Việc ghi nhớ và lưu trữ kí ức luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào khả năng cũng như thói quen của mỗi người mà việc ghi nhớ và sử dụng những gì bản thân đã học được coi là dễ dàng hay khó khăn. Bài viết với mục đích giới thiệu phương pháp Cung điện kí ức (Memory Palace) trong việc sắp xếp và ghi nhớ dữ liệu vào tiềm thức của mỗi người cũng như hướng dẫn sử dụng kĩ thuật này trong việc học từ vựng.
Key takeaways |
---|
|
Tổng quan về phương pháp lâu đài trí nhớ (Memory Castle)
Phương pháp lâu đài trí nhớ là gì?
Một cung điện kí ức (Memory Palace) hay còn được biết đến với những tên gọi khác như Mind Palace hay The Memory Journey có tên gốc là phương pháp Loci (The method of Loci) là một chiến lược ghi nhớ và cải thiện trí nhớ của con người, sử dụng việc hình dung một môi trường không gian hay địa điểm nhất định để thúc đẩy quá trình hồi tưởng lại kí ức đã tiếp thu trước đó. Phương pháp được sử dụng phổ biến và hiệu quả trong việc ghi nhớ khuôn mặt, các chữ số và từ vựng.
Cụ thể hơn, theo Yates (1986) trong cuốn sách The Art of Memory, để có thể thực hiện được kĩ thuật này, đối tượng sẽ hình dung hoặc sơ đồ hóa cấu trúc, bố cục của bất kì địa điểm địa lý quen thuộc nào như các dãy phòng, tòa nhà, con đường hoặc cách sắp xếp bên trong một cửa hang với những đường rẽ hay lộ trình cụ thể. Trong khi đi dạo trong tâm trí qua những địa điểm đó, đối tượng cần gắn những vật thể mình bắt gặp với thông tin mình cần ghi nhớ để có thể hồi tưởng và ôn tập sau này.
Nguồn xuất xứ
Phương pháp xây dựng cung điện kí ức là một phương pháp ghi nhớ cổ xưa có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Trong thời đại đó, giấy mực được coi là những công cụ đắt đỏ, số lượng người có thể đọc viết còn ít cũng như nguồn tin tức cũng chưa được thông báo và phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Do vậy, con người luôn tìm mọi cách để ghi nhớ nhiều thông tin nhất có thể, một trong số đó là xây dựng một mô hình Cung điện kí ức trong tiềm thức của họ để có thể sắp xếp những loại thông tin mình cần nhớ cũng như vận dụng tối ưu những ưu điểm của não bộ. Người sáng tạo và phát triển phương pháp này là nhà thơ Simonides của thành Ceos – người duy nhất sống sót sau vụ sụp đổ của tòa nhà ông được mời đến dùng bữa. Bằng cách nhớ lại chỗ ngồi và đặc điểm của các vị khách, ông đã tham gia vào quá trình nhận diện các nạn nhân xấu số lúc đó. Từ đó, ông đã phát hiện ra rằng việc gắn thông tin cần ghi nhớ với hình ảnh của một địa điểm rõ ràng trọng tâm trí là hoàn toàn khả thi và có tác dụng rõ rệt.
Hiện tại, thông qua các cuộc khảo sát và nghiên cứu, phương pháp này vẫn còn mang lại hiệu quả và thường được sử dụng nhiều trong việc ghi nhớ thông tin trong các cuộc thi trí tuệ, nhiều học sinh vẫn sử dụng phương pháp này để ghi nhớ đến 1200 chữ số Pi, với kỉ lục nhiều nhất là 100,000 chữ số được lập bởi các chuyên gia. Bên cạnh đó, các tác phẩm tiểu thuyết và phim kinh điển như Sherlock Holmes và The Silence of the Lambs cũng đề cập đến phương pháp này: giáo sư Hannibal Lecter đã đi dạo qua các phòng thí nghiệm trong tâm trí để ghi nhớ thông tin hay Sherlock Holmes sử dụng những vật và cảnh vật cố định để lấy lại kí ức và thông tin nhằm tổng hợp các manh mối thành những câu trả lời để giải quyết các vụ án phức tạp.
Nguyên tắc hoạt động
Phương pháp này hoạt động dựa trên nền tảng của thuật ghi nhớ Mnemonics. Theo đó, thông tin có thể được dễ dàng đưa vào trí nhớ dài hạn của con người nếu được sử dụng những kĩ thuật hoặc mẹo để liên kết mẩu thông tin đó với những thông tin có sẵn trong tâm trí của người học, và mẩu thông tin sẽ được ghi nhớ lâu hơn nếu cách liên hệ càng ấn tượng hoặc có phần “kì quặc” thâm chí là đáng sợ.
Sau khi đã gắn kết thông tin với những vật thể cần thiết, việc đặt những vật thể đó trong không gian với cấu trúc địa lý quen thuộc sẽ giúp đối tượng đi theo các bước ghi nhớ thông tin một cách tuần tự cũng như hồi tưởng lại thông tin bằng cách đi dạo trong không gian tâm trí bản thân đã tạo ra.
Phương pháp này phù hợp với những đối tượng nào?
