Áp lực đồng trang lứa, một ám ảnh tâm lý lớn đối với giới trẻ ngày nay. Với sự bùng nổ của công nghệ số, mỗi ngày hàng trăm, hàng ngàn bài đăng trên mạng xã hội trở thành tiêu chuẩn vô hình mà giới trẻ cố gắng phải tuân theo.
Bạn cùng tuổi được nhận vào một tập đoàn lớn, hằng ngày chia sẻ cuộc sống xa hoa với những bữa ăn Tây, chiếc điện thoại mới nhất, hoặc những vé máy bay hạng thương gia...
Người bạn thân của bạn đăng tải CV hoàn hảo với hàng loạt kỹ năng, kinh nghiệm, điểm GPA cao, bằng IELTS ghi điểm cao, dưới phần comment là hàng chục nhà tuyển dụng mời bạn vào công ty làm việc.
Hoặc chỉ là một buổi chiều, nhìn thấy hàng xóm điều xe đạp với nụ cười tươi tắn, bạn tự hỏi tại sao bạn không thể hạnh phúc như họ?
Theo từ điển tâm sinh lý của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là khi một cá nhân chịu ảnh hưởng từ những người cùng nhóm xã hội và phải điều chỉnh thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với những tiêu chuẩn của nhóm đó. Biểu hiện rõ ràng và căn bản nhất chính là cảm giác tự ti khi bản thân không đạt được những thành công như những người bạn xung quanh. Chúng ta phải đối mặt với loại áp lực này từ khi bắt đầu xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể trải qua cảm giác này, không phân biệt theo tuổi tác, giới tính hay vị trí địa lý, lãnh thổ.
Áp lực đồng trang lứa bắt nguồn từ mong muốn đạt được những điều mà bạn không thể làm được, trong khi bạn bè của bạn lại có thể. Khác với tâm trạng ganh ghét và ghen tỵ, áp lực đồng trang lứa không phải là cảm thấy tức giận về thành tựu của người khác, mà là việc so sánh thành tựu của người khác khiến bạn cảm thấy tự ti hơn về bản thân. “Tại sao họ làm được điều đó?” “Tại sao mình lại thất bại như vậy?” Đó là những câu hỏi mà luôn chi phối tâm trí của những người đang phải chịu áp lực này.
Tuy nhiên, áp lực đồng trang lứa không chỉ là kết quả của tâm lý cá nhân mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Các yếu tố khách quan cũng góp phần làm cho loại áp lực này ngày càng trở nên nặng nề hơn đối với nhiều người và dẫn đến tâm trạng tiêu cực hơn.
Con người khi ở trong giai đoạn dậy thì sẽ trải qua sự thay đổi và phát triển của tâm lý, tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường sống. Đây là giai đoạn mà những tác động từ lời nói và hành động hàng ngày làm cho tâm trí trở nên nhạy cảm và chịu áp lực. Môi trường sống cũng có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con người. Dễ nhận thấy, một người sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất sẽ dễ phát sinh cảm giác tự ti và tự hỏi về khả năng của mình so với người có điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc sống. Chính những cảm xúc này đã tạo nên áp lực, tạo ra một bức tường lớn trong tâm trí, làm cho họ ngày càng bị kẹt cứ trong những suy nghĩ tiêu cực và khó lòng thoát ra.
Cách giáo dục từ phía gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng. Một đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ nếu bị so sánh với thành tích của “con nhà người ta”, bị chỉ trích khi không đạt được những gì được kì vọng, thì khi trưởng thành chắc chắn sẽ phát sinh cảm giác tự ti, hoài nghi về khả năng của bản thân và vô hình chung đã tắt đi cánh cửa sáng tạo, phát triển của bản thân.
Ngoài ra, văn hóa ảnh hưởng sâu sắc vào tiềm thức của từng vùng miền, quốc gia, tạo nên các hệ tư duy đa dạng. Người phương Đông thường coi trọng thành tích và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Từ khi còn nhỏ, trẻ em thường được khuyến khích học hành để đảm bảo luôn đứng đầu hoặc ít nhất không thấp hơn bất kỳ ai trong lớp. Vậy còn những trẻ em ở cuối bảng điểm thì sẽ cảm thấy thế nào?
Người phương Tây thường tỏ ra thoải mái với quan điểm khác biệt. Họ tin rằng mỗi người có một con đường riêng, không nên bị hạn chế và áp đặt bởi các quy chuẩn xã hội. Họ ưa chuộng cá nhân và tập trung vào việc phát triển bản thân, khai thác tài năng cá nhân. Do đó, trẻ em phương Tây thường phát triển nhanh chóng và tự tin trong việc thể hiện bản thân trước mọi người.
Tuy nhiên, tâm lý của mỗi người được hình thành từ đặc điểm và tính cách cá nhân. Có người tự tin, nhưng cũng có người tự ti, và không ai có thể luôn tự tin mọi lúc. Những người dễ tổn thương, nhút nhát sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Tâm lý không ổn định sẽ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, gây tổn thương tâm trí và ảnh hưởng đến sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất, gây ra các vấn đề như trầm cảm, rối loạn nhân cách.
Vậy làm thế nào để vượt qua áp lực đồng trang lứa? Hãy điều chỉnh từ bản thân. Đây là vấn đề tâm lý, nên điều quan trọng nhất là phải chăm sóc tâm hồn, làm mới lại các mạch thần kinh đã bị tổn thương bởi suy nghĩ tiêu cực hàng ngày.
Hãy chấp nhận và đối mặt với cảm xúc của bản thân. Buồn vui, đau khổ, hạnh phúc, giận dữ, thất vọng... đều là những cảm xúc tự nhiên của con người. Đừng từ chối chúng. Bạn không thể đương đầu với những thách thức lớn nếu bạn không thể chấp nhận những cảm xúc nhỏ bé từ chính bản thân mình. Hãy tìm cách chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc thậm chí là tự chia sẻ bằng cách viết nhật ký. Việc kìm nén cảm xúc sẽ chỉ làm tăng thêm sức nặng cho tâm trí.
Hiểu rõ khả năng và con đường riêng của mình là chìa khóa. Điểm khởi đầu, điểm dừng và quãng đường của mỗi người đều là duy nhất, vì vậy so sánh với người khác là không hợp lý. Hiểu bản thân mình quan trọng hơn hiểu người khác. Chiến thắng chính bản thân mang lại hạnh phúc hơn chiến thắng người khác. Nếu đã hiểu mình nhưng vẫn rơi vào suy nghĩ so sánh và tiêu cực, hãy biến khó khăn thành cơ hội, biến áp lực thành động lực để tỏa sáng. Bạn có thể lấy thành công của người khác làm động lực cho bản thân mình, nhưng không nên bắt chước họ. Thay vì hỏi “Tại sao họ làm được điều đó mà mình không?” hãy khẳng định rằng “Họ làm được, mình cũng sẽ làm được.”
Nâng cấp bản thân với một lối sống khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần. Hãy tập trung vào sự phát triển bên trong hơn là những gì xảy ra bên ngoài. Một ngày nào đó, niềm tự hào và sự hạnh phúc khi vượt qua chính mình sẽ lớn hơn nhiều so với chiến thắng người khác.
Tác giả: Lan Hương