Ong chúa là nhà lãnh đạo của tổ ong mật và là mẹ của phần lớn (nếu không phải là tất cả) ong thợ và ong đực trong đàn. Một con ong chúa khỏe mạnh là điều cần thiết để duy trì một tổ ong khỏe mạnh; khi ong chúa già và chết đi, cả tổ ong cũng sẽ chết nếu chưa tìm được ong chúa mới. Để duy trì tổ ong mật, người nuôi ong phải biết phân biệt ong chúa với những con ong khác và đánh dấu khi đã xác định được nó. Hãy học cách nhận biết và đánh dấu ong chúa bằng cách quan sát sự khác biệt trong hành vi, vị trí và các đặc điểm cơ thể của ong.
Các bước
Nhận biết qua ngoại hình

Chú ý tìm con ong to nhất. Ong mật chúa gần như luôn là con ong to nhất trong đàn. Đôi khi có những con ong đực cũng to bằng, thậm chí to hơn ong chúa, nhưng bạn có thể phân biệt chúng dựa vào độ dày của thân ong. Ong chúa sẽ dài hơn và mảnh hơn so với những con ong khác.

Chú ý đến phần bụng nhọn. Phần bụng của ong chúa nằm ở phía dưới cơ thể, gần ngòi ong. Ong mật có bụng tròn, nhưng bụng của ong chúa sẽ nhọn hơn. Bạn có thể dễ dàng nhận biết ong chúa theo cách này.

Tìm con ong có chân nhô ra ngoài. Chân của ong thợ và ong đực nằm gọn ngàng dưới cơ thể – nhìn từ trên xuống, bạn sẽ không dễ dàng nhìn thấy chân của chúng. Ong chúa có chân nhô ra ngoài nên sẽ dễ nhận biết hơn nhiều.

Chú ý đến ngòi không có gai của ong chúa. Mỗi tổ ong mật chỉ có một ong chúa. Nếu bạn phát hiện hai con ong có thể là ong chúa, hãy cầm phần ngực của chúng và nhẹ nhàng nhấc từng con lên. Dùng kính lúp để quan sát ngòi của chúng. Ngòi của ong thợ, ong đực và ong chúa chưa giao phối sẽ có gai. Ngòi của ong chúa mịn và không có gai.
Tìm ở vị trí phù hợp

Xác định vị trí của ấu trùng. Nhẹ nhàng nhấc từng khung tổ ong ra để tìm ấu trùng. Ấu trùng ong trông giống như những con giòi màu trắng, và bạn thường sẽ thấy chúng chồng chất lên nhau. Ong chúa đẻ trứng trong tổ, vì vậy rất có thể chúng ở gần đó.
- Hãy cẩn thận khi nhấc khung tổ ong lên và khi lắp lại để tránh làm chết ong chúa một cách vô tình.

Khám phá những nơi kín đáo. Ong chúa thường không ra ngoài rìa tổ hoặc rời tổ. Thường thì ong chúa luôn ẩn mình sâu trong tổ và tránh xa sự xáo trộn bên ngoài. Nếu bạn sử dụng thùng ong đứng, có thể ong chúa sẽ ở trên một trong các khung dưới đáy. Nếu là thùng ong ngang, bạn nên tìm ong chúa ở giữa.

Quan sát hoạt động bất thường trong tổ. Ong chúa có thể di chuyển trong tổ. Nếu bạn phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào trong tổ, như lũ ong tụ tập lại một nơi cụ thể hoặc ấu trùng ong ở vị trí không bình thường, có thể ong chúa đang ở gần.
Nhận biết ong chúa qua hành vi

Theo dõi di chuyển của những con ong sang bên. Ong thợ và ong đực thường di chuyển sang bên để nhường đường cho ong chúa đi. Sau khi ong chúa đi qua, chúng sẽ quay lại vị trí cũ. Hãy chú ý khi thấy các con ong tránh sang bên.

Quan sát con ong không làm việc. Ong chúa được cả đàn ong chăm sóc và không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc đẻ trứng. Hãy quan sát con ong không hoạt động. Có thể đó chính là ong chúa.

