Ở tuổi 20, chúng ta có quyền buồn.
Tuổi nào mà chẳng có nỗi buồn, nhưng nỗi buồn tuổi 20 đôi khi bị những người trẻ giấu kín để nhường chỗ cho những cảm xúc khác. Cười suốt ngày với khách hàng trên đôi chân mỏi nhừ vì guốc cao gót, buồn một chút có gì sai? Nhận điểm kém trong bài thi cuối kỳ, phải thất vọng chứ? To tiếng với đứa em làm nó khóc, có hối hận không? Lâu rồi chưa về nhà, niềm vui còn ở đó không? Tuổi 20 cứ buồn đi, để biết rằng mình không vô cảm như một cỗ máy với trái tim lạnh giá.
Đó là những nỗi buồn có thể gọi tên. Vậy những nỗi buồn không thể định danh thì sao? Có những nỗi buồn đến bất ngờ khiến ta không kịp trở tay. Ta lo lắng. Ta tự ti. Ta so sánh mình với người khác và cảm thấy kém cỏi. Rồi ta tìm cách trốn tránh nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn không biến mất chỉ vì ta phớt lờ nó, ngược lại, nó sẽ trở lại dưới dạng kinh khủng hơn. Không còn cách nào khác ngoài đối mặt với nỗi buồn, từng chút một, cho đến khi ta thực sự vượt qua nó. Can đảm ở tuổi 20, nhiều khi chỉ đủ để vượt qua một nỗi buồn vô danh.
Ở tuổi 20, chúng ta có quyền chán nản.
Nhiều bạn trẻ vẫn đang loay hoay trước những bước tiến trong cuộc sống. Họ yêu thích quá nhiều thứ, có nhiều ước mơ nhưng rồi nhận ra không điều nào được thực hiện đến cùng. Hoặc có thể họ chẳng thích gì, không biết mình đang đứng ở đâu và phải làm thế nào để tiếp tục. Họ bận rộn nhưng lại thiếu thời gian. Họ sống nhanh nhưng lại thấy mình tiến bộ rất chậm. Họ đồng ý rằng đã sống trọn vẹn đôi lúc, nhưng vẫn băn khoăn không biết thế nào là đủ. Tất cả những hỗn loạn đó tạo nên cảm giác chán nản và bất lực ở mỗi người trẻ ở ngưỡng cửa 20.
Trang Ps đã từng viết trên blog của mình rằng: “Cái chán tuổi 20 là cái chán rất đẹp. Nó giúp ta nhận ra cần phải làm gì, nỗ lực ra sao, và biết trân trọng những niềm vui dù nhỏ bé. Sự chán nản giúp ta thấy cuộc sống không chỉ có một màu sắc, không chỉ là thức dậy, đi học, và ngủ với cùng một cảm xúc nhàm chán. Cái chán tuổi 20 thôi thúc ta phải thay đổi, làm gì đó để thấy bản thân đang đổi thay. Để người khác công nhận mình không kém cỏi và để lên tiếng cho năng lực của mình…” Đôi khi, sự chán nản lại làm cuộc sống thêm phần thi vị. Buồn và chán không hẳn là xấu, tuổi trẻ đâu phải lúc nào cũng rực rỡ, đúng không?
Ở tuổi 20, chúng ta có quyền trải qua khủng hoảng.
“Khủng hoảng tuổi 20” là cụm từ mà ta gặp hàng ngày, giống như “Khủng hoảng tuổi 30, 40…” bởi ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể gục ngã trước áp lực cuộc sống. Theo nghiên cứu gần đây, tiến sĩ Oliver Robinson của Đại học Greenwich cho rằng thời gian khủng hoảng ở tuổi 20 có thể chia thành 5 giai đoạn chính:
1. Cảm thấy mắc kẹt trong những lựa chọn của cuộc đời như vấn đề về trường học, công việc, người yêu… hoặc thậm chí là tất cả những vấn đề này cùng lúc.
2. Cảm giác mình cần phải “thoát khỏi những suy nghĩ này” và ngày càng mãnh liệt về việc cần phải thay đổi.
3. Bỏ học, nghỉ việc, chia tay người yêu… phá bỏ những ràng buộc từng khiến mình cảm thấy bị giam cầm.
4. Bắt đầu lại cuộc sống một cách chậm rãi nhưng vững chắc hơn.
5. Xây dựng những cam kết mới tương ứng với các lựa chọn và ưu tiên mới.
Chúng ta sẽ còn vấp ngã nhiều lần trên đường đời. Tuổi 20 chỉ là một trong những cánh cửa đầu tiên, mở ra hàng trăm cánh cửa và hàng ngàn thử thách sau này. Khủng hoảng tuổi 20 có phần nặng nề hơn - bởi đó là khi ta mới bắt đầu đối diện với khó khăn; nhưng cũng là khủng hoảng “dễ dàng” hơn - bởi tuổi trẻ cho ta dũng khí để đối đầu với nó. Đừng buồn bã và buông xuôi ở tuổi 20, hãy “dành cả thanh xuân” để vượt qua khủng hoảng tuổi 20 và khám phá, yêu thương bản thân nhiều hơn.
