Lập luận và thuyết phục là những kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khả năng lập luận tốt mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta trong học tập, công việc, tranh luận cũng như viết lách. Đặc biệt, kỹ năng lập luận có vai trò vô cùng quan trọng và mang tính quyết định trong phần thi Writing của bài thi IELTS.
Ở phần thi Writing của bài thi IELTS, thí sinh sẽ được yêu cầu viết hai bài văn và bài văn thứ hai (Task 2) thường được đánh giá là thử thách khó khăn nhất của kỹ năng Writing cũng như của cả kỳ thi. IELTS Writing Task 2 yêu cầu thí sinh phải viết một bài văn nghị luận (Argumentative Essay) để nêu ra quan điểm rõ ràng về một vấn đề được đặt ra ở câu hỏi. Đồng thời, thí sinh phải lập luận một cách khéo léo, kết hợp nhuần nhuyễn các lý lẽ và dẫn chứng để tạo ra hiệu quả thuyết phục cho bài văn nghị luận của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình lập luận, rất nhiều thí sinh thường xuyên mắc phải các sai sót khi lập luận, làm giảm đi sự chặt chẽ của luận cứ và ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng thuyết phục của bài văn. Các sai lầm có thể bắt nguồn từ trong tư duy của người viết, thể hiện qua các lỗi Ngụy biện (Fallacies), các luận cứ bất hợp lý, thiếu liên kết hay sự ngộ nhận về tính tương đồng giữa các đối tượng trong bài văn.
Ở bài viết này, tác giả sẽ đi sâu vào phân tích một lỗi tư duy và lỗi lập luận xuất hiện khá phổ biến trong các văn bản nghị luận cũng như các cuộc tranh biện thông dụng, đó là sự nhầm lẫn giữa mệnh đề thuận và mệnh đề phản trong lập luận. Từ đó, bài viết sẽ đề xuất một cách nhận biết cũng như hướng dẫn kỹ thuật để khắc phục lỗi lập luận này.
Key Takeaways:
Mệnh đề thuận: Mệnh đề có dạng A —> B
Mệnh đề phản: Mệnh đề có dạng A sai —> B sai
Sự nhầm lẫn giữa mệnh đề thuận và mệnh đề phản: Mệnh đề thuận và mệnh đề phản khác biệt hoàn toàn về ý nghĩa và vai trò nên không thể thay thế nhau trong lập luận
Khắc phục
Quy tắc 1: Khái quát hóa luồng thông tin trong mệnh đề bằng các chữ cái A và B hay X và Y.
Quy tắc 2: Cẩn thận tính đúng sai khi chứng minh mệnh đề thuận
Mệnh đề thuận có nghĩa là gì?
Ví dụ: Quan sát mệnh đề sau:
Nếu bạn đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ thi IELTS được 8.0
Ở mệnh đề trên, ta có thể quan sát thấy câu văn đề cập tới hai hành động chính, cũng là hai luồng thông tin chính của câu là: “đọc hết cuốn sách này” và “thi IELTS được 8.0”. Ta sẽ khái quát hóa hai luồng thông tin này bằng hai chữ cái A và B với A là “đọc hết cuốn sách” và B là “thi IELTS 8.0”. Theo đó, ta thấy nếu luồng thông tin A xảy ra thì sẽ kéo theo luồng thông tin B xảy ra. Từ đó, ta đưa ra kết luận dạng của mệnh đề là A —> B.
Tương tự, ta cũng có thể đánh giá rất nhiều mệnh đề khác là mệnh đề thuận A —> B bằng cách khái quát hóa các đối tượng hay các luồng thông tin trong mệnh đề và gán các luồng thông tin với các cặp chữ cái cụ thể như A và B hay X và Y. Các câu văn sau đây là những ví dụ mở rộng về mệnh đề có dạng A → B:
1. Nếu bạn hút thuốc thường xuyên, bạn sẽ bị ung thư phổi.
2. Nếu bạn uống loại nước này, bạn sẽ trở nên thông tin hơn.
3. Nếu anh ta mua chiếc mũ này, anh ta sẽ có người yêu.
Mệnh đề phản là cái gì?
