Ngôn ngữ là một công cụ để giao tiếp. Trong một bài thi năng lực ngôn ngữ như bài thi IELTS, thứ được đánh giá không chỉ dừng ở việc bạn sử dụng từ khó đến mức nào hay ngữ pháp bạn chính xác ra sao. Bài thi này còn đánh giá khả năng bạn sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng của bản thân tốt tới mức nào. Đặc biệt là trong hai phần thi đòi hỏi thí sinh trình bày quan điểm như Writing Task 2 và Speaking Part 3, mức độ thuyết phục trong Lập luận lập luận chính là yếu tố quyết định người học có thể đạt được những band điểm cao hơn 6.5 hay không. Bài viết này sẽ giới thiệu đến người đọc cách lập luận trong IELTS Writing và Speaking đảm bảo tính hợp lệ và hợp lý.
Lập luận là gì và vai trò của lập luận trong IELTS Writing và Speaking
Trong cấu trúc trên, ta có hai khái niệm thành phần:
(1) Tiền đề: là những ví dụ, bằng chứng, giả thuyết hoặc niềm tin mà người lập luận cho là đúng. Như vậy, những tiền đề được đưa ra có thể đúng hoặc có thể sai. Trong một lập luận phải có tối thiểu 2 tiền đề (Dat, 2019).
(2) Kết luận: là nhận xét được rút ra khi kết hợp các kết luận với nhau.
Sau đây là một ví dụ của lập luận:
Tiền đề 1: Tiền cần thiết để chi trả cho nhu cầu ăn ở
Tiền đề 2: Tất cả chúng ta đều có nhu cầu ăn ở
Kết luận: Vì vậy, tiền quan trọng với chúng ta.
Như vậy, khác với một nhận xét cảm tính, một lập luận luôn được củng cố bằng các tiền đề. Ý kiến của chúng ta nhờ đó mà sẽ mang tính thuyết phục cao hơn. Vì lẽ này, lập luận là yếu tố quyết định việc thí sinh có thể đáp ứng tiêu chí Task Achievement trong IELTS Writing Task 2 hoặc câu hỏi trong đề thi Speaking Part 3 tốt đến mức nào.
Tính hợp lệ và hợp lý trong lập luận trong IELTS Writing và Speaking
(1) Lập luận hợp lệ (Valid argument): là lập luận mà trong đó kết luận được suy ra một cách logic từ các tiền đề (Dat, 2019). Điều này có nghĩa là nếu mặc định tất cả tiền đề là đúng, ta không thể chứng minh kết luận là sai.
(2) Lập luận hợp lý (Sound argument): là lập luận hợp lệ, và tất cả tiền đề trong đó đều đúng.
Để làm rõ hơn về hai tiêu chí này, hãy cùng phân tích 3 ví dụ sau:
Ví dụ 1:
Với ví dụ A, có thể thấy trong lập luận này không có một sự liên kết logic giữa tiền đề và kết luận. Vì vậy, dù cho hai tiền đề có đúng, thì kết luận “tiền không mua được hạnh phúc” vẫn không có tính thuyết phục. Ví dụ này do đó không phải là một lập luận hợp lệ.
Ví dụ 2: Tiền là một loại giấy. Giấy thì không có giá trị. Vì vậy tiền không có giá trị.
Khác với ví dụ trên, nếu ta mặc định hai tiền đề của ví dụ B là đúng, ta không thể nào phản bác rằng kết luận “tiền không có giá trị” là sai. Thế nhưng nếu xét tính đúng đắn của tiền đề 2 “Giấy thì không có giá trị”, ta sẽ thấy tiền đề này là sai vì có rất nhiều loại giấy có giá trị như séc, cổ phiếu, trái phiếu,… Vì vậy ví dụ B là một lập luận hợp lệ, nhưng không hợp lý.
Ví dụ 3: Tiền là quan trọng. Tiền được làm ra khi ta lao động. Để có thể lao động thì chúng ta cần sức khỏe. Vậy nên sức khỏe quan trọng không kém tiền.
Ở ví dụ C, kết luận được suy ra một cách logic từ 3 tiền đề. Các tiền đề này theo thường thức là đúng. Lập luận này có thể được gọi là một lập luận hợp lý.
Thế nhưng, ta có thể phản bác rằng không phải ai cũng cho rằng “Tiền là quan trọng”, thế nên đây chỉ là một kết luận hợp lệ. Vậy để củng cố tính hợp lý của ví dụ C, ta có thể lập luận như sau:
Tiền là cần thiết để chi trả cho nhu cầu ăn ở. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu ăn ở. Vì vậy, tiền là quan trọng. Tiền được làm ra khi ta lao động. Để có thể lao động thì chúng ta cần sức khỏe. Vậy nên sức khỏe quan trọng không kém tiền.
