Bị dằm đâm vào da là một vấn đề phiền toái không chỉ với trẻ em mà còn với người lớn. Dằm thường gây đau đớn, khó chịu và đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng. Dằm gỗ, thủy tinh hoặc kim loại là những loại phổ biến nhất. Có những trường hợp bạn có thể tự loại bỏ dằm tại nhà bằng các dụng cụ đơn giản hoặc kết hợp vài dụng cụ, nhưng đối với những mảnh dằm nằm sâu trong da, có thể cần đến kỹ thuật phức tạp hơn hoặc cần sự trợ giúp y tế.
Các bước
Sử dụng công cụ để loại bỏ dằm nằm sâu trong da

Thử sử dụng nhíp. Nếu một phần của mảnh dằm nhô lên trên bề mặt da, bạn có thể thử sử dụng nhíp để lấy nó ra. Chọn loại nhíp có đầu răng cưa bên trong. Kẹp chặt đầu dằm và từ từ kéo ra.
- Trước khi sử dụng nhíp, hãy khử trùng nó. Bạn có thể lau nhíp bằng cồn hoặc giấm, đun sôi trong nước vài phút hoặc hơ trên lửa khoảng 1 phút.
- Rửa tay kỹ trước khi cố gắng lấy dằm ra.

Sử dụng bấm móng tay để xử lý dằm lớn. Nếu dằm dày và khó gãy, bạn có thể sử dụng bấm móng tay khử trùng. Khi dằm găm vào da ở góc khó xử lý, hãy bấm nhẹ một ít lớp da bên ngoài để quan sát và xử lý dễ dàng hơn – bạn sẽ không cảm thấy đau nếu đó là vùng da dày và không nhạy cảm, chẳng hạn như gót chân.
- Cắt da theo chiều song song với chiếc dằm.
- Đừng bấm quá sâu để tránh chảy máu. Vết thương sâu có thể tăng rủi ro nhiễm trùng.
- Khi sử dụng bấm móng tay hoặc nhíp, bạn nên dùng tay thuận nếu có thể để dễ điều khiển và xử lý khéo léo hơn (điều này không thể nếu dằm nằm ở tay thuận).

Dùng kim để khơi cho dằm lồi ra. Nếu dằm nằm sâu dưới da, bạn có thể dùng kim hoặc đinh ghim khử trùng để khơi một phần dằm lên bề mặt da. Châm một lỗ nhỏ vào da bên trên đầu dằm gần bề mặt da nhất. Cố gắng dùng đầu kim nhấc dằm lên để có thể dùng nhíp hoặc dụng cụ bấm móng tay kẹp lại.
- Đừng cố dùng kim khơi toàn bộ dằm nằm sâu trong da – bạn có thể làm tổn thương thêm và dằm có nguy cơ bị gãy.

Xem xét sử dụng thuốc mỡ. Thuốc mỡ là một chất sát trùng giúp lấy dằm sâu trong da bằng cách bôi trơn và để chúng “trôi” ra. Bôi thuốc mỡ lên vết thương, chờ khoảng 1 ngày để dằm được đẩy ra. Trong thời gian đó bạn nên băng lại. Bạn cần kiên nhẫn trong lúc chờ đợi thuốc mỡ phát huy tác dụng.
- Một nhãn hiệu phổ biến là Ichthammol (thuốc mỡ đen), có bán tại các hiệu thuốc không cần toa bác sĩ.
- Thuốc mỡ có cảm giác nhờn và đôi khi có mùi khó chịu.
- Trong đa số trường hợp, thuốc mỡ chỉ có thể đẩy dằm lên bề mặt da – bạn vẫn phải dùng nhíp nhổ dằm ra.

Thử sử dụng muối nở xử lý vết thương. Muối nở không chỉ là chất sát trùng tốt mà còn giúp máu chảy chậm lại và kéo dằm lên sát bề mặt da. Nếu dằm là mảnh thủy tinh, kim loại hoặc nhựa, bạn hãy ngâm vết thương trong nước ấm pha vài thìa cà phê muối nở trong khoảng 1 tiếng. Nếu là dằm gỗ, bạn có thể làm hỗn hợp bột nhão muối nở với một chút nước và đắp lên vết thương. Băng lại và để qua đêm.
- Bạn sẽ cần dùng nhíp hoặc dụng cụ bấm móng tay để lấy dằm ra khỏi da.
Chăm sóc vết thương sau khi lấy dằm ra

Dừng máu. Nếu vết thương vẫn chảy máu sau khi lấy dằm, hãy áp bông gòn lên vết thương và giữ yên trong vài phút hoặc cho đến khi máu ngừng chảy.

