“Mày có hâm không, sao lại nghỉ học lúc này! Năm 3 rồi đấy, đã hơn một nửa chặng đường rồi, cố nốt để có bằng đi.”
“Nghỉ học xong đổi ngành thì có phải phí tiền không, công sức 2 năm qua không!”
Khi tôi chia sẻ với anh chị, bạn bè rằng tôi muốn nghỉ học để trải nghiệm đa dạng công việc cũng như để tự nhìn nhận bản thân và tìm kiếm đam mê thực sự, phản ứng từ mọi người xung quanh đã khiến tôi lưỡng lự trong vài tuần.
Nghĩ lại về một hành trình đầy khó khăn từ cấp 3 đến năm 2 đại học, tôi không ngần ngại thú nhận. Một người từng đứng đầu trường với điểm thi đại học cao chót vót, một người từng được coi là “đứa con nhà người ta” lại bỏ học giữa chừng. Ba mẹ tôi đã rất sốc khi tôi đưa ra quyết định này nhưng tôi vẫn kiên quyết thực hiện.
Tôi là sinh viên cuối năm hai chuyên ngành Kế Toán của trường “Stanford Giải Phóng” (Kinh Tế Quốc Dân - NEU). Đỗ hoàn toàn bằng điểm thi đại học, không cần IELTS, không giải tỉnh, không có kinh nghiệm tham gia hoạt động ngoại khóa, tôi bước vào cánh cổng của đại học với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận kiến thức. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng học, tôi hoàn toàn bị sốc bởi sự khắc nghiệt ở đây.
Chưa từng phải chịu áp lực từ đồng trang lứa, giờ đây tôi trải qua mọi cảm giác từ áp lực từ bạn bè. Trong khi bạn bè ai nấy đều năng nổ và tài giỏi, tôi càng trở nên tự ti hơn.
Tôi đã thử tham gia vào nhiều câu lạc bộ nhưng đều bị loại, tham gia vào các cuộc thi lớn nhỏ nhưng luôn thất bại ngay từ vòng đánh giá năng lực.
Áp lực ngày càng gia tăng không làm tôi tốt hơn, ngược lại chỉ gây ra cảm giác chán nản. Tôi ghét việc phải đến trường, chán các môn học chuyên ngành toàn lý thuyết; khi rảnh rỗi, tôi chỉ nằm ườn lướt web. Hai năm đại học trôi qua như là một sự lãng phí!
Vào cuối năm hai, tôi bắt đầu thực hiện những bước thay đổi đầu tiên để cố gắng thoát khỏi tình trạng tiêu cực, tìm cách vực dậy. Năm gap year của tôi bắt đầu từ đó.
Mình không tập trung vào việc kiếm tiền nhưng vẫn tham gia một số công việc, dù lương không cao nhưng đủ để thử sức. Mình thực tập và làm việc ở hai nơi chính thức và một số nơi không chính thức, để trải nghiệm và kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mình cũng tham gia các dự án cộng đồng, làm CTV tổ chức sự kiện tại các trường đại học khác. Mình thử sức với việc làm MC, đạt IELTS 6.5, đi du lịch và sống tại một thành phố khác trong 3 tháng.
Tính ra, năm gap year của mình thành công hơn cả mong đợi. Quan trọng hơn cả, nó giúp mình nhận ra rằng mình đam mê công việc tổ chức sự kiện đến vậy. Một số kinh nghiệm mà mình rút ra sau khi “nghỉ giữa chừng” là:
- Nếu bạn thích điều gì, hãy làm nó hết mình.
- Hãy tự lập tài chính, nếu không bạn sẽ không có quyền gì để đòi hỏi.
- Hãy khám phá những nơi mới, nơi mà không ai biết bạn.
- Mọi thứ đều cần thời gian để phát triển.
Mình không khuyên ai nên nghỉ học giữa chừng, nhưng nếu bạn đang phân vân, mình tin rằng sẽ một ngày nào đó, bạn sẽ tìm thấy điều mình thực sự yêu thích theo cách riêng của bạn.