Ví dụ, ta có thể quan sát cặp mệnh đề sau:
1. Nếu Lisa sử dụng chiếc bút này khi đi thi, cô ấy sẽ đạt được điểm 10.
2. Nếu Lisa không sử dụng chiếc bút này khi đi thi, cô ấy sẽ không đạt điểm 10.
Ở cặp mệnh đề trên, ta sẽ gán luồng thông tin A với việc “Lisa sử dụng cây bút này khi đi thi” và luồng thông tin B với việc “Lisa sẽ đạt được điểm 10”. Khi này, ta sẽ thấy câu văn đầu tiên có dạng là A —> B còn câu văn thứ hai có dạng là A sai —> B sai. Vậy câu văn thứ hai được xem là mệnh đề phản của cân văn thứ nhất. Hai câu văn ở trên được coi là một cặp mệnh đề thuận và mệnh đề phản, xuất hiện khá phổ biến trong viết lách và tranh biện.
Một số ví dụ tương tự:
1. “Uống nhiều rượu bia sẽ gây ra mất trí nhớ” và “Không uống nhiều rượu bia sẽ dẫn tới không bị mất trí nhớ”
2. “Hút thuốc là thường xuyên sẽ khiến người hút bị ung thư phổi” và “Không hút thuốc là thường xuyên sẽ dẫn tới không bị ung thư phổi”
3. “Nếu bạn mua chiếc lá này, bạn sẽ gặp nhiều thành công trong cuộc sống” và “Nếu bạn không mua chiếc lá này, bạn sẽ không gặp nhiều thành công trong cuộc sống”.
Có thể thấy, mệnh đề thuận và mệnh đề phản có nhiều nét tương đồng về hình thức và thông tin. Tuy nhiên, người viết cần hiểu rõ ràng, mệnh đề thuận và mệnh đề phản hoàn toàn không tương đồng với nhau về mặt ý nghĩa. Chính vì thế, hai loại mệnh đề này hoàn toàn không thể thay thế cho nhau về mặt vai trò và chức năng trong lập luận.
Giả sử, ta có thể đánh giá tính tương đồng của mệnh đề thuận và mệnh đề phản qua hai câu văn sau:
1. “Nếu bạn mua tấm vé này, bạn sẽ trở nên vô cùng giàu có”.
2. “Nếu bạn không mua tấm vé này, bạn sẽ không thể trở nên giàu có”.
Thoạt nhìn, ta thấy hai mệnh đề trên có vẻ khá giống nhau. Cả hai mệnh đề đều thực hiện nhiệm vụ thuyết phục người nghe mua vé. Tuy nhiên, ta cần hiểu rằng hai mệnh đề trên là hai mệnh đề thuận – phản, hoàn toàn không đồng nghĩa và không thay thế được. Để hiểu rõ hai mệnh đề này, ta sẽ gán luồng thông tin A với việc “mua vé” và luồng thông tin B với việc “trở nên giàu có”. Theo đó, ta có thể coi câu văn thứ nhất là mệnh đề thuận có dạng A —> B và câu văn thứ hai là mệnh đề thuận có dạng “A sai —> B sai”.
Trước hết, ta cần xem xét ý nghĩa của mệnh đề thứ nhất. Theo đó, nếu điều A xảy ra (mua vé) thì điều A sẽ kéo theo điều B xảy ra (sự giàu có). Tuy nhiên, mệnh đề thứ nhất này không thể hiện rằng bạn chỉ có thể giàu có khi bạn mua vé này. Hay nói cách khác, mệnh đề thứ nhất không đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải mua vé thì mới giàu có bởi bạn hoàn toàn vẫn có thể trở nên giàu có bằng những cách khác.
