Mẫu số 1
Lời giải chi tiết:
Trong văn học trung đại của chúng ta, việc nhắc đến các nhà văn chính trị lỗi lạc không thể không nhắc đến Nguyễn Trãi. Ông không chỉ là một nhà thơ trữ tình sâu sắc mà còn là một nhà văn chính trị kiệt xuất với các tác phẩm: 'Quân trung từ mệnh tập', các chiếu biểu viết dưới thời nhà Lê và tiêu biểu nhất là tác phẩm Bình Ngô đại cáo. Các tác phẩm văn chính trị của ông đã thể hiện được lòng yêu nước, thương dân của tác giả.
Ngay từ câu đầu tiên của bài cáo, tư tưởng nhân nghĩa đã được ông bộc lộ:
'Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
'Nhân nghĩa' là lòng thương yêu người, là những hành động vì lợi ích của nhân dân, cộng đồng. Ngoài ra, 'nhân nghĩa' còn là sự tôn trọng lẽ phải, bảo vệ lẽ phải. Với Nguyễn Trãi, 'nhân nghĩa' là 'yên dân', 'trừ bạo', là đặt cuộc sống và sự no ấm của nhân dân lên hàng đầu. Trong môi trường ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, 'nhân nghĩa' được hiểu là lòng yêu nước, lòng thương dân, và tinh thần chống giặc ngoại xâm quyết liệt. Đây không chỉ là mối quan hệ giữa con người với con người mà còn là mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc.
Để khẳng định chủ quyền của đất nước, Nguyễn Trãi đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục:
'Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có'.
Văn hiến đã từng tồn tại từ lâu đời và được hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử đã tạo nên một diện mạo riêng của dân tộc. Cùng với đó là sự phân chia về lãnh thổ, núi sông và các phong tục, tập quán đặc trưng của hai miền Nam, Bắc đã thể hiện đất nước ta là một đất nước có chủ quyền, có những anh hùng hào kiệt luôn cống hiến, chiến đấu hết mình để bảo vệ non sông. Không chỉ vậy, Nguyễn Trãi còn đặt các triều đại của nước ta ngang hàng với các triều đại của Trung Quốc như Hán, Đường, Tống, Nguyên. Nếu các triều đại phương Bắc phát triển hưng thịnh thì các triều đại Việt Nam cũng phát triển hùng mạnh không kém. Điều đó đã thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc của tác giả.
Ông đã nhắc lại nhiều chiến thắng lừng lẫy của nước Đại Việt như một lời khẳng định sự thất bại thảm hại của kẻ thù:
'Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi'.
Những tướng của nhà Tống, nhà Nguyên đều bị các tướng giỏi của ta đánh cho thất bại. Chúng vì 'tham công', 'thích lớn' nên phải chịu hậu quả nặng nề. Các sự kiện ấy còn được nhân dân ta lưu lại trong sử sách để muôn đời ghi nhớ. Các phép đối, so sánh ngang hàng các triều đại phong kiến của nước ta với các triều đại phương Bắc cùng phép liệt kê và giọng điệu hào hùng, trang nghiêm ở đoạn thứ nhất của bài cáo đã thể hiện nổi bật tư tưởng nhân nghĩa của tác giả.
Ông đã vạch trần, tố cáo những tội ác mà quân Minh xâm lược thực hiện với nhân dân ta:
'Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh'.
Quân Minh đã lợi dụng 'chính sự phiền hà' của nhà Hồ để chớp lấy thời cơ xâm chiếm nước ta. Bước chân xâm lược của chúng giày xéo lên đất nước ta khiến nhân dân vô cùng oán hận, căm thù. Cũng lợi dụng điều đó mà bọn gian tà chỉ biết nghĩ đến lợi ích của cá nhân đã tiếp tay cho kẻ thù xâm lược để mang lại những vinh hoa, lợi lộc cho bản thân mà không chiến đấu vì nhân dân, tổ quốc.
Giặc Minh đã gây ra những tội ác không thể dung tha:
'Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi'.
Nhân dân ta phải chịu cảnh khổ cực, lầm than dưới gót chân xâm lược của chúng. Chúng đem 'nướng', 'vùi' nhân dân ta trên ngọn lửa và 'dưới hầm tai vạ'. Chúng cai trị nhân dân ta bằng các loại thuế vô lí, các kế sách lừa lọc nham hiểm và cả sự tra tấn dã man, hung bạo. Những người dân vô tội phải chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề của giặc Minh.
