Trong quá trình học từ vựng, cụ thể là với động từ, nhiều thí sinh vẫn còn thói quen học theo từ đơn và học nhiều nghĩa khác nhau của một động từ mà không xem xét đến ngữ cảnh mà động từ này có thể xuất hiện. Về lâu về dài, việc học theo từ đơn sẽ làm cho thí sinh sử dụng động từ sai cấu trúc và ngữ cảnh. Để giải quyết hai vấn đề trên, thí sinh cần nắm rõ cách mà các động từ trong tiếng Anh được phân chia để từ đó áp dụng lý thuyết trên vào việc học động từ. Bài viết bên dưới chia sẻ 6 nhóm động từ theo cách phân chia của bộ môn Cú pháp học (Syntax) và cách mà thí sinh có thể áp dụng lý thuyết trên để cải thiện cách đặt câu của mình.
Định nghĩa về động từ
Phân loại động từ dựa vào cấu trúc ngữ pháp
Động từ có bổ ngữ (Transitive verb)
Ngoại động từ là nhóm động từ cần một bổ ngữ là một cụm danh từ. Cụm danh từ này được xem như là tân ngữ trực tiếp (direct object) của động từ. Những động từ như “see” (thấy), “meet” (gặp), “make” (làm ra), “throw” (ném),… đều đi được với một cụm danh từ phía sau và từ đó đều được xem là ngoại động từ. Bên dưới là một số câu mẫu có sử dụng ngoại động từ:
He soaks the shirt in water (Anh ấy ngâm áo trong nước)
Governments should reduce pollution levels. (Chính phủ nên làm giảm tình trạng ô nhiễm)
She touches the stove (Cô ấy chạm vào bếp)
Ba ngoại động từ này lần lượt có tân ngữ trực tiếp là “the shirt”, “pollution levels” và “the stove”.
Động từ không bổ ngữ (Intransitive verb)
Nội động từ là một nhóm động từ với cấu trúc đơn giản nhất trong 6 nhóm. Vì đây là nhóm động từ không đi với bổ ngữ, tự thân nó đã có thể hoạt động như một cụm động từ. Những động từ như “smile” (cười), “die” (chết), “stand” (đứng),… đều có thể hoạt động một cách riêng lẻ và không cần bổ ngữ theo sau. Một số câu có sử dụng nội động từ được trình bày bên dưới bao gồm:
At the gates of the building, he trembles. (Trước cổng tòa nhà, anh ấy run sợ)
He doesn’t read very often (Anh ấy không đọc sách thường xuyên lắm)
They arrived just in time (Họ đến vừa kịp lúc)
Thí sinh cũng nên tránh nhầm lẫn việc xem “very often” hay “just in time” là bổ ngữ của động từ. Vì đây là những thành tố không bắt buộc phải kèm theo động từ, nếu xóa chúng ra khỏi câu, động từ vẫn giữ được nét nghĩa và câu vẫn đúng ngữ pháp. Bổ ngữ trong tiếng Anh được hiểu là complement, trong khi thành phần này được gọi là modifier.
Đến đây, thí sinh có thể sẽ phát hiện một số động từ có thể vừa đóng vai trò là nội động từ, vừa đóng vai trò là ngoại động từ, chẳng hạn như hai câu bên dưới:
We walk our dog every day to make sure he stays active (Chúng tôi dắt chú chó đi dạo mỗi ngày để đảm bảo chú vẫn năng động)
She walks really slowly (Cô ấy đi bộ rất chậm)
Ở câu thứ 1, động từ “walk” (dắt) có tân ngữ trực tiếp là “our dog” còn ở câu 2, động từ “walk” (đi bộ) không có bổ ngữ nào. Và ở hai câu thì động từ “walk” mang hai nét nghĩa khác nhau. Ngoài động từ “walk”, cũng còn rất nhiều động từ khác có thể vừa là nội động từ, vừa là ngoại động từ “run” (vận hành - chạy), “change” (thay đổi một thứ gì đó - một thứ gì đó tự thay đổi), …
Động từ chứa hai bổ ngữ (Ditransitive verb)
Dựa vào tên gọi của động từ, cũng có thể hình dung được cấu trúc của nhóm động từ này. Cụ thể hơn, nhóm động từ này cần phải đi với hai bổ ngữ, và cả hai bổ ngữ này đều là cụm danh từ. Một bổ ngữ được gọi là “tân ngữ trực tiếp” (direct object) còn bổ ngữ còn lại được gọi là “tân ngữ gián tiếp” (indirect object). Đa phần những động từ trong nhóm này là những động từ chỉ sự cho nhận, truyền đạt thông tin,… Và thông thường, tân ngữ nào là đối tượng nhận từ hành động sẽ là tân ngữ gián tiếp, còn tân ngữ là đối tượng được truyền đạt, cho đi sẽ là tân ngữ trực tiếp. Một số động từ tiêu biểu trong nhóm này bao gồm “give” (cho), “send” (gửi), “teach” (dạy),…
