Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội, nhu cầu học ngoại ngữ đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, không phải tất cả người học ngoại ngữ đều có đủ kiên trì để thành thạo một ngôn ngữ mới, việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian. Ở Việt Nam, đại đa số người học thường chọn học thêm một ngoại ngữ với những lí do phổ biến như mở rộng cơ hội việc làm, đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp của trường trường hoặc du học, …
Có một điều thú vị rằng nguồn gốc của nhiều ngôn ngữ ở các quốc gia châu Âu hiện nay đa phần đều là tiếng Latin, trong đó bao gồm tiếng Anh. Tuy nhiên, trên thực tế khi nhắc đến hệ chữ viết Latin, một số người sẽ thấy lạ lẫm, bởi vì ở Việt Nam, kiến thức về nguồn gốc hệ chữ viết Latin còn rất hạn chế. Số người sử dụng tiếng Latin cổ trên thế giới hiện nay không nhiều và hầu hết đều học nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu. Một số người Việt đôi khi nhầm lẫn tiếng Latin là thứ tiếng của Nam Mỹ, tức Châu Mỹ Latin.
Trong lĩnh vực khoa học và nghiên cứu, các gốc từ Latin xuất hiện rất nhiều. Tiếng Anh có đến 60% tổng số các từ vay mượn có nguồn gốc từ tiếng Latin. Vậy học tiếng Latin liệu có dễ không? Bài viết sau sẽ giúp người đọc trả lời câu hỏi này bằng những phân tích tổng quát về các khía cạnh khác nhau trong việc học tiếng Latin và sự liên quan đến tiếng Anh – ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Định nghĩa tiếng Latin và tính ứng dụng của ngôn ngữ Latin
Định nghĩa chính xác
Tiếng Latin là ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Ý và được sử dụng lần đầu tiên ở Latium và là ngôn ngữ chính thức của Đế chế La mã. Tất cả các ngôn ngữ trong hệ thống ngôn ngữ Roman (một bộ phận của ngôn ngữ gốc Ý) đều có nguồn gốc từ tiếng Latin. Không chỉ vậy, nhiều từ trong các ngôn ngữ hiện đại như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp hay tiếng Đức đều có nền tảng là tiếng Latinh.
Tiếng Latin đến bây giờ vẫn còn xuất hiện trong các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu là sinh viên Y khoa, không ít người sẽ cảm thấy quen thuộc với những cụm từ xuất hiện trong tên thuốc như Kalium, Acium, Dividere, Camphora, … Và những cụm từ khác như Adhoc (tính chất vụ việc), Casus (trường hợp/ tình huống), Codex (bộ luật/ tập hợp các đạo luật) hay De facto (trên phương diện thực tế) đều là những thuật ngữ Latin thông dụng trong giới luật sư.
Ở các nước phương Tây, tiếng Latin là ngôn ngữ dùng trong khoa học và chính trị trong suốt một nghìn năm, đến cuối cùng bị thay thế bởi tiếng Pháp vào thế kỷ thứ XVIII và tiếng Anh vào thế kỷ XIX.
Khả năng ứng dụng
Hiện nay, tiếng Latin hiện nay được coi là một ngôn ngữ “chết” vì cơ bản, cộng đồng duy nhất còn dùng tiếng Latin là Giáo hội Công giáo, nhưng ngay cả trong Giáo hội, không phải linh mục nào cũng có thể vừa đọc và nói được ngôn ngữ này. Đa phần các linh mục chỉ biết đọc mà không nói được vì hệ thống phát âm họ sử dụng thường là thuộc Ecclesiastical Latin (tiếng Latin sử dụng trong nhà thờ), có chút ít sự khác biệt với Classical Latin (tiếng Latin cổ điển và chính thống).
Ngoài ra, tiếng Latin cũng được dùng phổ biến trong nghiên cứu, phục vụ cho việc đọc và tham khảo những tài liệu cổ. Như vậy, nếu chỉ biết tiếng Latin, phạm vi giao tiếp của con người bây giờ sẽ rất hạn hẹp. Trong khi nếu sử dụng tốt tiếng Anh, một ngôn ngữ biến thể và hiện đại hơn của tiếng Latin, người học có thể giao tiếp được với đa số các nước Châu Âu, Châu Á và cả Châu Úc.
