Trong việc học một ngôn ngữ, từ vựng luôn là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của học viên. Phương pháp ESA (Engage, Study, Activate) là một chiến lược dạy và học rất hiệu quả, được phát triển bởi Jeremy Harmer, và từ khi ra đời đã thu hút sự chú ý của cộng đồng giáo dục quốc tế vì hiệu quả trong việc cải thiện kỹ năng từ vựng của người học.
Bài viết này sẽ khám phá lý thuyết về phương pháp ESA và làm thế nào nó có thể được áp dụng một cách hiệu quả trong môi trường học tập ngày nay. Bài viết sẽ bắt đầu với cơ sở lý thuyết về tầm quan trọng của từ vựng trong học tập và phương pháp ESA, sau đó đi sâu vào ba giai đoạn của phương pháp này, mỗi giai đoạn sẽ được phân tích cụ thể về mục đích và phương pháp thực hiện. Cuối cùng, bài viết cũng sẽ đề cập đến những thách thức thường gặp khi áp dụng phương pháp này và đưa ra lời khuyên để giải quyết những vấn đề đó, qua đó giúp người học tối đa hóa hiệu quả của quá trình học từ vựng.
Key takeaways |
---|
|
Nền lý thuyết
Cụ thể, một nghiên cứu có tên “Using “Engage, Study, Activate” (ESA) Method in Improving Students' Vocabulary” được xuất bản trên tạp chí Journal of Language Teaching and Learning, Linguistics and Literature đã xác minh phương pháp ESA là một phương pháp có hiệu quả. Tương tự, Agus Rahmat (2019) đã thực hiện một nghiên cứu với tên gọi “Enriching the Students Vocabulary Mastery in Speaking through Engage, Study, Activate Method” để kiểm chứng tính hữu ích của phương pháp ESA trong bối cảnh kỹ năng Speaking và cũng xác nhận kết quả tương tự.
Có thể thấy, phương pháp ESA đã được cộng đồng khoa học kiểm chứng thông qua những nghiên cứu khoa học, thể hiện tính khách quan của phương pháp này. Phần tiếp theo sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này.
Phương pháp học từ vựng ESA
Khái niệm
Phương pháp này nhấn mạnh vào việc học từ vựng theo đủ 3 giai đoạn Engage (Khơi gợi) - Study (Học) - Activate (Sử dụng). Theo đó, việc học từ vựng sẽ gồm ba giai đoạn:
Engage: Gây hứng thú.Trong phương pháp học từ vựng ESA, mục tiêu chính trong giai đoạn đầu tiên là khơi gợi hứng thú, sự tò mò hoặc tạo ra mối liên hệ hoặc cảm xúc cho người học. Người học có thể thực hiện qua việc xem tranh ảnh liên quan đến từ vựng, tạo mối liên hệ của từ vựng với bản thân, hoặc thông qua việc chơi game, nghe audio hay xem video. Khi người học có hứng thú và quan tâm tới từ vựng thì việc dành thời gian học từ vựng mới trở nên thực sự hiệu quả và trở nên tối ưu (về mặt thời gian).
Study: Học. Mục tiêu của giai đoạn thứ hai là nắm được các khía cạnh chính của từ vựng, từ mặt chữ, phiên âm, loại từ, cho tới những khía cạnh nâng cao hơn như collocations, synonyms/antonyms và sự khác nhau trong nét nghĩa của các từ gần nghĩa. Đối với người học, có nhiều cách để họ học từ vựng, tuy nhiên khi đi học trên các lớp học ngoại ngữ, họ nên học thông qua việc trao đổi với giáo viên, giảng viên để nắm được các khía cạnh từ vựng cần học. Học viên cũng cần làm một số bài tập để thực sự hoàn tất giai đoạn học từ vựng.
Activate: Kích hoạt. Giai đoạn cuối cùng của phương pháp ESA là học viên kích hoạt/sử dụng từ vựng cần học. Ở giai đoạn này họ cần sử dụng ngôn ngữ đang học (“use the language”), ví dụ như dùng tiếng Anh nói về bất kỳ chủ đề nào và có sử dụng từ vựng đã học. Không cần quan trọng tính đúng sai của câu nói, điều quan trọng nhất là học viên sử dụng được từ vựng đó. Có thể nhận thấy giai đoạn này, học viên bắt đầu liên kết kiến thức mới (từ vựng vừa học) với kiến thức mà họ đã có từ trước (các từ vựng và ngữ pháp ở ngôn ngữ đích) để tạo thành câu văn và cách họ liên kết chúng lại với nhau nếu đủ mạnh sẽ tạo ra một liên kết bền vững, giúp kết quả học trở nên tốt hơn (Dr Efrat Furst, 2021) và có thể người học sẽ nhớ chúng lâu hơn.
Minh họa ví dụ
Hãy lấy ví dụ về việc học một số từ vựng tiếng Anh chủ đề Môi trường “environment” để minh họa cho phương pháp ESA.
