Bài viết này sẽ hướng dẫn cách làm thế nào để cách tra từ điển tiếng Anh, “đọc- hiểu” và khai thác toàn diện các tính năng của một số từ điển Anh-Anh thông dụng trong việc tra cứu và học từ vựng.
Ngày nay, đối với việc học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, từ điển luôn được xem như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho người học. Trong việc tra cứu từ điển Anh-Việt thường được ưa chuộng hơn bởi người dùng có thể tìm thấy được nghĩa tương ứng của từ cần tra trong tiếng mẹ đẻ của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng từ điển Anh-Việt chỉ cung cấp cho người học cái nhìn đơn lập và rời rạc trên phương diện nghĩa tiếng Việt của từ. Điều này hoàn toàn có thể gây ra sự mơ hồ và lẫn lộn khi người học muốn sử dụng một từ ở nhiều ngữ cảnh khác nhau trong giao tiếp hay văn viết. Trên thực tế, để thật sự “hiểu” một từ tiếng Anh, người học cần biết cả các yếu tố khác bên cạnh nghĩa đơn lập của từ, bao gồm cách phát âm (pronunciation), từ loại (part of speech), cách sử dụng kết hợp với các từ khác để dùng trong câu (collocation) hay từ đồng nghĩa và trái nghĩa (synonyms and antonyms),…
Vậy thì, tra từ ở đâu để tìm được hết những thông tin như trên? Câu trả lời là: “từ điển Anh-Anh”.
Thực tế, có nhiều lí do tại sao người dùng “ngại” sử dụng từ điển Anh-Anh hoặc có sử dụng nhưng đa số bỏ sót những tính năng và nguồn thông tin hữu ích mà từ điển này mang lại. Tuy nhiên, từ điển Anh-Anh, nếu được sử dụng một cách thường xuyên, có thể mang lại lợi ích đáng kể hơn cho người đọc so với từ điển Anh-Việt.
Các nguồn từ điển Anh-Anh trực tuyến chất lượng
Dưới đây là một số trang từ điển trực tuyến được đánh giá cao bởi độ chính xác, vốn từ phong phú, đa dạng tính năng cũng như dao diện dễ hiểu:
Từ điển Cambridge: https://dictionary.cambridge.org/
Từ điển Oxford: https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/
Từ điển Macmillan: https://www.macmillandictionary.com/
Bên cạnh những từ điển thông thường với tính năng tra cứu toàn diện các khía cạnh của từ như trên, một số từ điển khác được biết đến như từ điển thesaurus (từ điển từ đồng nghĩa và trái nghĩa) hay từ điển collocation. Những từ điển này giúp người dùng tra cứu độc lập những phần thông tin mình cần một cách nhanh chóng hơn. Dưới đây là đường link truy cập đến các trang từ điển đó:
Từ điển dùng để tra từ đồng nghĩa và trái nghĩa: https://www.thesaurus.com/
Từ điển dùng để tra collocation: http://www.ozdic.com/
“Đọc – hiểu” và phương pháp tra từ điển tiếng Anh
Các thông tin thường xuất hiện trong một từ điển Anh-Anh trực tuyến
Từ loại (part of speech)
Các từ loại thường được hiển thị trong từ điển gồm có: Noun: Danh từ – Verb: Động từ – Adjective: Tính từ – Adverb: Trạng từ – Preposition: Giới từ – Conjunction: Liên từ – Pronoun: đại từ – Interjection: Thán từ
Khi tra cứu từ điển, cần chú ý đến từ loại bởi nó sẽ quyết định vị trí và vai trò của từ trong cấu tạo và hình thành câu. Việc nắm được từ loại của một từ giúp người dùng sử dụng từ chính xác hơn. Ngoài ra, một từ có thể mang nhiều từ loại khác nhau, tương ứng với các nghĩa có thể là tương quan hoặc hoàn toàn khác biệt. Do vậy, việc lựa chọn ra được một nghĩa của từ phù hợp trong ngữ cảnh có thể dễ dàng hơn nếu bạn xác định được từ loại của từ nằm trong câu văn, trường hợp đó.