Với những đặc điểm nêu trên, phương pháp có thể phù hợp với mọi đối tượng, đặc biệt là người trẻ ở thời điểm não phát triển nhất (dưới 30 tuổi). Nếu nắm rõ và vận dụng thành thạo cách ghi nhớ này, đối tượng vẫn có thể sử dụng để ghi nhớ và phục hồi kí ức của bản thân khi đã qua độ tuổi nêu trên. Ngoài ra, người học gặp khó khăn trong việc tưởng tượng và hình dung cấu trúc địa lý hoặc không gian của mình có thể sơ đồ hóa bằng cách phác thảo ra giấy từ đó hỗ trợ việc gắn thông tin với các cột mốc được rõ ràng hơn, thuận tiện cho việc ôn tập và hồi tưởng lại sau đó.
Các bước xây dựng phương pháp tạo cung điện kí ức
Bước 1: Lựa chọn nơi để tạo ra cung điện
Để có thể thuận tiện nhớ lại và kiểm soát lượng thông tin, những địa điểm được sử dụng làm cung điện nên là những địa điểm quen thuộc với bản thân, những nơi mà bản thân có thể đi lại tự do và ghi nhớ rõ ràng từng đặc điểm và các dấu mốc quan trọng. Những nơi này thường là căn phòng trong nhà, văn phòng hoặc nơi làm việc – những địa điểm gắn bó quen thuộc mà bản thân thường qua lại hằng ngày. Người học có thể chọn hình dung những cấu trúc này trong đầu hoặc vẽ ra giấy hoặc trên máy tính để hình dung về các cột mốc họ có thể gặp.
Bước 2: Tạo kế hoạch ghi nhớ
Ở bước tiếp theo này, người học cần vẽ ra các hành trình mà bản thân di chuyển trong cung điện đó. Các hành trình nên rõ ràng và theo trình tự, ưu tiên những đường thẳng tuyến tính rõ ràng để thuận tiện cho hành trình nhớ lại sau này của bản thân.
Bước 3: Kết nối đối tượng cần ghi nhớ với các điểm mốc
Người học bắt đầu gắn những kiến thức bản thân cần thuộc (từ, cụm từ, các con số) vào những vật thể cố định trong những mốc cố định của lâu đài. Người học cần tuân theo một số lưu ý và gợi ý sau để có thể đảm bảo quá trình được diễn ra thuận lợi hơn:
Các thông tin nên được giữ nguyên theo trình tự trên đường đi, tránh sự đảo lộn dẫn đến xáo trộn kí ức
Tạo những mối liên hệ càng ấn tượng, thậm chí có phần hài hước, kì quặc hoặc đáng sợ sẽ làm bản thân nhớ lâu hơn do có ấn tượng sâu hơn
Bước 4: Thực hiện việc đi dạo trong cung điện của bạn và thực hành đều đặn để kí ức được lưu giữ lâu hơn.
Sử dụng phương pháp cung điện kí ức trong việc học từ vựng
Danh sách các từ cần ghi nhớ: grotesque (a): kém hấp dẫn, rudimentary (a): cơ bản, acclimatize (v): thích nghi với thời tiết, salvage (v): cứu đồ vật khỏi bị hư hỏng
Có thể thấy được đây là các từ không thống nhất về chủ đề và từ loại cũng như dài và khó phát âm khiến người học gặp khó khăn nếu áp dụng những phương pháp học thuộc và chép từ truyền thống.
Bước 1: người học tiến hành chọn không gian để xây dựng cung điện – phòng ngủ của bản thân, người đọc hoàn toàn có thể chọn tưởng tượng những địa điểm quen thuộc đó trong đầu hoặc vẽ sơ đồ ra giấy để thuận tiện ghi nhớ hơn
Bước 2: người học tiến hành ghi nhớ sự sắp xếp của đồ nội thất trong phòng.
Bước 3: gắn tên của từ vào các mốc, các từ cần có sức gợi hình hoặc liên tưởng cụ thể hoặc có phần “kì quặc” để có thể được nhớ lâu hơn trong tâm trí của bản thân, đặc biệt có thể gắn với những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân về đồ vật đó, ví dụ cụ thể như sau:
Grotesque – kém hấp dẫn – màu ga trải giường trắng rất đơn điệu, mình muốn đổi thành hình hoa lá.
Rudimentary – cơ bản – quần áo trong tủ toàn là áo phông quần jeans, rất nhàm chán và đơn điệu, mình muốn đổi theo phong cách quyến rũ vào năm sau.
Acclimatize – thích nghi khí hậu – trong tủ có mỗi quần áo mùa hè vì về quê ở từ tháng 5 đến giờ, không có quần áo ấm để mặc khi trời lạnh.
Salvage – cứu đồ vật khỏi hư hỏng – hôm trước cháu trai đến phòng chơi hất nước cam làm bẩn gối dựa, phải giặt mãi mới mất được màu ố vàng.
Bước 4: Đi dạo quanh phòng nhiều lần và thường xuyên đi dạo để gợi nhớ lại từ vựng.
Phương pháp này có một số ưu điểm như:
Đặc điểm cụ thể và dễ tưởng tượng: đều phát sinh từ các đồ vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, thuận lợi trong quá trình ghi nhớ và ôn tập.
Áp dụng với nhiều đối tượng: việc luyện tập đều đặn sẽ giúp người học thành thạo hơn trong việc áp dụng và tăng cường tốc độ ghi nhớ ở nhiều độ tuổi và mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ nếu người học không tập trung hoàn toàn khi ghi nhớ và không luyện tập đều đặn.
Tóm tắt
Phương pháp Lặp lại Cách xa: Học từ vựng bằng cách lặp lại theo khoảng thời gian ngắn nhưng không liên tục
Áp dụng phương pháp Mnemonics để tối ưu hóa cách học từ vựng tiếng Anh
Khái niệm và cách ứng dụng phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh