Khi mới sinh, thị lực của trẻ còn yếu. Cha mẹ nên tạo cơ hội để bé thực hành kỹ năng theo dõi trực quan, giúp kích thích phát triển thị giác.
Hành trình cùng con lớn lên luôn có sự đồng hành của cha mẹ. Nguồn ảnh: Pexels
Trong những năm đầu đời, trẻ đạt được nhiều cột mốc đáng nhớ, từ việc bé khúc khích nụ cười đầu tiên đến lần đầu ăn dặm. Hành trình cùng con lớn lên luôn có sự đồng hành của cha mẹ. Tuy nhiên có một cột mốc quan trọng mà cha mẹ khó nhận biết, đó là cột mốc liên quan đến phát triển thị lực của bé.
Khi mới sinh, thị lực của trẻ còn yếu. Cha mẹ nên tạo cơ hội để bé thực hành kỹ năng theo dõi trực quan, giúp kích thích phát triển thị giác.
Dưới đây, Mytour sẽ chia sẻ cách rèn luyện theo dõi trực quan ở trẻ sơ sinh.
Theo dõi trực quan là gì?
Theo dõi trực quan là khả năng theo dõi chuyển động của vật bằng đôi mắt mà không cần di chuyển đầu. Nguồn ảnh: Pexels
Theo dõi trực quan là khả năng theo dõi chuyển động của vật bằng đôi mắt mà không cần di chuyển đầu. Chuyển động mắt là kỹ năng vận động tinh bao gồm việc mắt di chuyển từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, chuyển động theo đường chéo và theo đường tròn.
Tại sao theo dõi trực quan lại quan trọng?
Thành thạo kỹ năng theo dõi trực quan tạo tiền đề cho trẻ thành công đạt tới các cột mốc về thị lực trong tương lai. Ngay sau khi trẻ học cách theo dõi trực quan, chúng sẽ bắt đầu biết phối hợp các hoạt động giữa tay và mắt. Sau này khi lớn lên, theo dõi trực quan sẽ có ích cho bé trong việc học cách đọc.
Theo dõi trực quan cũng là cách giúp bé nhận biết về cuộc sống xung quanh. “Cảm quan thị giác cho phép trẻ tiếp thu một lượng lớn thông tin” Tiến sĩ Valerie Kattouf - bác sĩ đo thị lực nhi khoa và chuyên gia đánh giá y tế cho All About Vision cho biết.
Khi nào trẻ bắt đầu quan sát đồ vật bằng mắt?
Khoảng ba tháng tuổi, hầu hết các bé đều có thể quan sát đồ vật.
Ban đầu, bé học cách nhận diện khuôn mặt người sau đó mới quan sát đồ vật. Khoảng 1 đến 2 tuần tuổi, bé sẽ chuyển hướng nhìn sang khuôn mặt của người mẹ ở khoảng cách gần tầm 20-25cm. Đây cũng là khoảng cách giữa khuôn mặt của mẹ và bé khi bú sữa.
Lúc này, bé chỉ nhìn thấy hai màu đen và trắng. “Khi trẻ bắt đầu theo dõi đồ vật tầm 3 tháng tuổi, chúng có thể dễ dàng quan sát các vật màu trắng và đen. Những đồ vật này dễ phân biệt do đó hấp dẫn trẻ nhất” - bác sĩ nhi khoa Pierrette Mimi Poinsett cho biết.
Sau khi học cách quan sát các chuyển động của đồ vật, các bé sẽ học cách chuyển hướng nhìn giữa hai đồ vật và sự phối hợp giữa tay và mắt bắt đầu phát triển.
Làm cách nào để giúp trẻ phát triển kỹ năng theo dõi hình ảnh?