Dựa vào 3 ví dụ trên, ta có thể rút ra một số kết luận như sau:
Một lập luận nếu không hợp lệ thì sẽ không có giá trị thuyết phục. Những lập luận này không những không chứng minh được quan điểm của tác giả, chúng còn gây xao nhãng đối với người đọc/nghe. Vậy thì để đạt band điểm cao trong IELTS, người học trước tiên phải đảm bảo tính hợp lệ khi lập luận.
Một lập luận hợp lệ thì vẫn có thể có kết luận sai. Vậy nên khi lập luận, người học cần hướng mục tiêu đến việc xây dựng một lập luận không chỉ hợp lệ, mà còn phải hợp lý.
Tính đúng đắn của tiền đề là phụ thuộc vào người đọc/nghe. Như tiền đề 1 của ví dụ C “Tiền là quan trọng”, những đối tượng vốn tin vào quan niệm này thì sẽ mặc định nó là đúng. Thế nhưng đối với những người không hoặc chưa tin, ta sẽ cần đưa ra thêm những tiền đề khác để chứng minh tính đúng đắn của tiền đề này.
Có thể nhận thấy, việc đảm bảo tính hợp lệ và hợp lý trong lập luận là rất khó và cần nhiều luyện tập. Thực tế cho thấy trong quá trình thực hành, người học thường mắc phải rất nhiều lỗi lập luận trong IELTS Writing và Speaking. Vậy để có thể khắc phục được những lỗi này thì việc hiểu bản chất của chúng là cần thiết.
Một số lỗi lập luận trong IELTS Writing và Speaking
Tiền đề ẩn (Hidden premises): tiền đề không được nêu trực tiếp ra trong lập luận mà được ngầm hiểu.
So sánh ẩu (False analogy): đánh đồng hai đối tượng dựa trên một điểm chung nhỏ.
Lỗi khái quát vội (Hasty generalization): đưa ra kết luận cho số đông dựa trên bằng chứng từ một nhóm thiểu số.
Lập luận vòng tròn (Circular reasoning): dùng tiền đề để chứng minh cho kết luận, rồi lại dùng kết luận để chứng minh cho tiền đề.
Tiền đề ẩn
Đôi lúc, các tiền đề của một kết luận không được nêu lên một cách tường minh. Lý do có thể vì tiền đề đó là một sự thật, hoặc một quan điểm đã được chứng minh từ trước, được ngầm công nhận.
Ví dụ: Tiền được làm ra khi chúng ta lao động. Vì vậy để làm ra tiền thì rất cực khổ.
(Tiền đề ẩn: Lao động là rất cực khổ.)
Về mặt hình thức trực quan, lập luận này không hợp lệ vì nó thiếu 1 tiền đề và kết luận không liên quan đến tiền đề. Tuy nhiên vì tiền đề ẩn là một sự thật được ngầm hiểu giữa người viết và người đọc, ta có thể xem lập luận này là một lập luận hợp lệ và hợp lý.
Thế nhưng, sự ngầm hiểu này là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó giúp lập luận trở nên ngắn gọn và súc tích vì ta không cần lặp lại những thứ quá hiển nhiên. Mặt khác, nó có thể khiến lập luận bị xem là không hợp lý, thậm chí là không hợp lệ (Guth, 1964). Đó là vì tiền đề ẩn có thể hiển nhiên với người lập luận nhưng chưa chắc sẽ như thế đối với người đọc/người nghe. Để làm rõ cho vấn đề này, hãy cùng phân tích một đoạn lập luận sau:
“…tôi tin rằng báo chí sẽ tiếp tục là nguồn thông tin quan trọng, ngay cả trong thời đại Internet. Lý do thứ nhất, báo chí là nguồn tin tức truyền thống nhất và không phải ai cũng muốn hoặc có thể sử dụng Internet.”
(Lược dịch bài luận từ nguồn IELTS Writing Task 2: Simon’s Essay Analysis – Toàn Mytour)
Tiền đề 1:Báo chí là nguồn tin tức truyền thống nhất.
Tiền đề 2: Không phải ai cũng muốn hoặc có thể sử dụng Internet.
Kết luận: Báo chí sẽ tiếp tục là nguồn thông tin quan trọng, ngay cả trong thời đại Internet.