Không chỉ vậy, chúng còn hủy hoại cả môi trường sống, môi trường tự nhiên của dân tộc ta:
'Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt'.
Chịu sự đô hộ của quân Minh cũng đồng nghĩa với việc nhân dân ta phải đối mặt với sự cai trị tàn bạo và những hành động hung hãn của chúng. Chúng vô nhân tính đến mức bắt ép dân đen 'xuống biển dòng lưng mò ngọc', 'vào núi đãi cát tìm vàng', bắt nhân dân ta đến những nơi nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng để tìm kiếm những vật có giá trị cho quân cuồng Minh. Nhân dân ta bị biến thành nô lệ cho kẻ thù và cũng là miếng mồi ngon cho các loài động vật cá mập, thuồng luồng hung dữ. Chúng xâm chiếm nước ta để vơ vét hết sản vật quý hiếm như chim trả dùng để làm áo và đệm, hươu đen dùng để làm vị thuốc bổ. Có thể nói, tham vọng xâm lược nước ta của giặc Minh vô cùng lớn.
Không chỉ đẩy dân ta vào nguy hiểm, chết chóc mà chúng còn 'tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ'. Do quân Minh 'máu mỡ bấy no nê chưa chán', xây nhà đắp đất liên miên nên nhân dân ta rơi vào cảnh ngộ đầy bi thương, khốn khổ:
'Nặng nề những nỗi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi'.
Những tội ác của quân Minh không sao kể hết bởi lẽ:
'Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được'?
Ngay cả trúc Nam Sơn, nước Đông Hải cũng không thể ghi hết tội ác và rửa sạch mùi dơ bẩn của quân xâm lược. Những hành động tàn ác, dã man của chúng khiến trời đất cũng không thể dung tha huống chi là con người. Câu hỏi tu từ cuối đoạn thứ hai đã nhấn mạnh thêm một lần nữa tội ác của kẻ thù. Chúng ta không thể nào tha thứ cho những kẻ đã tàn sát đồng bào, tàn hại cả cây cỏ thiên nhiên của đất nước mình.
Hình ảnh đối lập giữa những người dân đen vô tội bị bóc lột tàn bạo và kẻ thù vô nhân tính cùng với giọng điệu cảm thương, đanh thép, lí luận sắc bén đã thể hiện tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Hai đoạn đầu của bài cáo là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo những hành động dã man của quân Minh. Đó là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự khổ cực, áp bức, sự cướp bóc, bóc lột trắng trợn mà nhân dân ta phải gánh chịu trong suốt thời gian chúng 'Gây binh kết oán trải hai mươi năm'.
Mẫu 2
Lời giải chi tiết:
Nguyễn Trãi không chỉ là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, tài ba, mà còn là nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc. Nhắc đến ông, chúng ta nhớ ngay đến tác phẩm nổi tiếng “Bình ngô đại cáo”. Đây được coi là áng thiên cổ hùng văn bất hủ, là bản tuyên ngôn đanh thép, hùng hồn về nền độc lập và vị thế dân tộc. Nhan đề Bình Ngô đại cáo đã gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Bình có nghĩa là dẹp yên. Ngô ở đây chỉ giặc Minh. Đại cáo là bài cáo lớn mang dấu ấn trọng đại về những sự kiện lớn của đất nước. Ngay từ nhan đề đã gợi ra một tâm thế hào hùng.
Phân tích đoạn 1 bình ngô đại cáo để thấy tư tưởng nhân nghĩa là nội dung xuyên suốt cả bà thơ, được ông thể hiện rõ ràng, đầy đủ và sâu sắc. Chúng ta có thể thấy ngay tư tưởng nhân nghĩa, lòng tự hào, tự tôn dân tộc được thể hiện ngay ở đoạn 1 của bài thơ.
