Cuộc đời con người chủ yếu để hồi tưởng lại
“Ước gì có thể trở lại những ngày xưa cũ.”
“Chúng ta dành bốn năm cấp hai để kỳ vọng vào ba năm cấp ba. Dành ba năm cấp ba để mong chờ bốn năm đại học. Dành bốn năm đại học để nhớ về bảy năm trung học. Cuối cùng, chúng ta dành cả đời để hoài niệm về tuổi trẻ của mình…”
Có thể thấy những câu nói như vậy xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống, trên mạng xã hội, và trong các cuộc trò chuyện.
Chúng ta luôn nghĩ về quá khứ nhiều hơn là tương lai. Dù hiện tại có hạnh phúc, thành công hay kiếm được nhiều tiền hơn, thì quá khứ luôn có những điểm tốt hơn hiện tại.
Quá khứ là điều đã xảy ra và không thể thay đổi, chứa đựng cả kỷ niệm vui và ký ức buồn. Nhưng chúng ta thường sống với quá khứ, tại sao? Vì tương lai không đảm bảo an toàn 100%, trong khi những điều tốt đẹp đã xảy ra trong quá khứ luôn làm ta cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn so với lo lắng về tương lai không chắc chắn. Đôi khi, đó còn là cách để trốn tránh hiện tại, tránh những deadline công việc, kỳ vọng của gia đình, áp lực xã hội, hay những vấn đề không muốn đối mặt.
Quá khứ - Hiện tại – Tương lai
Tương lai là điều bí ẩn; hiện tại là món quà; quá khứ là lịch sử.
Khi nhìn vào ba cụm từ, chúng ta thấy 'tương lai' như một hố đen vũ trụ, không biết nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Trong khi quá khứ là thứ chúng ta hiểu rõ, nhìn rõ và không thay đổi. Sự không thay đổi đó mang lại cảm giác an toàn hơn rất nhiều so với thay đổi.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này.
Khi bạn tham gia một bữa cỗ, họ hàng thân thích lâu ngày gặp lại, chúng ta thường nghe những câu như “Hồi xưa con bé thế này…”; “Lúc trước có thế này…”; những cụm từ chỉ về quá khứ.
Trong việc đánh giá một người, nhiều người không nhìn vào hiện tại mà dựa vào quá khứ cố định để đánh giá một người đang sống từng ngày hướng tới tương lai. Chúng ta dựa vào sự cố định không thay đổi để nhận xét về những thứ luôn biến đổi.
Thời gian không dừng lại và chúng ta cũng vậy. Chỉ cần chúng ta còn sống, chúng ta sẽ không ngừng thay đổi.
Ở độ tuổi thanh xuân, ai mà không hoài niệm. Những hoài bão, những ước mơ khi còn học cấp ba hướng đến cuộc sống đại học tự do và đầy mới lạ. Để khi học đại học, chúng ta lại nghĩ về sự ngập ngừng của tuổi 18. Rồi khi bước ra khỏi cổng đại học tiến vào xã hội, chúng ta hoài niệm về sự nhiệt huyết của bản thân thời đại học. Những ngày tháng dám nghĩ dám làm ấy, thật đáng nhớ, thật đáng ngưỡng mộ. Ngày tốt nghiệp, chúng ta mong có thể dừng lại khoảnh khắc đẹp đó thêm một chút nhưng lại không thể. Chúng ta nói về tương lai, nhưng chưa nhận ra hai từ 'sau này' chứa đựng vô vàn điều.
Sau này, khi gặp lại người mình từng thầm thích, cảm thấy hối hận vì sao lúc trước không dũng cảm tỏ tình một lần. Dù sao cũng đâu ai chết vì điều đó.
Sau này, khi thất bại nhiều lần, trong cơn say lại ngưỡng mộ sự nhiệt huyết của mình năm xưa.
Sau này, khi nhận ra ngày tốt nghiệp đó thực sự là ngày cuối cùng của thanh xuân. Bởi khi đó chúng ta đã đóng lại trang giấy quá khứ, bước đến tương lai vô định.
Khi ở độ tuổi 30, 40, đã đi được hơn nửa cuộc đời, chúng ta nhìn những thanh thiếu niên mà hoài niệm lại tuổi trẻ của bản thân. Những câu chuyện không phải về tương lai vô định, mà là những câu chuyện trong quá khứ. Khi nghe đứa con của mình cãi lại mình, bỗng cảm thấy quen thuộc. Rồi tự cười bản thân, chẳng phải đó từng là lời mình đã nói sao.
Khi nhìn những thanh thiếu niên nhiệt huyết, xông xáo phía trước, chúng ta sẽ nghĩ đến bản thân mình ngày xưa. Ngoại hình, tính cách, con người. Những điều mà thời gian chưa kịp bào mòn.
Cuộc đời con người cùng lắm chỉ trăm năm, khi chúng ta đi đến cuối cuộc đời, điều chúng ta nhìn lại sẽ không còn là tương lai, mà là quá khứ. Những điều nuối tiếc, những câu chuyện vĩnh viễn còn đó. Những giây phút cuối đời, con người như được đặc ân nhìn rõ bản thân trong quá khứ. Chỉ là dù nuối tiếc đến đâu cũng không thể quay lại.
Thanh xuân không thể lấy lại, quá khứ đã qua không thể quay trở về.
Quá khứ là lịch sử. Là bài học. Là kinh nghiệm. Cũng là thứ nhắc nhở sự tồn tại của bản thân. Con người không có quá khứ thì đâu có tương lai. Cũng như một quốc gia, không tôn trọng lịch sử thì làm sao có thể tiến về phía trước.
Chúng ta nuối tiếc thanh xuân, nhưng nếu được quay lại, liệu rằng chúng ta sẽ lựa chọn khác đi?
Người lớn đôi khi mơ ước được trở thành đứa trẻ một lần nữa. Nhìn những thiếu niên trẻ trung, họ cảm thấy khâm phục, nhưng không thể phủ nhận họ đã trải qua nhiều thay đổi so với quá khứ.
Tại sao chúng ta thường nhớ về quá khứ?
Bởi vì khi đó, chúng ta đang nhớ về chính bản thân mình.
Cảm giác bất lực và trống vắng hiện tại khiến chúng ta buồn bã, đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng kỷ niệm về bản thân lúc trước giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống lạc quan hơn, dù có khó khăn.
Ai đã nói rằng chúng ta không thể hồi tưởng lại quá khứ? Có thể hiện tại, bạn sống không như ý muốn, bỏ lỡ niềm đam mê, sống theo ý kiến của người khác và thất vọng. Nhưng nhớ lại quá khứ có thể làm cho tinh thần bạn lạc quan hơn và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng đứng nhấn chìm bản thân vào quá khứ, quên tương lai kỳ bí chờ đón. Đừng để tương lai hối tiếc vì sống trong quá khứ. Quá khứ sẽ vẫn đó, nhưng hiện tại và tương lai luôn theo bạn, đưa bạn trở lại hiện tại và bước vào tương lai.
Ký ức là nơi an toàn, nhưng hãy nhớ rút kinh nghiệm từ chúng để chuẩn bị cho tương lai.
Dù thế giới bên ngoài khắc nghiệt, nhưng bạn không thể ngừng thời gian. Muốn thay đổi, phụ thuộc vào bản thân.
Tác Giả: Lê Ngân