Chất giọng (accent) và cách phát âm là 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong Ielts Speaking nói riêng và tiếng Anh giao tiếp nói chung. Việc có được cách phát âm chuẩn và chất giọng hay giúp cho người nói có thể truyền đạt thông tin một cách rõ ràng cũng như có được sự tự tin hơn khi giao tiếp. Dù là vậy, để có thể thành thục được 2 yếu tố này, thông thường người học tiếng Anh sẽ phải trải qua 1 khoảng thời gian dài chăm chỉ luyện tập. Tuy nhiên, việc luyện tập đúng và có phương pháp cũng đóng vai trò quan trọng không kém vì nó giúp cho người học có thể rút ngắn được thời gian cần thiết để thành thạo 2 yếu tố này. Vì vậy, qua bài viết lần này, tác giả muốn giới thiệu đến người đọc một phương pháp luyện tập giúp cải thiện chất giọng cũng như cách phát âm và rút ngắn khoảng thời gian cần thiết cho việc luyện tập - Phương pháp 3C
Bài viết sẽ đưa độc giả qua những nền tảng kiến thức quan trọng nhất của phương pháp 3C bao gồm khái niệm về phương pháp, những yếu tố cần chuẩn bị cũng như các bước và quy tắc cần tuân theo chặt chẽ trong quá trình áp dụng phương pháp cho việc luyện tập. Tất cả những yếu tố quan trọng này sẽ được trình bày trong những mục sắp tới đây.
Key takeaways (những điểm mấu chốt trong bài)
Mục này bao gồm những bài học và kết luận rút ra từ bài viết, được tóm tắt ngắn gọn nhất có thể. Chúng sẽ giúp độc giả có được cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về bài viết:
- Phương pháp 3C giúp người sử dụng có thể cải thiện rõ rệt chất giọng cũng như phát âm của mình thông qua việc luyện tập và bắt chước có chỉnh sửa các câu hội thoại trên phim ảnh, các chương trình truyền hình và các video tiếng Anh.
- Trước khi áp dụng kỹ thuật, cần chuẩn bị:
Một bộ phim, chương trình truyền hình hoặc một video có tiếng Anh
Cần xem chúng trên máy tính bàn, laptop hoặc điện thoại để có thể tua lại tùy ý
Một thiết bị ghi âm (có thể dùng điện thoại) để ghi lại giọng nói của bản thân
- Phương pháp này bao gồm 3 giai đoạn, tên của mỗi giai đoạn đều có chữ cái mở đầu là “C” (đây cũng là lí do tại sao nó được gọi là phương pháp “3C”):
Giai đoạn 1 – sao chép (Copy)
Giai đoạn 2 – so sánh (Compare)
Giai đoạn 3 – chỉnh sửa (Correct)
Phương pháp 3C là gì?
Phương pháp này giúp người sử dụng có thể cải thiện rõ rệt chất giọng cũng như phát âm của mình thông qua việc luyện tập và bắt chước có chỉnh sửa các câu hội thoại trên phim ảnh, các chương trình truyền hình và các video tiếng Anh.
Sở dĩ phương pháp này mang cái tên “3C” là vì nó bao gồm 3 giai đoạn và tên của mỗi giai đoạn đều có chữ cái mở đầu là “C”:
- Giai đoạn 1 – sao chép (Copy)
- Giai đoạn 2 – so sánh (Compare)
- Giai đoạn 3 – chỉnh sửa (Correct)
(Ganesh Kumar)
Sau khi hiểu được khái niệm tổng quát, người đọc cũng cần nắm thêm về những lưu ý cũng như các yếu tố cần chuẩn bị trước khi bắt đầu áp dụng phương pháp vào quá trình luyện tập. Mục tiếp theo sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về các yếu tố này.
Những ghi chú và các yếu tố cần sẵn sàng khi sử dụng phương pháp 3C
- Một bộ phim, chương trình truyền hình hoặc một video có tiếng Anh. Lưu ý rằng:
Hãy lựa chọn thể loại phim hoặc chương trình mà mình yêu thích
Ngôn ngữ phim phải là tiếng Anh
Phải có phụ đề tiếng anh bên dưới
Những diễn viên, nhân vật trong phim có chất giọng mà bản thân đang mong muốn luyện tập (giọng Mỹ, giọng Anh hoặc giọng Úc)
- Cần xem trên máy tính bàn, laptop hoặc điện thoại để có thể tua lại tùy ý
- Một thiết bị ghi âm (có thể dùng điện thoại) để ghi lại giọng nói của bản thân
Ngoài ra, trước khi áp dụng phương pháp, độc giả nên xem qua bộ phim lần đầu tiên. Mục đích của lần xem này là để giúp độc giả hiểu và nắm được cốt truyện của bộ phim. Đặc biệt, ở lần xem này, độc giả đừng quan tâm về vấn đề học tiếng Anh thông qua bộ phim. Hãy cứ tận hưởng nội dung và cốt truyện của bộ phim ở lần xem đầu tiên này.
Các giai đoạn của phương pháp 3C
Sao chép
Độc giả sẽ bắt đầu quá trình luyện tập áp dụng phương pháp ở lần xem thứ 2. Ở lần xem này, độc giả sẽ bắt đầu với 1 câu hội thoại trong bộ phim. Hãy lưu ý, chỉ thực hiện với một câu hội thoại riêng biệt cho mỗi lần luyện tập.
