Có bao giờ bạn bị tổn thương vì một ai đó rồi bạn ôm theo nỗi đau đi qua năm tháng. Bỗng một ngày bạn phát hiện ra người đã từng tổn thương bạn thậm chí chẳng còn nhớ đến hành động đó của họ, như thể là họ chưa từng gây ra bất cứ thương tổn nào cho bạn. Trong lúc bạn đau đớn nặng nề mang theo nỗi đau đi qua từng ấy năm thì họ nhẹ nhàng thoải mái sống một cách ung dung và không mảy may áy náy chút nào. Đến đây thì tất cả những ai đã từng bị tổn thương bởi người khác chắc sẽ cảm thấy rất bất công. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ “đời thật bất công khi họ là thủ phạm nhưng lại nhởn nhơ sống thoải mái, trong khi những nạn nhân như mình lại phải khổ sở vượt qua nỗi đau và nỗi đau ấy vẫn chưa lành hẳn.” Mỗi khi gặp chuyện gì khơi gợi lên ký ức về những nỗi đau ấy thì bạn lại như trải qua sự tổn thương ấy lần nữa. Hàng trăm hàng nghìn lần như thế để lại trong lòng bạn vô số vết thương chồng chất lên nhau, rồi bạn nghĩ mình kém may mắn, đời mình thật tệ và rằng mọi người thật đáng sợ.
Nhưng bạn ơi, cuộc đời không bất công và mọi người không đáng sợ như thế. Những người mà ta cho là thủ phạm không phải là thủ phạm gây ra tất cả những đau khổ cho ta và ta cũng không phải là nạn nhân. Người khác gây ra nỗi đau cho ta chỉ một lần, những lần còn lại là tự ta nhớ lại nỗi đau ấy, lặp đi lặp lại. Vậy thì ai mới thật sự là kẻ mang đến khổ đau?
Ôm theo nỗi đau thì ta được gì?
Tôi là một người chuyên ôm theo nỗi đau. Không phải một mà là tất cả. Tôi rất nhạy cảm với từng biểu cảm, lời nói và thậm chí chỉ là một ánh mắt của mọi người. Sự nhạy cảm ấy vừa là một món quà vừa là một lời nguyền. Bởi vì nhạy cảm nên tôi “nhìn” mọi người rất rõ, thấy được cả những phần mà nhiều người không nhìn thấy được ở bản thân họ hoặc ở người khác, tôi thấy luôn cả con người mà họ muốn giấu cả thế giới. Nhưng cũng bởi vậy mà tôi chịu khá nhiều tổn thương từ mọi người. Biết nhiều đôi lúc cũng không tốt, nhất là khi bạn biết những bí mật mà người khác muốn chôn vùi vĩnh viễn. Từ nhỏ tôi đã “nhìn” rất rõ mọi người và thứ mà tôi nhìn thấy không giống với thứ mà mọi người hay nói, không giống với những điều tôi được dạy về thế giới xung quanh. Những người họ hàng mang mặt nạ chân thành, giáo viên nhân cách có vấn đề, hàng xóm khinh người...., tôi thấy hết. Mang trong mình những ý nghĩ tốt đẹp về thế giới được người lớn nhồi nhét và thấy những mặt tối của thế giới một cách chân thực đến không thể chân thực hơn làm tôi thật sự choáng ngợp.
Khi còn nhỏ, có lẽ mọi người nghĩ tôi không hiểu gì nên cũng thoải mái thể hiện 'mặt tối' của bản thân trước mặt mình. Điều này chỉ làm tôi ngạc nhiên nhưng không ảnh hưởng nhiều nếu họ không phải là người thân trong gia đình. Một sự thật đau lòng là những người gần tôi nhất lại là những người tổn thương tôi nhiều nhất và sâu sắc nhất. Bởi vì tôi dành tình cảm cho họ nên vết thương sâu hơn, đau hơn. Vì là người thân nên tôi phải thấy họ mỗi ngày sau những tổn thương và 'bị thương' đúng chỗ vết thương cũ khi vết thương cũ chưa kịp lành. Rồi thì đau đớn chồng lên đau đớn, tôi không thể quên được những nỗi đau ấy. Nó như khắc sâu vào tâm trí ngay từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Thời gian trôi qua, tôi lớn lên, những người đã từng tổn thương tôi không còn ở bên nhưng những ký ức khủng khiếp ấy vẫn đọng lại. Chúng thay thế họ tổn thương tôi, vô số lần sau đó.
Tôi là người ôm theo nỗi đau. Nỗi đau như gánh nặng trên vai, càng ngày càng nhiều, càng ngày càng nặng. Nó để lại những vết thương trên vai mình, trong lòng mình, khắp nơi.
Mỗi khi ôm theo nỗi đau, càng có nhiều vết thương.
Tha thứ cho ai?
Sau rất nhiều năm nặng nề và đau đớn, tôi nhận ra rằng những nỗi đau không phải là thứ hành lý bắt buộc phải mang theo. Tôi có thể bỏ nó lại bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào trên hành trình của mình. Bỏ nỗi đau lại ở hiện tại và đi tiếp để nó chìm vào quá khứ. Nói thì dễ nhưng làm thì khó khăn hơn nhiều. “Làm sao có thể dễ dàng buông bỏ nỗi đau và tha thứ cho ai đó đã tổn thương ta sâu sắc?” là một câu hỏi vô cùng khó trả lời. Không phải ai cũng từ bi bác ái và không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để bước qua những sự tổn thương như thế. Không vượt qua được thì cứ đau thôi, tổn thương thì cứ tổn thương. Những vết thương lòng không phải lúc nào cũng là điều xấu. Chịu những vết thương giống như là trải qua một cuộc phẫu thuật vậy. Những người đã tổn thương mình là những “căn bệnh” cần được chữa trị, chịu nỗi đau họ gây ra là để xem rốt cuộc họ có thật sự cần hiện diện trong cuộc sống của mình hay không. Những tổn thương là cái giá phải trả để nhìn rõ mọi người xung quanh và quyết định xem có để họ tiếp tục là một phần trong cuộc sống của mình không. Sau những tổn thương, tôi có đủ can đảm để buông tay những người không thật sự phù hợp với “thế giới” của mình.
Để tha thứ cho người gây ra nỗi đau là bước quan trọng nhất. Tha thứ giúp ta giải thoát khỏi nỗi đau và bắt đầu lại. Tha thứ không chỉ là với người khác mà còn là với chính bản thân. Sau cùng, người cần được tha thứ nhất không phải là người gây ra nỗi đau mà là người phải chịu đựng nó. Họ cần tha thứ để có thể tiếp tục sống.
Tha thứ là cách để chấm dứt chuỗi ngày tổn thương, để bước đi về phía trước. Tha thứ không phải là sự khoan dung với người khác mà là sự tự do cho chính mình. Tha thứ là cho phép bản thân bắt đầu lại một cách hạnh phúc.
Từ lời xin lỗi
Khi chúng ta ôm lấy nỗi đau, thường cố tìm kiếm một lời xin lỗi, một sự hối cải từ đối phương. Nhưng đôi khi, việc này trở nên không thể. Vì bạn không quan trọng đối với họ. Thậm chí, nếu bạn quan trọng với họ, họ sẽ không gây ra tổn thương cho bạn. Tha thứ là cách để giải thoát cho chính mình, không phải cho người khác.
Dù người là người nào, bạn nên tha thứ. Bởi nếu không, người bị tổn thương chỉ có mình. Tự làm tổn thương chính mình không bao giờ là lựa chọn sáng suốt. Hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào cách bạn sống, không phải vào hoàn cảnh hay người khác.