“Nước đến chân mới nhảy”
“Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”
Trong hai câu thành ngữ tiếng Việt trên, ta có thể thấy từ “chân” được lặp lại, tuy nhiên chúng không mang cùng một nghĩa. “Chân” ở câu đầu tiên là từ dùng để chỉ bộ phận phần dưới cơ thể, dùng để đứng hoặc di chuyển; trong khi đó “chân” ở câu sau lại để chỉ phần bộ phận dưới cùng của đồ vật (cái kiềng) để đỡ lấy phần trên và giúp cho đồ vật không bị đổ.
Nhìn chung, hai nét nghĩa của từ “chân” tuy không giống nhau nhưng chúng vẫn có sự liên quan nhất định đến nhau, và vì thế từ “chân” được gọi là một từ đa nghĩa.
Tương tự như vậy, trong tiếng Anh cũng có những từ có nhiều hơn một nét nghĩa (các nét nghĩa có thể ít nhiều liên quan đến nhau), và việc hiểu rõ các nét nghĩa này và sử dụng một cách chính xác trong giao tiếp tiếng Anh nói chung hay trong bài thi IELTS nói riêng là một việc vô cùng quan trọng nhưng lại không hề dễ dàng.
Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung giải thích về hiện tượng đa nghĩa của từ, những khó khăn mà người học tiếng Anh thường gặp phải với hiện tượng này cũng như cách để vượt qua những khó khăn trên.
Key takeaways |
---|
1. Polysemy là hiện tượng một từ vựng có nhiều hơn một nét nghĩa, và các nét nghĩa này đều có sự liên quan nhất định đến nhau. 2. Người học tiếng Anh thường gặp khó khăn khi gặp các từ đa nghĩa thuộc hiện tượng polysemy, đặc biệt ở kỹ năng Reading bởi việc không nắm được các nét nghĩa sẽ khiến người đọc khó hiểu hoặc hiểu sai nội dung bài đọc. Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng đến yếu tố độ linh hoạt của từ vựng “flexibility” trong tiêu chí Lexical resource của kỹ năng Writing và Speaking. 3. Để khắc phục các vấn đề về từ đa nghĩa, người học nên sử dụng các từ điển Anh-Anh uy tín để tra cứu các nét nghĩa của từ được sử dụng trong các văn cảnh cụ thể, ngoài ra người đọc cũng cần xâu chuỗi các nét nghĩa của từ để thấy được mối tương quan giữa các nét nghĩa, từ đó sẽ có thể ghi nhớ lâu hơn. 4. Một số từ vựng thuộc hiện tượng polysemy
|
Definition of “polysemy” and related phenomenon
Ví dụ:
“bark”: từ này có thể hiểu là (1) “hành động của loài chó khi tạo ra tiếng kêu - sủa” (động từ), hoặc (2) “lớp vỏ bên ngoài của phần thân cây” (danh từ) (Oxford Learner’s Dictionaries, 2023). Hai nét nghĩa trên hoàn toàn không liên quan gì tới nhau, và trong trường hợp này, “bark” (verb) và “bark” (noun) được coi là homonyms (hai từ riêng biệt vô tình có cùng cách viết và cách phát âm nhưng khác nghĩa).
“twist”: ta sẽ xét hai nét nghĩa sau: (1) “uốn cái gì thành một hình dạng nào đó” (He twisted the wire into a circle), và (2) “vặn/ bẻ cái gì và khiến nó ở trong một tư thế/ hình dáng không bình thường” (Her arms were twisted behind her back) (Oxford Learner’s Dictionaries, 2023). Từ đây ta có thể thấy, hai nét nghĩa này dù khác nhau nhưng chúng rõ ràng có sự liên quan nhất định. Vì vậy, “twist” (động từ) được coi là một polysemous word với nhiều nét nghĩa (khác với “bark” ở ví dụ trên được coi là hai từ riêng biệt)
Tuy nhiên, cần chú ý rằng dù polysemy và hononymy được định nghĩa và phân biệt rất rõ về mặt lý thuyết, việc áp dụng để phân biệt rạch ròi vào thực tế lại không dễ dàng như vậy. Có nhiều trường hợp mà hai hay nhiều cách sử dụng khác nhau của cùng một từ vẫn khiến các nhà ngôn ngữ học tranh cãi về việc liệu chúng có đủ tính liên kết với nhau để được xếp vào hiện tượng polysemy thay vì homonymy hay không (as cited in Rodd et al., 2002).