Thêm vào đó, việc biết tiếng Latin sẽ không là sự lựa chọn tốt nhất nếu bạn muốn mở rộng cơ hội việc làm vì thực tế ở Việt Nam, hay trên toàn thế giới, không có công ty nào yêu cầu ứng viên phải biết hoặc thậm chí thành thạo loại ngôn ngữ này. Tuy nhiên, trong khoa học và nghiên cứu, có một khối lượng lớn văn bản và tài liệu viết bằng tiếng Latin hoặc chứa các gốc từ Latin. Vì vậy, đối với những người theo đuổi một số chuyên ngành như nghiên cứu y học, luật pháp, thiên văn sinh học, … việc trang bị vốn kiến thức về những cụm từ, thuật ngữ có gốc Latin rất cần thiết. Do vậy, kết luận tính ứng dụng của tiếng Latin có cao hay không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục đích sử dụng và đối tượng cần sử dụng ngôn ngữ này.
Vậy liệu tiếng Latin có dễ học không? Sau đây sẽ là những so sánh về các khía cạnh khác nhau trước khi đưa ra kết luận liệu rằng việc học tiếng Latin có khó như nhiều người vẫn nghĩ.
Về cách phát âm
Ví dụ: Cùng một chữ “e” nhưng trong tiếng Tây Ban Nha, chữ này được phát âm là “ê” (theo phiên âm tiếng Việt) nhưng cũng thỉnh thoảng là “u” (theo phiên âm tiếng Việt).
Sau đây là cách phát âm nguyên âm và phụ âm đơn trong tiếng Latin theo phiên âm tiếng Việt (kèm theo dịch nghĩa tiếng Việt và tiếng Anh) để người đọc có thể xác định liệu thứ tiếng này có dễ phát âm hay không.
Nguyên âm cơ bản
A – a – phát âm như chữ “a” trong “gia đình”
Ví dụ:
atque (và – and )
adamo (yêu – love)
abeo (biến mất – disappear)
cena (bữa tối – dinner)
flamma (ngọn lửa – flame), vv
E – e -phát âm như chữ “ê” trong “con đê”
Ví dụ:
ergo (bởi vì – because of)
esurio (đói – hungry)
infero (đặt / để / mang – put / carry / place)
onero (lấp đầy – fill in)
ratio (hệ thống / phương pháp / quá trình – system / techique /process), …
I – i – phát âm như chữ “i” trong “li ti”
Ví dụ:
induco (che đậy / xoá đi – cover / erase)
insolita (lạ lẫm – unusual)
maxime (đặc biệt là / lớn – especially / grand)
otium (thời gian rảnh / hoà bình – free time/ peace)
peritus (thành thạo / chuyên gia – skilled / expert), vv
J – i – phát âm tương tự chữ “i” trong tiếng Việt
Ví dụ:
juvenis (thành niên – juvenile)
juventus (tuổi trẻ – youth)
judicium (phán quyết / phiên toà – judgement / trial)
jumentum (động vật kéo – draft animal)
juxtim (kế bên – next to)
O – o – phát âm như chữ “ô” trong “ô tô”
Ví dụ:
omnis (tất cả / mỗi – all / every)
opera (công việc / nỗi đau / lao động – work / pain / labor)
opto (ước / muốn – wish / want)
lenio (giải toả – relieve)
maero (nỗi buồn – sorrow), vv
U – u – phát âm như chữ “u” trong “đồng xu”
Ví dụ:
ubi (khi – when)
unus (chỉ một – one)
versus (hàng – line)
tantum (duy nhất – only)
muto (phạt / hình phạt – punish / punishment)
Phụ âm chính
Tiếng Latin có 18 phụ âm tất cả, bao gồm : b (bờ), c (cờ), g (gờ), h (hờ), k (cờ), l (lờ), m (mờ) ,n (nờ), qu (qườ), r (rờ), s (sờ), t (tờ), v (vờ), x (xờ). Trong số đó những chữ đặc biệt khác vì có cách phát âm khác hoặc không xuất hiện trong bảng chữ cái tiếng Việt, gồm có:
d – phát âm như chữ “đờ” trong tiếng Việt
Ví dụ:
decor (vẻ đẹp – beauty)
disco (học – learn)
incido (xảy ra – happen)
provideo (dự đoán – predict)
succedo (tiếp cận – approach)
f – phát âm như chữ “phờ” trong tiếng Việt
Ví dụ:
femina (phụ nữ – female)
familia (gia đình – family)
