Đối với riêng tôi, niềm hạnh phúc còn ngập tràn hơn khi trước khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi đã trải qua vòng phỏng vấn và sau 'cuộc chiến cam go' với những người bạn học của mình, tôi đã chính thức được nhận vào vị trí DƯỢC SĨ tại một văn phòng đại diện của một công ty Dược phẩm hàng đầu trên thị trường Dược phẩm Việt Nam lúc đó.
Và chỉ sau 3 ngày nhận bằng tốt nghiệp, tôi đã bay vào TP.HCM tham gia khóa Đào tạo dành cho nhân viên mới của công ty. Khóa đào tạo diễn ra liên tục trong vòng một tháng tại những địa điểm sang trọng nhất của vùng đất phương Nam. Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm làm sao có phòng ngủ khách sạn, thưởng thức tiệc buffet và ngồi uống cà phê trong những quán cà phê cao cấp tại Quận I. Cuối tuần chúng tôi lại cùng nhau đến khu vực đường Đề Thám hay Bùi Viện để mua 1 vé đi tour du lịch sông nước miền Tây.
Lúc đó, cuộc sống thực sự là vượt ngoài sức tưởng tượng trước đây của tôi. Thiên đường dường như đang tồn tại giữa thế giới hiện thực. Trong suốt thời gian đào tạo, chúng tôi tiếp xúc với biết bao kiến thức mới từ nền tảng Y học, Dữ liệu sản phẩm bao gồm cả Tính năng và Lợi ích sản phẩm, Đối thủ cạnh tranh cho đến Kỹ năng bán hàng, sau đó là Công việc thực tế... mỗi ngày lại tiếp cận với kiến thức mới, với một người vừa mới tốt nghiệp và bắt đầu bước vào nghề DƯỢC SĨ thì thật sự không còn gì bằng.
Sau một tháng 'ăn nằm' tại Sài Gòn, chúng tôi đã kết thúc khóa đào tạo, chính thức được phân công nhiệm vụ và bàn giao công việc. Tính từ đây, một hành trình mới đã bắt đầu.
Ngày đó, lịch làm việc của tôi là: 8h sáng bắt đầu ra đường thực hiện công việc tại các địa bàn gọi là field work (bệnh viện hoặc phòng mạch), 10h gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để giới thiệu sản phẩm của công ty, 11h30-12h về nhà ăn trưa hoặc hẹn đi ăn trưa cùng bác sĩ, 2h chiều tiếp tục đi field tại các địa bàn khác, 4h-5h lại hẹn bác sĩ đi nhậu cho đến tận khuya.
Tất nhiên, vào thời điểm đó các công ty Dược còn hỗ trợ cho nhân viên nhiều, chúng tôi chỉ việc mời bác sĩ đi ăn để xây dựng mối quan hệ, hoá đơn mang về công ty thanh toán. Việc mời bác sĩ đi ăn vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của một DƯỢC SĨ thời điểm đó.
Thời gian ban đầu DƯỢC SĨ mới thường phải đi field để làm quen và tạo mối quan hệ với các đối tác liên quan gồm key doctors, pharmacists có khi là cả accountants, rồi thậm chí nurses và cả những private pharmacies xung quanh bệnh viện nữa.
Lúc đó “tài sản” quan trọng nhất của tôi là chiếc điện thoại. Không phải chiếc điện thoại đắt tiền mà quan trọng là những số điện thoại của đối tác tôi lưu trong đó. Khoảng thời gian 3 tháng đầu là lúc tôi phải làm việc cật lực thực sự để xác định được key doctors group, rồi sau đó tạo được mối quan hệ đối tác thân thiết và bền vững.
Tất nhiên không DƯỢC SĨ nào có khả năng tạo được mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ bác sĩ nào, do đó việc tranh giành key doctors là một cuộc chiến thực sự giữa DƯỢC SĨ của các công ty có cùng dòng sản phẩm. Việc căn thời gian khi nào bác sĩ rảnh để vào gặp cũng là một thử thách cho người mới vào nghề như tôi.