Các bước thức hiện trong giai đoạn “bắt chước” (Copy) như sau:
1) Cho bộ phim chạy, lắng nghe thật kĩ cách diễn viên thực hiện câu hội thoại đó về mặt phát âm và chất giọng.
2) Nhìn vào phần phụ đề tiếng Anh bên dưới và cố gắng nói lại câu hội thoại đó. Đặc biệt, độc giả hãy cố gắng hết sức để bắt chước y hệt cách phát âm và ngữ điệu của diễn viên đó
3) Sau đó tua lại phân cảnh có chứa câu hội thoại đó của phim, lắng nghe thật kỹ câu hội thoại đó 1 lần nữa
4) Sau đó dừng bộ phim và luyện nói câu hội thoại đó 1 lần cuối cùng
5) Lặp lại các bước cảm thấy chưa thực hiện được
Tóm lại, flow (dòng chảy) của giai đoạn này là như sau:
- Lắng nghe —> Cố gắng bắt chước —> Lắng nghe lại —> Luyện tập lại 1 lần cuối —> Lặp lại
Hay nói cách khác, keyword của giai đoạn này là: Listen + Stop + Practice
Giai đoạn này sẽ giúp độc giả học được cách phát âm và ngữ điệu của người bản xử thông qua việc bắt chước lặp lại.
Hãy thực hiện từ 3 đến 4 lần và sau đó tiến đến giai đoạn tiếp theo của phương pháp. Đó là “so sánh” - Compare
So sánh
Ở giai đoạn này, độc giả sẽ thực hiện so sánh cách phát âm và ngữ điệu của chính bản thân với diễn viên trong bộ phim đó.
Các bước để thực hiện giai đoạn “so sánh” (Compare) như sau:
1. Hãy lấy máy ghi âm (hoặc điện thoại của mình) và ghi âm lại cách bản thân phát âm câu hội thoại đó
2. Nghe lại đoạn ghi âm và nghe lại đoạn phim có chứa câu hội thoại đó. Thực hiện so sánh với cách diễn viên nói câu hội thoại đó so với cách bản thân nói.
3. Khi thực hiện so sánh, độc giả cần trả lời được hai câu hỏi sau:
a. Bản thân có đang phát âm các từ trong câu (về mặt âm nhấn, âm đuôi) chính xác không?
b. Chất giọng, ngữ điệu khi nói của bản thân đã giống với người diễn viên chưa?
Quá trình thực hiện các bước và trả lời những câu hỏi này chính là quá trình tự so sánh (self compare).
Giai đoạn này giúp độc giả nhận ra được những sự khác biệt nhất định giữa cách phát âm và chất giọng của bản thân so với người bản xứ.
Sau khi đã nắm được những khác biệt này, độc giả sẽ tiến đến giai đoạn cuối cùng. Đó là “chỉnh sửa” – correct
Sửa chữa
Ở giai đoạn này, dựa vào những so sánh mà bản thân rút ra được. Hãy đưa ra những cải thiện cho cách mà độc giả phát âm cũng như chất giọng mà độc giả sử dụng khi nói câu hội thoại này.
Hãy tiếp tục thực hiện chỉnh sửa cho đến khi độc giả nói được giống y chang cách mà diễn viên người bản xứ thực hiện trong bộ phim, về mặt phát âm và ngữ điệu.
Sau khi đã hài lòng với cách bản thân nói câu hội thoại đó, độc giả hãy ghi âm lại cách mình phát âm câu này một lần cuối cùng cho mục đích so sách lại trong tương lai.
Sau khi đã hoàn thành 3 gian đoạn luyện tập cho một câu hoại, độc giả hãy tiến đến câu tiếp theo và lặp lại các bước của phương pháp.
3 giai đoạn này có thể được tổng hợp thành các bước như sau:
Lắng nghe cách diễn viên nói câu hội thoại đó
Bắt chước cách phát âm và ngữ điệu của diễn viên đó
Luyện tập 1 vài lần
Ghi âm lại bản thân
Thực hiện so sánh cách đọc của bản thân và những gì nghe trên phim
Tự đưa ra chỉnh sửa và cải thiện
Tiến đến câu hội thoại tiếp theo sau khi đã hài lòng
Sau khi nắm được các bước, độc giả có thể sẽ cảm thấy thời gian luyện tập cho cả một bộ phim là rất dài. Quả thực là như vậy. Tuy nhiên, độc giả không nhất thiết phải luyện tập với từng câu hội thoại xuất hiện trong bộ phim. Hãy bỏ qua một câu hội thoại nếu như nó quá dễ, quá dài, quá khó hoặc không thú vị cho lắm.
Thực tế, để tăng cường hiệu quả cho quá trình luyện tập, người đọc nên:
Chọn những đoạn hội thoại mà người đọc thấy thú vị
Tuy nhiên, cần đảm bảo luyện tập những đoạn này thật kỹ lưỡng, cho đến khi có thể bắt chước chính xác về phát âm và ngữ điệu của diễn viên đó trong phim.
Một cách khác giúp cho việc luyện tập trở nên tiện lợi hơn. Đó là ghi chép những đoạn hội thoại mà người đọc muốn luyện tập vào một quyển sổ để có thể tự luyện tập khi rảnh rỗi mà không cần mang theo máy tính hoặc điện thoại. Tuy nhiên, cần nhớ ghi chép kỹ càng cách phát âm và ngữ điệu của những đoạn này để việc luyện tập không bị lạc hướng.