Challenges of English learners when encountering the phenomenon of polysemy
Đối với người học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, việc đối mặt với một từ vựng mang nhiều nét nghĩa liên quan tới nhau sẽ có thể gây hoang mang và khó hiểu, đặc biệt đối với kỹ năng Reading (đọc hiểu). Nếu người học chỉ nhớ đến nét nghĩa phổ biến nhất của từ vựng (có thể là nét nghĩa gốc), việc nắm bắt được nét nghĩa chính xác của từ được sử dụng trong văn cảnh sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, và từ đó khó tránh khỏi việc khó hiểu hay hiểu nhầm nghĩa của cả cụm hoặc cả câu.
Ví dụ, xét từ “slip” trong câu văn “He slipped and hit his head on the ground”: Trong câu trên, nét nghĩa của từ này được giải thích trong từ điển Oxford Learner’s Dictionaries là “to slide a short distance by accident so that you fall or nearly fall” (tạm dịch: hành động vô tình bị trượt một khoảng cách ngắn khiến bạn ngã hoặc suýt ngã). Có thể thấy, đây là nét nghĩa gốc (trong trường hợp này cũng là nét nghĩa phổ biến nhất) của “slip”, dùng để miêu tả hành động mất cân bằng dẫn đến việc ngã của cơ thể con người theo nghĩa đen.
Tuy nhiên, xét từ “slip” trong câu văn “That's the third time she has beaten me — I must be slipping!”. Trong văn cảnh này, nếu người học chỉ nắm được nét nghĩa cơ bản của từ “slip”, kết quả câu văn sẽ được dịch là “Đó đã lần thứ ba cô ta đánh bại tôi rồi - Tôi chắc hẳn là đã trượt ngã!”. Ta có thể thấy, nếu dịch như trên thì nét nghĩa này của từ “slip” không hề phù hợp với văn cảnh và khiến cho câu văn trở nên thiếu liên kết.
Thực ra, trong câu văn này, “slip” không phải để miêu tả hành động “trượt ngã” của cơ thể theo nghĩa đen, mà nó đã bị biến đổi theo phương pháp ẩn dụ để ám chỉ việc “trượt dài và giảm sút của năng lực”; nói cách khác, từ “slip” ở ví dụ trên mang nghĩa là “become worse”(trở nên tệ hơn) (Oxford Learner’s Dictionaries, 2023).
Ngoài ra, việc thiếu nhận thức về các nét nghĩa của từ đa nghĩa cũng sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng Writing và Speaking của người học, cụ thể là ở tiêu chí về từ vựng Lexical Resource của hai kỹ năng này. Nhiều người học cho rằng việc đạt band điểm cao ở tiêu chí Lexical Resource đồng nghĩa với việc phải dùng thật nhiều các từ hiếm gặp, nhưng lại quên mất một yếu tố quan trọng được gọi là “độ linh hoạt của từ vựng” (flexibility) - được hiểu là việc có thể dùng các từ vựng quen thuộc một cách chính xác và linh hoạt với nét nghĩa khác nét nghĩa cơ bản thông dụng (“IELTS Writing Band Descriptors and Key Assessment Criteria”, 2023).
Nếu không hiểu rõ được các nét nghĩa của một từ thì người học sẽ rất khó để có thể vận dụng linh hoạt vốn từ của mình vào bài viết/ nói, từ đó band điểm cũng khó để cải thiện.
Resolving issues related to polysemy
Guessing the meaning of words
Đối với các polysemous words, các nét nghĩa của từ sẽ có sự liên quan nhất định với nhau, dù ít hay nhiều. Vì vậy, trong những trường hợp đặc biệt không thể tìm đến sự trợ giúp của các công cụ dịch (ví dụ như khi đang làm bài thi Reading), việc dựa vào ngữ cảnh để suy đoán nghĩa của từ là một kỹ năng cần thiết để học viên có thể nắm được nội dung chính của câu/ đoạn văn.
Xét từ “head” trong đoạn văn sau: “He acknowledged that the no campaign needed to appeal to the heart as well as the head but argued the big question is what impact separation would have on family finances and whether Scottish people would be able to afford the NHS and pensions” (“Billions of pounds wiped from value of Scottish firms after yes vote leads independence poll”, 2014).