Hiển nhiên, câu văn thứ nhất không mang ý nghĩa rằng bạn không mua tấm vé này thì sẽ mãi mãi nghèo. Khi phân tích câu văn thứ hai, ta có thể thấy rằng câu văn thứ hai sẽ sai khi điều A sai nhưng lại dẫn tới điều B đúng. Cụ thể, câu văn thứ hai sẽ sai khi bạn “không mua tấm vé” nhưng bạn vẫn “trở nên giàu có”. Ta có thể thấy rằng, ngay khi câu văn thứ hai sai thì câu văn thứ nhất vẫn có thể đúng! Câu văn thứ nhất nói rằng nếu mua vé thì bạn sẽ giàu nhưng câu văn này không hề phủ nhận việc bạn có thể giàu bằng cách khác ngoài cách mua vé. Vậy khi câu văn thứ hai đã bị chứng minh là sai thì câu văn thứ nhất vẫn có thể đúng.
Ngược lại, khi câu văn thứ nhất sai, câu văn thứ hai vẫn hoàn toàn có khả năng đúng. Theo đó, câu văn thứ nhất sẽ sai khi A đúng và B sai. Cụ thể, câu văn thứ nhất sẽ sai khi bạn “mua tấm vé này” nhưng bạn vẫn “không giàu”. Rõ ràng, khi bạn “mua vé” mà vẫn “không giàu” thì khi bạn không “mua vé”, bạn hoàn toàn vẫn có thể “không giàu”. Bởi hai việc này hoàn toàn không liên quan tới nhau và không ảnh hưởng tới nhau. Nói cách khác, khi câu văn thứ nhất (mệnh đề thuận) thì câu văn thứ hai (mệnh đề phản) vẫn có thể đúng.
Qua ví dụ trên, người viết có thể nhận thấy rõ, dù mệnh đề thuận và mệnh đề phản có nhiều nét tương đồng về hình thức cũng như nội dung, giữa hai mệnh đề này vẫn tồn tại sự phân biệt rạch ròi về tính đúng sai, ý nghĩa và chức năng trong lập luận. Do đó, người viết tuyệt đối không được sử dụng hai loại mệnh đề này để thay thế cho nhau khi lập luận.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi viết bài văn IELTS Writing Task 2, rất nhiều thí sinh nhầm lẫn giữa mệnh đề thuận và mệnh đề phản. Điều này dẫn tới các lỗi lập luận khá đáng tiếc, ảnh hưởng tới tính logic và hiệu quả thuyết phục của bài văn.
Quan sát ví dụ sau:
Đề bài: When smoking is prohibited, people will become healthier. To what extent do you agree or disagree with the statement?
Lập luận trong bài: From my perspective, I personally believe that the prohibition of smoking will effectively improve public health. Nowadays, it is not uncommon to observe that smoking cigarretes appear in every corner of our society. As a result, many people around the world are suffering from detrimental effects caused by smoking such as lung cancer and heart diseases.
Ở phần lập luận trong đoạn văn trên, thoạt nhìn, ta sẽ thấy đoạn văn trên trong có vẻ là một đoạn văn được lập luận khá chặt chẽ và hợp lý. Đoạn văn có đề cập tới vấn đề được đặt ra trong câu hỏi và nêu ra quan điểm rõ ràng của người viết với vấn đề này. Ngay ở đầu đoạn văn, người viết đã thể hiện quan điểm đồng tình với mệnh đề trong câu hỏi là việc cấm hút thuốc sẽ cải thiện sức khỏe người dân. Sau đó, người viết lập luận rằng ngày nay vì sức khỏe quá phổ biến nên sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, mắc nhiều loại bệnh nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu phân tích cẩn thận hơn, ta sẽ nhận thấy ở đoạn văn trên người viết đã mắc phải lỗi nhầm lẫn giữa mệnh đề thuận và mệnh đề phản. Để cụ thể hóa các luồng thông tin trong đoạn văn, ta sẽ gán X với việc “cấm thuốc lá” và Y với việc “cải thiện sức khỏe”. Từ đó, ta có thể dễ dàng đánh giá, mệnh đề được đưa ra trong đề bài là mệnh đề thuận X —> Y (cấm thuốc là sẽ dẫn tới sức khỏe được cải thiện).
