắc sai lầm, anh có thể sửa chữa. Nếu không đúng, anh có thể điều chỉnh. Hành trình chia sẻ đó chính là hành trình phát triển bản thân. Quan trọng là anh thấy rằng, anh là chính anh khi anh chia sẻ”.
Mình luôn nghĩ rằng phải đạt được một cái gì đó, một thành tựu nào đó mới đủ tự tin để chia sẻ với cộng đồng xung quanh. Điều đó đúng, nhưng không hoàn toàn. Bạn có thể viết, chia sẻ lên các kênh cá nhân trước tiên cho bản thân mình. Quan trọng là những điều mà chúng ta chia sẻ không phải dành cho tất cả, mà chỉ cho những ai thực sự quan tâm.
Có thể là viết, nói, chụp ảnh, quay phim, tất cả đều là phương tiện để bạn thể hiện bản thân. Đôi khi, việc chia sẻ trong những thời điểm khó khăn nhất có thể cứu vớt cuộc đời của bạn khi mà bạn tưởng chừng như không có lối thoát.
Nguồn ảnh: Pinterest
Mình luôn nhớ rằng việc viết, chia sẻ trước hết và quan trọng nhất là cho chính mình, không phải ai khác. Bạn nói dở, viết dở, thể hiện dở, đó là của bạn và là duy nhất. Đừng để những niềm đau trở thành quả bom nổ chậm, cũng đừng để niềm vui chỉ là của riêng mình.
2. Nghi ngờ về khả năng viết, nói, chia sẻ của bản thân
Tôi đã viết suốt 5 năm, nhưng không liên tục. Có lúc cao hứng thì viết liên tục, cũng có lúc buồn bã, chán nản thì không muốn làm gì, huống chi là viết. Viết không bao giờ là năng lực mà mình nghĩ mình có thể làm giỏi. Nhưng mình càng viết, mình càng thấy mình tiến bộ, giúp mình có thể chia sẻ ý nghĩ ra một cách dễ dàng và tinh tế hơn.
Đến thời điểm này, đôi khi mình tự nghĩ việc viết là đam mê hàng đầu của mình. Nhưng nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở năng lực sẵn có mà không được rèn luyện, tự phát nhiều hơn là tự giác, kỷ luật và có kế hoạch, thì khi muốn tiến xa hơn, bạn phải đặt công việc của mình vào khuôn khổ và chuyên nghiệp, từ đó hoàn thiện những điều chưa tốt và làm mạnh hơn những điều đã có.
Để viết tốt và chia sẻ tốt, chúng ta cần đọc nhiều hơn, bởi những người viết thường rất chăm sóc và trau chuốt cho những dòng văn của họ. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ cách họ thể hiện suy nghĩ của mình. Hơn nữa, để viết tốt, đôi khi cần phải học thêm vài kỹ năng viết. Có nhiều cách để học, nhưng cách nhanh nhất là học từ những người giỏi hơn. Nếu không, bạn hoàn toàn có thể học từ kinh nghiệm của chính mình, cách này mất thời gian hơn một chút.
3. Sợ không có ai quan tâm khi chia sẻ
Như đã nói ở trên, trước hết, hãy chia sẻ vì bản thân bạn, chứ không phải vì ai khác.
Viết nhật ký là một cách như vậy. Viết cho chính mình, không cần phải chia sẻ với ai cả, và hoàn toàn có thể. Nhiều năm sau, khi bạn đọc lại, bạn sẽ nhận ra giá trị đích thực của những dòng viết đó, mặc dù cũng có thể cảm thấy hài hước với chính bản thân mình. Tất cả đều là một phần của hành trình trưởng thành của chúng ta.
Nếu bạn viết trên blog hoặc trên trang mạng xã hội cá nhân, cũng tương tự như vậy. Dần dần, chúng ta sẽ tìm thấy những người bạn cùng chí hướng với chúng ta về những chủ đề mà chúng ta chia sẻ.
“Chúng ta không viết cho mọi người, mà viết cho chính bản thân, cho những ai cần đọc và chia sẻ cùng nhau như một gia đình nhỏ thân thương.”
Bạn biết không, tôi cảm thấy may mắn vì không chỉ có mình là khán giả của bản thân, mà còn có những người bạn luôn yêu thương tôi. Hầu như mọi người đều đọc những gì tôi chia sẻ, quan tâm đến cuộc sống của tôi, đặc biệt là vợ tôi.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết, bạn có nhiều người quan tâm hơn bạn nghĩ, họ luôn theo dõi cuộc sống và suy nghĩ của bạn. Họ luôn ủng hộ và hy vọng điều tốt đẹp nhất dành cho bạn.
Lo lắng về sự chỉ trích, cảm thấy xấu hổ và gây ra tranh cãi
Khi viết, tôi luôn sợ điều này nhất: sau khi đăng bài, tôi thường tự hỏi liệu suy nghĩ và quan điểm của mình có đúng không. Nếu có ai đó bình luận chỉ trích hoặc sửa đổi, tôi thường muốn xóa bỏ chúng và suy nghĩ suốt cả ngày. Rồi tôi tự hỏi, tại sao lại như vậy? Liệu có cách nào khác không?
Thực ra, đó chỉ là cơ hội để trở nên tốt hơn, vì không ai hoàn hảo, kể cả những gì chúng ta chia sẻ. Mỗi người đều đang trưởng thành và hoàn thiện từng ngày, chỉ cần sửa chữa những gì sai lầm và điều chỉnh những gì cần thiết, không để những thứ đó làm suy giảm động lực.
Bạn có biết không? Mỗi khi bạn viết, bạn tập trung và duy trì, những gì bạn chia sẻ có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với bạn nghĩ.
Nguồn ảnh: pinterest
Là một người trẻ khởi nghiệp, tôi thường đề cập đến chủ đề khởi nghiệp trong các bài viết của mình. Tôi chia sẻ với tâm trạng của bản thân hơn là chỉ dạy người khác phải làm gì để thành công. Bởi vì tôi chưa thành công gì cả, việc chia sẻ từ trải nghiệm thực tế hiện tại có thể sẽ có ý nghĩa hơn là đợi đến khi thành công rồi mới chia sẻ. Tôi tin rằng những gì thực sự, những kinh nghiệm chân thành nhất đều đến từ thời điểm hiện tại, không qua bộ lọc. Việc học hỏi từ những người đi trước có thể giúp tôi thu hút thêm những mối quan hệ tích cực. Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ về khởi nghiệp, công nghệ, phát triển bản thân, và đặc biệt là Agritech.
Chia sẻ không chỉ là việc cho đi mà còn là cách nhận lại mà không hồi kết. Tôi mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn với mọi người, vì không ai biết được những hạt cát này sẽ bay xa đâu.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng ĐỪNG NGẠI.
Đừng ngần ngại chia sẻ những điều tốt đẹp, bởi vì chúng quá ít so với những điều không tốt đẹp. Thế giới của chúng ta rất nhỏ bé so với thế giới rộng lớn ngoài kia. Những điều bạn ngại ngùng, xấu hổ thật sự không đáng để quan tâm, ngoại trừ bạn. Hãy chiến thắng chính mình trước khi thách thức người khác.
Tôi chia sẻ vì bản thân tôi, với mục đích đầu tiên là tự thấu hiểu, và nếu có ai đó đồng cảm, thì sẽ lan tỏa điều đó.
Chia sẻ là cách chúng ta kết nối với bản thân và với thế giới xung quanh thông qua các phương tiện giao tiếp. Đó là một phần tự nhiên không thể thiếu đối với mọi người.
Huỳnh Thanh Dư