1. Giới thiệu về bệnh lý động mạch thận
Động mạch thận bắt nguồn từ động mạch chủ bụng chạy dọc theo đốt sống lưng 1 - 2. Chúng có nhiệm vụ cung cấp máu, duy trì hoạt động bình thường của thận. Các bệnh lý liên quan đến động mạch thận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận, gây ra sự trì trệ trong một số hoạt động thận và ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan khác trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe.
Động mạch thận đóng vai trò quan trọng, cung cấp máu cho hoạt động của thận
Nguyên nhân gây bệnh lý tại động mạch thận được phân chia thành hai nhóm chính, đó là bẩm sinh hoặc do nguyên nhân thứ phát. Người bệnh cần xác định nguyên nhân gây bệnh để có kế hoạch điều trị phù hợp và chăm sóc sức khỏe.
- Nguyên nhân bẩm sinh như: phình động mạch thận, thông động và tĩnh mạch thận, sa thận, sa cuống thận hoặc teo động mạch thận bẩm sinh,…
- Nguyên nhân thứ phát như: bệnh tắc động mạch thận hoặc xơ vữa động mạch,… Đối với những bệnh lý này, việc điều trị và theo dõi đều rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh lý động mạch thận.
Hai dạng bệnh động mạch thận thường gặp là cấp tính và mạn tính. Dựa vào mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị thích hợp, nhằm kiểm soát tình trạng tổn thương và duy trì hoạt động thận.
2. Các bệnh lý động mạch thận phổ biến
Một số bệnh lý phổ biến có thể kể đến là: hẹp động mạch thận, phình động mạch thận, xơ vữa động mạch thận hoặc xơ hóa mạch máu thận,…
2.1. Bệnh hẹp động mạch thận
Hẹp động mạch thận là một trong những bệnh lý phổ biến liên quan đến động mạch thận. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Cụ thể, đường kính bên trong của động mạch thận bị thu hẹp đáng kể so với bình thường, làm giảm lượng máu cung cấp cho thận và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thận.
Bệnh hẹp động mạch thận có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng
Nguyên nhân chính gây bệnh là do tình trạng xơ vữa động mạch hoặc loạn sản sợi cơ không được điều trị dứt điểm. Trong đó, xơ vữa động mạch thường gặp ở người lớn tuổi, người thừa cân,... Xơ vữa động mạch xảy ra khi cholesterol, canxi,... và các chất khác bám vào thành động mạch, những mảng xơ vữa này khiến động mạch cứng và hẹp dần. Còn hội chứng loạn sản sợi cơ là khi cơ ở động mạch phát triển không bình thường khiến động mạch có những đoạn bị co hẹp nhưng có đoạn lại phình to.
Ở giai đoạn đầu, bệnh hẹp động mạch thận thường không có biểu hiện cụ thể nên khó phát hiện. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng huyết áp tăng cao bất thường, chỉ số protein niệu tăng cao, một số chức năng thận suy giảm, bệnh nhân có dấu hiệu suy tim,… Do đó, để bảo vệ sức khỏe, việc thăm khám định kỳ là rất cần thiết.
Người bệnh hẹp động mạch cần được chăm sóc, điều trị kịp thời để hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Những biến chứng kể trên khá nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân.
2.2. Bệnh phình động mạch thận
Trái ngược với hẹp động mạch thận, tình trạng phình động mạch thận xảy ra khi thành động mạch giãn với đường kính lớn hơn 50% khi so với đường kính bình thường. Tình trạng này rất khó phục hồi và đường kính thành mạch sẽ to ra theo thời gian. Ba nhóm nguyên nhân chính gây phình động mạch là: tổn thương thoái hóa, do một số bệnh viêm nhiễm hoặc do cơ chế sinh học,…
Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị phình động mạch thận kịp thời
Phình động mạch ở thận có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Các cơ quan xung quanh động mạch thận có nguy cơ bị chèn ép và nhiễm khuẩn. Đặc biệt, vỡ túi phình ở vùng bụng hoặc sau túi mật có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời.
2.3. Xơ vữa động mạch thận
Xơ vữa động mạch thận là một trong những bệnh lý mà chúng ta không nên coi nhẹ, thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Những người có tiền sử tăng huyết áp do mắc bệnh về mạch thận có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch rất cao. Tuy nhiên, bệnh thường phát triển âm thầm, điều này làm cho việc phát hiện và điều trị từ giai đoạn đầu rất khó khăn.
Xơ vữa động mạch thường xuất hiện ở người trưởng thành trên 45 tuổi
Xơ vữa động mạch có thể làm hẹp động mạch thận, gây ra thiếu máu và gây tổn thương cho chức năng thận. Một số trường hợp có thể không có triệu chứng rõ ràng, dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn của động mạch, suy giảm nghiêm trọng chức năng thận. Khi các khối xơ vữa bong ra, di chuyển tới mạch vành, bệnh nhân có thể gặp nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc nhũn não, những biến chứng nguy hiểm có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.
3. Phương pháp chẩn đoán bệnh lý động mạch thận nào được sử dụng?
Để chẩn đoán chính xác các bệnh lý động mạch thận, các bác sĩ thường sử dụng các kỹ thuật và máy móc hiện đại. Thông thường, bệnh nhân sẽ được thực hiện siêu âm Doppler động mạch thận để quan sát cấu trúc của khu vực này và phát hiện dấu hiệu bất thường (nếu có). Phương pháp này an toàn và cung cấp hình ảnh rõ ràng, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Lưu ý: bệnh nhân nên tránh ăn trước khi thực hiện siêu âm để bác sĩ dễ dàng quan sát đặc điểm động mạch thận.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại được sử dụng trong việc chẩn đoán bệnh lý động mạch thận
Bên cạnh đó, việc sử dụng chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ cũng là những phương pháp được áp dụng trong việc chẩn đoán bệnh lý động mạch thận với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.