Cùng xem xét một số câu ví dụ bên dưới:
We give the kid a box of candies (Chúng tôi cho thằng bé một hộp kẹo)
He usually tells his daughter bedtime stories (Anh ấy thường kể chuyện cho con gái trước khi đi ngủ)
Ở cả hai câu này, hai động từ “give” và “tell” đều là động từ hai bổ ngữ, đều đi phía trước tân ngữ gián tiếp là “the kid” và “his daughter”, cũng như liền sau đó là tân ngữ trực tiếp “a box of candies” và “bedtime stories”. Một cách để nhận biết xem một động từ có phải là động từ hai bổ ngữ hay không là liệu câu này có thể được viết lại với tân ngữ trực tiếp đứng trước tân ngữ gián tiếp hay không. Với hai câu ví dụ trên, chúng sẽ được viết lại như sau:
We give a box of candies
He usually tells bedtime stories to his daughter.
Tại đây, thí sinh cũng hình dung được vì sao “the kid” và “his daughter” là chỉ là tân ngữ gián tiếp. Vì lúc này có sự xuất hiện của giới từ “to” (Ở một số câu khác, đây còn có thể là giới từ “for”). Giới từ này ám chỉ rằng danh từ phía sau nó chỉ là đối tượng nhận, chứ không phải đối tượng trực tiếp được trao đổi, cho nhận.
Ngoài ra, cũng có một số động từ tưởng chừng như không phải động từ hai bổ ngữ cũng có thể đi theo cấu trúc này. Những động từ như “buy” (mua cho), “read” (đọc cho), “show” (giới thiệu cho),… đều có thể là động từ hai bổ ngữ, như ví dụ bên dưới:
He buys his wife a bouquet of flowers. (Anh ấy mua cho vợ một bó hoa)
Mrs.Robinson reads bedtime stories to her son every night (Cô Robinson đọc truyện cho con trai mỗi tối)
My boss ordered a big glass of beer for me. (Sếp tôi gọi cho tôi một cốc bia lớn)
Tại đây, thí sinh lại thấy rõ hơn nữa nhận định rằng một động từ không nhất thiết phải thuộc một nhóm phân loại nào, mà có thể thuộc nhiều nhóm khác nhau. Và ở mỗi nhóm khác nhau, chúng lại mang ý nghĩa khác nhau.
Động từ chuyên sâu (Intensive verb)
Một hệ từ rất phổ biến nhưng cũng đồng thời rất hay bị bỏ qua bởi thí sinh người Việt là “be”. Theo định nghĩa, hệ từ là động từ dùng để giới thiệu vị ngữ của câu, và vị ngữ này được dùng để giải thích cụ thể hơn cho chủ ngữ trong câu. Nói cách khác, hệ từ được dùng để giới thiệu một thông tin về trạng thái, tính chất của chủ ngữ. Đi phía sau một hệ từ có thể là một cụm danh từ, một cụm tính từ hoặc cụm giới từ. Cùng xem qua một số câu ví dụ bên dưới:
My brother is a teacher (Anh tôi là thầy giáo)
The dress you just bought is gorgeous (Chiếc đầm bạn mới mua thật lộng lẫy)
The cat is on the table (Con mèo đang ở trên bàn)
Lần lượt ở từng câu này, vị ngữ của câu (phần phía sau động từ “be”) là một cụm danh từ (a teacher), cụm tính từ (gorgeous) và cụm giới từ (on the table). Điều khiến cho động từ này khó sử dụng với thí sinh Việt Nam chính là ở câu 2 và 3, cụm tính từ và cụm giới từ trong tiếng Anh khi được sử dụng trong tiếng Việt lại không có động từ nào theo trước. Từ đó, thí sinh hay bỏ sót động từ khi sang tiếng Anh. Để khắc phục tình trạng này, thí sinh cần xem xét kỹ liệu vị ngữ của câu: (1) có chứa động từ nào khác hay không, hoặc (2) có phải là một trong ba cụm bổ ngữ cho hệ từ hay không. Nếu câu không có động từ nào khác, thì chỉ có động từ “be” có thể được thêm vào. Nếu một trong ba cụm bổ ngữ của hệ từ đang giải thích thêm một tính chất, trạng thái của chủ ngữ, thí sinh cũng sẽ thêm động từ “be” vào.
