Trên tạp chí Khoa Học Mở Royal Society, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford cho biết xem phim đau buồn có thể tăng sự gắn kết nhóm và khả năng chịu đựng đau đớn bằng cách kích thích sản xuất endorphin - chất hóa học liên quan đến giảm đau và tạo cảm giác dễ chịu trong não. Nhưng với trẻ nhỏ thì sao?
Khi Estelle Erasmus và con gái xem phim hoạt hình The Good Dinosaur (2015), cô nghĩ rằng đó là một câu chuyện phiêu lưu đáng yêu của chú khủng long nhỏ Arlo và cậu bé Spot. Nhưng khi cảnh khủng long cha của Arlo qua đời xuất hiện, cô nhận ra mình đã lầm. Con gái cô, 6 tuổi, khóc nức nở khi thấy bạn khủng long mất đi cha.
Estelle - một nhà báo và tác giả - chia sẻ trên Psychology Today: 'Tôi thích các phim của Disney, nhưng tại sao họ phải dùng những cảnh chết chóc để làm nước mắt trẻ con?
Một đứa trẻ thường được bảo bọc trong tình yêu thương không nên chứng kiến cảnh chết chóc và dài dòng về việc mất mát của cha mẹ. Trong trường hợp này, lại còn là một đứa trẻ phải chịu trách nhiệm trước cái chết của cha mẹ'.
Với cô, trẻ con là những sinh vật nhạy cảm và dễ bị tổn thương tinh thần. Việc một bộ phim có ít nhất một phân đoạn, hoặc các cảnh về cái chết, bạo lực hay sự cô đơn không phù hợp với đối tượng nhỏ tuổi.
Dù tôn trọng tâm trạng buồn của con gái lúc đó, người mẹ không chấp nhận việc một trải nghiệm giải trí biến thành một buổi học thực tế về cuộc sống cay đắng, khắc nghiệt.
Cô khuyên độc giả nên chọn những bộ phim giả tưởng thú vị, không chứa các yếu tố khiến trẻ cảm thấy đau khổ hoặc sợ hãi không cần thiết.
Estelle không phải là trường hợp duy nhất. Nghiên cứu của Rosengren và đồng nghiệp vào năm 2014 chỉ ra nhiều phụ huynh tại Mỹ tránh né việc thảo luận về cái chết trước mặt trẻ em, bằng cách không cho con đọc sách hoặc nhấn nút tua chương này khi xem phim.
Một nghiên cứu từ Canada cho thấy trong số các bộ phim dành cho trẻ em được nghiên cứu, 2/3 có ít nhất một cảnh chết của một nhân vật chính, gấp đôi số lượng phim tương tự dành cho người lớn.
Một trong những lý do quan trọng nhất là cái chết được coi như một bước đệm để nhà làm phim khám phá hành trình anh hùng của nhân vật chính. Ví dụ, sau cái chết của cha, Arlo - chú khủng long mạnh mẽ hơn, giống như Simba trong The Lion King (1994).
Trong nhiều bộ phim của Disney và Pixar, nỗi buồn thường là động lực để nhân vật trải qua sự thay đổi, trở nên mạnh mẽ hơn và thích nghi với cuộc sống mới, như trong Inside Out (2015) hoặc Brother Bear (2003).
Kelly Conaboy, một nhà báo và là mẹ của một đứa trẻ, đã tự hỏi tại sao các bộ phim dành cho trẻ em thường chứa đựng nhiều cảnh buồn: ví dụ như Dumbo đu đưa trên vòi nước khi mẹ của nó bị nhốt, hoặc Ellie - vợ của nhân vật chính trong Up (2009) trải qua cảm xúc của mất mát và sẩy thai từ đầu phim, hay Bambi - chú nai con đi tìm kiếm mẹ sau khi bị thợ săn bắn chết.
Cô đã tìm kiếm ý kiến từ các chuyên gia và rút ra kết luận trong một bài viết trên tạp chí The Atlantic vào cuối năm 2023: việc hiển thị những cảnh buồn trong phim dành cho trẻ em không nhất thiết là điều xấu xa với khán giả nhỏ tuổi.
Conaboy nêu lên từng lời của Rob Minkoff, đồng điều hành The Lion King, nói rằng trẻ em có thể học được những bài học quan trọng từ những bộ phim buồn. Ông ấy bổ sung, nhiều bộ phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà còn nhắm đến đối tượng người lớn. Đối với ông, nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra một bộ phim hay cho trẻ em, thì phim sẽ trở nên đơn điệu và nhạt nhẽo.