Tiếp theo, ta sẽ sử dụng các chữ cái X, Y để khái quát hóa mệnh đề trong đoạn văn. Ở đoạn văn, tác giả lập luận rằng ngày này thuốc lá phổ biến ở khắp nơi, tức là thuốc lá chưa bị cấm, hay nói cách khác ta có “X sai”. Tiếp đó, tác giả lập luận rằng vì thuốc lá ở khắp nơi (không bị cấm) nên sức khỏe người dân bị ảnh hưởng tiêu cực, tức là X sai sẽ dẫn tới Y sai. Từ đó, ta kết luận mệnh đề tổng quan của cả đoạn văn này là X sai —> Y sai. Rõ ràng, mệnh đề được tác giả sử dụng để chứng minh trong đoạn văn là mệnh đề phản của mệnh đề thuận ban đầu trong đề bài. Việc chứng minh ủng hộ hay bác bỏ mệnh đề phản trong văn nghị luận để hoàn toàn vô nghĩa về mặt lý luận.
Như đã nói ở trên, mệnh đề thuận và mệnh đề phản hoàn toàn khác nhau về tính đúng sai, về ý nghĩa cũng như chức năng trong văn bản. Chính vì thế, việc sử dụng mệnh đề phản thể hiện rằng tác giả đã xác định sai đối tượng để chứng minh viết bài. Từ đó, các lập luận trong bài văn trở nên phi logic, thiếu chặt chẽ và hoàn toàn không có hiệu quả thuyết phục.
Xử lý sự nhầm lẫn giữa mệnh đề thuận và mệnh đề phản
Tóm tắt luồng thông tin trong mệnh đề sử dụng các chữ cái A và B hoặc X và Y.
Đây là một cách vô cùng hiệu quả để đơn giản hóa mối liên hệ giữa các luồng thông tin trong mệnh đề, từ đó đưa ra các nhận xét chính xác hơn và định hướng chặt chẽ hơn cho lập luận của bài văn.
Theo đó, người viết sẽ gán các đối tượng hay các luồng thông tin trong mệnh đề bằng các chữ cái như A và B hay X và Y. Tiếp đó, tùy thuộc vào nội dung của mệnh đề ban đầu, ta sẽ sử dụng dấu mũi tên “—>” để kết nối các luồng thông tin trong mệnh đề.
Ví dụ, với mệnh đề “Chơi trò chơi điện tử sẽ kích động bạo lực”, ta có thể gán A với việc “chơi trò chơi điện tử” và gán B với “bạo lực”. Ở đây, ta thấy mệnh đề muốn nêu lên rằng việc chơi trò chơi điện tử sẽ dẫn tới bạo lực hay nói các khác A —> B.
Việc khái quát hóa các luồng thông tin sẽ giúp người viết có góc nhìn rõ nét hơn và chính xác hơn về các đối tượng được nhắc tới trong bài văn, từ đó đưa ra lập luận chính xác và chặt chẽ hơn.
Hãy cẩn thận khi xác định đúng sai trong mệnh đề thuận.
Đối với mệnh đề thuận A —> B, người viết cần hiểu rõ sự liên quan giữa tính đúng sai của mệnh đề với tính đúng sai của các luồng thông tin A và B.
Khi người viết muốn chứng minh mệnh đề A —> B đúng, người viết có thể lập luận theo hai hướng sau:
Chứng minh trực tiếp nếu A xảy ra thì B bắt buộc sẽ xảy ra. Khi này, người viết có thể sử dụng các lý lẽ logic hoặc các dẫn chứng cụ thể để chứng minh mệnh đề. Ví dụ, nếu muốn chứng minh “Chơi trò chơi điện tử kích động bạo lực”, người viết cần đưa ra luận cứ để khẳng định rằng nếu điều A xảy ra (chơi trò chơi điện tử) thì chắc chắn B xảy ra (bạo lực).