Nhưng ngoài động từ “be” ra, tiếng Anh cũng còn nhiều động từ khác có vai trò làm hệ từ, trong đó bao gồm những động từ giới thiệu một trạng thái như “become” (trở nên), “seem” (có vẻ), … hoặc những động từ miêu tả tính chất như “look” (trông), “taste” (có vị), “feel” (có cảm giác), … Vì thế, trong những câu bên dưới, những động từ trong câu đều là hệ từ:
The man’s face suddenly turned red (Sắc mặt người đàn ông bỗng trở nên đỏ ửng)
The cake smells delicious (Cái bánh có mùi rất thơm ngon)
Động từ ngoại phức (Complex transitive verb)
Ngoại động từ phức là một nhóm động từ tương đối khó nhằn, với cấu tạo gồm 3 thành phần bắt buộc: động từ, tân ngữ trực tiếp và bổ ngữ trực tiếp. Tân ngữ trực tiếp sẽ luôn là một cụm danh từ, còn bổ ngữ trực tiếp có thể là một cụm danh từ, cụm tính từ hoặc cụm giới từ. Thí sinh có thể hiểu tân ngữ trực tiếp như đối tượng thụ nhận hành động, trực tiếp chịu tác động bởi hành động, còn bổ ngữ trực tiếp là một trạng thái, tính chất của đối tượng này. Một ví dụ cho ngoại động từ phức là động từ “make” (làm cho) trong câu “What he did make me angry” (Điều anh ấy làm khiến cho tôi tức giận). Trong câu này, “me” là tân ngữ trực tiếp còn “angry” là bổ ngữ trực tiếp. Cùng nhìn qua một số câu khác có chứa ngoại động từ phức:
She puts the baby in the crib (Cô ấy đặt đứa bé vào trong nôi)
They painted their house a light shade of blue (Họ sơn một sắc xanh nhẹ lên ngôi nhà của họ)
I found the story so gripping (Tôi thấy câu chuyện thật cuốn hút)
Tại những câu này, các động từ “puts”, “painted” và “found” đều là ngoại động từ phức, có tân ngữ trực tiếp là cụm danh từ “the baby”, “their house”, “the story” và bổ ngữ trực tiếp nói về trạng thái, tính chất của tân ngữ (trong đó bao gồm một cụm giới từ “in the crib”, một cụm danh từ “a light shade of blue”, một cụm tính từ “so gripping”)
Tại đây, thí sinh có thể sẽ thắc mắc điều gì làm cho ngoại động từ phức khác với ngoại động từ. Với ngoại động từ, chỉ có hai thành phần là bắt buộc, bao gồm động từ và tân ngữ trực tiếp, và nếu có thành phần gì theo sau thì đó là thành phần không bắt buộc. Chẳng hạn như trong câu “He paints the house in the morning” (Anh ấy sơn nhà vào buổi sáng) thì “paint” là ngoại động từ vì “in the morning” không liên quan trực tiếp tới động từ, nhưng trong câu “He paints the house a shade of blue” thì “paint” là ngoại động từ phức, vì “a shade of blue” liên quan trực tiếp tới động từ “paint”.
Ngoài ra, thí sinh cũng có thể thấy cấu trúc của ngoại động từ phức giống với động từ hai bổ ngữ khi cả hai đều có thể theo sau là hai cụm danh từ. Tuy nhiên, điểm khác biệt của hai bên đó là với động từ hai bổ ngữ, câu có thể được viết lại theo cấu trúc “động từ + tân ngữ trực tiếp + to/for + tân ngữ gián tiếp” trong khi ngoại động từ phức thì không thể làm thế. Chẳng hạn như trong hai câu “He makes me a cake” và “He makes me angry” thì câu đầu tiên có thể được viết lại thành “He makes a cake for me” còn câu thứ hai không thể viết lại theo cấu trúc đó. Từ đó, thí sinh có thể kết luận rằng “makes” trong câu thứ hai là ngoại động từ phức, còn trong câu thứ nhất là động từ hai bổ ngữ.
