Theo Cambridge, bài thi IELTS Academic Writing Task 2 đánh giá khả năng trình bày lập luận dễ hiểu, đúng trọng tâm và có hệ thống, đưa ra những dẫn chứng có thể bổ trợ cho quan điểm, và sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác. Những kỹ năng này được đánh giá dựa trên 2 tiêu chí, Task Response và Coherence and Cohesion. Những yêu cầu kể trên rất gần với kỹ năng tư duy phản biện. Bài viết này cung cấp cho người đọc những kiến thức nền tảng về 5 tiêu chuẩn tư duy phản biện cũng như có một phương pháp phát triển kỹ năng lập luận trong các bài viết IELTS Writing Task 2.
Định nghĩa và cái nhìn tổng quan về năm tiêu chuẩn tư duy phản biện cơ bản
Sự rõ ràng,
Sự chính xác,
Tính xác thực,
Sự nhất quán,
Tính hợp lý và sự trọn vẹn.
Năm tiêu chuẩn tư duy phản biện cơ bản dưới góc nhìn IELTS Writing Task 2
Sự minh bạch (Transparency)
Sự rõ ràng trong tư duy phản biện được định nghĩa là mức độ dễ hiểu, trình bày một ý nghĩa có thể nắm được, không gây ra sự mơ hồ nhầm lẫn và loại bỏ những điều khó hiểu. Sự rõ ràng được đảm bảo bằng việc người viết:
Có sử dụng từ ngữ chính xác về mặt ngữ nghĩa và phù hợp với ngữ cảnh
Có sử dụng dẫn chứng để minh hoạ cho lập luận
Sự rõ ràng chỉ yêu cầu người viết có sử dụng dẫn chứng để minh hoạ cho lập luận, còn về những tiêu chuẩn dành cho dẫn chứng sẽ được quy định bằng những tiêu chuẩn tiếp theo. Sự rõ ràng được xem là điều kiện tiên quyết để có thể đánh giá các tiêu chuẩn tiếp theo của một lập luận, vì người đọc cần phải hiểu lập luận mà một người muốn đưa ra trước khi nhìn nhận các tiêu chí khác của lập luận.
Trong IELTS Writing Task 2, sự rõ ràng trong lập luận được thể hiện qua cách chọn từ ngữ để diễn tả. Muốn đạt được sự rõ ràng, người học cần phải hiểu toàn diện thông điệp bản thân muốn nêu ra và hiểu được ý nghĩa cũng như cách sử dụng của mỗi từ mà họ sẽ sử dụng.
Sau đây là một trường hợp lập luận trong IELTS Writing Task 2 chưa đạt được tiêu chuẩn rõ ràng:
(1) The Internet has created a disaster to children’s psychological health.
(2) They released green light which is harmful to them and caused them insomnia.
(3) However, they will have no energy to live.
Ví dụ trên chưa đạt được sự rõ ràng vì nhiều từ ngữ được sử dụng chưa phù hợp với ngữ cảnh được đề cập trong lập luận.
Cụm “create a disaster”: động từ create có nghĩa là tạo ra một cái gì đó mới, và “disaster” có nghĩa là thảm hoạ. Trong trường hợp này, người viết đang muốn nói rằng Internet có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tâm lý của trẻ em, “disaster” mang ý nghĩa cực đoan hơn “ảnh hưởng xấu”. Cách viết này sẽ khiến cho người đọc hiểu rằng Internet là một thảm hoạ. Thay vì sử dụng “creat a disaster to”, người học có thể dụng “exert negative influence on” (nghĩa là “tạo ra ảnh hưởng tiêu cực”).
Cụm “psychological health”: Cụm này được sử dụng để nói về sức khoẻ tâm lý của một người. Trong trường hợp này, tiếng Anh thường dùng “mental health” thay vì “psychological health”, “mental health” có ý nghĩa bao gồm mức độ hạnh phúc về cảm xúc (emotional), tâm lý (psychological), và xã hội (social).
Đại từ “they” và “them” trong đoạn lập luận đang không rõ về đối tượng mà 2 đại từ này đại diện cho. Trong câu (2), chủ ngữ “they” đang không rõ là đại diện cho “children” hay “the Internet”. Nếu đại diện cho “the Internet” thì người viết đã chọn sai đại từ, vì “the Internet” là số ít và về mặt ngữ pháp “they” là đại từ đại diện cho số nhiều. Nếu đại diện cho “children” thì câu bị sai về ngữ nghĩa vì “children” không tạo ra “green light”. Như vậy, để chỉ “the Internet”, người học sẽ dùng “it” trong câu này.