Chứng minh gián tiếp qua mệnh đề phản đảo “B sai —> A sai”: Đôi khi việc chứng minh trực tiếp mệnh đề thuận trong bài quá khó và không đủ thời gian, người viết có thể chứng minh gián tiếp thông qua mệnh đề phản đảo. Mệnh đề phản đảo là mệnh đề có dạng “B sai —> A sai” và mệnh đề dạng này hoàn toàn đồng nghĩa với mệnh đề thuận “A —> B”. Chính vì thế, hai mệnh đề này có thể được sử dụng thay thế cho nhau trong lập luận. Ví dụ, nếu muốn chứng minh “Để thành công trong kinh doanh, doanh nhân cần phải giỏi Toán” thì người viết có thể chứng minh gián tiếp thông qua mệnh đề “Nếu không giỏi Toán thì không thể thành công trong kinh doanh”.
Nếu muốn phản đối mệnh đề thuận “A —> B”, người viết cần phải hiểu tính đúng sai của mệnh đề A —> B và đưa ra định hướng phù hợp. Theo đó, mệnh đề thuận “A —> B” sẽ sai chỉ khi A đúng nhưng B lại sai. Ví dụ, người viết muốn phản bác mệnh đề “Cấm rượu bia sẽ cải thiện sức khỏe của người dân” thì người viết cần chứng minh rằng ngay cả khi A đúng (cấm rượu bia) thì B vẫn sẽ sai (sức khỏe người dân không được cải thiện.
Đối với ví dụ ở đoạn văn bên trên, người viết có thể áp dụng quy tắc thứ hai, đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng phù hợp để chứng minh A —> B và không nhầm lẫn mệnh đề gốc ban đầu với mệnh đề phản A sai —> B sai.
Lời giải đề xuất: Personally, I am strongly convinced that the prohibition of smoking will effectively improve public health. Firstly, the banning of cigarretes forces addicted smokers to get rid of these toxic products as soon as possible. Secondly, this policy also prevent people from being passive smokers, who do not really smoke but have to suffer from serious health risks due to smoking from other people.
Bài tập thực hành
Bài 1: The abolishment of homework will improve the quality of educational system. To what extent do you agree or disagree?
Bài 2: If cars and motorbikes are banned in cities, air pollution will be solved. Do you agree or disagree with this idea?
Bài 3: If children are required to take part in social projects, they will spend less time on computer games. To what extent do you agree or disagree?
Đáp án
Bài 1:
A : “Việc bỏ bài tập về nhà”
B : “Cải thiện chất lượng giáo dục.”
Theo câu văn của đề bài, sự việc A xảy ra sẽ kéo theo sự việc B xảy ra nên ta có A —> B.
Mệnh đề phản tương ứng: A sai —> B sai: “Nếu không bỏ bài tập về nhà, chất lượng giáo dục sẽ không cải thiện”
Bài 2:
A: “Cấm xe hơi và xe máy trong thành phố”
B: “Ô nhiễm không khí sẽ được cải thiện”
Mệnh đề thuận trong đề bài A —> B
Mệnh đề phản: A sai —> B sai: “Nếu không cấm xe hơi và xe máy trong thành phố, ô nhiễm không khí sẽ không được giải quyết".
Bài 3:
A: “Bắt buộc trẻ em tham gia các dự án xã hội”
Trẻ con hiếm khi tham gia trò chơi hơn
Tính đúng của mệnh đề trong bài: A —> B
Tính không đúng của mệnh đề trong bài: A sai —> B sai: “Nếu trẻ em không phải tham gia các dự án xã hội, họ sẽ dành nhiều thời gian cho việc chơi game”