Quan sát xem lũ ong có chăm sóc một con ong đặc biệt không. Mọi nhu cầu của ong chúa đều được lũ ong đáp ứng. Hãy chú ý xem những con ong đang chăm sóc và cho con ong nào ăn. Có thể đó không phải là ong chúa mà có thể là ong chưa giao phối hoặc ong non, nhưng khả năng cao đó chính là ong chúa.
Đánh dấu ong chúa

Chọn màu sơn phù hợp. Người nuôi ong sử dụng các màu được quy định để nhận biết những con ong chúa sinh ra trong các năm cụ thể. Điều này giúp bạn chọn ong chúa nhanh chóng hơn và biết liệu tổ ong cần ong chúa hay không. Đừng quên chọn màu đúng trước khi đánh dấu ong chúa.
- Sơn acrylic là lựa chọn phù hợp. Nhiều người nuôi ong sử dụng bút đánh dấu chuyên dụng hoặc bút sơn.
- Màu trắng dùng để đánh dấu cho những năm có số tận cùng là 1 hoặc 6.
- Nếu số tận cùng của năm là 2 hoặc 7, bạn sử dụng màu vàng.
- Chọn màu đỏ cho những năm kết thúc bằng số 3 hoặc 8.
- Màu xanh lá được sử dụng cho những năm kết thúc bằng số 4 hoặc 9.
- Sơn màu xanh dương cho những năm kết thúc bằng số 5 hoặc 0.

Chuẩn bị sẵn sơn để đánh dấu. Ong mật có thể bị kích động, thậm chí bị tổn thương nếu bạn cầm chúng quá lâu, vì vậy hãy chuẩn bị sẵn sơn trước khi bắt ong chúa lên. Nhúng sẵn cọ hoặc bút sơn và cầm trong tay hoặc đặt trên bàn nhỏ gần tổ ong.

Cầm cánh hoặc ngực ong chúa và nhẹ nhàng nhấc lên. Nhẹ nhàng cầm cánh hoặc ngực của ong chúa và nhẹ nhàng nhấc lên. Bạn cần rất cẩn thận khi bắt ong chúa – nếu nó hoảng sợ, bạn có thể vô tình làm rách cánh hoặc gãy chết nó.
- Một số người nuôi ong bán bộ đánh dấu để bạn có thể nhốt ong chúa trong một hộp nhựa nhỏ khi đánh dấu, nhưng không bắt buộc phải có.

Cầm ong chúa trên đỉnh tổ ong. Trong trường hợp bạn vô tình làm rơi con ong, hãy đảm bảo nó rơi vào tổ thay vì rơi xuống cỏ hoặc trang phục bắt ong của bạn. Hãy giữ con ong chúa trên đỉnh tổ suốt thời gian làm việc với nó.

Đánh dấu một chút sơn lên ngực ong. Hãy chấm một giọt sơn nhỏ lên ngực của con ong chúa, ngay giữa hai chân trước. Sử dụng một lượng sơn đủ để nhìn thấy rõ, nhưng đừng sử dụng quá nhiều – có thể làm dính cánh hoặc chân của ong chúa khi sơn khô.

Xén đầu cánh của ong chúa (tuỳ chọn). Một số người nuôi ong thích đánh dấu ong chúa bằng cách xén đầu cánh hơn là sử dụng sơn. Nếu bạn muốn dùng cách này, hãy nhẹ nhàng cầm con ong lên và dùng kéo đặc biệt của người nuôi ong cắt một phần nhỏ ở đầu dưới của cả hai cánh.
Lời khuyên
- Thường xuyên kiểm tra tổ ong để đảm bảo ong chúa vẫn ở đó.
- Ngoài việc thu hoạch mật ong, hãy thử thu hoạch sữa ong chúa để sử dụng như một nguồn thực phẩm bổ sung.
Cảnh báo
- Luôn luôn đeo trang phục bảo hộ khi làm việc.
- Nếu bạn sử dụng phương pháp xén cánh để đánh dấu ong chúa, hãy nhớ chỉ cắt phần đầu của cánh. Nếu cắt quá sát, lũ ong thợ có thể nhầm lẫn ong chúa bị thương và có thể giết chết nó.