Cụm “green light” cũng là một cụm được sử dụng sai. Đây là kết quả của thói quen dịch từng từ một trong phương pháp học tiếng Anh của người Việt. Danh từ mà người viết đang đề cập đến là “ánh sáng xanh”, tiếng Anh là “high-energy visible light” (hoặc còn gọi là HEV light).
Trong câu số (3), từ nối “However” được sử dụng sai. “However” có nghĩa là tuy nhiên, thể hiện một mối quan hệ tương phản. Nhưng trong trường hợp của đoạn văn trên, mối quan hệ giữa câu (2) và câu (3) là mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, nên thay vì dùng “However”, người đọc sẽ phải dùng “As a result” (nghĩa là “Kết quả là”).
Những lỗi về từ vựng và ngữ pháp ở đoạn lập luận trên có thể dẫn đến việc người đọc hiểu sai quan điểm đang được bảo vệ trong đoạn trên. Từ đó, có thể thấy để tránh sự không rõ ràng trong lập luận, người đọc cần đảm bảo:
Hiểu nghĩa và cách sử dụng của từ vựng mình dùng trong lập luận
Sử dụng từ nối trong đúng mối quan hệ giữa các ý
Hiểu mục đích sử dụng và cách dùng của các điểm ngữ pháp
Đặc biệt đối với đại từ, hoặc các cách paraphrase một đối tượng đã đề cập trước đó, hãy đảm bảo tính hiệu quả của đại từ hoặc phương pháp paraphrase được sử dụng (giúp người đọc biết mình đang nói đến đúng đối tượng nào)
Sau đây là đoạn văn sau khi được sửa những lỗi từ vựng ở ví dụ trên:
(1) The Internet has exerted negative influence on children’s mental health. (2) It released high-energy visible light which is harmful to them and caused them insomnia. (3) As a result, they will have no energy to live.
Sự chính xác (Accuracy)
Sự chính xác trong tư duy phản biện được thể hiện thông qua những lập luận tập trung vào đúng vấn đề mà lập luận đang bàn luận về. Trong IELTS Writing Task 2, để đạt được sự chính xác trong lập luận, người học cần đảm bảo được hai yêu cầu sau:
Yêu cầu 1: Đảm bảo câu luận đề (thesis statement) ở mở bài trả lời được nhiệm vụ đề bài đưa ra.
Yêu cầu 2: Những lập điểm và luận cứ (lý lẽ và dẫn chứng) được đề cập đến nằm trong phạm vi của chủ đề và có liên quan đến nhau.
Để đạt được hai yêu cầu trên, trước tiên, người học cần xác định đúng chủ đề và nhiệm vụ đề đưa ra để khoanh vùng phạm vi phát triển ý của bản thân.
Ví dụ: Đề IELTS Writing Task 2 ngày 13/02/2020
Some people believe that reading stories from a book is better than watching TV or playing computer games for children. To what extent do you agree or disagree?
Phân tích đề:
Từ khoá: reading – book – better – tv – games – children
Chủ đề: giáo dục trẻ em, đọc sách, xem TV và chơi game
Nhiệm vụ: đưa ra ý kiến về quan điểm trên
Sau đây là ví dụ của một lập luận thiếu sự chính xác triển khai theo cấu trúc PIE (tham khảo bài viết về cấu trúc đoạn văn PIE):
Luận đề: Tôi hoàn toàn đồng ý rằng đọc sách thì tốt cho trẻ em.
Thân bài 1:
Point: Đọc sách giúp kích thích khả năng sáng tạo ở trẻ em.
Illustration: Khi đọc sách, một người sẽ tiếp nhận được những kiến thức mới. Hơn thế nữa, việc xem TV sẽ tiêu tốn thời gian của người đó. Thay vì vậy, người đó có thể dành thời gian ra để làm các việc khác như đi làm kiếm tiền, tập thể dục, đọc sách, những việc có ích cho họ và gia đình của họ.
Explanation: Vậy đọc sách sẽ tốt hơn cho trẻ em.
Lập luận trên thiếu chính xác vì không hoàn toàn đáp ứng được cả hai yêu cầu. Tuy câu luận đề có nêu ra được quan điểm người đọc có đồng ý đúng như nhiệm vụ đề đưa ra, nhưng quan điểm mà luận đề đồng tình không hoàn toàn giống với chủ đề. Luận đề đang tập trung vào ích lợi của việc đọc sách nhưng chủ đề đang so sánh lợi ích của việc đọc sách và của chơi games, xem TV.
