Steve Jobs đã khởi xướng cuộc cách mạng smartphone trong ngành điện thoại, nhưng chính thành công này đang khiến Apple gặp khó khăn. Những chiếc iPhone 16 giờ đây trở thành một khoản đầu tư không xứng đáng với số tiền bỏ ra.
"Thỉnh thoảng, một sản phẩm mang tính cách mạng lại xuất hiện và thay đổi mọi thứ", đó là lời phát biểu của Steve Jobs tại buổi ra mắt iPhone năm 2007.
Tuyên bố của Steve Jobs vẫn đúng khi thế giới smartphone đã thay đổi, nhưng trớ trêu thay, người dùng hiện không còn hứng thú với iPhone 16 như trước kia.
Theo tờ Business Insider, iPhone 16 đã chính thức ra mắt vào tháng 9/2024, nhưng doanh số lại ảm đạm. Chuyên gia phân tích Ming Chi Kuo ước tính doanh số đặt hàng trước iPhone 16 trong tuần đầu tiên giảm gần 13% so với iPhone 15.
Thậm chí, iPhone 15 cũng đã có khởi đầu kém ấn tượng, khi từ tháng 1-3/2023, Apple báo cáo doanh thu điện thoại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo BI, đã 17 năm kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, và sự kiện công nghệ lớn khi Apple ra mắt sản phẩm mới giờ đây đã trở thành một bản cập nhật phần mềm được đóng gói trong giấy bóng.
Nói cách khác, iPhone mới không có nhiều sự thay đổi hay đổi mới đủ sức thu hút người tiêu dùng nâng cấp điện thoại.
Thay vào đó, thị trường điện thoại iPhone cũ đang phát triển mạnh mẽ.
Điều này đang lặp lại chu kỳ thất bại của Nokia, khi các sản phẩm mới không có nhiều cải tiến sau khi đã chiếm lĩnh thị trường. Những chiếc điện thoại đắt đỏ của Nokia không đủ hấp dẫn người tiêu dùng vì thiếu những cải tiến xứng đáng. Cuối cùng, Nokia đã bị Apple thay thế.
Điện thoại đã qua sử dụng
Báo cáo từ Counterpoint Research cho thấy thị trường điện thoại cũ toàn cầu đã tăng trưởng 5% trong giai đoạn 2021-2022, với Apple chiếm một nửa thị phần.
Công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation cũng cho biết Apple chiếm ¼ số smartphone được bán vào cuối năm 2023, bao gồm cả các mẫu iPhone cũ.
Khảo sát của Vodafone và Recommerce Group tại Châu Âu cho thấy 43% người dân đang sử dụng điện thoại cũ đã qua sử dụng.
Theo ước tính của Zion Market Research, thị trường điện thoại đã qua sử dụng tại Mỹ có thể tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm cho đến năm 2032.
Chuyên gia Glen Cardoza từ Counterpoint cho biết một lý do khiến iPhone cũ được ưa chuộng hơn là nhờ vào truyền miệng. Nhiều người dùng iPhone đời cũ vẫn tận dụng được nhiều tính năng hiện đại, thậm chí chụp ảnh còn vượt trội hơn so với đời mới.
Do các quy định chống độc quyền, chất lượng sửa chữa và bảo hành iPhone cũng được cải thiện, làm cho điện thoại đời cũ trở nên an toàn hơn trước.
Ngoài ra, giới trẻ hiện nay cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, khi việc thay điện thoại đồng nghĩa với việc thải rác ra hệ sinh thái.
Tuy nhiên, theo Cardoza, lý do quan trọng nhất vẫn là giá cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
"Với những cải tiến không đáng kể của các dòng iPhone mới, người dùng cảm thấy điện thoại cũ vẫn là lựa chọn tốt hơn, và số tiền chi thêm để mua mới không hợp lý," ông Cardoza cho biết.
Thị trường cũng nhanh chóng thích ứng với xu hướng này, khi nền tảng Back Market tại Pháp đã huy động hơn 1 tỷ USD và dự kiến có lãi trong năm nay nhờ bán 30 triệu sản phẩm cũ cho 15 triệu khách hàng.
Việc người tiêu dùng liên tục trở lại Back Market trong suốt 10 năm qua cho thấy thị trường đồ công nghệ đã qua sử dụng đang phát triển mạnh mẽ, nhất là khi khách hàng ngày càng siết chặt chi tiêu.
Thậm chí, CEO Thibaud Hug de Larauze của Back Market dự đoán rằng trong 10 năm tới, khoảng 90% người tiêu dùng sẽ chọn mua sản phẩm công nghệ cũ và sửa chữa thay vì mua mới.
"Mọi người nhận ra rằng không còn nhiều cải tiến trong các sản phẩm mới đắt tiền nữa," CEO Lazauze chia sẻ.
Theo CEO Lazauze, công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) tích hợp trong iPhone chưa thật sự tạo được ấn tượng và không đủ hấp dẫn để người dùng chi tiền mua mới.
"Liệu công nghệ AI mới trong iPhone có thay đổi cuộc sống của bạn không?" CEO Lazauze đặt câu hỏi.
Ông Lazauze còn so sánh iPhone như một chiếc xe hơi đắt tiền nhưng đã mất giá, khiến người dùng không còn hứng thú với việc đổi xe mới. Thay vào đó, họ chọn ô tô cũ, sửa chữa và sử dụng bình thường.
Rõ ràng, iPhone mới đang trở thành một khoản đầu tư không hợp lý so với số tiền người dùng phải chi thêm.
Sự phấn khích đã giảm dần
Theo tờ BI, trong nhiều năm qua, Apple và Steve Jobs đã sử dụng chiến lược tiếp thị "Newphobia", khai thác cảm giác hào hứng khi người tiêu dùng được trải nghiệm một sản phẩm công nghệ mới mang tính cách mạng.
Tuy nhiên, chiến thuật này ngày càng trở nên lỗi thời khi nhiều doanh nghiệp khác bắt chước, và chính sản phẩm của Apple cũng không còn tạo ra sự đột phá nào khiến người dùng cảm thấy thất vọng.
Nhìn vào những chiếc điện thoại gập của Huawei hay các smartphone 5G từ các nhà sản xuất Trung Quốc, người tiêu dùng dễ dàng dự đoán tương lai của iPhone thay vì được bất ngờ như trước đây.
Hơn nữa, theo tờ BI, việc Apple nới lỏng chương trình sửa chữa đã khiến người dùng giảm hứng thú với các sản phẩm mới.
Trước đây, việc thay màn hình iPhone tại cửa hàng sửa chữa địa phương có thể làm cho người dùng không thể mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt, nhưng điều này giờ đã không còn xảy ra.
Vào tháng 4/2024, Apple đã công bố kế hoạch thay đổi cho phép một số linh kiện chính hãng đã qua sử dụng được lắp vào các iPhone khác, giúp việc sửa chữa tại các cửa hàng địa phương trở nên dễ dàng hơn.
Vấn đề là Apple không thể bỏ mặc doanh số bán các sản phẩm cũ chỉ để hỗ trợ cho iPhone đời mới, nhất là khi nhiều người dùng trong hệ sinh thái của Apple vẫn chưa nâng cấp thiết bị của họ.
Câu hỏi đặt ra là Apple sẽ chọn con đường nào để tránh bị lụi tàn như Nokia? Liệu công nghệ AI có thể giúp đỡ sản phẩm của Steve Jobs thoát khỏi số phận mà chính họ đã từng vượt qua?
*Nguồn: BI