Đề bài: Phân tích 9 dòng đầu của bài thơ Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
- Giới thiệu về đoạn trích
2. Thân bài:
Luận điểm 1: Đất nước có từ bao giờ?
- Dòng thơ đầu tiên là câu trả lời cho câu hỏi đó:
“Khi chúng ta lớn lên Đất Nước đã có sẵn”
Đất Nước là thứ gắn bó, thân thuộc, và liên kết với mỗi con người, từ thời kỳ phôi thai. Thể hiện ý tưởng về “Đất Nước của Nhân Dân”
- Tác giả cảm nhận về đất nước qua chiều sâu văn hóa – lịch sử và cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân thông qua cụm từ “ngày xửa ngày xưa” à gợi lên những bài học về đạo lý sống qua các câu chuyện cổ tích sâu sắc.
Luận điểm 2: Quá trình hình thành đất nước?
- Bắt đầu với phong tục ăn trầu gợi nhớ về hình ảnh của người bà quen thuộc, kể câu chuyện về sự tích trầu cau, nhắc nhở về tình cảm anh em sâu đậm, và tình cảm vợ chồng nghĩa thủy chung.
- Hình ảnh của “cây tre” cũng đề cập đến hình ảnh của con người Việt Nam, siêng năng, chịu khó, có lòng nhân ái, và chịu đựng. “Lớn lên” đề cập đến quá trình trưởng thành của Đất Nước, nói về quá trình phát triển trong chiến tranh là nói về truyền thống chống giặc kiên cường, bền bỉ.
- Thói quen bới tóc sau đầu để tập trung vào công việc, kể câu ca dao bình trị dạt dào tình thương. Gợi lại tình cảm vợ chồng màu mỡ qua hình ảnh: “gừng cay”, “muối mặn”.
- Tái hiện nền văn hóa của dân tộc chỉ thông qua một câu thơ đơn giản nhưng rất sâu sắc:“Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Nghệ thuật liệt kê, cùng cách ngắt nhịp liên tục thể hiện truyền thống lao động cần cù, cách sống và làm việc trong đời sống hàng ngày.
- Nguyễn Khoa Điềm thể hiện tất cả những điều này thông qua một ý tưởng duy nhất: “Đất Nước có từ ngày đó…”. Dấu “…” ở cuối câu là một biện pháp tu từ im lặng, lời hết nhưng ý vẫn còn, vẫn trào dâng và sống động.
=> Đất nước được hình thành thông qua văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam, gắn liền với cuộc sống gia đình. Những gì làm nên Đất Nước cũng đã tạo thành tinh thần dân tộc. Đất Nước nên vẹn tròn, tôn kính và thân thuộc.
3. Kết bài:
- Tóm tắt vấn đề
Bài mẫu
BÀI LÀM
Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người. Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là một trong những vần thơ như thế - dung dị, mộc mạc nhưng rất dỗi sâu sắc. Đặc biệt, trong chín câu thơ đầu đã thể hiện được nguồn gốc sâu xa của mảnh đất quê hương tình nghĩa.
Mở đầu là những lời bình dị nhưng hàm súc: “Khi ta lớn lên, Đất Nước đã có rồi”. Đất nước thành bậc tiền nhân. Mọi người đều được nuôi dưỡng từ đất nước… Nhắc lại điệp khúc “ngày xửa ngày xưa…”, tác giả muốn chứng tỏ đất nước hình thành từ rất lâu, đất nước có trong từng lời mẹ kể.
Gắn liền với sinh hoạt gia đình: “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Tứ thơ này làm sống lại nhiều câu tục ngữ, ca dao và truyện Trầu cau tình nghĩa. Qua hình ảnh “miếng trầu”, Nguyễn Khoa Điềm “nhân dân hóa” thơ mình và có thêm một bằng chứng về đất nước hình thành từ xa xưa. Tuy vậy, đất nước chỉ lớn lên với truyền thống: “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” và quá trình hình thành nhiều phong tục, tập quán:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Nguyễn Khoa Điềm thật sự xúc động khi nói đến:“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Đó lời ngợi ca tình nghĩa, thuỷ chung trong gian khó. Chữ “thương” giúp thơ ông gần văn học bình dân. “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”- điều ấy, hiển nhiên như khi ta lớn lên đã có ông bà, cha mẹ… Đất nước gắn bó, thân thiết như người ruột thịt và bao công việc lao động khác:
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Tứ thơ “cái kèo, cái cột thành tên” còn gợi tập tục đặt tên mộc mạc để mong sự bình yên. Đất nước ta gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Làm nên hạt gạo trắng thơm phải trải qua nhiều công đoạn, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Quá trình hình thành đất nước cũng đau đớn như chuyện nhân loại hoài thai, sinh nở.
Từ những lời phân tích trên đây, có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác một cách triệt để vốn văn hoá dân gian. Hàng loạt câu tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích, phong tục, tập quán đã được tái tạo, sáng tạo lại. Không chỉ hay ở phương diện câu chữ, cấu trúc và lời kết đoạn đã gây được ấn tượng. “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”, đất nước bắt đầu, đất nước lớn lên… chặng đường nào cũng song hành với cuộc sống nhân dân. Tác giả nêu nhiều chứng cứ để làm sáng tỏ kết luận: “Đất Nước có từ ngày đó…” – từ “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Trong suốt quá trình ấy, đất nước gắn bó với mọi gia đình và từng cá nhân. Đó là cơ sở vững chắc để tác giả tiếp tục triển khai tư tưởng Đất Nước này là đất Nước Nhân dân ở 3 khổ thơ sau.