Ngoài ra, trong phần Illustration, dẫn chứng được đưa ra không tập trung vào trẻ em, đối tượng chính được đề cập trong chủ đề. Như vậy, những dẫn chứng và lí lẽ được đưa ra trong Illustration nằm ngoài phạm vi của đề bài. Ngoài ra, dẫn chứng và lí lẽ đưa ra không liên quan đến “khả năng sáng tạo ở trẻ em”. Để cải thiện lập luận trên, người viết cần phát triển một Illustration khác có liên quan trực tiếp đến trẻ và giải thích được mối quan hệ giữa đọc sách và khả năng sáng tạo của trẻ. Ví dụ:
Luận đề: Tôi hoàn toàn đồng ý rằng đọc sách thì tốt cho trẻ em hơn là xem TV hay chơi games.
Thân bài 1:
Point 1: Đọc sách giúp trẻ em phát triển được trí tượng tượng của mình nhưng xem TV thì không
Illustration 1: Khi đọc sách, trẻ em tiếp nhận thông tin qua kênh chữ và cần sử dụng trí tưởng tượng để hình ảnh hoá những thông tin vừa được tiếp nhận. Còn xem TV thì trẻ em sẽ trực tiếp tiếp nhận thông tin dưới dạng hình ảnh mà không cần phải thông qua quá trình tưởng tượng.
Explanation 1: Như vậy, việc đọc sách sẽ tốt hơn cho trẻ vì đọc sách buộc trẻ phải rèn luyện khả năng tưởng tượng, từ đó kích thích sự sách tạo ở trẻ.
Tính chính xác (Accuracy)
Tính xác thực trong tư duy phản biện đòi hỏi người viết cần phải tôn trọng sự thật khách quan. Sự thật khách quan có thể là kiến thức về cuộc sống, những sự kiện diễn ra dưới góc nhìn đa chiều. Để đảm bảo tính xác thực trong lập luận, người học cần có thói quen cập nhật tin tức xung quanh liên quan đến cuộc sống và xã hội.
Tuy nhiên, IELTS Writing Task 2 không phải là một bài kiểm tra kiến thức xã hội, mà là một bài đánh giá kỹ năng viết và khả năng xây dựng lập luận bằng tiếng Anh ở người học nên việc phải có nhiều kiến thức xã hội là không bắt buộc. Vì vậy, việc cập nhật kiến thức xã hội thường xuyên không phải là điều bắt buộc trong việc ôn luyện IELTS Writing Task 2.
Nhưng khi viết bài IELTS Writing Task 2, người học sẽ có thể dùng đến những dẫn chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục cho lập luận. Một dẫn chứng mang tính thuyết phục cao đòi hỏi dẫn chứng có tính xác thực cao, hoặc được nhiều người biết đến.
Sau đây là một ví dụ đề bài ngày 13/02/2020 ở trên, thiếu tính xác thực:
Point 2: Đọc sách cung cấp cho trẻ những kiến thức về đời sống xã hội thực tế.
Illustration 2: Khi chơi game, trẻ em sẽ tiếp nhận những thông tin liên quan trực tiếp đến game và những nguyên tắc chỉ đúng với bối cảnh của game. Khi trẻ em không chơi game nữa, những thông tin và nguyên tắc này sẽ không còn đúng nữa.
Explanation 2: Vì vậy, khi trẻ em đọc sách, trẻ có thể bổ sung những hiểu biết về xã hội, thế giới xung quanh.
Lập luận này cung cấp thông tin không xác thực vì có nhiều game được phát triển dựa trên sự kiện lịch sự có thật hoặc bối cảnh thực trong đời sống, và sách cũng có sách viễn tưởng. Vì những thông tin thiếu tính xác thực, lập luận trở nên thiếu tính thuyết phục. Như vậy, dù việc cập nhật kiến thức xã hội không phải là một điều bắt buộc trong quá trình ôn luyện IELTS Writing Task 2, nó giúp cho người học có thêm những dẫn chứng thực tế để viết bài luận và tăng tính xác thực của bài viết.
Sự nhất quán (Coherence)
Sự nhất quán trong tư duy phản biện được thể hiện ở cách người đưa ra lập luận vẫn giữ vững lập trường của bản thân, giữ vững điều mà người đó tin trong suốt quá trình đưa ra lập luận để thuyết phục người khác. Trong IELTS Writing Task 2, sự nhất quán sẽ được thể hiện qua cách người viết thống nhất trong quan điểm mà bản thân người viết đưa ra trong suốt bài viết.
Trong IELTS Writing Task 2 Band Descriptor, tiêu chí Task Response ở band 7 có đề cập “present a clear position throughout the response”. Đây chính là yêu cầu về sự nhất quán trong lập luận, đòi hỏi người học cần giữ lập trường của bản thân trong toàn bài. Sự nhất quán trong bài viết IELTS Writing Task 2 sẽ được thể hiện thông qua việc:
Các luận điểm đưa ra đều hỗ trợ luận đề ở mở bài
Lí lẽ và dẫn chứng được dùng đều liên quan và hỗ trợ luận điểm.
