Dàn bài
1. Mở đầu
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du (đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới).
Truyện Kiều là một tác phẩm vang dội, trở thành kiệt tác văn học Việt Nam.
Đoạn trích 'Chị em Thúy Kiều' không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của những tuyệt sắc giai nhân mà còn thể hiện tài năng miêu tả chân dung nhân vật xuất chúng của Nguyễn Du.
2. Nội dung chính
a. Giới thiệu vấn đề
Tài năng miêu tả nhân vật để khắc họa tính cách và số phận con người là một thành tựu lớn của Nguyễn Du.
+ Tạo dựng nhiều nhân vật gây ấn tượng như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Sở Khanh.
b. Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân
- Ban đầu, Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều bằng hình ảnh thiên nhiên: mai, tuyết. Phép ước lệ gợi lên vẻ đẹp thanh tao, cao quý như mai và trong trắng, tinh khôi như tuyết.
- Bốn câu thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân: cao quý, duyên dáng, trong trắng.
+ Câu thơ “Vân xem trang trọng khác vời” tóm lược vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thúy Vân.
+ Vẻ đẹp của Vân được so sánh với những thứ đẹp nhất trong tự nhiên như hoa, mây, trăng, tuyết, ngọc.
+ Chân dung Thúy Vân tuyệt mỹ từ khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, làn da, đến phong thái điềm đạm (với những phép so sánh, ẩn dụ thú vị trong thơ).
→ Vẻ đẹp của Vân vượt xa mọi chuẩn mực tự nhiên, khiến tự nhiên cúi đầu nhường bước, có lẽ cuộc đời nàng sẽ bình yên, không gặp sóng gió.
- Vẻ đẹp của Thúy Kiều (12 câu thơ tiếp theo)
+ Tác giả dùng phép ẩn dụ tượng trưng: thu thủy, xuân sơn để miêu tả đôi mắt trong sáng, long lanh của Kiều.
+ Thúy Kiều là tuyệt sắc giai nhân, vẻ đẹp của nàng làm cho tự nhiên phải ganh ghét, đố kỵ: hoa ghen, liễu hờn.
+ Tài năng của Thúy Kiều đạt đến mức hoàn hảo theo quan niệm thẩm mỹ phong kiến: cầm, kỳ, thi, họa.
+ Tập trung nhấn mạnh tài đàn của nàng, đặc biệt là cung đàn bạc mệnh (Một thiên bạc mệnh càng làm người nghe nao lòng), là tiếng nói của trái tim đa cảm, đa sầu.
→ Chân dung Thúy Kiều làm cho tạo hóa phải ganh ghét, nàng tài hoa bẩm sinh, tâm hồn đa cảm đa sầu, dự báo số phận khó khăn, sóng gió vì “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
- Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân trước rồi sau đó mới đến Thúy Kiều, cách miêu tả này làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều.
- Tận dụng khéo léo các tính từ miêu tả vẻ đẹp của Vân và Kiều (vẻ đẹp gắn liền với số phận): mặn mà, trang trọng, sắc sảo...
- Sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, đối xứng, liệt kê, tăng tiến, điển tích điển cố trong đoạn trích.
→ Bút pháp ước lệ tượng trưng là cách thể hiện con người quen thuộc trong thơ ca trung đại (miêu tả theo những chuẩn mực, quy ước nghệ thuật sẵn có).
3. Kết thúc
Đoạn trích miêu tả rõ nét chân dung hai chị em Thúy Kiều qua bút pháp ước lệ tượng trưng, thủ pháp đối lập và các biện pháp tu từ khác.
Nguyễn Du thể hiện tinh thần nhân văn qua việc tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của con người, đồng thời dự đoán số phận éo le của những con người tài hoa.
Bài mẫu
Bài tham khảo số 1
Nguyễn Du là thiên tài văn học, đại thi hào của Việt Nam. Trong cuộc đời sáng tác, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị, tiêu biểu như 'Đoạn trường tân thanh' (Truyện Kiều). Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, đoạn trích 'Chị em Thúy Kiều' trích từ 'Truyện Kiều' là một trong những đoạn trích xuất sắc, thể hiện tài năng nghệ thuật miêu tả và khắc họa chân dung con người của Nguyễn Du, đóng góp vào thành công của tác phẩm.
Bốn câu mở đầu giới thiệu chung về hai nhân vật có nhan sắc tuyệt vời, con gái nhà Vương Viên ngoại. Bút pháp ước lệ và phép ẩn dụ gợi lên vẻ đẹp thanh tao, trong trắng của hai chị em Thúy Kiều, được miêu tả qua những hình ảnh mai, tuyết.
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Họ đẹp cả về hình dáng bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong.
Sau phần giới thiệu chung là chân dung của nàng Vân. Với bút pháp ước lệ kết hợp từ ngữ tinh tế, bốn câu thơ tiếp theo vẽ nên hình ảnh người thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, hiền lành. Đây là vẻ đẹp hoàn hảo của người con gái trong sáng, dịu dàng, không chút bụi trần.
Khi tả Thúy Vân, vẻ đẹp của nàng tưởng chừng như không ai có thể sánh bằng. Nhưng ngay sau đó, sự xuất hiện của Thúy Kiều đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của Kiều. Bốn câu thơ miêu tả Kiều với vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà:
'Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại phần hơn'
Nguyễn Du đã nâng nhân vật chính lên tầm cao mới về cả tài lẫn sắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Tác giả không chỉ dừng lại ở hình thức mà đi sâu vào tài năng, tính cách của Thúy Kiều, thể hiện qua sự sắc sảo mặn mà của nàng.
Ở Thúy Vân, vẻ đẹp dịu dàng dễ chinh phục người khác: “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” thì ở Thúy Kiều, vẻ đẹp sắc sảo mặn mà làm tự nhiên ganh ghét: 'Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh'.
Vẻ đẹp bên ngoài chỉ là một phần đáng chú ý, điều quan trọng hơn là tài năng và tính cách của Thúy Kiều. Tác giả đã dùng nhiều câu tiểu đối để thể hiện tài sắc của Thúy Kiều:
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Sắc đành đời một tài đành họa hai
Nguyễn Du đã ca ngợi Thúy Kiều bằng nhiều từ ngữ mang giá trị tuyệt đối: 'Thông minh vốn sẵn tính trời!', 'Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm'.
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Không cần hoa mỹ, tác giả đã tạo nên nhịp thơ trang trọng, tôn lên tài sắc của Thúy Kiều.
Hai vẻ đẹp khác nhau nhưng bút pháp xây dựng giống nhau. Bút pháp này giúp tạo ra hình ảnh nhân vật thuần khiết: làn nước mùa thu, ngọn núi mùa xuân, khuôn trăng, nét ngài, tóc mây, da tuyết... Đoạn trích chủ yếu giới thiệu Thúy Kiều với vẻ đẹp sắc sảo, tài hoa, và sắc sảo tài hoa đến mức “hoa ghen, liễu hờn'; trong đó, tài hoa là điều đáng trọng nhất.
Tóm lại, đoạn thơ ngắn gọn, bố cục hoàn chỉnh, chặt chẽ, nghệ thuật tả người bậc thầy, bút pháp điêu luyện đã chỉ rõ thần thái, cốt cách nhân vật. Từ ngoại hình bộc lộ nội tâm, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, đồng thời dự báo số phận nhân vật: cuộc đời Thúy Vân bình yên, còn Thúy Kiều đối mặt với số phận nghiệt ngã của một người tài hoa bạc mệnh.
Tống Trần Ngọc