Khi đọc lập luận trên, ta sẽ phải đặt câu hỏi vì sao thời gian báo chí tồn tại lại góp phần quyết định đến tầm quan trọng của nó trong đời sống. Mối liên hệ không rõ ràng này có thể khiến ta thấy bức bối, vì dù cảm thấy lập luận hợp lý nhưng lại không thể bị thuyết phục hoàn toàn. Đó là do trong đó tồn tại hai tiền đề ẩn là:
(1) Nguồn tin tức truyền thống thì được nhiều người tin dùng.
(2) Những người không dùng Internet thì sẽ dùng báo.
Thực tế thì không phải ai cũng có thể ngầm hiểu được hai tiền đề ẩn trên. Thế nên, nếu kết hợp với hai tiền đề ẩn này, lập luận trên sẽ trở nên dễ hiểu và có sức thuyết phục hơn nhiều. Như vậy, việc tồn tại quá nhiều tiền đề ẩn, hoặc tiền đề ẩn là một kiến thức xa lạ với người đọc/người nghe, sẽ khiến lập luận trở nên không rõ ràng và không có sức thuyết phục. Lỗi tiền đề ẩn vì vậy cũng thuộc phạm trù của lỗi “ý tưởng không được phát triển đầy đủ hoặc không rõ ràng” (inadequately developed/unclear ideas) trong Writing Band Descriptor của IELTS.
So sánh ẩu
Khi ta đưa ra một kết luận tổng quát cho một nhóm đối tượng dựa trên điểm chung quan sát được ở từng cá thể, đó là ta đang khái quát hóa (generalize). Đây là một phương pháp lập luận phổ biến, nhưng cũng dễ để mắc lỗi ngụy biện. Một trong số đó là lỗi so sánh ẩu.
Người học sẽ mắc phải lỗi này khi kết luận rằng hai sự vật – sự việc là giống nhau dựa trên một điểm chung nhỏ giữa chúng.
Ví dụ:
So sánh trò chơi điện tử giống như các chất kích thích chính là một so sánh ẩu. Tuy chúng có điểm chung là đều có thể gây nghiện, và thói nghiện nào cũng sẽ có tác động tiêu cực đến cuộc sống, nhưng điều đó không có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của chúng là như nhau. Việc đánh đồng này đã bỏ qua các yếu tố khác như ảnh hưởng về thể chất hay tác động phức tạp của từng thói nghiện đến đời sống mỗi người. Do vậy, tiền đề của lập luận là sai, và lập luận này là một lập luận không hợp lý.
Trong tiếng Việt, ta thường dùng thuật ngữ “đánh tráo khái niệm” để gọi ngụy biện so sánh ẩu. Khi ta so sánh hai đối tượng không tương xứng về nhiều mặt với nhau, ta đang cố tình đánh tráo khái niệm của hai đối tượng này với nhau. Như ở ví dụ trên, người lập luận đã biến trò chơi điện tử thành một loại chất kích thích.
Lỗi khái quát vội và lập luận vòng tròn
Tương tự như lỗi so sánh ẩu, lỗi khái quát vội cũng thường bị mắc phải khi thực hành khái quát hóa. Lỗi này xảy ra khi ta đưa ra kết luận dựa trên một ví dụ đơn lẻ hoặc một nhóm dẫn chứng không đủ lớn.
Ví dụ: Gần đây, một vài tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra và con số tử vong trên trong những sự cố đó là rất cao. Vì vậy, đi máy bay là phương thức di chuyển rất không an toàn.
Lập luận này chỉ dùng những số liệu gần đây để kết luận về sự an toàn hàng không nói chung. Thế nhưng nếu xét trên một thời gian dài hơn, số vụ tai nạn máy bay và con số thương vong vẫn ít hơn các hình thức di chuyển khác như ô tô, xe máy, tàu thủy nhiều lần. Kết luận này vì thế mà mắc lỗi khái quát vội và không đảm bảo được tính hợp lý trong lập luận.
Bên cạnh điều đó, lập luận vòng tròn cũng là một hình thức phổ biến của ngụy biện. Đây là một sai lầm trong lập luận khi kết luận lại quay ngược về tiền đề.
Ví dụ cụ thể:
Lập luận này được xem là vòng tròn vì kết luận lại dẫn về tiền đề ngay từ ban đầu: Những người trên 18 tuổi có quyền được tham gia bỏ phiếu vì điều này là hợp pháp. Họ tham gia bỏ phiếu là vì hợp pháp, và vì họ có quyền được bỏ phiếu. Để thoát ra khỏi vòng lập luận này, chúng ta cần bổ sung thêm bằng chứng.