Việc học từ vựng hiệu quả luôn là một vấn đề nan giải đối với người học ngôn ngữ. Theo Paul Nation (2008), để hiểu và sử dụng được ngôn ngữ nói và viết tiếng Anh trong văn bản một cách dễ dàng (98% nội dung văn bản), người sử dụng ngôn ngữ cần có một lượng từ vựng tiếng Anh với tối thiểu 8000 – 9000 họ từ (word families) cho văn viết và 6000 – 7000 họ từ cho văn nói. Nếu tính số từ trung bình một người cần học dựa vào số lượng họ từ nói trên, kết quả sẽ là một số lượng khổng lồ với đa số người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Bản thân việc học và ghi nhớ 6000 – 9000 họ từ (chưa tính đến việc học từng từ riêng lẻ) đã là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi học từ trong thời gian ngắn. Não bộ con người có một cơ chế đặc trưng cho việc tiếp nhận và lưu trữ thông tin. Rất nhiều thông tin được loại bỏ tại vùng trí nhớ ngắn hạn (vùng chứa thông tin tạm thời) trước khi tới được vùng trí nhớ dài hạn (vùng chứa thông tin vĩnh viễn) (Christian, 16). Một trong những nguyên nhân khiến người học không nhớ được nhiều từ vựng trong thời gian ngắn là do rất nhiều từ vựng đi qua vùng trí nhớ ngắn hạn và biến mất, hoặc đã đến vùng trí nhớ dài hạn, nhưng người học không thể sử dụng. Các thông tin trong vùng trí nhớ dài hạn được lưu trữ lâu dài, nhưng rất khó tìm lại nếu không có sự hỗ trợ của các dấu hiệu nguyên bản để nhắc nhớ thông tin (textual recall clues) (Lexcellent, 2018).
Nói cách khác, việc học từ vựng hiệu quả có liên quan mật thiết đến hai khái niệm:
Cách bộ não hoạt động và lưu trữ thông tin.
Cách đưa thông tin vào bộ nhớ dài hạn và tìm lại thông tin để sử dụng.
Từ việc giải thích và phân tích rõ hai khái niệm trên, người viết sẽ lý giải về phương pháp học ngôn ngữ theo ngữ cảnh và định hướng ứng dụng trong toàn series.
Hoạt động của não bộ trong việc lưu trữ thông tin.
Cách hoạt động và lưu trữ thông tin của bộ não
Theo Christian Lexcellent (2018), trí nhớ hoạt động theo 03 quá trình: giải mã, lưu trữ/ củng cố, và khôi phục.
Bước giải mã cho phép bộ não ghi nhận thông tin. Quá trình này bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự chú ý và động lực. Nói cách khác, bộ não sẽ ghi nhận thông tin một cách chi tiết và chính xác hơn khi nó có các động lực để ghi nhớ và có sự tập trung cao vào thông tin.
Tiếp theo đó, bộ não sẽ tìm các tư liệu liên quan để gán cho thông tin. Các tư liệu này có thể là hình ảnh hay các mẩu kí ức có sẵn trong bộ nhớ. Chúng giúp việc đưa thông tin mới vào vùng trí nhớ dài hạn được dễ dàng và giúp thông tin lưu lại lâu hơn. Những thông tin có ít liên kết với tư liệu có sẵn trong bộ não hoặc những thông tin mà bộ não không chủ động gắn liên kết sẽ biến mất rất nhanh. Ngược lại, những thông tin có độ liên quan lớn đến não bộ hoặc được con người cố ý liên kết với các nội dung có từ trước sẽ được chuyển vào các vùng trí nhớ trung và dài hạn.
Cuối cùng, các thông tin trong bộ nhớ sẽ được lấy lại để sử dụng. Quá trình khôi phục sử dụng những dấu hiệu trong hai quá trình trên để lấy lại thông tin. Các dấu hiệu có thể là thời gian, địa điểm, hình ảnh, màu sắc, mùi hương, v.v.
Cách chuyển thông tin vào bộ nhớ dài hạn và trích dẫn thông tin để sử dụng
Từ các quá trình trên, có thể kết luận được: cả 03 quá trình ghi nhớ đều phụ thuộc rất nhiều vào các dấu hiệu và kết nối giữa thông tin mới và các thông tin đã có sẵn trong bộ nhớ. Kết luận này khai mở các định hướng sau trong việc ghi nhớ và sử dụng thông tin mới:
Các dấu hiệu để ghi nhớ thông tin cần đa dạng, nhiều chiều, được tiếp nhận từ nhiều cơ quan cảm giác khác nhau. Thông tin sẽ được khôi phục nhanh hơn khi có nhiều dấu hiệu ghi nhớ được gán cho thông tin.
Thông tin mới cần được bao hàm trong các dấu hiệu cũ. Nói cách khác, cần học thông tin mới bằng cách đưa ra nhiều kết nối với những kiến thức, thông tin, nội dung cũ trong bộ nhớ.
