Trong quá trình làm bài IELTS Reading, người đọc gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu rõ nội dung của câu vì không biết chính xác nghĩa của từ. Bài viết sẽ giới thiệu về định nghĩa và ứng dụng của các kỹ năng nhận diện từ vựng (Word recognition skills) trong quá trình học ngôn ngữ nói chung lẫn trong quá trình phát triển kỹ năng đọc đối với bài thi IELTS nói riêng.
Kỹ năng nhận biết từ vựng
Kỹ năng nhận biết từ vựng là gì?
Kỹ năng nhận diện từ vựng (Word recognition) được định nghĩa bởi Wikipedia là: ”khả năng của người đọc để nhận ra các từ được viết một cách chính xác và hầu như không cần nỗ lực”. Nói cách khác, Word recognition – Nhận diện từ đề cập đến khả năng xác định từ, đọc và phân tích nghĩa gắn liền với từ. Đây là kỹ năng nền tảng trong việc đọc, đồng thời là bước đệm cho việc học các kỹ năng nâng cao khác.
“Efficient word recognition” (nhận diện từ hiệu quả) được (Hoover & Gough, 1990) định nghĩa bằng thuật ngữ “giải mã” (decoding).
Một bài viết của Đại học Northridge thuộc Bang California đã từng định nghĩa như sau: “Reading is making meaning from a visual symbolic code.” (Việc đọc là sự tạo ra ý nghĩa từ một mã biểu tượng trực quan.) Dựa vào định nghĩa trên, “code” (mã) là cách sử dụng có hệ thống các ký hiệu. Trong bối cảnh của việc đọc, các ký hiệu chính là các chữ cái, còn hệ thống được hiểu là chính tả và cú pháp của ngôn ngữ. Do vậy, giải mã là biến các ký hiệu viết (các chữ cái) đang xuất hiện thành ngôn ngữ mà có thể xử lý được bởi bộ não nhằm phục vụ quá trình hiểu một thông tin nào đó đang được trình bày.
Kahmhi (2007) cũng từng miêu tả rằng Nhận diện từ là nhận diện các chữ cái, âm thanh, từ ngữ, … và giới hạn trong khuôn khổ của từ vựng đơn lẻ.
Từ đây chúng ta có thể suy ra, việc nhận diện từ hiệu quả chính là khả năng người đọc có thể giải mã được phát âm của các từ dựa trên các quy tắc ngữ âm. Bên cạnh đó, việc nhận diện từ hiệu quả còn bao hàm việc có thể đọc nhanh, đọc chính xác chính xác các từ quen thuộc lẫn không quen thuộc trong các văn bản.
Quá trình nhận diện từ, do đó, bao gồm sự kết hợp của 2 việc:
Nhận diện các ký hiệu trên giấy bằng một số phương pháp để từ đó có thể được phát âm ra.
Gắn hoặc liên kết nghĩa với từ sau khi nó đã được phát âm đúng.
Ví dụ: Từ “electrocardiogram” (điện tâm đồ) là một thuật ngữ trong ngành y học và có thể gây ra khó khăn với nhiều người trong việc hiểu nghĩa. Tuy vậy, nếu phân tích kỹ thì có thể thấy các thành phần cùa từ trên có sự liên quan mật thiết đến 3 từ đó là “electronic” (thuộc về điện tử) – “cardio” (thuộc về tim mạch) – “diagram” (biểu đồ). Khi phát hiện được sự liên quan này, việc phát âm và hiểu nghĩa của từ “electrocardiogram” sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ứng dụng của kỹ năng nhận diện từ vựng trong quá trình phát triển kỹ năng đọc đối với bài thi IELTS Reading
Mỗi một người trong quá trình đọc hiểu bất kỳ một văn bản nào đều cố gắng nắm bắt được thông điệp đang được truyền tải. Một người đọc thành thạo sẽ có đủ nền tảng kiến thức và kỹ năng để không dành quá nhiều sự chú ý vào từng chữ cái, nhóm chữ cái hay thậm thí là từng từ đang xuất hiện, thay vào đó họ có thể lướt qua những yếu tố này để tập trung trí lực cho việc hiểu và phân tích nội dung của văn bản.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có xuất phát điểm là một người đọc thành thạo để có thể hiểu hết được nội dung cũng như xử lý được toàn bộ các từ vựng đang xuất hiện khi đọc một văn bản. Những người kém đọc hiểu thì sẽ kém hơn ở khoản đọc các từ có chính tả bất thường và các từ có tần suất xuất hiện thấp (Kate Nation and Margaret J.Snowing, 1998).
Do đó khi gặp phải một từ không quen thuộc, độc giả có thể sẽ dừng lại vì từ đó gây cản trở việc hiểu thông điệp của đoạn văn. Vì vậy, việc thành thạo kỹ năng nhận diện từ chính là yếu tố cơ bản nhất để tăng khả năng đọc hiểu. Đặc biệt, với trẻ em, họ gặp khó khăn trong việc đọc hiểu vì thiếu kỹ năng nhận diện từ bình thường (Oakhill, 1982, 1984; Stothard & Hulme, 1992, 1995).
Trong khuôn khổ của bài thi IELTS, phần Reading yêu cầu thí sinh phải đọc và phân tích một lượng thông tin (từ vựng) lớn để tìm đáp án cho nhiều dạng câu hỏi khác nhau. Do đó, việc gặp phải từ mới sẽ cản trở khả năng nắm bắt nội dung tổng quan hoặc chi tiết.
Khả năng đọc hiểu không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng giải mã từ vựng nếu có khả năng ngôn ngữ tốt. (Linda Farrell, Michael Hunter, Marcia Davidson, Tina Osenga, 2019) Tuy nhiên, không phải tất cả người học ngôn ngữ hoặc thí sinh luyện thi phương pháp học IELTS Reading đều có cơ hội và điều kiện để phát triển khả năng ngôn ngữ. Kỹ năng nhận diện từ vựng, trong trường hợp này, là cần thiết để tiết kiệm thời gian học và thúc đẩy tiến bộ trong học ngoại ngữ nói chung và xử lý bài đọc IELTS Reading nói riêng.