Trước thời kỳ 1937 - 1942 (còn được gọi là thời kỳ hoàng kim của Disney), ít ai nghĩ rằng hoạt hình có thể được phát hành dưới dạng phim dài chiếu rạp. Để phá vỡ rào cản này và vì lợi nhuận, 'Nhà Chuột' đã dám đặt mục tiêu thu hút được mọi đối tượng từ trẻ em đến người già.
Bộ phim hoạt hình đầu tiên của hãng là Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn (1937) có cảnh nữ chính bị đầu độc bằng một quả táo, kết thúc của phim có cảnh mụ phù thủy rơi từ trên cao xuống vách đá và chết vì bị tảng đá đè lên. Chính bản gốc cũng là một câu chuyện đáng sợ từ anh em nhà Grimm.
Sau giai đoạn đó, các bộ phim hoạt hình Disney bắt đầu trở nên nhẹ nhàng hơn và mang tính an toàn. Vì vậy, khi bắt đầu làm Vua Sư Tử, Minkoff muốn đưa khán giả trở lại với giá trị của quá khứ. Mặc dù Bambi (1942) bắt đầu với cái chết của mẹ nai, nhóm của Minkoff vẫn cho rằng đó là quá lờ mờ, thiếu chi tiết.
Họ quyết định khám phá sâu hơn và mạnh mẽ hơn: cho Simba chứng kiến trực tiếp cái chết của cha mình, Mufasa. Mặc dù có ý kiến phản đối về tính tàn bạo của cảnh này, thậm chí có người gợi ý rằng nên giữ mức độ kiểm soát, Minkoff vẫn giữ nguyên để thể hiện sức mạnh của việc kể chuyện qua hình ảnh hoạt hình.
Trong cuộc trao đổi với tác giả Conaboy, Randi Pochtar - một nhà tâm lý học tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em của NYU Langone Health, một trung tâm nghiên cứu y học tại New York - chia sẻ về sự nhạy cảm của mỗi cá nhân, trải nghiệm quá khứ liên quan đến chủ đề của phim và khả năng cảm nhận các yếu tố trong phim (âm nhạc, câu chuyện, nhân vật,...), mà mỗi khán giả nhỏ có thể phản ứng khác nhau khi xem phim.
Các bộ phim buồn là một cách giúp trẻ hiểu được những khía cạnh khó khăn của cuộc sống. Thật ra, việc trải qua mất mát cũng có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực - nhân vật trở nên mạnh mẽ, hạnh phúc hơn sau những biến cố. Điều này giúp trẻ nhận ra rằng, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, vẫn tồn tại niềm vui và ý nghĩa.
Hầu hết các bộ phim hoạt hình có nội dung mất mát, buồn đều được đánh dấu PG (Phụ Huynh Cần Lưu Ý - phụ huynh hoặc người giám hộ cần xem cùng). Do đó, sau khi xem phim, người chăm sóc trẻ cần quan sát những thay đổi trong hành vi và phản ứng của trẻ, có thể trẻ sẽ bất ngờ sợ hãi khi đi cầu thang một mình, thay đổi trong giấc ngủ, khẩu vị... Nếu có, họ có thể hạn chế trẻ tiếp xúc với các bộ phim, tác phẩm văn hóa có chủ đề, nội dung tương tự.
Meredith Bak, nhà nghiên cứu về truyền thông trẻ em tại Đại học Rutgers ở Camden, cho rằng các bộ phim buồn khơi gợi sự đồng cảm, tìm kiếm ý nghĩa và mang lại góc nhìn mới cho trẻ em. Thực ra, trẻ con có thể hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện so với người lớn nghĩ.
Nếu bất ngờ có phụ huynh lo lắng về cảnh trong phim có thể quá đau lòng với trẻ em, đó là bởi họ có kinh nghiệm và nhận thức để nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Cũng giống như cảnh cha con ly biệt trong The Lion King, một đứa trẻ có thể nghĩ về việc mất cha, trong khi người mẹ có thể cảm thấy đau lòng khi nghĩ về bi kịch của một đứa trẻ bị bỏ lại giữa đời.
'Không phải vấn đề là phim có quá buồn cho trẻ em không, mà là liệu chúng có quá buồn cho người lớn không' - Conaboy kết luận.