Theo ước tính của các nhà khảo cổ, giá trị của kho báu lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.
Lộ diện kho báu dưới đáy sông.
Theo thông tin từ Tân Hoa xã ngày 20 tháng 3 năm 2017, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một kho báu gồm hơn 10.000 vật dụng và đồ trang sức bằng vàng và bạc có niên đại 370 năm trước ở dưới đáy sông Mân, tỉnh Tứ Xuyên.
Kho báu được phát hiện ở độ sâu khoảng 5 mét dưới đáy sông Mân, cách Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, 50 km về phía Nam.
Một kho báu gồm hơn 10.000 vật dụng và đồ trang sức bằng vàng và bạc có niên đại 370 năm trước ở dưới đáy sông Mân, tỉnh Tứ Xuyên. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Các nhà khảo cổ đã gặp khó khăn trong việc khai quật kho báu do nước sông chảy mạnh. Họ đã xây dựng tổng cộng 20.000m2 đê để làm việc này, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử khảo cổ học. Sau khi đê được xây dựng, 20 máy bơm bắt đầu hoạt động và mất 4 tháng liên tục mới bơm hết nước ra.
Giám đốc Viện nghiên cứu khảo cổ và di sản văn hóa tỉnh Tứ Xuyên cho biết, kho báu này chứa nhiều tiền xu cũng như trang sức bằng vàng, bạc và đồng, cần tổng cộng 5 tháng để đào hết kho báu trong khu khảo cổ quy mô lớn này. Giá trị của những di tích văn hóa mà họ tìm thấy đã lên đến 500 triệu USD (hơn 12.000 tỷ VNĐ).
Đặc biệt, đã phát hiện một ấn triện bằng vàng nguyên chất cực kỳ quý hiếm, nặng tới 8kg và làm bằng 95% vàng nguyên chất, có kích thước 10 x 10 cm, có hình con rùa với dòng chữ 'Báu vật của Thục vương', đáng tiếc rằng nó đã bị xẻ làm 4 mảnh.
Một phần nhỏ của kho báu. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Trong số các món cổ vật được tìm thấy, phát hiện một khúc gỗ kỳ lạ dài khoảng 1m, bên dưới có 10 đĩnh bạc có khắc dòng chữ: 'Năm Sùng Trinh thứ 10, hướng ngân ngũ thập lưỡng, thợ bạc Khương Quốc Khánh'.
Theo ông Ngô Thiên Văn, Giám đốc Phòng Quản lý Di tích Văn hóa Bành Sơn, khúc gỗ được tìm thấy chính là Thanh cương bổng, là một công cụ cất giấu bảo vật của Trương Hiến Trung - người lãnh đạo phong trào khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh.
Thanh cương bổng giấu các đĩnh bạc bên trong. (Ảnh: Sohu)
Ngoài ra, khu vực tìm thấy những món cổ vật cũng là nơi lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Trương Hiến Trung bị binh lính của nhà Minh đánh bại năm 1646.
Trương Hiến Trung, nhà lãnh đạo cuối cùng của phong trào khởi nghĩa nông dân thời nhà Minh, đã thu giữ hàng chục nghìn lượng vàng bạc từ việc cướp của các thương gia giàu có ở Tứ Xuyên và tổ chức Đại hội đấu bảo để khoe khoang sự giàu có.
Theo truyền thuyết, Trương Hiến Trung sở hữu 24 căn phòng đựng thỏi vàng và bạc.
Theo truyền thống, Trương Hiến Trung đã thuê nhân công để xây kè trên sông Mân, đào hố sâu và chôn giấu kho báu của mình, nhưng bị tấn công bất ngờ và mất phần lớn kho tàng khi đưa ra sông.
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đang lên kế hoạch xây dựng bảo tàng để bảo quản các cổ vật được khai quật gần đó.
*Nguồn: Tân Hoa Xã, Sohu