Phật Bích-chi (Devanagari: प्रत्येक बुद्ध; Sanskrit: pratyeka-budhha; Pali:pacceka-buddha; chữ Hán: 辟支佛) còn được gọi là Độc giác Phật (chữ Hán: 獨覺佛) hoặc Duyên giác Phật (chữ Hán: 緣覺佛). Đây là thuật ngữ trong Phật giáo chỉ một bậc Thánh đạt được giác ngộ từ Tu đà hoàn đến các quả vị Niết bàn, tự mình chứng đắc mà không cần sự chỉ dạy từ Phật. Độc giác Phật tự khai ngộ trong thời điểm không có Phật tại thế, còn Duyên giác là người tu tập pháp 12 nhân duyên khi có Phật tại thế.
Theo Pāli, Độc giác Phật xuất phát từ từ Paccekabuddha, kết hợp từ Pacceka và Buddha. Pacceka có nghĩa là riêng biệt, một mình; Buddha thường được hiểu là bậc giác ngộ. Từ điển của hội Pāli Text Society mô tả Paccekabuddha là bậc tự giác ngộ.
Trong một thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có thể có nhiều Độc giác Phật cùng xuất hiện (như trong Kinh Thôn Tiên có 500 vị Độc giác Phật). Mỗi Độc giác Phật đều tự mình nhận thức chân lý tứ Thánh đế mà không có sự hướng dẫn của thầy. Họ không thành lập Tăng đoàn cũng như không thiết lập phương pháp thuyết pháp để hướng dẫn chúng sinh khác, khác với Đức Phật.
Trong kinh tạng Nam truyền, thông tin về cuộc đời của một vị Độc giác được ghi lại trong năm bộ Nikāya, chủ yếu tập trung ở các bộ kinh và các tập chú giải sau đây:
- Trung Bộ Kinh, kinh Thôn tiên (Isigili Sutta)
- Tăng Chi Bộ Kinh, chương Hai pháp.
- Tiểu Bộ Kinh - Kinh Tập, kinh Con tê ngưu một sừng (Khaggavisāṇa Sutta).
- Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền thân (Jataka) có trên 20 truyện trong 547 truyện.
- Tiểu Bộ Kinh - Thánh nhân ký sự (Apadāna), Độc giác ký sự (Paccekabuddhāpadānaṃ).
- Chú giải kinh Tập (Paramatthajotikā II).
- Chú giải kinh Tương Ưng, Chú giải kinh Không liễu tri (Appaṭividitasuttavaṇṇanā)
Theo Tăng Chi Bộ Kinh - Chương Hai Pháp - Phẩm Người (AN.2.52–63), Đức Phật đã chỉ ra hai cấp độ Giác ngộ như sau: 'Có hai loại Giác ngộ, này các Tỷ-kheo. Đó là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, và Ðộc Giác Phật. Những bậc này, này các Tỷ-kheo, là hai cấp độ Giác ngộ.'
Các đề tài về Phật giáo |
---|