Dàn ý
I. Mở bài: giới thiệu về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
II. Thân bài: phân tích chi tiết tác phẩm
1. Cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa
- Nắng rực cháy rừng, mạ bạc con đèo…
- Cây hoa tử kinh nổi lên giữa xanh rừng như những đám mây màu hoa cà.
- Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn vào gầm xe.
=> Vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh -> Tác giả đã khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, thơ mộng, hữu tình. Miêu tả bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ trong sáng, mỗi chữ, mỗi câu như có đường nét, hình khối, sắc màu. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu mang âm hưởng một bài thơ về thiên nhiên đất nước.
- Thiên nhiên Sa Pa hoàn toàn tương xứng và hài hòa với con người mộng mơ, ý nghĩa.
2. Nhân vật anh thanh niên
a) Hoàn cảnh sống và làm việc
- Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo” => cô đơn đến mức “thèm người”.
- Làm công tác khí tượng, kiêm vật lí địa cầu, đo nắng, đo gió, đo mưa, tính mây, đo chấn động mặt đất => Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có trách nhiệm.
- Công việc không khó nhưng giản khổ: bốn lần trong một ngày đêm đều đặn, dù mưa, nắng, gió, bão,…
b) Những phẩm chất tốt đẹp
- Lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm về công việc:
+ Anh hiểu rằng công việc mình làm liên quan đến công việc chung của đất nước, mọi người.
+ Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, anh vẫn tự giác, tận tụy: ghi và báo “ốp” đúng giờ, ghi và báo về nhà trong mưa tuyết, gió lớn, đêm tối.
+ Anh hạnh phúc khi phát hiện đám mây khô và góp phần vào chiến thắng của không quân ta.
+ Anh yêu công việc, tự hào.
+ Với anh, công việc là niềm vui, lẽ sống: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất” => anh thực sự tìm thấy niềm vui trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù.
- Sắp xếp cuộc sống khoa học
+ Anh chủ động, sắp xếp cuộc sống ngăn nắp, đầy đủ, phong phú và thơ mộng: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách…
+ Trong cuộc sống lẻ loi, anh tìm thấy niềm vui khác – đọc sách, nâng cao kiến thức, thanh lọc tâm hồn.
- Sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách
+ Vì “thèm người” anh đã chắn giữa đường, buộc xe khách phải dừng lại => niềm khao khát gặp gỡ, trò chuyện.
+ Anh quan tâm đến người khác: gửi biếu vợ bác lái xe, đón tiếp ông họa sĩ và cô kĩ sư thân tình, nồng hậu.
+ Anh khiêm tốn, thành thật: “Không, xin bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu không xứng đáng đâu, để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng vẽ hơn”.
+ Anh hiểu về nỗi khát khao được sống vì mọi người: “Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?”.
3. Các nhân vật khác
a) Nhân vật ông họa sĩ
- Ông xúc động và bối rối vì người thanh niên, muốn ghi lại bằng nét bút kí họa.
- Ông muốn vẽ chân dung anh thanh niên, cảm phục và bực bội vì nhọc nhằn.
b) Nhân vật cô kĩ sư
- Cô bàng hoàng, hiểu thêm cuộc sống dũng cảm của anh thanh niên.
- Cô đánh giá đúng hơn quyết định của mình về tình cảm.
c) Bác lái xe
- Giới thiệu anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư.
- Hình ảnh anh thanh niên được soi rọi nhiều luồng ánh sáng.
d) Ông kĩ sư dưới vườn rau Sa Pa
- Kiên trì, bền bỉ, làm việc âm thầm.
- Công việc thầm lặng chỉ người Sa Pa mới hiểu hết.
e) Anh kĩ sư bản đồ sét
- Luôn sẵn sàng chờ sét, hi sinh hạnh phúc cá nhân.
III. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Bài mẫu 1
Nguyễn Thành Long là một nhà văn tài năng, nổi tiếng với những tác phẩm như: Giữa trong xanh (1972), Lý Sơn mùa tỏi (1980)... Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là một tác phẩm nổi bật trong tập truyện ngắn Giữa trong xanh. Truyện này ca ngợi những con người sống giữa vùng núi xanh tươi, yêu thương quê hương và có trái tim nhân hậu.
Một bức tranh về thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng. Lào Cai, miền Tây Bắc của Tổ quốc không chỉ đẹp mà còn rất gần gũi và hữu tình. Khi đoàn xe 'vươn lên núi', mây trắng bắt đầu từng chùm nổi lên từ các thung lũng. Trạm rừng ở đó có 'con suối với thác trắng xóa'. Trong màu xanh của rừng, những cây thông 'run run trong ánh nắng', những cây hoa tử kinh 'như những đóa hoa cà màu mừng' hiện lên đầy mê hoặc. Có những lúc, cảnh tượng của núi rừng trở nên tráng lệ, khi 'ánh nắng bạc bẽo cả con đèo, thiêu đốt rừng cây huyền diệu như một ngọn đuốc lớn'. Sa Pa với những rặng đào, với đàn bò lang cổ đeo chuông... như mời gọi du khách vào một miền đất lạ kỳ và thú vị.
Trên bức tranh thiên nhiên ấy, cuộc sống của con người ở miền Tây Tổ quốc trở nên đầy màu sắc hơn: 'ánh nắng chiều làm cho bó hoa thêm rực rỡ và cô gái cảm thấy mình rạng rỡ theo đó'. Đó là những chi tiết vô cùng tinh tế và lãng mạn.
Trên bức tranh thơ mộng và hữu tình ấy là sự hiện diện của những con người đáng yêu và đáng quý. Thiên nhiên và cảnh vật, mặc dù đẹp đến đâu, cũng chỉ là phần tô điểm, làm cho con người trở nên lung linh hơn.
Đó là bác lái xe vui vẻ, thân thiện, nhiệt huyết với hành khách. Đó là ông họa sĩ già đam mê nghệ thuật, 'xin anh em hoãn tiệc đến tuần sau' để ông có thể thực hiện chuyến cuối cùng lên Lào Cai trước khi nghỉ hưu. Ông luôn trăn trở về việc 'phải vẽ được một bức tranh mình thích suốt đời'. Còn có cô kĩ sư trẻ vừa ra trường, hăng hái tham gia công tác ở Lào Cai, bước qua thời học sinh chật hẹp, bước vào cuộc sống rộng lớn, mới mẻ và hứng khởi. Cô khao khát đất rộng trời cao, có thể làm bất cứ điều gì, ở bất cứ đâu.
Và còn những nhân vật không trực tiếp xuất hiện: ông kỹ sư ở vườn rau Sa Pa suốt đời nghiên cứu và lai tạo giống su hào to và ngọt để phục vụ dân sinh và xuất khẩu. Đồng chí cán bộ nghiên cứu khoa học 'suốt ngày dự sét', ngày đêm mưa gió hễ nghe sét là 'choàng choàng chạy ra', mười một năm không một ngày xa cơ quan, 'không đi đến đâu mà tìm vợ', lo làm một bản đồ sét riêng cho nước ta', cái bản đồ ấy 'thật lắm của, thật vô giá'. Trán đồng chí ấy cứ hói dần đi!