Tư tưởng nhân nghĩa được thể hiện ở hai câu đầu.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Mở đầu bài cáo, tác giả đã khẳng định đanh thép về định nghĩa tư tưởng nhân nghĩa. Theo phạm trù của Nho giáo, nhân nghĩa là chỉ mối quan hệ giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lý. Việc nhân nghĩa là mục tiêu chiến đấu của các cuộc khởi nghĩa. Việc nhân nghĩa là vì con người, vì lẽ phải. Theo quan niệm của Nguyễn Trãi, kế thừa từ tư tưởng Nho giáo nhân nghĩa là “yên dân” – làm cho cuộc sống của người dân yên ổn, hạnh phúc. Lấy dân làm gốc là quy luật tất yếu bao đời nay. Đây luôn là hoài bão ước mơ mà cả đời Nguyễn Trãi theo đuổi.
Việc nhân nghĩa còn có nghĩa là trừ bạo, giúp dân trừng trị những kẻ hành hạ, cướp bóc, bóc lột, mang lại bình yên, no ấm cho nhân dân. Nói rộng ra trừ bạo chính là chống lại giặc xâm lược. Tác giả đã nêu rõ ta là chính nghĩa, còn địch là phi nghĩa. Ông đã vạch trần sự xảo trá của giặc Minh trong cuộc xâm lược này. Tóm lại, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chính là lòng yêu nước, thương dân và tinh thần chống giặc ngoại xâm quyết liệt, để mang đến cho nhân dân thoát khỏi cuộc sống lầm than, khổ cực, đem lại no ấm cho nhân dân.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chính là lòng yêu nước, thương dân và tinh thần chống giặc ngoại xâm quyết liệt. Đây không chỉ là mối quan hệ nằm trong phạm vi giữa con người với con người mà mở rộng ra là mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc
8 câu thơ tiếp theo tác giả đã khẳng định chủ quyền dân tộc, khẳng định giá trị của tự do bằng việc nhắc lại trang sử hào hùng của dân tộc ta một cách đầy vẻ vang, tự hào.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Tác giả dẫn chứng xác thực đầy thuyết phục. Nước Đại Việt ta đã hình thành từ trước với nền văn hiến đã có từ lâu đời, tồn tại theo hàng nghìn năm lịch sử. Ở đây tác giả dùng từ “xưng” để thể hiện sự tự hào, khẳng định chỗ đứng, vị thế của dân tộc ta.
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu , Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập
Đến Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định lãnh thổ và chủ quyền độc lập, tác giả nhắc đến văn hiến, lịch sử, phong tục, tập quán và nhân tài đất nước. Như vậy, đây chính là những yếu tố mới để tạo thành một quốc gia độc lập. So với “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo thật sự hay hơn , đầy đủ, toàn diện hơn về nội dung cũng như tư tưởng xuyên suốt. Ông khẳng định lãnh thổ “Núi sông bờ cõi đã chia”, không kẻ nào được xâm phạm, chiếm lấy. Hơn nữa, phong tục tập quán, văn hóa mỗi miền Bắc Nam cũng khác, không thể nhầm lẫn, thay đổi hay xóa bỏ được.
Đặc biệt khi nhắc đến các triều đại trị vì xây nền độc lập, tác giả đã đặt các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần ngang hàng với “Hán, Đường, Tống Nguyên của Trung Quốc vừa có ý liệt kê, vừa có ý đối đầu. Điều đó cho thấy lòng tự hào dân tộc mãnh liệt, ý thức về tự tôn, yêu nước cực kỳ lớn của tác giả. Và ở triều đại nào, thời nào thì hào kiệt đều có. Đây vừa thể hiện lòng yêu nước, tự hào vừa răn đe đối với quân xâm lược muốn thôn tính Đại Việt. Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, mà còn thể hiện niềm tin sắt đá vào các thế hệ anh hùng hào kiệt, hiền tài quốc gia. Đặt vào trong bối cảnh lúc bấy giờ, điều đó phần nào cũng thể hiện sự mới mẻ, tiến bộ của thi hào Nguyễn Trãi.
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.
