Với nhiều du khách, Võ Đang không chỉ là một dãy núi huyền thoại mà còn là nơi có những cao thủ luyện thái cực quyền giữa thiên đường bồng lai.
Núi Võ Đang – nơi gốc rễ của những cao thủ Thái Cực Quyền

Chỉ mất khoảng 5 tiếng lái xe trên đường cao tốc từ Vũ Hán (Trung Quốc), du khách đã có thể nhìn thấy dãy núi Võ Đang từ xa, qua cửa kính ô tô. Nằm ở thành phố Thập Yển (thuộc tỉnh Hồ Bắc), dãy núi này đón từ 3-4 triệu lượt khách du lịch ghé thăm hàng năm.
Dãy núi cao hơn 1.600 m nổi tiếng một phần nhờ huyền thoại về Trương Tam Phong, người đứng đầu phái Võ Đang. Nhờ bản tính thông minh hơn người, Trương Tam Phong được cho là dùng võ công của Thiếu Lâm để tạo nên một loại võ công mới là Thái Cực Thần Công danh tiếng và xây dựng nên phái Võ Đang.
Thái Cực Thần Công được biết đến là loại công phu lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh; chia làm hai loại là Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm.
Trong chuyến du lịch đến Vũ Hán, Cheng Ye đã có dịp khám phá núi Võ Đang. Cùng bạn bè, anh ta leo lên đỉnh núi vào một ngày nắng gắt, tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của địa điểm nổi tiếng này.
Con đường lên núi luôn đông đúc với du khách. Thỉnh thoảng, nhóm của Cheng Ye bắt gặp những người tu hành, tỏ ra nhẹ nhàng và tốc độ nhanh như gió. Điều đó khiến họ cảm thấy như đang gặp những cao thủ võ thuật.
Trước khi kịp nhìn rõ mặt các tu sĩ, họ đã biến mất vào một ngôi đền gần đó. Cheng tự hỏi liệu họ có phải là những bậc thầy Thái Cực Quyền trong truyền thuyết.

Đền lớn nhất và nổi tiếng nhất trên núi là Điện Zixiao, được hàng nghìn người hâm mộ Thái Cực Quyền ghé thăm mỗi ngày. Khoảng sân rộng phía trước cũng là nơi để các tu sĩ luyện võ.
Điểm thu hút nhiều khách nhất chính là Kim Điện được xây dựng vào năm 1416 trên đỉnh Tianzhu cao nhất dãy Võ Đang. Đây là một trong những công trình cổ được xây dựng bằng vàng và đồng lớn nhất Trung Quốc.







Du khách có thể tham gia tour tham quan trên núi trong ngày hoặc dài ngày. Tại đây, có nhiều nhà hàng phục vụ đặc sản của núi Võ Đang như gà núi, măng tươi và súp Thái Cực Quyền nấu từ rau xanh, đậu phụ.
Nếu chỉ muốn tham quan cảnh đẹp, du khách có thể sử dụng cáp treo cả hai chiều và dành một ngày trên núi. Các điểm du lịch nổi tiếng bao gồm Kim Điện, khu thắng cảnh Nam Nham, vườn Phúc Thọ Khang Ninh, Huyền Nhạc Môn...
Một số khách sạn trên núi cung cấp lớp dạy võ hàng giờ. Mỗi năm, hàng nghìn du khách từ Trung Quốc và nước ngoài đến đây để học võ công. Tuy nhiên, người dân địa phương khuyên du khách nên dành ít nhất hai ngày để tham quan và leo núi, thay vì chỉ ngồi cáp treo.
Vé tham quan núi có giá khoảng 250 tệ (gần 850.000 đồng), bao gồm vé vào cửa, vé xe bus và bảo hiểm. Thời gian tham quan từ 8h đến 17h. Nếu ở lại qua đêm, du khách không cần mua vé mới cho ngày hôm sau. Tại một số điểm, du khách cần mua vé vào riêng như điện Zixiao với giá 15 tệ (50.000 đồng). Vé cáp treo vào mùa cao điểm sẽ đắt hơn, dao động từ 70 đến 90 tệ (240.000 đến 300.000 đồng).
Khi tham quan đền chùa, du khách nên tránh chỉ vào các tượng Phật và không nên hỏi đạo sĩ về tuổi tác hoặc nguồn gốc. Ngoài những con đường phục vụ du khách, cũng có những con đường nhỏ, du khách nên tránh xa vì không an toàn. Đêm trên núi thường lạnh, du khách cần mang theo áo khoác. Đồng thời, không nên hút thuốc trong các khu vực danh lam thắng cảnh.
Thời gian thích hợp nhất để tham quan là từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến đầu tháng 11. Vào mùa xuân, có hội chợ đền tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch, là dịp để trải nghiệm văn hóa địa phương. Vào mùa thu, du khách có thể tham gia Lễ hội Du lịch Quốc tế Võ Đang.
Theo Anh Minh/ Vnexpress
***
Tham khảo: Hướng dẫn du lịch từ Mytour
MytourTháng Sáu 3, 2019