Vết trầy xước có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Bạn có thể bị xước từ móng tay, va chạm hoặc đụng phải vật sắc. Hầu hết các vết trầy xước không sâu và sẽ tự lành. Bạn có thể chữa vết trầy xước bằng cách kiểm soát máu, rửa sạch vết thương và băng lại.
Các bước
Xử lý vết trầy xước

Áp dụng áp lực để ngừng chảy máu. Một số vết trầy xước có thể ngừng chảy máu tự nhiên, nhưng cũng có những vết thương cần xử lý. Để dừng máu, hãy đặt khăn giấy, bông y tế, hoặc vải sạch lên vết thương và áp lực lên đó để cầm máu.

Rửa tay trước khi chạm vào vết trầy xước. Mặc dù nhiều khi vết xước không sâu lắm, nhưng bạn tuyệt đối không nên chạm vào vết thương khi tay bẩn. Bất cứ vết thương nào - kể cả một vết xước nhỏ - cũng có thể bị nhiễm trùng nếu bị bẩn. Hãy luôn rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi chạm vào vết xước.

Làm sạch vết trầy xước. Đặt vết thương dưới vòi nước chảy. Bước này giúp loại bỏ mọi bụi bẩn, vi khuẩn hoặc mảnh vụn trong vết thương. Bạn cũng có thể rửa xung quanh vết thương bằng xà phòng nhẹ.
- Tránh sử dụng xà phòng ô xy già vì có thể gây kích ứng.

Xác định liệu bạn có cần đến bác sĩ hay không. Hầu hết các vết trầy xước và vết xây xước có thể tự điều trị tại nhà mà không cần chăm sóc từ bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có những vết thương cần được chăm sóc y tế. Nếu máu không dừng chảy hoặc thấm qua băng gạc, có thể bạn cần phải đến bác sĩ.
- Nếu vết trầy xước bị nhiễm trùng, bạn cũng nên thăm bác sĩ. Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm: đau, sưng và đỏ nhiều hơn xung quanh vết thương và khu vực xung quanh cảm thấy nóng. Hãy quan sát xem có mủ rỉ ra từ vết xước không. Bạn cũng có thể bị sốt khi bị nhiễm trùng.
- Nếu là vết thương sâu, thủng hoặc bị bẩn, có thể bạn cần tiêm phòng uốn ván. Nếu bạn chưa tiêm mũi tăng cường ngừa uốn ván trong vòng 5 năm gần đây, hãy đến bác sĩ để được tiêm.
Chăm sóc vết trầy xước

Bôi thuốc mỡ. Sau khi đã làm sạch vết thương và nó đã ngừng chảy máu, bạn hãy bôi thuốc kháng sinh, chẳng hạn như Bacitracin hoặc Neosporin, hoặc sáp dầu (như kem Vaseline). Bước này giúp giữ ẩm cho vết thương để nó mau lành hơn. Dùng ngón tay sạch hoặc tăm bông bôi một lớp mỏng thuốc mỡ lên vết trầy xước.
- Sáp dầu cũng có thể giảm nguy cơ để lại sẹo. Nếu vết xước gây ngứa thì sáp dầu có thể giúp làm dịu ngứa.

Bọc vết thương bằng băng y tế. Nếu là vết trầy xước sâu hoặc trung bình, hãy sử dụng băng y tế để bọc lại. Việc này giúp giữ vết thương sạch sẽ và ngăn vi khuẩn xâm nhập. Đối với vết xước nhẹ, bạn không cần băng.
- Bạn có thể sử dụng băng cá nhân hoặc gạc để bọc vết thương.

Rửa sạch vết trầy xước hàng ngày. Mỗi ngày một lần, hãy tháo băng ra để rửa vết thương bằng xà phòng và nước lạnh. Sau đó, bọc lại bằng băng sạch. Đồng thời, bạn cũng nên thay băng khi băng bẩn hoặc ướt. Khi vết trầy xước đã lành và không còn nguy cơ nhiễm khuẩn, bạn không cần phải bọc nữa.
- Khi vết trầy xước đã chuyển sang giai đoạn da non hoặc đóng vảy, bạn có thể để hở mà không cần băng vì lúc này không còn nguy cơ nhiễm khuẩn nữa.

Xác định liệu bạn có cần tiêm phòng uốn ván không. Nếu vết trầy xước do vật bị gỉ gây ra, như đinh gỉ chẳng hạn, bạn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn uốn ván. Nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ, hãy đến bác sĩ. Nếu đã tiêm phòng, bạn nên kiểm tra vết thương để đảm bảo tình trạng vẫn ổn. Nếu bạn chưa tiêm phòng trong 5 năm gần đây, hãy thảo luận với bác sĩ về việc này.
Chữa lành vết trầy xước bằng cách tự nhiên

Sử dụng mật ong. Mật ong có khả năng kháng khuẩn và sát trùng. Nó giúp chữa lành vết trầy xước và ngăn ngừa nhiễm trùng. Hãy sử dụng ngón tay sạch hoặc tăm bông để thoa một lớp mỏng mật ong lên vết trầy xước.
- Mật ong còn giữ ẩm cho vết thương, từ đó giúp da nhanh lành hơn.

Sử dụng gạc trà hoa cúc La Mã. Cúc La Mã có tác dụng chữa lành bằng khả năng kháng khuẩn và sát trùng. Hãy ngâm một miếng vải sạch trong trà và áp lên vết thương. Bạn cũng có thể áp túi trà cúc La Mã trực tiếp lên vết trầy xước.

Bôi gel lô hội. Lô hội thường được sử dụng để điều trị bỏng, vết đứt và vết trầy xước nhờ vào khả năng chữa lành của nó. Bạn có thể thử dùng thuốc mỡ chứa lô hội, hoặc nếu muốn sử dụng liệu pháp thiên nhiên, hãy cắt một lá lô hội, rồi bóc gel trong lá ra và bôi lên vết thương.

Thử dùng tinh dầu. Bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu khác nhau để chữa lành vết trầy xước. Đơn giản chỉ cần kết hợp vài giọt tinh dầu với một loại dầu mang như dầu ô liu hoặc dầu hạnh nhân.
- Tinh dầu oải hương có khả năng kháng khuẩn và sát trùng giúp làm sạch vết thương.
- Dầu khuynh diệp cũng có tác dụng chống vi khuẩn.
- Dầu đinh hương và hương thảo cũng có tính năng kháng khuẩn.
- Bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu cúc La Mã.

Chấm gạc dầu tràm trà lên vết trầy xước. Dầu tràm trà có tính chất chống vi khuẩn và kháng khuẩn. Nhỏ 2 giọt dầu vào một cốc nước ấm, ngâm gòn vào dung dịch và chấm lên vết trầy xước.
- Dầu tràm trà khá mạnh, do đó cần pha loãng với nước khi chấm lên vết thương.