infesto (tấn công – attack)
officum (bổn phận – duty)
benefecium (lợi ích – benefit)
p – phát âm như chữ “pờ” trong tiếng Việt
Ví dụ:
par (bằng / giống – equal / like)
paratus (sẵn sàng – ready)
pendo (cân đo / cân nhắc – weigh / consider)
opinio (ý kiến – opinion)
lepus (con thỏ – rabbit)
z – phát âm như chữ “dờ” trong tiếng Việt
Ví dụ:
zingiber (gừng – ginger)
zelotes (ganh tị – jealous)
zincum (kẽm – zinc)
organizatus (có tổ chức – organized)
lazulum (bầu trời / thiên đường – sky / heaven)
Qua việc giới thiệu cách đọc và một số từ vựng trong tiếng Latin trên, có thể thấy rằng phát âm tiếng Latin là không hề phức tạp vì đa phần âm giống với tiếng Việt. Tuy nhiên để nói được tiếng Latin khi những chữ riêng lẻ được đặt trong một câu dài đòi hỏi người nói phải nói với tốc độ rất nhanh. Điều này có thế được giải thích bằng một sự thật là, trong tiếng Latin, số lượng từ có nhiều hơn 2 âm tiết rất nhiều và chiếm đa số, vì vậy nên người sử dụng tiếng Latin cần nói nhanh hơn để truyền đạt một lượng thông tin nhất định.
Về phương pháp viết
Về cơ bản, bảng chữ cái tiếng Latin có các chữ nguyên âm giống với tiếng Anh, nhưng khác ở chỗ là có thêm chữ y và chữ j ngoài năm chữ u,e,o,a,i. Nói về số lượng nguyên âm, bảng chữ cái Latin khác với tiếng Anh ở điểm, được bổ sung thêm chữ “qu” (phát âm như từ âm “quờ” trong từ “quê” ở tiếng Việt). Trong tiếng Latin, hai chữ cái được sử dụng với mực độ dày đặc nhất là “l” và “e”. Như vậy, với bảng chữ cái có nhiều điểm tương đồng với ngôn ngữ của mình, những cư dân thuộc các quốc gia nói tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác thuộc hệ thống ngôn ngữ Latin như Việt Nam, Đức, Pháp, … sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc học và sử dụng tiếng Latin.
Trong khi đó, người dân tại các khu vực khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, … chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc học tiếng Latin, bởi vì những quốc gia này có hệ chữ cái tượng hình mà trong đó mỗi một ký hiệu tương ứng với một từ hay một hình vị (đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất). Tiếng Latin, suy cho cùng là ngôn ngữ thuộc hệ chữ tượng thanh, trong đó mỗi một ký hiệu hoặc chữ cái tương ứng với một âm hay một tổ hợp âm.
Về từ ngữ
Theo “Oxford Latin Dictionary”, hiện có khoảng tầm 40,000 từ đơn được lưu trữ trong từ điển này. Và theo trang dictionary.com, tiếng Anh có 80% từ là vay mượn của những thứ tiếng khác, trong đó phải kể đến tận 60% từ tiếng Anh có chứa gốc Greek hay Latin. Vì vậy, một số người cho rằng học từ vựng tiếng Latin dễ dàng và tốn ít thời gian hơn nhiều để ghi nhớ hơn những ngôn ngữ có số lượng từ vựng “khủng” như tiếng Anh (ước tính tầm 500,000 từ nhưng chỉ cần 16,000 để đạt trình độ C2 – giao tiếp như người bản xứ) hay tiếng Đức (ước tính tầm 135,000 nhưng chỉ cần 16,000 để đạt trình độ C2 – giao tiếp như người bản xứ).
Tuy nhiên, việc học một ngôn ngữ có tính ứng dụng không cao thật sự dễ dàng hơn không? Câu trả lời sẽ là “Tuỳ thuộc vào phương pháp học từ vựng hiệu quả của từng người học”. Hiện nay, có những phương pháp học từ vựng phổ biến có thể kể đến là học từ vựng theo ngữ cảnh, học từ vựng theo chủ đề, … Vậy, mỗi người có thể lựa chọn cách học từ vựng sao cho phù hợp với bản thân nhất.