Nét nghĩa gốc của “head” được định nghĩa trong từ điển Oxford Learner’s Dictionaries là “the part of the body on top of the neck containing the eyes, nose, mouth and brain” (tạm dịch: bộ phận cơ thể ở trên cổ, bao gồm mắt, mũi, miệng và não bộ - đầu). Tuy nhiên, ở đoạn văn trên, với chủ thể là “campaign” (chiến dịch) và động từ “appeal” (thu hút), thì từ “head” trong đoạn không thể mang nét nghĩa là bộ phận cơ thể (đầu) mà phải là một nét nghĩa khác mang tính ẩn dụ hơn.
Từ đây, người đọc có thể hình dung rằng đầu là bộ phận cơ thể có chứa não bộ - thường được dùng làm biểu tượng cho lý trí của con người. Nếu hiểu theo cách này, ngay cả từ “heart” người đọc cũng có thể suy luận rằng nó mang một nghĩa ẩn dụ - con tim tượng trưng cho tình cảm, cảm tính, trái ngược với lý trí, và từ đó nghĩa của đoạn văn sẽ được sáng tỏ hơn “Ông nhận thức được rằng, không có chiến dịch nào cần phải thu hút được cả con tim và lý trí của mọi người….”
Tuy nhiên, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp đoán từ dựa vào ngữ cảnh (the guessing method) trên thực tế lại không có hiệu quả cao về mặt ghi nhớ từ lâu dài như mong đợi, thậm chí hiệu quả ghi nhớ từ về lâu dài của phương pháp này cũng không hề cao hơn phương pháp truyền thống đó là trực tiếp giải thích nghĩa (the giving method) (as cited in Verspoor & Lowie, 2003).
Chính vì vậy, người đọc chỉ nên coi đây là một phương pháp “chữa cháy” trong trường hợp bất khả kháng, không nên lạm dụng quá nhiều.
Looking up and stringing together the meanings of words with an English-English dictionary
Để có thể nắm được các nét nghĩa của polysemous words và cách dùng chính xác của chúng, một giải pháp tối ưu đó chính là sử dụng từ điển Anh-Anh. Các từ điển Anh-Anh sẽ có phần giải thích cụ thể các nét nghĩa khác nhau, đi kèm ví dụ để người đọc có những hình dung cụ thể về ngữ cảnh (context) mà nét nghĩa đó được sử dụng, đồng thời cũng đưa ra các collocations thông dụng đối với từ ngữ theo từng nét nghĩa.
Các nguồn từ điển Anh- Anh nổi tiếng và uy tín mà người học có thể tham khảo có thể kể đến như từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, Cambridge Dictionary, Collin Online Dictionary, v.v.
Để có thể hiểu rõ từ vựng và ghi nhớ các nét nghĩa lâu hơn, trong quá trình tra cứu từ điển, người đọc nên cố gắng liên tục xâu chuỗi các nghĩa của từ và tìm ra mối tương quan giữa các nét nghĩa gốc của từ và các nghĩa khác.
Hoạt động này khiến cho não bộ phải xử lý (process) các nét nghĩa của từ vựng ở mức độ sâu hơn, từ đó giúp từ vựng cùng các nét nghĩa được đưa vào vùng “trí nhớ dài hạn” (long-term memory) thay vì chỉ dừng ở “trí nhớ tạm thời” (sensory memory) hay “trí nhớ ngắn hạn” (short-term memory) (Craik & Lockhart, 1972; Verspoor & Lowie, 2003).
Ví dụ: Xét từ “root” là một từ đa nghĩa, theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries thì “root” có các nét nghĩa sau:
Nét nghĩa đầu tiên (là nét nghĩa gốc) của từ “root” là “the part of a plant that grows under the ground and takes in water and minerals that it sends to the rest of the plant” (tạm dịch: bộ phận của cây ở dưới mặt đất, có chức năng hấp thụ nước và chất khoáng để nuôi cây - gốc/ rễ cây).
Ví dụ: This tree has very deep roots. (Cây này có rễ rất sâu).
Từ nét nghĩa là “rễ/gốc cây”, từ “root” được mở rộng nghĩa thành phần “gốc” của những bộ phận cơ thể con người như tóc, răng, v.v, và được hiểu là “chân (tóc/ răng)”. Có thể thấy, hai nét nghĩa này có sự liên kết chặt chẽ với nhau, đều chỉ phần gốc/ phần cuối của một vật thể.