Động từ đi cùng giới từ (Prepositional verb)
Căn theo tên gọi, thí sinh cũng có thể thấy rằng động từ giới từ là động từ theo sau bởi một giới từ, và theo sau giới từ đó là một cụm danh từ. Lấy động từ “apologize” (xin lỗi) làm ví dụ, khi muốn nói “xin lỗi ai đó”, thí sinh phải luôn nói “apologize to somebody” (với giới từ “to” bắt buộc theo sau động từ). Mỗi động từ khác nhau sẽ có những giới từ khác nhau đi kèm với nó. Bên dưới là một số ví dụ của động từ giới từ, bao gồm:
He can never care for himself (Anh ấy không bao giờ có thể tự chăm sóc bản thân)
You can depend on Sally if you want some help (Bạn có thể tin tưởng Sally nếu bạn muốn sự trợ giúp)
The employee finally resigned from the company (Cuối cùng thì người nhân viên cũng đã từ chức khỏi công ty)
Tất cả những động từ giới từ này đều theo sau là một cụm danh từ (himself, Sally, the company).
Tại đây, thí sinh cũng cần phân biệt động từ giới từ với cụm động từ (phrasal verb) chẳng hạn như “look forward to” (trông chờ). Với một động từ giới từ, ý nghĩa của cụm động từ giới từ có thể được suy ra từ nghĩa của động từ riêng lẻ. Chẳng hạn như “agree” đã mang nghĩa là “đồng ý” thì “agree with” cũng không thay đổi nghĩa. Nhưng với phrasal verb, ý nghĩa của cụm động từ lại khác biệt hoặc hoàn toàn so với nghĩa của động từ và các thành phần trong cụm. Ví dụ như động từ “come across” (bắt gặp) có định nghĩa không liên quan tới từng bộ phận “come” và “across”.
Áp dụng phân loại động từ vào việc học từ vựng và xây dựng câu trong tiếng Anh:
Nhìn vào từ điển, thí sinh cũng có thể thấy những ví dụ đi kèm để “run” có thể mang nghĩa là “vận hành” bao gồm “restaurant”, “company”, “organization”,… và thí sinh cũng sẽ ghi chú như thế vào công cụ học từ vựng của mình.
Vấn đề thứ hai được giải quyết là việc sử dụng tiếng Anh như là một bản dịch của từng từ đơn tiếng Việt. Trở lại với động từ giới từ “apologize to” với nghĩa tiếng Việt là “xin lỗi”, nếu thí sinh chỉ dựa vào nghĩa tiếng Việt và dịch từng từ sang tiếng Anh thì khả năng cao giới từ “to” sẽ bị bỏ sót và động từ sẽ bị dùng sai ngữ pháp. Một ví dụ khác cho vấn đề này là động từ “be” khi đi sau một tính từ hoặc cụm chỉ vị trí. Khi đem so sánh với những câu tương ứng ở tiếng Việt, thí sinh sẽ thấy một số sự khác biệt. Chẳng hạn như khi muốn diễn đạt khái niệm “Cái ly này đẹp” thì không thể chỉ ra đâu là động từ của câu. Vì thế khi sang tiếng Anh, thí sinh có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn trong việc đặt câu mà đặt thành “This glass pretty”.
Ôn tập và thực hành lại
Example: The father hugs his daughter (Ngoại động từ)
My mother throws me a folded T-shirt to put in the wardrobe.
The audience was laughing really loudly.
What you think does not make you a bad person.
It took my grandmother a long time to recover from her illness.
You seem pretty pale today. Anything wrong?
She writes (1) me an email weekly to check up on me. I hardly write (2), though. I would just give her a call.
My mission is to keep the guards distracted.
Đáp án phần ôn tập và bài tập thực hành
throws: động từ hai bổ ngữ
laughing: nội động từ
make: ngoại động từ phức
recover (from): động từ giới từ
seem: hệ từ
writes (1): động từ hai bổ ngữ; write (2): nội động từ
keep: ngoại động từ phức
Sáu nhóm động từ trên sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc câu mà bản thân đang viết hoặc nói. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể áp dụng 6 nhóm động từ trên vào việc học từ vựng và xây dựng câu để đảm bảo tính chính xác về ngữ pháp.