Từ hai định hướng trên, người học có thể tiếp nhận thông tin theo các quy tắc sau để tăng tính hiệu quả:
Quy tắc 1. Luôn cố gắng sử dụng các giác quan khi tiếp nhận thông tin. Các thông tin về hình ảnh, hương vị, cảm giác, v.v. được chứng minh là giúp khả năng ghi nhớ làm việc hiệu quả hơn so với thông tin dạng ngôn ngữ (Christian, 16).
Quy tắc 2. Cần làm giàu và cụ thể hóa các dấu hiệu gán cho thông tin mới.
Quy tắc 3. Luôn đặt thông tin mới vào một ngữ cảnh có những kiến thức và liên kết quen thuộc.
Quy tắc 4. Thường xuyên gợi nhắc đến thông tin cần ghi nhớ khi có sự hiện diện của các dấu hiệu.
Phương pháp học từ vựng dựa trên ngữ cảnh
Nền móng của phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh
Học từ vựng theo ngữ cảnh nghĩa là học từ vựng bằng cách gán nội dung từ với các dấu hiệu liên quan (gọi chung là ngữ cảnh). Ví dụ: khi học từ beef – thịt bò → người học gán từ vựng này với các dấu hiệu: người bán thịt, miếng thịt, màu đỏ, món bít tết, Phở bò, mức độ chín, v.v. Những dấu hiệu này đã có sẵn trong bộ nhớ của người học, và vì vậy, mỗi khi nghĩ đến miếng thịt màu đỏ, món bít tết, hay phở bò tái, người học sẽ nhắc lại được từ beef.
Phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh cũng tuân theo các quy tắc về tiếp nhận thông tin. Phương pháp này đi theo đúng các quá trình trong việc tiếp nhận, ghi nhớ và khôi phục thông tin của não bộ. Cách học từ vựng theo ngữ cảnh ứng dụng các kích thích và dấu hiệu ghi nhớ để khiến việc nhớ từ vựng nhanh và hiệu quả hơn, cũng như giúp việc tái tạo lại thông tin tốn ít thời gian và công sức hơn.
Ví dụ dưới đây sẽ giúp người đọc dễ hình dung tác dụng của phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh:
Để học từ vựng “epicure” (người sành ăn), ba học sinh Việt Nam đã thực hiện với các cách như sau:
Học sinh 1: sử dụng từ điển Cambridge để tra ý nghĩa từ epicure. Sau đó viết từ vào vở, chép lại ý nghĩa tiếng Anh của từ vựng.
Học sinh 2: sử dụng từ điển tiếng Việt để tra ý nghĩa của từ epicure. Sau đó viết từ vào vở, chép lại ý nghĩa tiếng Việt của từ vựng. Tiếp theo, tạo một câu với từ epicure: “He is such an epicure.” Sau đó, cậu ta tiếp tục viết thêm 5 – 10 từ vựng khác theo cùng cách thức như vậy.
Học sinh 3: sử dụng từ điển tiếng Việt để tra ý nghĩa của từ epicure. Sau đó không viết từ vào vở mà tạo hai câu với từ epicure: “I think I am an epicure. I just love good food like beefsteak or Phở and fine drinks like wine or champagne because I always treasure the taste.” Sau đó, mỗi khi ăn phở hay bít tết, cậu ta sẽ nhắc lại: I am an epicure.
Tác giả sẽ phân tích cách tiếp cận từ vựng của cả 3 học sinh để đưa ra kết luận về khả năng ghi nhớ từ vựng khi áp dụng từng phương thức:
| Cách tiếp cận | Nhận xét |
Học sinh 1 |
Sử dụng từ điển tiếng Anh để tra từ | Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai với người Việt. Sử dụng từ điển tiếng Anh có khả năng làm tăng lên lượng thông tin đầu vào mà học sinh 1 tiếp xúc, từ đó làm giảm hiệu quả ghi nhớ. (vi phạm quy tắc 3) Việc viết từ giúp lặp lại thông tin thêm 1 – 2 lần, tuy nhiên mức độ lặp lại chưa đủ để bộ não chấp nhận tầm quan trọng của thông tin và đưa vào vùng trí nhớ dài hạn. (vi phạm quy tắc 4) Ngoài ra, thông tin không được liên kết với các giác quan và không gắn với các dấu hiệu. (vi phạm quy tắc 1 và 2) |
Viết từ và ý nghĩa tiếng Anh vào vở | ||
Học sinh 2 | Sử dụng từ điển tiếng Việt để tra từ | Sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) → đã có các tư liệu sẵn có trong bộ não (quy tắc 2) |
Viết từ và ý nghĩa tiếng Việt vào vở | Nhắc lại thông tin thêm 1 – 2 lần, tuy nhiên mức độ lặp lại chưa đủ để bộ não chấp nhận tầm quan trọng của thông tin và đưa vào vùng trí nhớ dài hạn. | |
Tạo câu với từ epicure: “He is such an epicure.” | Tạo thêm câu (nhắc lại thông tin lần 3). Tuy nhiên, chưa cung cấp được các tư liệu liên quan đến từ vựng mới. Vì vậy, thông tin khó được đưa vào bộ nhớ dài hạn và khó được khôi phục. (vi phạm quy tắc 1, 2, 3, 4) | |