Và, tiêu biểu nhất có lẽ là anh thanh niên 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “một trong những người cô độc nhất thế gian'. Anh có nhiệm vụ 'đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất' góp phần dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những đêm bão tuyết, rét ghê gớm, một mình một đèn bão ra 'vườn' lấy số liệu vào lúc nửa đêm cả thân hình anh 'như bị gió chặt ra từng khúc', xong việc, trở vào nhà, 'không thể nào ngủ lại được'. Anh đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, với ý chí và nghị lực to lớn để vượt qua gian khổ và đơn độc giữa non xanh. Chí tiến thủ là một nét đẹp ở anh: đọc sách, tự học, cần cù và chịu khó: nuôi gà lấy trứng, trồng hoa... làm cho cuộc sống thêm phong phú. Rất khiêm tốn khi nói về mình, dành những lời tốt đẹp nhất ngợi ca những gương sáng nơi Sa Pa lặng lẽ. Rất hiếu khách, anh mừng rỡ, quý mến khi khách lạ đến chơi. Một bó hoa đẹp tặng cô kĩ sư trẻ, một làn trứng gà tươi hiếu ông họa sĩ già, một củ tam thất gửi biếu vợ bác lái xe mới ốm dậy... là biểu hiện của một tấm lòng yêu thương, đối xử chân tình với đồng loại. Anh sống và làm việc vì lí tưởng cao đẹp, vì quê hương đất nước thân yêu, như anh thổ lộ với ông họa sĩ già: 'Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?'. Vì thế sau khi vẽ xong chân dung anh cán bộ khí tượng, họa sĩ nghĩ về anh: 'Người con trai ấy đáng yêu thật...”
Tóm lại, những nhân vật trên đây là hình ảnh những con người mới đã sống đẹp, giàu tình nhân ái, hết lòng phục vụ đất nước và nhân dân, sống nơi lặng lẽ non xanh nhưng họ chẳng lặng lẽ chút nào! Trái lại, cuộc đời của họ vô cùng sôi nổi, đầy tâm huyết và giàu nhiệt tình cách mạng. Đúng như Bác Hồ đã nói: 'Đất nước ta là một vườn hoa đẹp. Mỗi người là một bông hoa đẹp'. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã dành những lời tốt đẹp nhất nói về những con người đang sống và cống hiến giữa Sa Pa lặng lẽ. Mỗi người nơi non xanh ấy là một gương sáng, là một bông hoa ngát hương.
Truyện Lặng lẽ Sa Pa là một bài thơ bằng văn xuôi rất trong sáng, trữ tình. Trên cái nền tráng lệ của thiên nhiên rừng, suối Sa Pa hiện lên bao con người đáng yêu. Mỗi người chỉ một vài nét vẽ mà tác giả đã lột tả được tâm hồn, tính cách, dáng vẻ của họ. Nguyễn Thành Long rất chân thực trong kể và tả, nhờ thế mà ta thấy những nhân vật như bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, anh thanh niên... rất gần gũi và mến yêu.
Bài mẫu 2
Trong cuộc sống lao động mới, con người là nòng cốt cơ bản để có sự tạo dựng vững chắc. Những phẩm chất tốt đẹp sẽ khẳng định vai trò làm chủ cuộc sống mới. Nhân vật anh thanh niên trong thiên truyện Lặng lẽ Sa Pa là một người như thế.
Để nhân vật anh thanh niên hiện rõ những đức tính đáng quý, Nguyễn Thành Long đã để ông họa sĩ làm việc đó qua điểm nhìn của mình. Nội dung truyện đơn giản, không có tình huống thắt nút, gay cấn cho nên câu chuyện giàu chất trữ tình hơn là tự sự. Sự xuất hiện của anh thanh niên, tuy là nhân vật chính với nhiều biểu hiện tốt đẹp nhưng đến rất bất ngờ, gián tiếp qua lời kể của bác lái xe. Và cũng như khi đến, anh lại lặng lẽ khuất lấp vào mây mù trong cái tĩnh lặng muôn thuở của Sa Pa. Hình ảnh anh thanh niên với nhiều phẩm chất như khiêm tốn, yêu lao động, tận tâm với công việc... tất cả thể hiện trên một bức họa lớn nhưng đến ông họa sĩ cũng phải thốt lên: ông biết rõ sự bất lực của nghệ thuật. Con người bé nhỏ nhưng những nét đáng quý khiến anh trở nên lớn lao đến như thế.