Engage: Để khơi gợi hứng thú, học viên tìm kiếm một video hoặc giáo viên sử dụng một video ngắn về tác động của việc tái chế và bảo tồn môi trường trên toàn cầu. Video này ngoài việc cung cấp ngữ cảnh sẽ giúp học viên xây dựng hứng thú và gắn kết với nội dung bài học hơn. Sau video, giáo viên mời học viên thảo luận về những việc họ có thể làm để giúp môi trường. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò mà còn tạo mối liên hệ cảm xúc với từ vựng, ví dụ như từ "sustainability".
Study: Trong giai đoạn này, học viên được hướng dẫn từ vựng chi tiết hơn. Giáo viên giải thích nghĩa của các từ mà giáo viên chọn, như từ “sustainability”, cách phát âm, các từ cùng họ từ như “sustainable” và cung cấp các collocations như "sustainable development," "sustainable practices," và "sustainable resources." Học viên sau đó làm bài tập để học các từ vựng này.
Activate: Để kích hoạt kiến thức đã học, học viên được giáo viên yêu cầu tham gia vào một dự án nhóm, nơi họ phải lập kế hoạch cho một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về bền vững trong cộng đồng của mình. Họ sử dụng các từ vựng đã học để thảo luận, lập kế hoạch và cuối cùng là trình bày ý tưởng của mình trước lớp. Giai đoạn này giúp học viên vận dụng từ vựng vào ngữ cảnh thực tế và liên kết chúng với kiến thức sẵn có, từ đó củng cố và mở rộng khả năng sử dụng ngôn ngữ. Đối với học viên tự học có thể chỉ cần nói một số câu tiếng Anh có liên quan đến các từ vựng này để thực sự sử dụng chúng trong thực tế.
Thách thức hiện tại trong việc học từ vựng
Cùng lật ngược vấn đề và tìm hiểu tại sao nhiều học viên khi bỏ thời gian học từ vựng nhưng vẫn không hiệu quả thì có thể trong chiến lược học từ vựng của họ không có đủ các bước Engage và Activate. Ví dụ: nhiều học viên sẽ chỉ học từ vựng từ bước 2 - Study, với một danh sách từ vựng được chuẩn bị sẵn mà không hề có hứng thú hay yếu tố cảm xúc trong việc học. Điều này sẽ khiến học viên nhanh cảm thấy chán nản và khả năng nhớ và sử dụng chúng không cao.
Nhiều học viên khác thì học từ vựng mà không có bước Activate: kích hoạt - sử dụng từ vựng. Điều này sẽ khiến những từ vựng này khó để có thể sử dụng trong bài thi Speaking hay Writing. Ví dụ cuối cùng là những bạn học viên khi học từ vựng ở giai đoạn Study sẽ chỉ để ý đến cách dịch sang tiếng Việt của từ vựng đó, và thực tế thì đây chỉ là một khía cạnh của từ vựng cần học và tốt hơn họ nên học cả phát âm, định nghĩa chính xác và các khía cạnh khác của từ đó.
Để giải quyết các vấn đề này, người học tốt nhất nên đảm bảo việc học của mình tuân theo đủ 3 bước Engage - Study - Activate được trình bày bên trên.
Dạy từ vựng theo phương pháp ESA
Nhiều học viên cũng không thực sự cần giai đoạn engage vì họ có sự hứng thú cao sẵn với việc học từ vựng hoặc với chủ đề được đề cập. Biểu hiện của họ thường sẽ là sự chủ động trong việc trả lời giáo viên và tìm hiểu thêm những kiến thức hoặc từ vựng mới. Đối với lớp học có những học viên nhóm này, thời gian dành cho giai đoạn engage có thể được giảm trừ xuống mức tối thiểu như chỉ đề cập đến chủ đề của nhóm từ vựng, chẳng hạn viết từ “News and media” lên giữa bảng trắng khi bắt đầu buổi học.
Đối với giai đoạn Study, giáo viên cần đảm bảo học viên tiếp cận việc học một cách toàn diện hơn và chủ động hơn. Học viên cần biết nhiều hơn là chỉ cách dịch tiếng Việt của từ vựng. Các khía cạnh khác có thể do giáo viên trực tiếp cung cấp hoặc do học viên biết cách và chủ động tìm hiểu nhưng giáo viên cần làm rõ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu chúng.
Cuối cùng, điều quan trọng là giáo viên cần thành công trong việc tiến hành giai đoạn Activate của việc dạy từ vựng vào một thời điểm nào đó trong buổi học. Nhiều học viên sẽ cần một ít động viên và khích lệ của giáo viên để có thể nói được một câu văn bằng ngôn ngữ đích sử dụng từ vựng mới chỉ vừa được dạy. Tuy nhiên khi họ đã quen với việc activate từ vựng, kết quả sẽ sớm xuất hiện và sẽ tạo ra động lực to lớn cho họ sau này. Giáo viên cũng sẽ cần phải thoải mái hơn trong việc sửa lỗi nếu học viên mắc phải trong giai đoạn này. Giáo viên nên đánh giá tích cực trước khi tới với những đánh giá góp ý và có thể bỏ qua các lỗi về ngữ pháp hoặc những lỗi không quá ảnh hưởng đến thông điệp mà học viên truyền tải.