Tuổi 20 mang đến nhiều “đặc quyền” để sống thật với chính mình, nhưng đừng quên rằng chúng ta còn cả một thanh xuân tươi đẹp cần được cháy hết mình.
Những tháng năm đã qua không thể lấy lại. Nghỉ ngơi và đối diện với cảm xúc tiêu cực là cần thiết, nhưng không vì thế mà để tuổi trẻ của mình mãi chìm trong đau buồn, bất hạnh. Hãy nhớ kĩ những “quy tắc” sau để tuổi 20 không còn quá đáng sợ với bạn:
1. Hiểu rằng ai cũng sẽ trải qua những điều tương tự ở tuổi này.
Kể cả những người thành công nhất cũng phải vượt qua nhiều khó khăn. Việc đối mặt với trở ngại ở tuổi đôi mươi là bình thường và nên được chấp nhận nhanh chóng. Khi nhận thức rõ điều này, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn, không còn cảm giác cô đơn, lạc lõng trên con đường phía trước. Hãy tìm bạn bè, người cùng trang lứa để chia sẻ câu chuyện của mình và lắng nghe câu chuyện của họ. Ít nhất, những cuộc trao đổi này sẽ giúp bạn nhận ra rằng mình không cô độc trong thế giới người trưởng thành.
2. Tận dụng giai đoạn này để học cách kiểm soát cảm xúc.
Trong xã hội hiện đại, trí thông minh cảm xúc (EQ) là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công. Quản trị cảm xúc không chỉ liên quan đến cách bạn thể hiện cảm xúc mà còn là cách bạn đánh giá, xử lý, nắm bắt tình huống và ra quyết định. Thời điểm lý tưởng nhất để mài dũa kỹ năng này chính là quãng thời gian ở tuổi 20. Vì vậy, học cách kiểm soát và điều khiển cảm xúc là điều cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này.
3. Phân tích và xác định trọng tâm vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
Không chỉ người trẻ mà hầu hết chúng ta đều có thói quen tìm giải pháp ở những khía cạnh bên ngoài, ví dụ như nghỉ việc nếu không hợp chỗ làm, chuyển nhà nếu không hợp chỗ ở, v.v... Chúng ta nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đôi khi trọng tâm vấn đề lại nằm ở chính bản thân mình. Trước khi đưa ra quyết định quan trọng, hãy suy nghĩ kỹ xem đó có thật sự là cốt lõi của vấn đề không. Nếu không, bạn sẽ chỉ chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác, khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
4. Đừng bao giờ so sánh bản thân với bất kỳ ai.
Đây là điều vô cùng quan trọng nếu bạn muốn vượt qua khủng hoảng và sống hạnh phúc.
Hôm nay, bạn cảm thấy mình học kém hơn bạn cùng bàn. Ngày mai, bạn soi gương và tự ti vì không xinh đẹp bằng cô bạn lớp bên. Hôm sau, bạn buồn bã vì em nhỏ hơn mình nhiều tuổi lại giỏi giang hơn mình... Dần dần, bạn thấy cuộc sống thất bại và bắt đầu than thân trách phận. Hãy ngừng lại và dành thời gian giải quyết những vấn đề của riêng mình. Sống cuộc đời của mình, đừng lãng phí thời gian để quan tâm đến cuộc đời người khác.
5. Suy nghĩ thực tế bằng lí trí và xác định mục tiêu của mình.
Tuổi 20 thường mang theo nhiều hoài bão và mơ mộng. Đừng để ước mơ của mình xa rời thực tế, cũng đừng để trí óc bị bó hẹp trong mục tiêu cứng nhắc. Giai đoạn này, hãy đặt mục tiêu phù hợp với tình hình hiện tại và nỗ lực thực hiện. Giữ cho ước mơ “bám sát” mặt đất và từng bước chinh phục.
Có người dễ dàng vượt qua tuổi đôi mươi, có người mãi chật vật không biết làm sao để tiến đến những cột mốc khác… Mỗi người một cuộc đời, nhưng giá trị chung là những gì ta gặt hái được, những bài học khắc lên trái tim sau mỗi chặng đường nhọc nhằn. Tuổi 20 cho ta nhiều “đặc ân”, nên đừng để nó trôi qua một cách vô vị và nhạt nhẽo.