Trong lao động, anh thanh niên hiện ra là một con người yêu lịch sử và sẵn sàng cống hiến vì lao động. Quan niệm rất mới lạ khi anh nhận xét về công việc được coi là cô độc nhất thế gian này: khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Từ quan niệm ấy, anh vượt lên chính bản thân mình để đi tìm niềm hạnh phúc trong lao động. Có lẽ chỉ có quan niệm như thế mới khiến anh thấy mình không cô đơn, không lẻ loi một mình. Từ tâm sự của anh thanh niên, ngay ông họa sĩ và cả người đọc đều sửng sốt trước thái độ trân trọng, gắn bó với lao động như đã ngấm sâu vào máu của con người trẻ tuổi này: công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất. Tự xác định với bản thân về vai trò quan trọng không thể thiếu của lao động đối với mọi người nói chung và đặc biệt đối với chính bản thân anh. Một suy nghĩ mới và độc đáo khi anh lấy gian khổ nhiều hay ít để xem ai một mình hơn, cô đơn hơn anh bạn trên trạm đỉnh Phang-xi-păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Phải chăng chính những suy nghĩ và tâm sự vượt hơn cả tuổi tác như anh thanh niên đã giúp anh hạnh phúc hơn khi ý thức được mối liên quan giữa bản thân với tập thể trong sự đóng góp cho đất nước: cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa... phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.
Trong công việc, anh thanh niên thấy được vai trò của mình và hơn cả biết được mình vì ai mà lao động. Những suy nghĩ ấy khiến cho con người nhỏ bé này cảm nhận được niềm hạnh phúc trong lao động nhiều hơn nữa. Thấy được vai trò của lao động đối với bản thân nên anh đã có những thái độ tự giác và nghiêm túc đối với lao động. Công việc của anh thanh niên rất đặc biệt với sự cô lập tuyệt đối. Tuổi trẻ, sức xuân của anh bị đánh đổi bởi công việc tẻ nhạt cắt vụn ngày đêm: công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Cháu lấy những con số báo về nhà bằng máy bộ đàm: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Bất chấp tất cả công việc vẫn được hoàn thành một cách xuất sắc. Không phải là người có lòng kiên nhẫn, tự giác cao thì anh không thể làm đi làm lại công việc buồn chán này đặc biệt giờ ốp lúc một giờ sáng: gió tuyết và Lặng im... chỉ trực đợi mình ra là ào ào xô tới. Ngay cả thời tiết khắc nghiệt cũng không khuất phục được con người yêu lao động và sống rất có trách nhiệm đối với lao động. Chẳng ai kiểm tra thường xuyên nhưng không vì thế mà anh lơ là, làm việc cho xong, cho nhanh. Công việc luôn được hoàn thành chính xác, tỉ mỉ, cẩn thận với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc tự giác cao. Anh thanh niên không chỉ đẹp trong lao động mà anh còn đẹp trong lối sống.
Anh thanh niên còn là một con người sống cởi mở, chân thành và hiếu khách. Ngay từ cách anh muốn tìm người trò chuyện, đẩy khúc thân cây chắn ngang đường để xe đi qua có dịp nghỉ chân, anh chạy xuống trò chuyện cho đỡ thèm người đã thấy trong đó một trái tim rộng mở muốn quen và muốn thân. Khi được bác lái xe giới thiệu những vị khách sẽ lên thăm nhà anh thì anh mừng ra mặt và chân thành, có thiện ý mời họ lên nhà anh trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Ông họa sĩ, cô kĩ sư chỉ là những người xa lạ chưa một lần gặp mặt và cũng có thể đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng họ gặp nhau nhưng anh vẫn rất nhiệt tình trao bó hoa đã cắt cho người con gái rồi mời hai người uống thứ trà pha nước mưa, thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh. Anh thân thiện vô cùng, đãi khách bằng những thứ bình dân nhưng rất quý đối với bản thân anh cũng như với hai vị khách đặc biệt từ dưới xuôi lên. Giữa họ dường như không còn khoảng cách bởi chính tình người, sự tự nhiên của anh thanh niên đã xóa đi sự xa lạ.
