Để làm tốt bài thi Listening, bên cạnh các yếu tố như có nền tảng ngữ pháp, nhận biết các âm, nắm được phương pháp làm bài, người đọc cần có một vốn từ nhất định để có thể nghe hiểu thông điệp. Bài viết này nhắm đến đối tượng người học (mục tiêu 5.5) đang gặp khó khăn với kỹ năng IELTS Listening vì lý do vốn từ, với mong muốn giúp người đọc định hướng được những chủ điểm từ vựng cần tập trung, nguồn tài liệu để lấy được những từ vựng này. Cuối cùng, tác giả sẽ gợi ý cho người đọc một phương pháp học giúp ghi nhớ nhanh và nhiều từ vựng theo chủ đề, để có thể giúp tối ưu việc học từ vựng đó là Semantic Mapping.
Key takeaways
1. Trong IELTS Listening, hai phần đầu dễ hơn hai phần sau vì chúng nói về các vấn đề thuộc ngữ cảnh hàng ngày (everyday social contexts).
2. Để đạt được band 5.5 Listening, người đọc trước hết cần ưu tiên trau dồi vốn từ liên quan đến everyday social contexts.
3. Người đọc có thể học từ vựng từ transcript và sách uy tín.
4. Phương pháp Semantic Mapping giúp người đọc ghi nhớ nhiều từ vựng theo chủ đề, bằng cách hình thành mối liên hệ giữa các từ vựng trong chủ đề và nhóm thành các nhóm.
Từ vựng cần thiết cho IELTS Listening đạt band 5.5
Yêu cầu để đạt được điểm 5.5 IELTS Listening
Bài thi IELTS Listening có tổng cộng 40 câu hỏi, được chia đều cho 4 phần. Để đạt được band 5.5, người học cần làm đúng tối thiểu 18/40 câu.
Trước tiên, bởi vì các phần của bài thi Nghe sẽ có độ khó khác nhau, việc nắm rõ cấu trúc ra đề là cần thiết, đặc biệt đối với người học đang có trình độ cơ bản đến trung bình. Lí do cho việc này là, người học có thể xác định được phần nào là những phần mình đang cần tập trung vào, từ đó có thể suy ra được phạm vi từ vựng cần ưu tiên học.
Cụ thể, 4 phần của bài thi IELTS sẽ có nội dung như sau:
Part 1 - một cuộc trò chuyện giữa hai người đặt trong bối cảnh xã hội hàng ngày, ví dụ: một cuộc trò chuyện về đặt phòng khách sạn
Part 2 - một đoạn độc thoại đặt trong bối cảnh xã hội hàng ngày, ví dụ: một bài phát biểu về giao thông địa phương.
Part 3 - một cuộc trò chuyện giữa tối đa bốn người được đặt trong bối cảnh giáo dục hoặc đào tạo, ví dụ: một gia sư đại học và một sinh viên thảo luận về một bài tập.
Part 4 - độc thoại về một chủ đề học thuật, ví dụ: một bài giảng ở giảng đường đại học.
=> Hai phần đầu (Part 1 và Part 2) giải quyết các tình huống đặt trong bối cảnh xã hội hàng ngày (everyday social contexts), trong khi đó, hai phần cuối (Part 3 và Part 4) giải quyết các tình huống đặt trong bối cảnh học thuật hơn, liên quan đến giáo dục đào tạo.
Phạm vi từ vựng cần được ưu tiên
Như đã chỉ ra phía trên, chủ đề từ vựng của Part 1 và Part 2 quen thuộc và gần gũi hơn với người học, và như vậy, việc ôn luyện hai phần này cũng sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với người học có mục tiêu 5.5 nhưng khả năng nghe chưa tốt do yếu từ vựng.
Ngoài ra, bởi vì từ vựng ở hai phần này thuộc bối cảnh hằng ngày, người học có thể dễ dàng ứng dụng chúng cho nhiều mục đích giao tiếp, cả trong phần thi IELTS Speaking. Vì thế, việc nắm được những từ vựng này lại càng cần thiết.
Một số chủ đề từ vựng thường gặp ở hai phần đầu bao gồm những chủ đề cơ bản nhất như ngày, tháng, thời gian, môn học ở trường, v.v đến những chủ đề có tầng suất xuất hiện cao trong giao tiếp hàng ngày, như phương tiện giao thông, nhà ở, v.v
Nguồn từ vựng cho IELTS Listening
Transcript âm thanh
Trong quá trình luyện nghe, người học có thể rất cần đến audio transcript. Transcript giúp người đọc đối chiếu đáp án, xem lại những gì mình chưa nghe được, thậm chí luyện khả năng nhận diện từ. Ngoài ra, transcript còn rất hữu ích khi người đọc muốn học từ vựng. Người học có thể mở transcript và học ngay từ mới vừa xuất hiện trong bài nghe.
Sách
Sách luyện từ vựng đã trở nên hết sức quen thuộc với nhiều người học. Nếu người học muốn chủ động mở rộng vốn từ của mình, sách là một tài liệu rất thích hợp.
