Văn học là những gì tinh tuý nhất được sáng tạo ra trên cuộc đời này nhằm phục vụ tinh thần và đời sống tâm hồn của con người. Sức mạnh nội tại của văn học xuất phát từ bản chất của con người, họ sáng tác ra những tác phẩm văn chương để hỗ trợ họ trong những nhu cầu thực tiễn, quan trọng nhất vẫn là những giá trị giáo dục, thẩm mĩ, và nhận thức mà nó mang lại. Trải qua hàng ngàn năm kiến tạo đất trời, từ khi con người xuất hiện trên đời này thì văn chương đã có rồi, nó là một trong những công cụ đắc lực của đời sống con người, là một phần “Thực phẩm” thiết yếu để nuôi dưỡng họ. Văn chương, nghệ thuật không chỉ mang những giá trị giải trí đơn thuần mà nó chứa đựng nhiều giá trị nhân bản có ý nghĩa vô cùng to lớn tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống, những tư tưởng mà nó mang lại góp phần làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên đa dạng và phong phú hơn. Có vô vàn những thể loại từ khoa học, nghệ thuật, lịch sử, .. đều lấy vấn đề Tạo lập thế giới để làm những chủ đề chính trong các sản phẩm sáng tạo, nhưng về vấn đề ấy không một lĩnh vực nào có thể đưa ra những giả thuyết thiết thực và thuyết phục hoàn toàn, bởi vậy từ xa xưa khi mà các lĩnh vực khác chưa phát triển văn học đã là nguồn tri thức đầu tiên, ban sơ nhất mà con người tạo ra để giải thích cho các hiện tượng ấy. Đặc biệt là các tác phẩm thần thoại với những chi tiết kì ảo, không chỉ chứa đựng những điều thú vị về chuyển biến của loài người thuở hồng hoang mà còn thể hiện những ý nghĩa giá trị khác. Giai thoại “Đi san mặt đất” trích từ thần thoại “Mẹ trời mẹ đất” của người dân tộc Lô Lô đã phần nào thể hiện được những đặc điểm ấy.
Thể loại thần thoại đã không quá xa lạ với bạn đọc chúng ta hiện nay, bởi những điều kì thú và hấp dẫn trong những chi tiết kì ảo và nhiệm màu, mang những kiến thức thú vị đến với người đọc một cách dễ hiểu. Những câu chuyện ấy thường kể về các vị thần với những công việc phi thường, nhưng đối với đoạn trích Đi san mặt đất, nhân vật chính được thể hiện ở đây là các loài vật gần gũi với con người, nhưng không vì thế mà trở nên tầm thường. Chúng được nhân hoá, thổi hồn vào để thay con người thực hiện việc cải tạo lại thế giới sống, đó cũng là điều khác biệt mà ở những câu chuyện khác không có. Qua nhiều lần truyện miệng, câu chuyện vốn đã không còn giữ những nét cơ bản mà nó vốn được sinh ra, nhưng vẫn còn giữ nguyên những giá trị nội dung và nghệ thuật, những bài học giá trị về đời sống trong thế giới loài người. Tại sao mặt đất lại bằng phẳng như thế, ai đã làm ra điều đó. Chẳng ai có thể lí giải một các thuyết phục hoàn toàn, nhưng đến với câu chuyện của người Lô Lô ta lại có một cái nhìn mới mẻ về vấn đề ấy, dù phi thực tế nhưng lại vô cùng lí thú, đáng để ta suy ngẫm và tiếp nhận trong quá trình thưởng thức nghệ thuật. Đoạn trích Đi san mặt đất thuộc nhóm thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên, bởi nó được sáng tạo ở một khoảng thời gian rất xưa cổ, thuở con người vừa được các vị thần ban cho sự sống, nó giải thích vì sao mặt đất lại bằng phẳng. Truyện đã nêu ra một thông điệp vô cùng to lớn và nhân bản, ứng nghiệm cho đến thời hiện đại bây giờ đó là khát vọng chinh phục thiên nhiên, vũ trụ của con người và công lao to lớn của họ trong việc cải tạo thiên nhiên. Ở các tác phẩm thần thoại khác việc cải tạo lại thiên nhiên, đời sống có các loài sinh vật đều là việc làm của các vị thần phi thường, nhưng trong đoạn trích này đó là công lao của loài người, điều đó cho ta thấy loài người cũng có những sức mạnh tiềm ẩn phi thường mà khi cần thiết chắc chắn sẽ được bộc lộ ra ngoài.
