Đã đến lúc bạn nên thực hiện một cuộc “kiểm tra sức khỏe” toàn diện cho máy tính cá nhân của mình.
Nếu bạn đã từng tháo rời máy tính của mình, bạn sẽ nhận thấy có nhiều linh kiện phần cứng bên trong. Khi tất cả hoạt động như một thể, không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu một thành phần gặp vấn đề, máy tính của bạn có thể gặp khó khăn.
Các thành phần tạo ra nhiệt độ hoặc chuyển động thường dễ bị hỏng. Tuy nhiên, việc kiểm tra phần cứng máy tính giúp phát hiện các lỗi tiềm ẩn trước khi trở nên nghiêm trọng.
Các thành phần nào trong PC dễ bị hỏng nhất?
Các linh kiện thường bị hỏng nhất là quạt, ổ đĩa cứng, CPU và GPU.
Ngoài ra, RAM cũng là một trong những thành phần dễ hỏng của máy tính. Tuổi thọ và hiệu suất của RAM phụ thuộc vào model và thương hiệu. Sự hỏng hóc của RAM thường là nguyên nhân khiến máy tính không khởi động được.
Có hai nguyên nhân có thể gây hỏng một thanh RAM đang hoạt động tốt chỉ trong một khoảnh khắc: nhiệt độ và điện áp. Nhiệt độ hoạt động của RAM thường dao động từ 0 độ C đến 85 độ C. Nếu nhiệt độ vượt quá phạm vi này, RAM có thể bị lỗi hoặc hỏng hoàn toàn. Về nguyên nhân về điện áp, sự tăng đột ngột trong điện áp có thể xuất phát từ bo mạch chủ lỗi hoặc nguồn điện không ổn định.
Để tránh các vấn đề về lỗi phần cứng trên máy tính, bạn nên thực hiện kiểm tra và chuẩn đoán phần cứng thường xuyên nhất có thể. Dưới đây là một số gợi ý về cách thực hiện kiểm tra phần cứng trên Windows 10 mà bạn có thể tham khảo.
Windows 10 cung cấp công cụ chuẩn đoán phần cứng nào?
Windows 10 đi kèm với 02 công cụ chuẩn đoán phần cứng, bao gồm Performance Monitor để phân tích hiệu suất hệ thống và Windows Memory Diagnostic để kiểm tra bộ nhớ.
1. Performance Monitor
Performance Monitor cho phép bạn giám sát và phân tích cách máy tính quản lý tài nguyên hệ thống. Kết quả có thể hiển thị dưới dạng biểu đồ, đồ họa hoặc giá trị số, giúp xác định phần nào cần nâng cấp hoặc thay thế.
Để mở Performance Monitor, bạn chỉ cần tìm kiếm và nhấp vào kết quả tương ứng.
Để nhanh chóng có tổng quan về phần cứng hệ thống trên máy tính, bạn có thể truy cập vào Reports > System > System Diagnostics > [tên_máy_tính].
Nếu muốn hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo biểu đồ hiệu suất thời gian thực từ Monitoring Tools > Performance Monitor.
2. Windows Memory Diagnostic
Như đã đề cập, RAM là một phần quan trọng trong máy tính, chứa dữ liệu tạm thời và mất khi máy tắt.
Có nhiều dấu hiệu cảnh báo khi RAM gần hỏng bao gồm giảm hiệu suất, sự cố thường xuyên, khởi động không thành công, dữ liệu bị hỏng và thông tin không chính xác trong Windows System.
Nếu bạn muốn kiểm tra tình trạng RAM, Windows có công cụ Windows Memory Diagnostic giúp bạn kiểm tra.
Để mở công cụ này, người dùng Windows 10 có thể tìm kiếm Windows Memory Diagnostic và chọn kết quả hiển thị.
Hộp thoại Windows Memory Diagnostic sẽ hiển thị, bạn chỉ cần chọn “Khởi động lại và kiểm tra lỗi (được khuyến nghị)” để bắt đầu quá trình kiểm tra bộ nhớ RAM trên máy tính. Đừng quên lưu lại công việc của bạn để tránh mất dữ liệu khi máy tính khởi động lại.
Máy tính sẽ tự động khởi động lại và quá trình kiểm tra bộ nhớ RAM sẽ diễn ra. Bạn chỉ cần chờ đợi và quá trình sẽ hoàn thành trong vài phút. Khi hoàn tất, máy tính sẽ tự động khởi động lại vào Windows.
Để xem kết quả kiểm tra, bạn kích chuột phải vào nút Start của Windows 10, chọn “Event Viewer” từ menu hiện ra.
Tại hộp thoại Event Windows hiện ra, bạn chọn Windows Logs > System từ menu ở bên trái, sau đó nhấn nút “Find” từ khung bên phải.
Tại hộp thoại tìm kiếm hiện ra, bạn gõ “MemoryDiagnostic” và nhấn nút “Find Next”, bạn sẽ thấy kết quả của quá trình kiểm tra bộ nhớ RAM xuất hiện ở trên cùng. Từ đó, bạn có thể biết bộ nhớ RAM hoạt động ổn định hay có vấn đề gì không.
Nếu kết quả thông báo là “không có lỗi”, điều đó tức là bộ nhớ RAM của bạn hoạt động ổn định và không gặp lỗi.
Các ứng dụng chuyên nghiệp từ bên thứ ba
Nếu bạn không hài lòng với hai công cụ trên của Windows 10, bạn có thể thử sử dụng các phần mềm từ bên thứ ba như MemTest86, CrystalDiskInfo, HWiNFO, RWEverything,... Các phần mềm này miễn phí và cung cấp kết quả chính xác, cũng như cách trình bày dễ hiểu hơn so với Performance Monitor.
Hy vọng bạn sẽ tìm thấy bài viết này hữu ích.