Ốc núi Bà Đen | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Mollusca |
Lớp (class) | Gastropoda |
Liên họ (superfamilia)
| Cyclophoroidea |
(không phân hạng) | nhánh Caenogastropoda nhóm không chính thức Architaenioglossa |
Họ (familia) | Cyclophoridae |
Chi (genus) | Cyclophorus |
Loài (species) | C. saturnus |
Danh pháp hai phần | |
Cyclophorus saturnus |
Ốc núi Bà Đen còn được biết đến với tên gọi khác là ốc xu núi Bà hay ốc Nàng Hai (Tên khoa học: Cyclophorus saturnus), là một loài ốc cạn thuộc chi Cyclophorus sống trên núi Bà Đen ở Tây Ninh, là loài duy nhất được tìm thấy tại vùng núi này. Núi Bà Đen có hai loại ốc chính là ốc nhọn và ốc bằng, trong đó ốc bằng là loài đặc hữu. Loài ốc nhọn phổ biến hơn, được phân bố từ Trung Quốc đến Bắc Việt Nam và huyện Định Quán, Đồng Nai. Ở Tây Ninh, loài ốc nhọn cũng rất phổ biến.
Đặc điểm
Ốc núi Bà Đen có hình dáng giống với ốc bươu, nhưng có thân dẹt, dẹp và cuộn thành nhiều vòng (gọi là ốc bằng). Chúng có hình dáng tròn nhỏ, giống như đồng xu, với thịt thơm ngon, dai và có vị ngọt thanh, chứa nhiều đạm và hương vị đặc trưng. Ốc núi Bà Đen không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng chữa trị các cơn đau nhức cơ thể khá hiệu quả.
Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, ốc núi Bà Đen còn được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng để điều trị nhiều bệnh lý. Chế độ ăn của loài ốc này chủ yếu là các loại thảo dược tự nhiên như cây mã tiền, lá vông núi và lá Nàng Hai, làm cho thịt ốc có vị đặc trưng, rất ngon và bổ dưỡng, có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh như đau thấp, viêm khớp và bệnh dạ dày. Dù có mùi đất nhưng khi đã thưởng thức một lần, hai lần, thực khách sẽ không thể nào quên được sự giòn ngon và vị lạ của loại ốc này.
Tập tính
Ốc núi Bà Đen sống ẩn mình trong các hang đá sâu, rất khó phát hiện. Vào mùa mưa, chúng mới bò ra kiếm ăn và sinh sản. Buổi sáng, chúng rón rén rời hang để tìm kiếm thức ăn. Thức ăn của loài ốc này là rong rêu, lá của các loại thảo dược mọc hoang trên núi như cây mã tiền, lá vòng núi, đặc biệt là lá của loài thảo dược quý được gọi là lá Nàng Hai.
Khi những đám mây đen xuất hiện báo hiệu sắp có mưa, ốc núi Bà Đen bắt đầu ra kiếm ăn. Chúng thường tập trung tại những nơi có thức ăn, nơi có đọt nước ẩm hoặc gặp nhau để giao phối. Loài ốc này chỉ sinh sản vào cuối tháng Giêng âm lịch, khi thời tiết xuân đang bắt đầu mưa nhẹ. Gần Tết Nguyên đán, sau những trận mưa nhỏ, khi đất ẩm ướt và bầu trời chập tối, ốc núi Bà Đen sẽ hoạt động sôi nổi hơn để kiếm ăn và tìm bạn đời. Ốc núi Bà Đen sinh sản chậm, kén môi trường sống, thường chọn những nơi có điều kiện sống tương tự nhau. Điều này làm cho việc săn bắt chúng dễ dàng hơn.