Ngay từ đầu tác phẩm, cũng giống như mô tuýp viết của các câu chuyện thần thoại khác, khoảng thời gian không xác định thuở xưa vô tận hiện lên qua lời dẫn chuyện :
'Ngày xưa, từ rất xa xưa
'Người lão không nhớ lại
'Mấy trăm, mấy nghìn đời
'Ngày xưa, từ thời xa xưa
'Người trẻ không biết gì
'Hàng ngàn hàng vạn năm trôi qua”
Khác với các truyện thần thoại như Thần trụ trời,… đều tập trung vào thời gian bất tận, sử dụng vũ trụ làm trung tâm để biểu đạt khái niệm thời gian không gian, Đi san mặt đất chọn con người làm trung tâm. “Người lớn, người trẻ”, qua bao thế hệ vẫn không thể ghi nhớ được thời gian ấy, điều này thể hiện rõ phong cách của thể loại thần thoại, với không gian và thời gian không xác định. Trong thời đại đó, con người sống hoà thuận với nhau, Đoạn văn miêu tả sự gần gũi bằng cách gọi họ là Người mặt đất :
“Người mặt đất sống chung
Cùng ăn cùng sống
Trồng lúa trên núi cao
Uống nước từ lòng đá
Người mặt đất sống chung
Cùng ở và cùng đi”
Cuộc sống hàng ngày của người mặt đất được mô tả một cách sống động, gợi lên sự thân thiện và gần gũi. Họ sống hoà thuận với nhau, “Cùng ở và cùng đi”, tạo ra tinh thần đoàn kết giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Họ sống và làm việc trên núi cao, lấy nước từ lòng đá, tận dụng tài nguyên mà thiên nhiên ban cho để sinh sống và lao động. Đó là cuộc sống yên bình và hạnh phúc. Đây là những bước đầu tiên cho sự hình thành của nền văn minh của loài người.
Tuy đã là con người, nhưng họ luôn khao khát cải thiện cuộc sống của mình. Dù đã hài lòng với những gì họ có, nhưng họ mong muốn hơn thế nữa. Họ mong muốn biến nơi họ sinh sống trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn:
“Bầu trời chưa bằng phẳng
Mặt đất vẫn uốn éo
Phải san bằng bầu trời
Phải san bằng mặt đất”
Người mặt đất khao khát cải tạo lại môi trường sống của họ. Họ nhận ra rằng bầu trời vẫn còn bất phẳng, mặt đất còn uốn éo, gồ ghề, không phù hợp để họ phát triển, lao động và sáng tạo. Vì vậy, họ quyết định san bằng mặt đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sản xuất và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù mặt đất rộng lớn và bao la, nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện công việc đó, bởi sức mạnh của con người là không giới hạn, không có gì là không thể trong cuộc hành trình chinh phục thiên nhiên, thể hiện quyền lực của họ.