Người học nên lựa chọn sách từ vựng phù hợp với trình độ và nhu cầu học của bản thân ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, ở bài viết này, người đọc cần trau dồi từ vựng thuộc các chủ đề quen thuộc, bối cảnh xã hội hàng ngày, để phục vụ cho việc nghe thật tốt Part 1 và Part 2. Vì vậy, người đọc nên tìm đọc những tài liệu tổng hợp từ vựng theo chủ đề, và dành cho trình độ Intermediate.
Người đọc có thể tham khảo các tài liệu như: Collins Work on your Vocabulary (Intermediate và Upper Intermediate), English Vocabulary In Use (Pre-Intermediate, và Intermediate), Oxford Word Skills (Basic, và Intermediate) hoặc các tài liệu khác từ nhà xuất bản uy tín, đặc biệt là Cambridge.
Các tài liệu này cung cấp từ vựng theo từng chủ đề gần gũi với cuộc sống, rất thích hợp dùng để trau dồi từ vựng, phục vụ cho bài thi IELTS nói chung và Listening nói riêng.
Phương pháp học từ vựng sử dụng Semantic Mapping
Giới thiệu phương pháp Semantic Mapping
Semantic Mapping (Sơ đồ ngữ nghĩa) là một phương pháp giúp phát triển và mở rộng vốn từ. Người học sẽ dùng công cụ trực quan (sơ đồ) để nhóm và xếp các từ vựng liên quan đến nhau lại (Kholi, & Sharifafar, 2013).
Khi học từ vựng theo chủ đề, người đọc có thể cảm thấy khó khăn trong việc ghi nhớ. Nếu ghi hết từ vựng cần học ra thì sẽ được một danh sách khá dài, cho dù có chia theo chủ đề, thì số lượng từ trong mỗi chủ đề cũng không ít. Nhiều người đọc thấy nản chí và đánh mất hứng thú khi nhìn vào những danh sách từ vựng như vậy.
Trong trường hợp này, lập sơ đồ từ vựng có thể sẽ là một phương pháp rất hữu ích.
Sơ đồ bên dưới là một ví dụ áp dụng phương pháp Semantic Mapping để ghi nhớ từ vựng chủ đề House & Home:
Khi hình thành một sơ đồ như thế này, người học sẽ tự tư duy, phân tích để nhóm được các từ vựng theo chủ đề đó thành các nhóm từ vựng liên quan đến nhau, ví dụ, trong hình bên trên, các từ vựng như cooker, microwave, cutlery, v.v đều là các vật dụng liên quan đến nhà bếp, vì thế tác giả lựa chọn xếp chúng vào chung một nhóm và đặt tên là “kitchen”. Tương tự với các nhóm còn lại, tác giả thấy các từ ở mỗi nhóm đều có liên quan với nhau theo một khía cạnh nào đó, nên tác giả xếp chúng vào sơ đồ và tự đặt tên nhóm.
Đây là cách tư duy của tác giả. Mỗi người đọc có thể có cách khác nhau để liên kết ngữ nghĩa của các từ vựng, và nhóm từ theo cách khác. Nhưng dù thế nào, khi tự mình sơ đồ hóa các từ vựng, người đọc đã cho bộ não thêm thời gian và cơ hội để phân tích, tìm ra mối liên quan giữa nhiều từ vựng. Từ đó có thể ghi nhớ được nhiều từ vựng hơn, nhanh hơn và lâu hơn.
Ngoài ra, khi áp dụng mapping, người đọc sẽ có xu hướng liên tưởng đến các từ vựng cũ mà có liên quan để đưa vào nhóm. Nó thúc đẩy việc so sánh và đối chiếu từ mới với từ cũ, một việc rất có lợi cho quá trình nâng cao vốn từ (Rupley, Logan, & Nichols, 1998).
Các bước thực hiện
Người đọc có thể thực hiện phương pháp Semantic Mapping trước và sau khi học từ vựng mới, các bước cụ thể như sau:
(1) Ghi tên chủ đề giữa trang giấy hoặc màn hình máy tính (nếu sử dụng các công cụ vẽ sơ đồ)
(2) Nhớ lại các từ đã biết về chủ đề, nhóm chúng và đặt vào sơ đồ, đặt tên cho từng nhóm (nếu có thể)
(3) Bắt đầu học từ vựng mới
(4) Phân nhóm và thêm từ vựng mới vào sơ đồ
Việc này giúp củng cố việc ghi nhớ từ vựng và tự đánh giá tiến trình học tập của bản thân.
Ngoài ra, bạn có thể thêm hình ảnh minh họa bên cạnh từ vựng mới để làm cho sơ đồ sinh động hơn và hỗ trợ ghi nhớ tốt hơn.
Bạn có thể tự vẽ Semantic Mapping hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến như Micro, MindMeister và những công cụ khác để hỗ trợ.