Cấp độ của từ (CEFR level)
Dựa theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu – CEFR (Common European Framework of Reference), người học được chia thành ba nhóm lớn và mỗi nhóm lớn lại chia thành hai cấp độ nhỏ hơn; mỗi cấp độ đều có miêu tả cụ thể khả năng, mức độ thành thạo ngôn ngữ của người học khi đạt đến trình độ đó. Các mức này gồm:
Nhóm | Tên nhóm | Cấp độ | Tên cấp độ |
A | Sử dụng căn bản | A1 | Mới bắt đầu |
A2 | Cơ bản | ||
B | Sử dụng độc lập | B1 | Trung cấp |
B2 | Trung cấp trên | ||
C | Sử dụng thành thạo | C1 | Cao cấp |
C2 | Thành thạo |
Như vậy, những ký hiệu A1, A2, B1, B2, C1, C2 này chỉ ra cấp độ hồ sơ tiếng Anh của một từ hoặc cụm từ. Ví dụ như, một từ mang biểu tượng B1 là từ mà một người học tiếng Anh ở trình độ trung cấp thường biết tới.
Cách phát âm (pronunciation)
Người học sẽ khó có thể sử dụng một từ trong giao tiếp nếu không biết cách phát âm của nó. Bên cạnh việc cung cấp phiên âm của từ dựa theo bảng phiên âm quốc tế IPA (International Phonetic Alphabet), mọi từ điển Anh-Anh đều cho phép người dùng nghe cách phát âm theo 2 giọng Anh – Anh và Anh – Mỹ bằng việc nhấp chuột vào biểu tượng hình cái loa với kí hiệu BrE (oxford) hay UK (Cambridge) – cách phát âm của người Anh, và NamE (oxford) hay US (Cambridge) – cách phát âm của người Mỹ.
Đối với 2 giọng Anh – Anh và Anh – Mỹ, cách đọc có thể tương tự hoặc khác nhau. Người dùng có thể lựa chọn giọng phù hợp để học, tuy nhiên việc làm quen với cách phát âm của cả 2 giọng là cần thiết cho việc nghe hiểu.
Ý nghĩa của từ (meanings)
Ví dụ về việc sử dụng từ (examples)
Một từ có thể mang nhiều nghĩa khác nhau, các nghĩa này được liệt kê đầy đủ trong từ điển và đi kèm với các ví dụ minh họa cụ thể về cách dùng từ trong ngữ cảnh, cho thấy được vị trí, vài trò của từ trong câu, giúp người dùng dễ dàng hiểu rõ và sử dụng được từ cho các mục đích khác.
Thông tin hữu ích khác về từ được hiển thị trong từ điển Anh-Anh
Bên cạnh những thông tin cơ bản đi kèm từ như ở mục 1, đa số các từ điển Anh-Anh còn cung cấp thêm nhiều các đặc tính khác của từ. Những đặc tính này đều hữu ích cho việc học và sử dụng từ, tuy nhiên nó lại hay bỏ sót bởi người dùng.
Thông tin bổ sung về danh từ
Countable noun [C] và uncountable noun [U]: danh từ đếm được và không đếm được
Dạng thức danh từ đếm được hay không sẽ quyết định cách dùng từ đó ở số nhiều với các từ/cụm từ chỉ số lượng hay dùng kèm mạo từ. Thông tin này thường bị bỏ bởi người dùng lúc tra từ điển tiếng Anh dẫn đến những nhầm lẫn, sai xót khi dùng từ trong văn nói và viết. Bên cạnh đó có những từ mà ở mỗi nghĩa, dạng thức đếm được hay không đếm được của từ cũng khác nhau. Ví dụ ở từ experience:
Như ví dụ ở trên cho thấy, ở nghĩa thứ nhất của “experience” (kinh nghiệm) thì từ này là một danh từ không đếm được, tuy nhiên ở nghĩa thứ 2 (trải nghiệm) thì “experience” lại là danh từ đếm được.