Ví dụ: My hair is dark at the roots but blonde at the ends. (Chân tóc tôi màu đen nhưng đuôi tóc lại vàng)
Ngoài ra, “root” còn một nét nghĩa nữa đó là “the main cause of something” (nguyên nhân chính của vấn đề gì đó). Có thể thấy, từ nét nghĩa là “gốc/rễ” của cây cối hay bộ phận theo nghĩa đen, “root” đã được mở rộng để chỉ “gốc rễ” của những danh từ trừu tượng hơn như là “problem”, “situation”, etc.
Ví dụ: We have to get to the root of the problem. (Chúng ta phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề)
Some vocabulary belonging to the phenomenon of polysemy in IELTS
Earn /ɜːn/
- Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, nét nghĩa đầu tiên (nét nghĩa gốc) của “earn” được định nghĩa là “to get money for work that you do” (tạm dịch: kiếm tiền từ công việc mà mình làm). Với nét nghĩa này, các collocations với “earn” có thể kể đến là:
earn an income/ a wage/ a salary
earn a living
earn a fortune
Ví dụ: She earns a living by working as a teacher by day and a waitress in the evening. (Cô ấy kiếm sống bằng nghề dạy học vào ban ngày và làm bồi bàn vào buổi tối)
- Ngoài nét nghĩa đen là “kiếm tiền”, “earn” còn mang một nét nghĩa khác đó là “get something that you deserve” (tạm dịch: đạt được một điều gì đó mà mình xứng đáng có được). Trong khi nét nghĩa gốc của “earn” chỉ liên quan đến việc đạt được giá trị vật chất (tiền), nét nghĩa thứ hai này của “earn” đã mở rộng hơn để nói về việc đạt được những thứ khác trừu tượng hơn. Với nét nghĩa này, các collocations với “earn” có thể kể đến là:
earn a degree in… (đạt được bằng cấp trong lĩnh vực…)
earn a reputation (đạt được danh tiếng)
earn respect (có được sự tôn trọng)
earn the right to… (có quyền làm gì)
Ví dụ: She believes that women should be financially independent in order to earn the respect of their spouse. (Cô ấy tin rằng phụ nữ nên độc lập về tài chính để có thể có được sự tôn trọng của người chồng của mình).
Embrace /ɪmˈbreɪs/
- Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, “embrace” được định nghĩa là “to put your arms around somebody” (tạm dịch: ôm), đồng nghĩa với từ “hug”.
Ví dụ: They embraced each other and said goodbye at the airport. (Họ ôm nhau và nói tạm biệt ở sân bay)
- Ngoài nét nghĩa trên, “embrace” còn một nét nghĩa khác là “to accept an idea, a proposal, a set of beliefs, etc.” (tạm dịch: chấp nhận một ý tưởng, một đề xuất, hoặc một niềm tin nào đó). Với nét nghĩa này, “embrace” thường sẽ đi cùng các từ liên quan đến một hệ thống hay một hệ tư tưởng nào đó, như là “capitalism”, “democracy”, “feminism”, etc.
Ví dụ: His father is a very conservative man who will never embrace ideas related to feminism. (Bố của anh ấy là một người vô cùng cổ hủ và không bao giờ chấp nhận những ý tưởng liên quan tới nữ quyền).
Bombard /bɒmˈbɑːd/
- Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, nét nghĩa đầu tiên của “bombard” là “to attack a place by firing large guns at it or dropping bombs on it continuously” (tạm dịch: tấn công một nơi nào đó bằng việc xả súng hoặc đánh bom dồn dập).
Ví dụ: Madrid was heavily bombarded for several months. (Madrid đã bị đánh bom nặng nề trong một vài tháng).
- Ngoài nét nghĩa đen là “xả súng hoặc đánh bom liên tiếp”, “bombard” còn mang một nét nghĩa khác đó là “ to attack someone with a lot of questions, criticisms, etc. or by giving them too much information” (tạm dịch: tấn công ai đó với rất nhiều câu hỏi, chỉ trích…, hoặc bằng việc đưa ra quá nhiều thông tin). Trong khi nét nghĩa gốc của “bombard” chỉ liên quan đến việc tấn công bằng vũ khí theo nghĩa đen, nét nghĩa thứ hai này của “bombard” đã mở rộng hơn để nói về việc “tấn công” theo nét nghĩa là sử dụng lời nói hay thông tin để khiến ai đó bị choáng ngợp. Với nét nghĩa này, các từ đi với “bombard” có thể kể đến là “question”, “criticism”, “complaint”, etc.