Truyền thuyết
Ở khu vực này, ốc núi Bà Đen được xem như một sinh vật linh thiêng, huyền bí liên quan đến câu chuyện thần thoại của núi Bà Đen. Theo truyền thuyết, vào cuối thế kỷ 17, Nguyễn Ánh nổi lên khôi phục nhà Nguyễn, lật đổ nhà Tây Sơn được nhân dân ủng hộ và cùng tham gia vào cuộc chiến. Trong số thanh niên theo Nguyễn Ánh chống lại kẻ thù có một người thanh niên tên là Lê Sỹ Triệt, quê từ Quang Hóa, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay. Vì tình yêu đất nước, anh buộc lòng chia tay người yêu Lý Thị Thiên Hương để theo đoàn quân. Tại quê nhà, cô gái vẫn giữ gìn trọn vẹn lòng trung thành, chờ đợi ngày người yêu trở về.
Nhân dịp tháng Giêng, cô gái lên núi viếng chùa, cầu cho anh chàng đang chiến đấu trên chiến trường. Không ngờ, trên đường lên núi, cô bị một kẻ cường hào ác bá định cưỡng bức. Để bảo vệ lòng trinh, cô đã nhảy xuống núi tự vẫn. Linh hồn của cô gái tu hành đạt đến đỉnh cao, được người dân tôn thờ và đặt tên cho ngọn núi.
Những đồng xu cô mang theo để bố thí cho người nghèo khi đi viếng chùa, cũng rơi xuống khi cô lao xuống vực sâu và dính lấy trên các vách núi, biến thành những con ốc nhỏ. Loài ốc này có hình dạng giống những đồng xu nhỏ, tròn trịa, càng củng cố thêm niềm tin này và người dân xung quanh núi vẫn luôn tin rằng, loài ốc nhỏ bé, có hình dạng giống như đồng tiền với hình xoắn ốc trên lưng mang lại may mắn cho dân làng, giảm bớt nỗi đau bệnh tật.
Câu chuyện về cách mà ốc núi Bà Đen trị bách bệnh, dân địa phương kể lại rằng thức ăn của chúng là các loại thảo dược hoang dã như lá vòng, lá nàng hai, và các loại thảo dược khác. Dân gian thường dùng những loại thảo dược này để chữa trị các bệnh như đau khớp, phong thấp, đau dạ dày... Những thành phần thuốc thẩm thấu vào thịt của ốc làm thịt ốc thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Người thân của người bệnh thường săn lùng loài ốc này với hi vọng rằng ăn ốc sẽ giúp bệnh nhân hồi phục.
Ốc núi Bà Đen trong ẩm thực
Ốc núi Bà Đen có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nướng, hấp xả, xào me, xào tỏi. Khi bắt về, chỉ cần rửa sạch đất cát, không cần ngâm xả để loại bỏ chất thải như các loại ốc khác, và đem nấu ăn ngay để giữ nguyên các thành phần dinh dưỡng quý giá. Để cảm nhận hương vị đặc biệt của ốc, người dân địa phương thường thêm cơm dừa nạo nhuyễn vào khi hấp cùng với xả hoặc gừng và gia vị kèm theo là muối tiêu chanh. Kỹ thuật hơn nữa, ốc núi Bà Đen còn được chế biến với cơm dừa khô nạo nhuyễn, sau đó luộc chung với muối tiêu chanh. Ốc núi Bà Đen có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, mỗi món đều có điểm mạnh và yếu riêng biệt. Đơn giản nhất là hấp mắm sả. Phương pháp này không chỉ loại bỏ thành công mùi tanh của thịt ốc mà còn giữ nguyên hương vị ngọt đặc biệt của loại ốc này.
Nguy cơ bị tuyệt chủng
Ốc núi Bà Đen và thằn lằn núi Bà Đen là hai loài động vật đặc hữu chỉ có tại núi Bà Đen, đã từ lâu trở thành đặc sản được ưa chuộng trong các nhà hàng. Hiện nay, có nhiều mô hình nuôi ốc núi Bà Đen của người dân, do đó lượng ốc núi cung cấp cho thị trường tăng lên, và việc săn bắt ốc núi cũng đã giảm bớt, từ đó làm giảm nguy cơ tuyệt chủng cho loài động vật này.