Xin chào các bạn, đã là năm thứ 6 kể từ khi mình bắt đầu học tiếng Trung. Mặc dù so với mọi người khác, kiến thức của mình chỉ là một phần nhỏ, nhưng mình hy vọng những kinh nghiệm mình thu thập được từ quá trình học và thi HSK 3 - 4 - 5 - 6 sẽ có ích cho tất cả mọi người. Hôm nay, mình muốn chia sẻ những kiến thức này với những bạn mới học và chuẩn bị thi HSK 3.
Đối với những bạn mới bắt đầu học tiếng Trung, việc nhớ các ký tự chắc chắn là một trong những thách thức lớn nhất. Tuy nhiên, đừng bao giờ nản lòng, bởi vì sau thử thách này, còn nhiều thử thách khó khăn hơn chờ đợi bạn. Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia thành 2 phần: lưu ý cho người mới học và lưu ý khi học và thi HSK 3.
Lưu ý cho những bạn mới học:
Thứ nhất: Trước khi bắt đầu học các ký tự ghép, hãy chắc chắn rằng bạn đã thuộc ít nhất 30 bộ thủ cơ bản.
Nguồn: Pinterest
+ Có lẽ những bạn mới học sẽ nghĩ rằng tiếng Trung không có quy tắc gì cả, nhưng thực ra chữ viết tiếng Trung được cấu tạo từ 6 cách thức, và hầu hết các chữ được viết theo cấu trúc HÌNH - THANH, tức là mỗi chữ được tạo thành từ 2 phần: âm đọc và ý nghĩa.
+ Khi học một chữ, các bạn nên thử sử dụng tư duy phân tích. Ví dụ như chữ 妈妈 /mā ma/, tại sao nó lại được viết như vậy? À, nó được tạo thành từ bộ phận Nữ 女, có ý nghĩa là phụ nữ, người mẹ. Còn chữ 马 ở đây là âm đọc (thanh điệu không quan trọng ở đây).
=> Chỉ cần các bạn nắm vững bộ thủ, việc nhớ chữ Hán sẽ không còn khó như trước nữa. Việc bắt đầu cũng cần có nền tảng vững chắc. Đừng bỏ qua việc học bộ thủ!
Thứ hai: Học phát âm chuẩn. Trong quá trình học và dạy, mình đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ bản thân và học sinh của mình. Một số lỗi phát âm cơ bản thường gặp như:
+ Âm mặt lưỡi /j/ và /q/: khi phát âm 2 chữ này, hãy lưu ý rằng mặt lưỡi sẽ tiếp xúc với phần trên của họng và âm /q/ cần có luồng hơi mạnh thoát ra. Các bạn có thể đặt tay lên trước miệng để cảm nhận hoặc ghi âm lại.
+ Âm uốn lưỡi /zh/ và /ch/: khi phát âm 2 chữ này, lưỡi cần uốn cong và chạm vào phần trên của họng, cũng như âm /ch/ cần có luồng hơi mạnh thoát ra. Một cách dễ hiểu là ví như chữ “tr” nói hơi lái trong tiếng Việt.
+ Âm đầu lười /z/ và /c/: Khác với /j/ và /q/, âm này khi phát âm sẽ tiếp xúc với mặt trong của hàm răng trên và tạo ra một kẽ hở nhỏ. Lưu ý rằng âm /c/ cũng có luồng hơi rõ ràng thoát ra.
+ Âm /s/ và /x/: Khi phát âm âm /s/, hãy lưu ý giữ cho lưỡi thẳng và không để lưỡi tiếp xúc với hàm răng trên. Âm này sẽ nghe gần giống với “xờ nhẹ” trong tiếng Việt. Âm /x/ sẽ đặt lưỡi gần vòm họng nhưng không tiếp xúc với nó, chỉ hơi đẩy nhẹ lên. Để giải thích cho học sinh, bạn có thể nói là thay vì “sờ nặng” thì chỉ cần cong lưỡi nhẹ thôi.
Nguồn: Pinterest
Thứ ba: Đừng chỉ học từ vựng đơn lẻ một cách khô khan. Hãy thử ghép chúng vào câu và học cùng một lúc. Ví dụ, nếu bạn học từ 家 /jiā/ và 电脑 /diàn nǎo/, thì hãy tập viết câu như: 我在家玩儿电脑。/wǒ zài jiā wánr diàn nǎo/. Bằng cách này, bạn không chỉ học từ vựng mà còn học được ngữ pháp.
Thứ tư: Hiểu về cấu trúc của cụm danh từ trong tiếng Trung (cách dùng 的). Phần này rất quan trọng đối với người mới học. Bạn có thể tìm hiểu thông qua tài liệu trên mạng và chắt lọc những thông tin phù hợp.
Ui, đã nói quá nhiều rồi, hy vọng chia sẻ này sẽ giúp ích được các bạn mới học một phần nào đó. Hẹn gặp lại ở phần sau về kinh nghiệm thi HSK 3 nhé!