Tuy nhiên sau khi đã quen với bác sĩ thì việc gặp gỡ họ lại cực kỳ đơn giản, có khi là đầu giờ làm việc tranh thủ vào tặng tờ báo, bao thuốc hay chỉ đơn giản chào một câu “Chào anh, anh khỏe chứ?” thực ra đó là một cách nhắc khéo họ nhớ tới sản phẩm của mình. Thậm chí có thể gặp họ ngay cả khi họ đang khám bệnh hoặc hẹn một buổi tối nào đó tới nhà chơi hoặc mời cả gia đình họ ăn tối.
Nói chung nếu đã thiết lập được mối quan hệ tốt với bác sĩ thì hiệu quả công việc không gắn nhiều vào field work nữa. Chính điều này đã giúp cho nhiều DƯỢC SĨ có thể làm việc cho 2, 3 thậm chí nhiều hơn 3 công ty cùng một lúc.
Tất nhiên đi kèm với đó là thu nhập thực của DƯỢC SĨ rất cao, thậm chí 20-30 triệu/tháng ở thời điểm đó. Quả là mức thu nhập quá hấp dẫn. Net salary của DƯỢC SĨ các hãng nước ngoài thì cao nhưng real income thì có lẽ thua DƯỢC SĨ của các công ty TNHH bởi vì high commission (hoa hồng). Tuy nhiên có một điều mà ít nhất DƯỢC SĨ các hãng có quyền tự hào là được đào tạo rất bài bản và có cảm giác được làm việc trong một môi trường hiện đại, chuyên nghiệp.
Điều đó giúp tôi hoàn thành và vượt mức target mà công ty giao cho. Thời gian rảnh rỗi nhiều, tôi thường xuyên phone cho bạn bè, hầu hết cũng là DƯỢC SĨ, hẹn nhau uống cà phê, ăn nhậu hay đơn giản chạy xe dạo phố.
Mà quả đúng vậy, thời gian chủ yếu chúng tôi dành cho các quán cà phê, quán nhậu, tối tối thường sớm nhất cũng 9h đêm mới về nhà. Cuộc sống ban đầu cứ trôi đi trong ‘’bình yên’’ như vậy cho đến khi tôi chợt nhận ra rằng tôi đang tự đánh mất chính bản sắc của con người mình.
Trước khi quyết định trở thành TRÌNH DƯỢC VIÊN, tôi không có nhiều sự lựa chọn về công việc, đơn giản là vì nhà tôi nghèo, và lúc đó chỉ có nghề này mới có thể mang lại cho tôi ‘’nhiều’’ tiền ngay được. Đó chính là một bi kịch hay hài kịch đối với nhiều tân dược sĩ???
Những buổi uống cà phê, hát karaoke, rồi những cuộc nhậu với đối tác dần trở thành quá nhàm chán vì TRÌNH DƯỢC VIÊN thường đóng vai trò “kẻ dưới’’ trừ những trường hợp tạo được mối quan hệ đặc biệt thân thiết với đối tác có thể coi nhau như anh em trong một nhà.
Nhiều đêm tôi thao thức nghĩ lại quãng thời gian đã qua mình đã làm được những gì, có đạt được như mong đợi hay không, chợt thấy mình dần và gần như vô hiệu hóa chính bản thân mình, chính những gì đã dày công tạo nên.
Những lúc rảnh rỗi ngồi uống cà phê với bạn bè, chúng tôi đều có chung một tâm trạng như vậy. Ngoài đồng tiền lương, chúng tôi còn lại những gì: những mối quan hệ hời hợt và bất bình đẳng với bác sĩ, con đường sự nghiệp dấm chân tại chỗ, công việc không ổn định và có nguy cơ chuyển công ty bất cứ lúc nào, kiến thức dày công tu luyện gom góp bao nhiêu năm trời dần dần bị lãng quên và quan trọng là không có dấu hiệu cho một tương lai tốt đẹp về công danh, vật chất hoặc cả hai.
Có lẽ tôi đã đi lạc đường? Không phải vậy. Tôi đã đi đúng đường. Nhưng tôi phải dừng lại, không được bước tiếp nữa vì phía trước là vực sâu thẳm. Tôi phải rẽ sang ngã khác hoặc là tôi sẽ bị rơi xuống vực. Và tất nhiên tôi đã chọn giải pháp đầu tiên. Và cũng lúc ấy tôi mới nhận ra rằng tiền bạc không phải là tất cả. Tôi quyết định làm lại từ đầu, muộn còn hơn không, đó là triết lý phương đông mà chúng ta đã thấm nhuần.