Sau đây là một ví dụ của một lập luận không nhất quán của đề bài ngày 13/02/2020.
Point: Đọc sách giúp trẻ em phát triển được trí tượng tượng của mình nhưng xem TV thì không
Illustration: Khi xem TV, trẻ em sẽ có thể tiếp nhận nhiều hình ảnh mới thú vị đặc biệt trong các chương trình hoạt hình.
Explanation: Như vậy, việc xem TV có thể cung cấp cho trẻ em những hình mẫu đề luyện tập kĩ năng sáng tạo.
Trong lập luận trên, luận điểm được đưa ra rằng đọc sách tốt hơn xem TV, nhưng dẫn chứng đưa ra tập trung vào ích lợi của việc xem TV lên trí tưởng tượng của trẻ. Sự mâu thuẫn giữa luận điểm và dẫn chứng trên là một điển hình của sự thiếu nhất quán trong lập luận. Điều này khiến người đọc khó khăn trong việc hiểu luận điểm được đưa ra, đồng thời khiến luận điểm này bị giảm tính thuyết phục vì không được chứng mình bằng dẫn chứng liên quan.
Logic and integrity (Logical Correctness & Completeness)
Tính hợp lý được định nghĩa là khả năng trình bày các mối quan hệ nguyên nhân kết quả một cách chính xác. Sự trọn vẹn trong tư duy phản biện được định nghĩa và đánh giá bởi chiều sâu trong sự trình bày. Khi rèn luyện tư duy phản biện, người học cần tập trung vào bản chất và nguyên nhân của vấn đề thay vì biểu hiện bề mặt của nó.
Trong IELTS Writing Task 2, tính hợp lý và sự trọn vẹn được thể hiện ở cách người viết có thể đưa ra một lập luận trình bày rõ các mối quan hệ được nêu ra. Cấu trúc đoạn PIE có thể giúp người học luyện tập tiêu chuẩn này, vì trong cấu trúc PIE, chữ E (Explanation) nhắc nhở người đọc về việc giải thích mối quan hệ giữa minh hoạ với quan điểm và đề bài.
Ví dụ: Đề bài ngày 01/02/2020
People are having more and more sugar-based drinks. What are the reasons? What are the solutions to make people drink less?
Đề bài trên yêu cầu người viết trả lời hai câu hỏi, trong đó có giả thích nguyên nhân của hiện tượng người ta ngày càng sử dụng các thức uống có đường. Dưới đây là một lập luận ví dụ để trả lời câu hỏi nguyên nhân:
Point: Trong xã hội hiện đại, con người có nhiều áp lực trong cuộc sống liên quan đến tiền bạc, sự nghiệp, và gia đình.
Illustration: Người càng cảm thấy áp lực và căng thẳng sẽ càng có thói quen uống nước ngọt.
Nếu chỉ dừng ở Illustration, người đọc vẫn chưa liên hệ được mối quan hệ giữa point được đưa ra với illustration và đề bài. Để giải quyết vấn đề này, người viết cần triển khai thêm phần E – Explanation cho lập luận. Xem xét Explanation dưới đây:
Explanation: Vì vậy, con người ta ngày nay càng có xu hướng uống nước ngọt.
Explanation dưới đây cố gắng để kết nối Point và Illustration với chủ đề, nhưng cách giải thích này thiếu tính hợp lý và sự trọn vẹn. Người đọc vẫn chưa được giải đáp mối quan hệ giữa “cảm giác áp lực căng thẳng” và “uống nước ngọt”. Yếu tố hợp lý bị thiếu đi vì người viết đang không thể hiện được một bức tranh đầy đủ về các mối quan hệ trong từng ý lập luận. Để cải thiện lập luận này, cần một Explanation giải thích được mối quan hệ này và kết nối với đề bài:
Explanation: Bởi khi con người tiêu thụ các loại thức uống này, lượng đường được hấp thu sẽ kích thích não tiết ra một loại hormone tên là dopamine, gây ra cảm giác thoải mái và hưng phấn. Loại hormone này giúp con người quên đi những áp lực trong cuộc sống mà họ đang phải đối mặt.
Do đó, khi phát triển ý lập luận, người viết cần xác định rõ các đối tượng được đề cập trong lập luận và khi viết phải đảm bảo rằng mối quan hệ giữa các đối tượng được làm rõ và trình bày một cách tuần tự (thể hiện được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả).