Nhiều bạn thường hỏi tôi làm sao để tham gia vào các tổ chức lớn trong và ngoài nước khi tôi vẫn đang học ở cấp 3 và cách để tôi apply vào những tổ chức đó.
Thường thì, ở tuổi này, các bạn thường tham gia các hoạt động do các bạn học sinh, sinh viên tổ chức và thành lập như các câu lạc bộ, dự án cộng đồng hoặc các sự kiện nhỏ. Kể từ lúc học lớp 10, tôi cũng bắt đầu cuộc hành trình hoạt động ngoại khoá của mình với những hoạt động như vậy. Tôi là một người dành 9 năm để đi học chỉ để học và không biết gì về khái niệm hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động xã hội cho đến khi vào cấp 3. Mục đích ban đầu của việc tham gia hoạt động ngoại khoá của tôi chỉ là vì tò mò, muốn trải nghiệm và gặp nhiều bạn hơn. Sau này, tôi nhận ra rằng điều này cũng là một điểm cộng quan trọng trong hồ sơ apply đại học và CV của tôi.
Càng tham gia, tôi càng thấy thích thú và học được nhiều kĩ năng hơn. Ban đầu có thể tôi làm chưa được tốt lắm nhưng càng về sau, khi tôi có kinh nghiệm hơn, tôi muốn phát triển hơn trong lĩnh vực này. Tôi còn nhớ tổ chức lớn đầu tiên mà tôi tham gia là tổ chức Thanh niên ở Đông Nam Á, lúc đó là cuối năm lớp 10. Tôi đảm nhận vai trò là Đại sứ tại Việt Nam và để nhận được cơ hội này, tôi đã trải qua rất nhiều vòng xét duyệt. Mặc dù những kinh nghiệm từ các dự án, câu lạc bộ mà tôi đã tham gia không quá lớn nhưng cũng đủ để tôi apply thành công. Sau đó, tôi có cơ hội trở thành Quản lý một số chương trình Thanh niên ở đó, thành lập và phát triển các dự án riêng của mình, được đi nhiều nơi và quen biết nhiều người nổi tiếng trong 2 năm cuối cấp ba. Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều cần thời gian và công sức, vì vậy các bạn có thể bắt đầu như tôi, từ những thứ nhỏ đến lớn để trau dồi kinh nghiệm và trải nghiệm.
Nguồn ảnh: behance
Không những thế, các bạn nên nuôi dưỡng cho bản thân tinh thần 'dám dấn thân, dám thử sức'. Không phải mọi tổ chức, dự án hoặc công việc đều chấp nhận tôi vì đã có nhiều lúc tôi apply và bị từ chối. Nhưng tôi không ngừng cố gắng vì tôi coi những thất bại đó là một trải nghiệm để tôi cải thiện hơn ở những lần sau. Bên cạnh đó, tôi luôn sẵn sàng apply vào các công việc, tổ chức mà thường mọi người nghĩ là không phù hợp với độ tuổi của tôi, chỉ cần tôi hứng thú với lĩnh vực của tổ chức đó.
Một trải nghiệm đặc biệt là hè lớp 11, tôi đã tham gia vào một chương trình phát triển chỉ dành cho sinh viên từ 18 tuổi trở lên và trở thành thành viên duy nhất dưới 18 tuổi trong 3 khoá của chương trình với hồ sơ ở top đầu. Sau khi tham gia, tôi ứng cử lên làm Phó ban Điều hành và cũng đã thành công. Một câu chuyện khác là khi tôi 16 tuổi, tôi dũng cảm nộp hồ sơ cho một công ty, tham gia phỏng vấn và trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất. Tôi được làm việc với những người giỏi và giàu kinh nghiệm, tôi được lên làm Điều phối, Leader các show, sự kiện lớn trong và ngoài nước, đạt được nhiều thành tựu và kỹ năng so với đa số bạn bè cùng trang lứa.
Có những trải nghiệm này từ sớm đã giúp cho sự phát triển của tôi rất nhiều và làm cho quãng thời gian tuổi trẻ trở nên đầy màu sắc hơn. Tôi đã đặt chân đến những nơi mà trước đây tôi không dám nghĩ đến như Đại sứ quán, Liên hợp Quốc,…, trau dồi kỹ năng và khả năng ngoại ngữ giúp tôi tự tin hơn, gặp gỡ các CEO, Founder, và các bạn bè, anh chị giỏi giang để học hỏi. Và điều này thực sự quan trọng với một người tự định hướng tương lai như tôi vì sau mỗi công việc, hoạt động, tôi tự nhìn nhận bản thân tốt hơn, nhận ra điểm mạnh điểm yếu, sở thích và mục tiêu sống.
Nguồn ảnh: Tổ chức Phi lợi nhuận
Tóm lại, bất kể tuổi tác hay quá trình học vấn của bạn như thế nào, hãy sẵn sàng thử sức. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nhưng chúng ta sẽ học được nhiều bài học quý giá khi nắm bắt mọi cơ hội.