“Lấy sừng trâu cong kiếm
Chọn trâu sừng dài ngay
Đeo ách cho trâu
Đục lỗ để luồn dây ách
Dùng dây cày làm chân
Sử dụng dây thừng dài để làm dây cày
Không cần phải sử dụng phép màu hay quyền năng như các vị thần, người mặt đất tận dụng những vật liệu gần gũi với cuộc sống hàng ngày để thực hiện những điều phi thường, điều này làm nổi bật câu chuyện hơn. Họ chọn con trâu, biểu tượng của sự lao động và sản xuất, chọn con trâu có sừng cong, dài, chọn những vật liệu tốt nhất để cày, để bừa trên mảnh đất này. Con trâu mang trong mình sức mạnh phi thường, làm việc không biết mệt mỏi, không biết chán chường, siêng năng làm công việc của mình, điều đó thể hiện một phẩm chất quý báu của con người, đó là sự chăm chỉ. Sự chăm chỉ, cần cù và kiên nhẫn là những giá trị mà con người Việt ta đã có từ thời xa xưa, đó là di sản quý giá góp phần tạo nên vẻ đẹp trong văn hoá dân tộc. Họ chọn hình ảnh con trâu để tượng trưng cho sức mạnh của con người, con người có thể thực hiện những công việc khó khăn mà không ngại mệt nhọc, bởi nó mang lại niềm vui và thành tựu. Việc san bằng mặt đất không phải là việc riêng của một loài nào, đó là công việc của toàn bộ những sinh vật sống trên mặt đất này :
“San bằng đất là công việc chung
…
Người gọi nhau cùng nhau thực hiện
Đoàn kết mạnh mẽ như một
San bằng mặt đất để phẳng
Nhiều bàn tay, một trái tim
Cùng nhau san bằng mặt đất để làm ăn
Đoàn kết là yếu tố then chốt để xây dựng một cộng đồng, một tập thể. Chỉ có sự đoàn kết mới tạo nên sức mạnh cho từng cá nhân, giúp họ vượt qua khó khăn và đạt được thành công xứng đáng. Không chỉ trong câu chuyện thần thoại, mà còn trong mọi thời đại, sự đoàn kết luôn là yếu tố quan trọng quyết định những việc lớn lao và phi thường. Đây không chỉ là một câu chuyện thần thoại mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc và giá trị.
Không chỉ có con trâu, mà còn có nhiều loài vật khác cũng được kêu gọi tham gia vào việc san bằng mặt đất chung :
“Có người tìm hang chuột chuỗi
Có người tìm đến cóc ếch”
Tất cả các loài đều được kêu gọi tham gia vào công việc chung này nhưng chỉ có loài trâu gắn bó với công việc của con người, trong khi những loài khác thì tìm cách từ chối. Chi tiết này mang ý nghĩa sâu xa và thiết thực. Việc san bằng mặt đất là công việc của mọi người, nhưng không phải tất cả đều đóng góp lao động của mình. Đây là lời nhắc nhở cho những người lười biếng, thụ động, thiếu tinh thần làm việc chung và đoàn kết. Những người như vậy không xứng đáng nhận phần thưởng chung của cộng đồng.
Truyện thần thoại “Đi san mặt đất” của người Lô Lô đã tạo ra một bức tranh hùng vĩ về sức mạnh của con người và các phẩm chất tốt đẹp của họ trong quá trình cải tạo lại thiên nhiên. Truyện sử dụng những yếu tố huyền bí để lôi cuốn người đọc và truyền đạt các giá trị giáo dục. Không chỉ thể hiện sự hợp tác giữa con người và loài vật, mà còn châm biếm những đặc điểm tiêu cực trong xã hội. Điều này giúp truyền đạt giá trị văn hóa và giáo dục một cách hiệu quả.
Văn học mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc, bắt nguồn từ cuộc sống của con người, trải qua quá trình sáng tạo và lựa chọn, từ đó sinh ra những bài học ý nghĩa và lan truyền trong xã hội. Chỉ có những tác phẩm văn học chân chính mới có thể mang lại sức mạnh đó, và chu kỳ đó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại cho đến khi cuộc sống được làm sạch và trở nên hạnh phúc hơn. Câu chuyện 'Đi san mặt đất' của người Lô Lô không chỉ là một truyện thần thoại mang tính giải trí mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa của một tác phẩm văn học đích thực.