Anh sống một mình không những không đòi hỏi sự quan tâm của người khác mà chính bản thân anh lại rất quan tâm chu đáo với những người sống xung quanh. Củ tam thất cháu vừa đào thấy, cháu gửi bác gái ngâm rượu uống, Hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì? Anh quan tâm đến cả người anh chưa một lần gặp mặt - người có lẽ chỉ qua lời kể của bác lái xe. Một con người biết cách sống tốt với mọi người chỉ đơn giản là qua sự quan tâm rất chân thành. Ngay trong cuộc trò chuyện với ông họa sĩ việc anh thanh niên nhắc đi nhắc lại những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có thể hiện sự khiêm tốn trong lối nói và lối nghĩ. Không khoe mẽ, tự cao, anh coi mình cũng chỉ là con người thật bình thường và giản đơn như bao người khác. Thế cho nên việc ông họa sĩ tay hí hoáy vào cuốn sổ tì trên đầu gối khiến anh phải ngăn lại bởi anh thấy bản thân chưa xứng đáng với niềm vinh dự mà với anh thật lớn lao như thế. Không những không để ông họa sĩ vẽ mình, anh còn giới thiệu cho ông: ông kĩ sư vườn rau và đồng chí nghiên cứu khoa học - họ cũng cống hiến quên mình cho Tổ Quốc, cho xã hội, cho cuộc sống mới. Anh có suy nghĩ thật đúng đắn khi thấy cuộc đời đẹp quá bởi có những người đang ngày đêm hết lòng hết sức lao động bằng trách nhiệm và tinh thần cao.
Một điều khiến ông họa sĩ và ngay chính người đọc cũng ngỡ ngàng vì sự sắp xếp cuộc sống hết sức khoa học và ngăn nắp của anh thanh niên. Hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong... - đó là vườn của do bàn tay của chàng trai trẻ tuổi này tạo dựng nên. Cuộc sống một mình mà muôn màu muôn vẻ rực rỡ sắc hoa. Phải là con người có nghị lực sống phi thường thì mới có thể có đời sống tinh thần phong phú đến như thế. Và ngay cả khi công việc trên trạm khí tượng này của anh đã có thể coi là yên ổn thì ngày ngày anh vẫn nhờ bác lái xe mua sách dưới xuôi gửi lên, anh vẫn không ngừng trau dồi thêm vốn kiến thức để rồi anh lại có thể tìm ra một cái gì đó mà cống hiến hơn nữa cho một đất nước thời kì đổi mới này.
Những con người như anh thanh niên đang ngày ngày làm giàu có thêm cho đất nước Việt Nam. Anh là lớp người trẻ tuổi tiếp bước lòng nhiệt huyết lao động của lớp người đi trước như bác lái xe, ông họa sĩ... Anh thanh niên và chính vẻ đẹp tâm hồn của anh đã tác động mạnh mẽ tới ông họa sĩ và đặc biệt cô kĩ sư dưới xuôi lên Sa Pa nhận công tác. Và không chỉ các nhân vật trong truyện ngắn này mà ngay chính người đọc chúng ta cũng cần suy nghĩ nhiều hơn nữa về công việc lao động hiện tại của bản thân và sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa theo hướng tích cực để xã hội sẽ tốt đẹp hơn, phát triển hơn bởi có những con người với nhiều phẩm chất cao quý như anh thanh niên.
Thiên truyện Lặng lẽ Sa Pa gấp lại để lại vấn vương cho mỗi người đọc. Đặc biệt nhân vật anh thanh niên đã có sức hấp dẫn, lay động tâm hồn mỗi người. Ngợi ca con người anh chính là cách chúng ta ngợi ca lao động và không quên đánh giá lại bản thân.