Có thể nói, phương pháp dạy từ vựng ba giai đoạn - ESA sẽ giúp giáo viên định hình và tổ chức việc dạy từ vựng tốt hơn nhưng giáo viên cũng sẽ cần chú ý đến việc quản lý thời gian hiệu quả trong lớp.
Tìm hiểu thêm: Cách duy trì động lực học tiếng Anh qua Four-phase Model.
Lời khuyên khi áp dụng ESA
Kết hợp phương pháp ESA với Spaced Repetition
Để củng cố và tăng cường khả năng nhớ lâu các từ vựng, kết hợp phương pháp ESA với kỹ thuật spaced repetition là một lựa chọn hiệu quả. Spaced repetition, hay lặp lại ngắt quãng, là một phương pháp học tập dựa trên việc lặp lại thông tin ở các khoảng thời gian tăng dần. Sự phối hợp này giúp chống lại quá trình quên tự nhiên, khiến cho từ vựng được học không chỉ qua giai đoạn Engage, Study, và Activate một lần, mà còn được nhắc lại theo một lịch trình có tính toán, từ đó góp phần vào việc hình thành trí nhớ dài hạn.
Áp dụng spaced repetition bằng cách sử dụng các ứng dụng học tập, flashcards, hoặc các phần mềm được thiết kế để lập lịch lặp lại thông tin một cách khoa học, đặc biệt là lặp lại các từ vựng học viên bắt đầu quên và chưa nắm rõ. Điều này sẽ hỗ trợ học viên không chỉ nhớ từ vựng mới trong ngắn hạn sau khi học chúng mà còn duy trì được khả năng nhớ này trong thời gian dài.
Học từ vựng dựa trên sự hứng thú
Việc học từ vựng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi người học cảm thấy hứng thú với nội dung và cách thức học. Sự hứng thú không chỉ làm tăng khả năng tiếp thu mà còn góp phần vào việc duy trì động lực học tập lâu dài. Hãy tìm cách liên kết các từ với sở thích, mối quan tâm cá nhân hoặc các vấn đề thực tế mà học viên đang đối mặt. Điều này giúp gia tăng tính liên quan và giá trị thực tiễn của từ vựng, khiến việc học trở nên sinh động và thú vị hơn.
Trong giai đoạn Engage của phương pháp ESA, giáo viên có thể sử dụng các tài nguyên học tập như video, trò chơi, hay thảo luận nhóm để khơi gợi sự tò mò và kích thích trí não, từ đó nâng cao hiệu quả học tập. Đối với học viên, việc tự khám phá và chọn lựa các hoạt động học tập dựa trên sở thích cá nhân sẽ làm tăng khả năng cam kết và sự sâu sắc trong quá trình học.
Tóm tắt
Reference
Astiantih, Susi, and Bimas Reskiawan. "Using "Engage, Study, Activate" (ESA) Method in Improving Students' Vocabulary." Journal on English Language Teaching & Learning Linguistics and Literature, vol. 10, no. 2, 2022, ejournal.iainpalopo.ac.id/index.php/ideas/article/view/2814. Accessed 28 Apr. 2024.
Grabe, W., & Stoller, F. (1997). Reading and Vocabulary Development in a Second Language: A Case Study. In J. Coady, & T. Huckin (Eds.), Second Language Vocabulary Acquisition (pp. 98-122). Cambridge: Cambridge University Press.
Harmer, Jeremy. 2019. The Practice of English Language Teaching (6thEd). New York: Pearson Education Limited.
Furst, Efrat. 'The Role of Memory, Knowledge and Understanding in Learning.' THE EDUCATION HUB, 2 Mar. 2021, theeducationhub.org.nz/the-role-of-memory-knowledge-and-understanding-in-learning/.
Rahmat, Agus. 'Enhancing Students' Vocabulary Proficiency in Speaking through Engage, Study, Activate Approach.' METATHESIS: JOURNAL OF ENGLISH LANGUAGE LITERATURE AND TEACHING, vol. 3, no. 1, 2019, pp. 92-110. Accessed 28 Apr. 2024.
Sarita, Mayun, and Esa Amiruddin. 'APPLICATION OF ESA (ENGAGE, STUDY, ACTIVATE) METHOD TO BOOST STUDENTS’ VOCABULARY COMPETENCY IN EIGHTH GRADE AT SMP NEGERI 9 BAUBAU.' ENGLEH EDUCATION JOURNAL, vol. 7, May 2021, doi.org/10.55340/e2j.v7i1.433. Accessed 28 Apr. 2024.