Sau khi khẳng định chủ quyền dân tộc, thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nhà thơ đã dùng biện pháp liệt kê, dẫn ra những kết cục của kẻ đi ngược lại với chân lý. Những dẫn chứng của ông từ các đời vô cùng thuyết phục. Lưu Cung là vua Nam Hán từng thất bại vì tham lam muốn thu phục Đại Việt; Triệu Tiết tướng của nhà Tống đã thua nặng khi cầm quân sang đô hộ nước ta, Toa Đô, Ô Mã… là các tướng của nhà Nguyên cũng phải bỏ mạng tại nước ta khi cầm quân sang xâm lược… “Chứng cớ còn ghi”, không thể chối cãi được. Đây chính là lời cảnh cáo, răn đe đanh thép với chứng cớ đầy đủ, thuyết phục, rõ rành rành đối với kẻ phi chính nghĩa khi xâm phạm đến lãnh thổ của nước ta. Mượn lời thơ đanh thép, ông tuyên bố với kẻ thù: bất kỳ kẻ nào lăm le xâm chiếm bờ cõi Đại Việt đều sẽ phải gánh chịu thất bại ê chề. Cuộc chiến chống lại quân giặc, bảo vệ dân tộc là một cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, chứ không như nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa khác, cho nên, dù thế nào đi nữa, chính nghĩa nhất định thắng gian tà theo quy luật của tạo hóa.
Với giọng văn đĩnh đạc, hào hùng, lý lẽ sắc bén, đanh thép và lối diễn đạt cân xứng, song đôi của những câu văn biền ngẫu đã khẳng định và ngợi ca tầm vóc lịch sử lớn lao của nước Đại Việt.
Đoạn mở đầu của Bình ngô đại cáo như một khúc dạo đầu đầy hào sảng, hào hùng về chủ quyền Tổ quốc. Những vần thơ đanh thép, những dẫn chứng xác thực, lý lẽ chặt chẽ được nhà thơ đưa ra đã mang lại giá trị lớn về tinh thần dân tộc mạnh mẽ, về độc lập chủ quyền dân tộc, về tư tưởng lấy dân làm gốc, ắt sẽ chiến thắng… Bình ngô đại cáo là áng hùng thi được ví như bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc. Qua những vần thơ của Nguyễn Trãi, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hiến của đất nước.
Mẫu 3
Lời giải chi tiết:
Từ lâu, ngoài Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh, có hai tác phẩm văn hùng của dân tộc được coi như hai bản tuyên ngôn độc lập bất hủ trong lịch sử: Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ở mỗi thời kỳ, trong hoàn cảnh khác nhau, những tác phẩm này đều mang những giá trị tư tưởng vô cùng tiến bộ và chính xác. Nếu Nam quốc sơn hà khẳng định về chủ quyền lãnh thổ mạnh mẽ, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh vinh danh quyền con người, thì Bình Ngô đại cáo lại nêu bật tư tưởng chăm sóc dân chúng, chống lại bạo loạn, để dân chúng được sống an vui, hạnh phúc. Điều này được thể hiện rõ trong đoạn 1 của tác phẩm.
Tác giả không chỉ coi “nhân nghĩa” là tình yêu, sự chia sẻ giữa con người, mà còn đặt nặng ý nghĩa sâu sắc hơn, “nhân nghĩa” ở đây là hành động vì dân, vì hạnh phúc của dân, vì yên bình, an lành của dân. Việc nhân nghĩa là phải quan tâm, bảo vệ dân, hành động vì lợi ích của dân, tôn trọng dân, vì dân. Do đó, để tuân thủ tư tưởng nhân nghĩa, trước hết phải trừ bạo, diệt giặc xâm lược “Điều này rõ trong câu 'Quân điếu phạt trước lo trừ bạo', khi bờ cõi bình yên, lãnh thổ không bị xâm lược, thì dân mới có thể an tâm lao động, sản xuất để phát triển đất nước. Đó chính là tinh thần cao quý nhất của dân tộc, từ lòng yêu thương và trách nhiệm với dân đất nước.
Sau tư tưởng nhân nghĩa ấy, tác giả Nguyễn Trãi khẳng định nền văn hiến lẫn phong tục đẹp đã được xây dựng từ hàng thế kỷ của dân tộc:
'Đất nước ta từ xưa
Đã tự hào về nền văn hiến lâu đời
Các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần đã góp phần xây dựng nền độc lập
Cùng với các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên từ phương Bắc'
Nước ta đã có truyền thống văn hiến lâu đời, có phong tục, tập quán riêng, nét đẹp của truyền thống, văn hóa được người Việt gìn giữ từ hàng thế kỷ. Không chỉ khẳng định nền văn hiến lâu đời là niềm tự hào của dân tộc, Nguyễn Trãi còn mạnh mẽ khẳng định sự bình đẳng, độc lập của con người, đất nước ta với các triều đại phương Bắc “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của các triều đại Đinh Lý Trần Lê không thua kém các triều đại Hán ,Đường, Tống, Nguyên. Đại Việt ta tuy nhỏ bé về lãnh thổ nhưng tinh thần không thua kém, vẫn tự xưng vương, bờ cõi độc lập, mạnh mẽ, không chịu khuất phục dưới quyền uy của người khác, lòng yêu nước rộng lớn. Đất Việt cũng có những nhân tài bốn phương, vang danh sử sách, những tài năng xuất sắc cả về chiến thuật, văn võ. Những yếu tố này đã góp phần xây dựng nên một Đại Việt hùng mạnh, luôn giành chiến thắng trên mọi trận địa:
“Lưu Cung tham công đã thất bại
Triệu Tiết thích lớn đã phải tiêu vong;
Cửa Hàm tử đã bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng đã giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng cớ còn ghi”
Trước sự xâm lăng ngang ngược, tàn ác của kẻ thù, tinh thần chiến đấu của Đại Việt ta nồi nỗi, quyết tâm hơn bao giờ hết, với những chiến công vẻ vang, hùng hậu được Nguyễn Trãi tường thuật, truyền đạt những cảm xúc tự hào. Những kẻ tự cho mình lớn mạnh, tự phụ, làm điều phi nghĩa cuối cùng cũng phải hối hận vì từng thất bại, từ Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã, … đều phải gánh chịu những thất bại đau đớn. Qua những câu thơ này, tác giả Nguyễn Trãi cũng thể hiện được niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa trước những hành động tàn bạo, không nhân tính của kẻ thù. Cuối cùng, chính nghĩa mãi mãi là nguồn ánh sáng cao đẹp soi sáng con đường đấu tranh của dân tộc.
Đoạn thơ này không chỉ tôn vinh tư tưởng nhân nghĩa, mà còn khẳng định nền độc lập và tổng kết chiến công hùng hồn của dân tộc. Ngôn ngữ rõ ràng, thơ mạnh mẽ, cùng với tình yêu và trách nhiệm với dân và đất nước của Nguyễn Trãi đã tạo ra một tác phẩm văn học xuất sắc, trở thành một bản tuyên ngôn bất hủ của dân tộc.
Mẫu 4
Lời giải chi tiết:
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một nhà lãnh đạo vĩ đại, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại quân Minh, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước. Ông cũng là một nhà văn và nhà thơ tài ba, để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học chữ Hán và chữ Nôm. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông là Đại cáo Bình Ngô, được coi là một trong những kiệt tác văn học bất hủ, là biểu tượng của sự kiên cường và quyết tâm của dân tộc về độc lập và vị thế. Trong phần mở đầu của tác phẩm, Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ tư tưởng nhân nghĩa.
Ý nghĩa cốt lõi của Đại cáo Bình Ngô là 'yên dân' và 'trừ bạo'. 'Yên dân' có nghĩa là bảo vệ cuộc sống ổn định và hạnh phúc cho dân chúng, và điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ sự ổn định và phát triển của quốc gia. Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng lấy dân làm gốc là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong mọi thời đại, là tài sản và sức mạnh cốt lõi của một quốc gia.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh về việc 'trừ bạo', tức là đánh đuổi quân Minh và bè lũ hung ác xâm lược và bóc lột dân chúng. Việc này phải được thực hiện song song với việc bảo vệ sự ổn định và hạnh phúc của nhân dân.
Nguyễn Trãi cũng khẳng định rằng nền văn hiến của nước ta đã tồn tại từ lâu, với những phong tục và tập quán đặc trưng của mỗi vùng miền. Ông tự hào về lịch sử chiến đấu của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh và tài năng của nhân dân ta đã và đang góp phần xây dựng nên một quốc gia độc lập và mạnh mẽ.
Trong tác phẩm, Nguyễn Trãi cũng nhấn mạnh về nhân tài và tinh thần chiến đấu của dân tộc, đồng thời khẳng định rằng nền độc lập của Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Ông tuyên bố rằng bất kỳ kẻ nào muốn xâm lược và thôn tính đất nước ta sẽ phải hối hận trước sức mạnh của nhân dân Việt Nam.
Đại cáo Bình Ngô không chỉ là biểu tượng của tư tưởng nhân nghĩa và tinh thần độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng và tự hào cho thế hệ người Việt sau này.