Viết thêm nhiều từ vựng khác theo cùng cách thức | Làm giảm tính tập trung, đặc biệt trong trường hợp các từ vựng học thêm không liên quan đến nhau. Bộ não sẽ phải xử lý các ngữ cảnh hoàn toàn tách biệt và vì vậy, lượng từ vựng não bộ ghi nhớ và chuyển hóa được sẽ giảm đi đáng kể. | |
Học sinh 3 | Sử dụng từ điển tiếng Việt để tra từ | Sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) → đã có các tư liệu sẵn có trong bộ não (quy tắc 2) |
Tạo hai câu với từ epicure: “I think I am an epicure. I just love good food like beefsteak or Phở and fine drinks like wine or champagne because I always treasure the taste.” | Trong câu văn đã có ý nghĩa của từ và các dấu hiệu về cả hình ảnh và mùi vị. Ngữ cảnh quen thuộc do học sinh 3 đã có những trải nghiệm về các món ăn và đồ uống được nêu tên cụ thể. (Quy tắc 1, 3) | |
Nhắc lại câu I am an epicure mỗi khi ăn phở và bít tết. | Liên tục lặp lại thông tin cần nhớ khi có sự hiện diện của dấu hiệu (phở, bít tết) (Quy tắc 4) |
Kết luận:
Phương thức học từ vựng của học sinh 1 không triệt để. Nhiều khả năng từ epicure sẽ nằm trong vùng trí nhớ ngắn hạn của học sinh 1 trong vài phút, và sau đó biến mất hoàn toàn.
Học sinh 2 có khả năng ghi nhớ được từ vựng, nhưng chỉ nhớ được một số lượng hạn chế và sẽ gặp khó khăn khi muốn sử dụng từ.
Học sinh 3 đã ứng dụng phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh. Cách tiếp cận của học sinh 3 tuân theo các quy tắc ghi nhớ thông tin và vì vậy, học sinh này sẽ nhớ được từ epicure rất lâu và có thể sử dụng từ vựng này một cách thoải mái khi có ngữ cảnh phù hợp.
Tuy nhiên, để học một từ vựng như thế này, học sinh 3 mất quá nhiều thời gian và vì vậy, lượng từ vựng tiếp nhận bị hạn chế.
Áp dụng phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh
Phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh đã chứng minh được hiệu quả vượt trội so với phương pháp học thông thường. Một hạn chế của phương pháp này là tính quy mô. Người học sẽ cần phân bổ thời gian vào việc đưa ra một ngữ cảnh với nhiều dấu hiệu quen thuộc và cần cân nhắc về tính gợi hình, đánh thẳng vào cảm quan của các dấu hiệu. Người học cần hy sinh số lượng từ vựng học được để đảm bảo chất lượng trong việc ghi nhớ và sử dụng từ.
Dựa vào những tính chất nền tảng của phương pháp và những khó khăn mà người học có thể gặp phải khi học theo phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh, tác giả đề xuất hướng ứng dụng phương pháp học từ vựng như sau:
Chuẩn bị từ vựng | Giải thích |
Tập hợp các từ vựng theo chủ đề hoặc một đặc điểm chung giữa các từ vựng. | Tránh sự thiếu trọng tâm khi học từ, làm giảm hiệu suất ghi nhớ từ. |
Chỉ học 8 – 20 từ/ lần. | Tránh nạp quá nhiều kiến thức mới cùng lúc, làm giảm hiệu suất ghi nhớ từ. |
Học các từ trong cùng họ từ. | Các từ trong cùng họ từ có cùng gốc. Vì vậy, ghi nhớ được gốc từ là có thể ghi nhớ được thêm nhiều từ khác. Phương thức này giúp tăng số lượng từ vựng có thể học. |
Tạo ngữ cảnh | Giải thích |
Sử dụng một câu chuyện để cho tất cả các từ vựng trong 1 lần học. | Giúp liên kết các từ vựng vào cùng một ngữ cảnh chung, xây dựng nền tảng ghi nhớ là các dữ liệu đã có từ trước. |
Luôn tưởng tượng các ngữ cảnh trong đầu khi học từ. | Giúp bộ não nhớ thông tin qua hình ảnh thay vì qua chữ viết. |
Lặp lại thông tin | Giải thích |
Nhắc lại từ vựng khi có ngữ cảnh phù hợp. | Giúp lặp lại từ vựng nhiều lần trong các ngữ cảnh chính xác, từ đó người đọc có thể sử dụng từ vựng một cách chủ động. |
Khi được sử dụng đúng cách và với mức độ phù hợp, phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh sẽ phát huy sức mạnh và là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho người học ngôn ngữ.
Trong các phần tiếp theo, tác giả sẽ cung cấp từ vựng về nhiều chủ đề phổ biến và học thuật, áp dụng phương pháp này.
Dương Thu Giang