Vệ sinh vết thương. Sau khi loại bỏ dằm, hãy làm sạch các vết đâm nhỏ. Rửa với nước ấm và xà phòng, sau đó lau khô bằng khăn sạch và sát trùng bằng cồn. Cồn là chất sát trùng tốt nhất, nhưng giấm trắng, i-ốt và ôxy già cũng hiệu quả.
- Nếu không có bông tẩm cồn, bạn có thể sử dụng tăm bông sạch nhúng vào cồn để lau vết thương.
- Cảm giác đau khi sát trùng sẽ nhanh chóng qua đi.

Chăm sóc với thuốc mỡ kháng sinh. Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh như Neosporin để ngăn ngừa nhiễm trùng. Thoa một lớp mỏng thuốc lên vết thương đã được sát trùng. Thuốc mỡ kháng sinh có thể mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào gần nhất.

Băng bó vết thương. Sau khi rửa và sát trùng, hãy để vết thương khô hoàn toàn. Sử dụng băng cá nhân để băng lại và tránh kích ứng và bụi bẩn. Bạn có thể tháo băng sau một hoặc hai ngày.
Thận trọng

Không nên bóp nặn dằm. Dù có thể là phản xạ tự nhiên nhưng việc bóp nặn xung quanh vết thương để đẩy dằm ra không hề hiệu quả. Đôi khi, điều này có thể làm gãy dằm và gây thêm tổn thương.

Đảm bảo dằm gỗ khô ráo. Nếu là dằm gỗ, hãy đảm bảo rằng nó không bị ẩm. Dằm gỗ có thể bị mủn khi bạn lấy ra, và có thể để lại những mảnh nhỏ hơn trong da.

Rửa tay sạch khi tháo dằm. Để tránh nhiễm trùng, hãy rửa tay sạch trước khi chạm vào vết thương. Sử dụng xà phòng và nước, rửa tay kỹ ít nhất 30 giây.

Lấy dằm ra một cách cẩn thận. Đảm bảo không gãy hoặc để lại bất kỳ mảnh vụn nào trong da, điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Kéo dằm ra theo góc độ ban đầu để giảm rủi ro gãy dằm.

Chú ý các dấu hiệu của nhiễm trùng. Theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng trong vài ngày sau khi lấy dằm ra. Dấu hiệu bao gồm sưng, đỏ, đau, mưng mủ, cảm giác tê và nhói lâm râm xung quanh vết thương.
- Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn bao gồm sốt, buồn nôn, đổ mồ hôi ban đêm, đau nhức, đau đầu và mê sảng. Trong trường hợp này, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Nhận biết khi cần sự hỗ trợ y tế

Tìm kiếm chăm sóc y tế nếu các biện pháp tại nhà không thành công. Nếu không thể loại bỏ dằm ra bằng cách tự mình, hãy tới bác sĩ trong vài ngày để được giúp đỡ. Đừng để dằm ở lại trong da.
- Nếu dằm bị gãy hoặc vỡ, bạn cần phải đến bác sĩ để lấy các mảnh vụn ra.

Tìm sự giúp đỡ y tế cho các vết thương sâu hoặc chảy nhiều máu. Nếu vết thương tiếp tục chảy máu mặc dù đã ép trong 5 phút, bạn cần phải đến bác sĩ. Trường hợp này có thể cần lấy dằm ra bằng dụng cụ chuyên dụng.
- Nếu cần phải sử dụng dao để lấy dằm ra, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê tại chỗ để làm tê da trước khi thực hiện.
- Những vết thương lớn có thể cần phải được khâu sau khi dằm đã được loại bỏ.

Thăm bác sĩ để xử lý dằm dưới móng. Nếu dằm nằm sâu dưới móng tay hoặc móng chân, bạn không thể tự loại bỏ được. Cố gắng tự mình có thể gây thêm tổn thương. Bác sĩ có thể cắt một phần của móng một cách an toàn và loại bỏ dằm.
- Sau đó, móng sẽ mọc trở lại bình thường.

Gọi cấp cứu nếu dằm rơi vào mắt hoặc gần mắt. Nếu có vật gì rơi vào mắt, hãy che mắt lại và gọi cấp cứu ngay lập tức. Không cố gắng loại bỏ vật thể - điều này có thể gây tổn thương cho mắt và làm hỏng thị lực. Cố gắng giữ cho cả hai mắt đóng lại cho đến khi có sự giúp đỡ để giảm thiểu sự di chuyển của mắt bị tổn thương.
Khuyến nghị
- Dằm gỗ, gai và các phần khác của cây thường gây kích ứng và viêm nhiều hơn so với dằm thủy tinh, kim loại hoặc nhựa.
- Sử dụng kính lúp nếu dằm quá nhỏ và khó nhìn thấy. Hãy nhờ người khác giúp bạn cầm kính lúp nếu bạn cảm thấy khó khăn.