Bạn nên đưa khuôn mặt lại gần bé và từ từ di chuyển đồ vật khi đang nói chuyện cùng bé. Nguồn ảnh: Pexels
Bạn có thể giúp bé phát triển kỹ năng theo dõi hình ảnh bằng cách tạo nhiều cơ hội cho bé luyện tập sử dụng đôi mắt. Để làm được điều này bạn cần hiểu rõ những thứ trẻ có thể nhìn. Nếu bạn treo một vật cách bé 3m sẽ vô ích bởi vì trẻ không thể nhìn quá xa. Thay vào đó bạn nên đưa khuôn mặt lại gần bé và từ từ di chuyển đồ vật trong khi đang nói chuyện cùng bé.
Cha mẹ nên giao tiếp với trẻ thường xuyên
Theo bản năng tự nhiên, trẻ sơ sinh thường nhìn chăm chú vào khuôn mặt người đối diện. Trẻ có thể chuyển hướng nhìn theo khuôn mặt người chăm sóc ngay tuần thứ hai sau sinh.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian giao tiếp bằng mắt với bé. Nguồn ảnh: pexels
Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để giao tiếp bằng mắt với bé. Bạn có thể cười hoặc nói chuyện và chỉ cần bạn cúi xuống nhìn bé cũng đủ để kích thích trẻ nhìn lại và bắt đầu hoạt động các cơ mắt nhỏ.
Sử dụng bức tranh có độ tương phản cao về màu sắc
Khi mới chào đời, bé không thể nhìn quá nhiều. Chúng chỉ có thể nhìn những đồ vật có độ tương phản cao ở vị trí gần. Nếu bạn bế bé lên để bé nhìn về phía trước với một bức tranh có màu đen trắng cách 20-25cm, bạn sẽ thấy bé đang nhìn chăm chăm. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một số hình ảnh có màu sắc tương phản cao khác như tím và cam hoặc xanh dương và vàng.
Nếu bé mở to mắt và nhìn chăm chú, hãy để bé nhìn như vậy. Điều này giúp bé phát triển khả năng tập trung của đôi mắt. Khi bé lớn hơn một chút và có vẻ không còn say mê những bức tranh như trước, bạn có thể bắt đầu di chuyển từ từ để thúc đẩy bé quan sát. Bác sĩ Poinsett khuyên, “Bạn có thể lắc lư bức tranh và di chuyển từ từ trước mặt bé.”
Sử dụng đồ chơi giúp bé kích thích thị giác
Một số đồ vật như cuộn len, đồ chơi… có thể giúp bé phát triển thị giác, nhưng với điều kiện phải sử dụng đúng cách. Bạn nên treo các đồ vật vừa tầm nhìn để trẻ có thể tập trung quan sát. Khi bé 3-4 tháng tuổi, bạn có thể dùng nhiều đồ chơi khác nhau để bé nhoài người và túm lấy đồ vật.
Những món đồ treo trong tầm nhìn của bé giúp kích thích phát triển khả năng theo dõi hình ảnh. Nguồn ảnh: Pexels
Các đồ chơi cho trẻ lớn hơn có thể nhiều màu sắc, vì khả năng nhìn màu của bé bắt đầu vào khoảng 3 tháng tuổi và hoàn thiện khi 5 tháng tuổi.
Lời kết
Theo dõi trực quan là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển thị giác 20/20 đầy đủ màu sắc của bé. Khi trẻ mới sinh thị giác chưa phát triển, vì vậy, cần nhiều cơ hội luyện tập để tập trung kích thích theo dõi hình ảnh. Bạn có thể giúp bé học cách quan sát những bức hình có màu sắc tương phản cao cách tầm nhìn của bé 20-25cm. Sau đó, bạn có thể bắt đầu từ từ di chuyển những bức hình mà trẻ thích nhìn.
Bạn hãy nhớ rằng bé sẽ học cách quan sát từ xung quanh môi trường sống. Cách tốt nhất để giúp bé đó là cha mẹ thường xuyên tương tác tích cực để tăng sự gắn kết với bé. Khi được tương tác tốt bé sẽ trở nên vui vẻ, đây là mục tiêu chính của các hoạt động kích thích theo dõi trực quan phát triển ở trẻ sơ sinh.
Hoài Thương tổng hợp từ Verywell Family