Bên cạnh việc nhớ nghĩa của từ, người học tiếng Latin còn phải ghi nhớ luôn những “giới tính” của các danh từ trong tiếng Latin, cũng giống như khi học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp hay tiếng Đức. Do đó, việc học tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn vì không hề có quy định về giới tính cho các danh từ.
Về ngữ pháp
Tiếng Latin có trật tự sắp xếp các từ vô cùng linh hoạt và có nhiều biến thể
Nếu là tiếng Anh, người học có thể dễ dàng nhận ra động từ thường có vị trí sau chủ ngữ và trước tân ngữ. Hoặc với tiếng Đức, hầu như động từ sẽ nằm ở cuối câu. Còn trong tiếng Latin, chủ ngữ được xem là bộ phận “không cần thiết”, bởi vì cách chia động từ đã thể hiện được chủ ngữ đang ở ngôi thứ mấy, số ít hay số nhiều. Tuy nhiên, động từ chính thường nằm ở cuối câu sau khi đã viết ra chủ ngữ, tân ngữ hay những bộ phận khác như mệnh đề liên hệ.
Ví dụ:
Câu “The woman sees the girl.” (tạm dịch “Người phụ nữ nhìn thấy cô gái”) trong tiếng Latin có thể được diễn đạt bằng những cách sau:
Femina spectat puellam
Puellam femina spectat
Spectat femina puellam
Femina puellam spectat
Trong đó:
Femina là danh từ chỉ “the woman” (tiếng Latin không có mạo từ the)
Spectat là động từ chỉ “sees” (đã được chia theo ngôi thứ ba số ít)
Puellam là danh từ chỉ “the girl” (tiếng Latin không có mạo từ the)
Cũng giống như tiếng Anh, khi người nói cần chia động từ sao cho động từ đó phù hợp chủ ngữ (số ít hoặc số nhiều, ngôi thứ nhất, hai hoặc ba)
Ví dụ:
Động từ “call” trong tiếng Anh (gọi) được diễn đạt bằng tiếng Latin là “voc”. Tuỳ theo chủ ngữ là ngôi thứ mấy, số ít hay số nhiều, sẽ có những cách chia cụ thể là voco, vocare, vocavi, vocatus.
Tiếng Latin cần có sự đồng thuận giữa việc kết hợp một tính từ và danh từ
Như đã đề cập trong phần từ vựng, tiếng Latin có quy định về “giới tính” cho danh từ, và việc chia tính từ đi kèm để bổ nghĩa cho danh từ đó là một điều bắt buộc.
Ví dụ:
Một người đàn ông nói câu “I seem confused” (tạm dịch “Tôi trông có vẻ bối rối”) trong tiếng Latin có thể được diễn đạt bằng câu:
“ego confusus videor”
Trong đó:
“ego” là chủ ngữ ngôi thứ nhất số ít được tính theo giới tính nam
“confusus” là động từ đã được chia theo ngôi thứ nhất số ít và giới tính nam
“videor” là tính từ đã được chia theo chủ ngữ “ego”
Nhưng khi nói “Men seem confused” (tạm dịch “Những người đàn ông trông có vẻ bối rối”) trong tiếng Latin thì chúng ta có câu sau:
“viri confusi videntur”
Trong đó:
“viri” là chủ ngữ ngôi thứ ba số nhiều được tính theo giới từ nam
“confusi” là động từ đã được chia theo ngôi thứ ba số nhiều và giới tính nam
“videntur” là tính từ cũng vì thế mà thay đổi cách viết để đáp ứng sự nhất quán giữa danh từ và tính từ.
Tương tự như tiếng Anh và tiếng Pháp, khi sử dụng tiếng Latin, người nói cần phải chia động từ theo thì (quá khứ, hiện tại và tương lai), và theo cách / hình thức (trình bày, cầu khiến hay điều kiện)
Ví dụ:
Một từ “yêu” (“love” trong tiếng Anh, “amare” trong tiếng Latin) có thể có tới 249 cách chia khác nhau tùy theo thì (tense), hình thức trình bày (indicative mood), thể (bị động, chủ động), … Điển hình là amo, amat, amabo, amaverit, amatur, ... Bạn sẽ nhận thấy tiếng Anh dễ hơn rất nhiều vì chỉ có những cách chia như “loves” (chia cho ngôi thứ ba số ít), “loving” (động từ thêm ing khi chia tiếp diễn), “loved” (động từ có quy tắc khi chia thì ở quá khứ).