Ví dụ: Nowadays we are constantly bombarded with advertisements. (Ngày nay chúng ta đang bị choáng ngợp bởi quá nhiều quảng cáo)
Release /rɪˈliːs/
- Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, nét nghĩa đầu tiên của “release” là “to let somebody come out of a place where they have been kept or stuck” (tạm dịch: thả ai đó ra khỏi một nơi mà họ đã bị giam giữ hoặc mắc kẹt).
Ví dụ: He was released from prison after 15 years of false accusation. (Anh ta được thả ra tù sau 15 năm bị cáo buộc sai).
- Ngoài nét nghĩa đen là “thả ai ra khỏi nơi nào”, “release” còn mang một nét nghĩa khác khá liên quan đó là “to stop holding something so that it can move, fly, fall, etc. freely” (tạm dịch: thả cái gì đó ra để nó có thể di chuyển, bay đi… một cách tự do).
Ví dụ: The animals were released again into the wild. (Những con động vật được thả lại về tự nhiên)
- Ngoài hai nghĩa trên, “release” còn có một nét nghĩa là ‘to express feelings such as anger or worry in order to get rid of them” (tạm dịch: bộc lộ cảm xúc như tức giận hay lo lắng ra ngoài để giải tỏa). Với nét nghĩa này, “release” đã mở rộng hơn để miêu tả về hành động “thả” một điều khác trừu tượng hơn đó là cảm xúc, thay vì chỉ là hành động thả một ai đó/ cái gì đó theo nghĩa đen.
Ví dụ: I usually watch TV after work to release stress. (Tôi thường xem TV sau giờ làm để giải tỏa căng thẳng)
- Một nét nghĩa thông dụng nữa của “release” đó là “to make information, a film or other product available to the public” (tạm dịch: tiết lộ thông tin, ra mắt một bộ phim hay các sản phẩm tương tự đến với công chúng). Với nét nghĩa này, các từ đi với “release” có thể kể đến là “figure”, “data”, “film”, “recording”, “song”, etc.
Ví dụ: She is planning to release her first album next year. (Cô ấy dự định ra mắt album đầu tay vào năm sau)
Practice
1. The company plans to _______ a new product next month.
2. As the storm approached, it started to _______ the city with heavy rainfall.
3. Open-minded people are those who are willing to ______ new ideas.
4. She _______ a reputation as an expert in this field.
5. He ______ all his tension after talking with her.
Answers:
1. release (ra mắt)
2. bombard (“tấn công” thành phố với những trận mưa to)
3. embrace (chấp nhận ý tưởng mới)
4. earn (đạt được danh tiếng)
5. release (giải tỏa)
Summary
Quoting reference sources
“Bark.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/bark_1?q=ba
“Billions of pounds wiped from value of Scottish firms after yes vote leads independence poll”. (2014). The Guardian. Retrieved from https://www.theguardian.com/politics/2014/sep/08/scottish-independence-companies-billions-of-pounds-value-loss-pro-independence-poll-lead
“Bombard.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/bombard?q=bombard
Cruse, D.A. (1986). Lexical Semantics. Cambridge University Press.
Craik, F. I. M., & Lockhart, R. S. (1972). Levels of processing: A framework for memory research. Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior, 11, 671–684.
“Earn.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/earn?q=earn
“Embrace.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/embrace_1?q=embrace
“IELTS Writing Band Descriptors and Key Assessment Criteria”. (2023). International English Language Testing System. Retrieved from https://ielts.org/news-and-insights/ielts-writing-band-descriptors-and-key-assessment-criteria
“Release.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/release_1?q=release
Rodd, J.M., Marslen-Wilson, W.D. & Gaskell, G. (2002). Making Sense of Semantic Ambiguity: Semantic Competition in Lexical Access. Journal of Memory and Language.
“Root.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/root_1?q=root
“Slip.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/slip_1?q=slip
“Twist.” Oxford Learner’s Dictionaries, Oxford University Press, 2023, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/twist_1?q=twist
Verspoor, M.H. & Lowie, W. (2003). Making Sense of Polysemous Words. Language Learning 53:3, pp. 547-586. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1467-9922.00234