Ngoài ra, đối với những danh từ đếm được có dạng thức số nhiều bị biến đổi khác với danh từ của nó ở số ít, hay dạng thức số nhiều và số ít giống như nhau, các thông tin về sự giữ nguyên hay biến đổi này cũng được hiển thị ngay phía dưới từ để người dùng dễ dàng nhận ra và ghi nhớ.
Thông tin bổ sung về động từ
Word forms: Dạng từ được chia ở thì quá khứ, quá khứ phân từ…
Transitive verb [T] và Intransitive verb [I]: Ngoại động từ và nội động từ
Ngoại động từ là các từ mà bắt buộc theo sau nó phải có tân ngữ (Object). Ngược lại, một nội động từ không cần tân ngữ theo sau vẫn đủ để tạo thành câu hoàn chỉnh.
Lấy ví dụ ở từ “swim” mang nghĩa “bơi”: đây là một nội động từ, do đó khi viết “I swim.” câu này được xem là đã hoàn chỉnh cả về nghĩa lẫn ngữ pháp. Mặt khác, một ngoại động từ như “produce” (mang nghĩa “sản xuất”), khi tạo câu với từ này, người dùng bắt buộc phải thêm một tân ngữ phía sau để làm rõ “sản xuất” cái gì? Vì vậy, “This Company produces electrical good” là một câu đúng ngữ pháp và được hoàn thành về nghĩa.
Ngoài ra còn một số ghi chú khác giải thích về loại động từ như:
Auxiliary verb | Trợ động từ |
Linking verb [L] | Động từ nối |
Modal verb | Động từ khiếm khuyết |
Và các ghi chú làm rõ cách dùng của động từ như:
[L only + adjective] | Một động từ nối được theo sau bởi tính từ |
[L only + noun] | Một động từ nối được theo sau bởi danh từ |
[+ adv/prep] | Một động từ được theo sau bởi trạng từ hoặc giới từ |
[+ to infinitive] | Một động từ được theo sau bởi một động từ nguyên mẫu có “to” |
[+ infinitive without to] | Một động từ được theo sau bởi một động từ nguyên mẫu không có “to” |
[+ -ing] verb | Một động từ được theo sau bởi một động từ thêm “ing” |
[not continuous] | Một động từ không được dùng ở dạng tiếp diễn |
Thông tin bổ sung về tính từ
Các dạng thức so sánh hơn và so sánh nhất của tính từ
Vị trí của tính từ
[after noun] | Tính từ chỉ theo sau một danh từ |
[before noun] | Tính từ chỉ đứng trước một danh từ |
[after verb] | Tính từ chỉ theo sau một động từ |
Một số biểu tượng khác mô tả đặc điểm và cách sử dụng của tính từ
“Formal” và “Informal”
Những từ được kí hiệu “Formal” là những từ thường được sử dụng trong văn viết, các văn bản học thuật hay trong ngữ cảnh trang trọng. Ngược lại, “Informal” phù hợp hơn để sử dụng trong những cuộc nói chuyện hàng ngày với bạn bè hay người quen, dưới hình thức không trang trọng.
“Slang”
“Slang” là tiếng lóng, hay nói một cách khác là dạng từ, cụm từ hay cách diễn đạt không trang trọng, thường chỉ được dùng trong văn nói giữa một nhóm người nào đó.
“Old-fashioned” và “Old use”
Những từ được kí hiệu như “Old-Fashioned” hay “Old use” hiện tại không còn được sử dụng nhiều nữa.
“Approving” và “Disapproving”
“Approving” chỉ những từ mang nét nghĩa tốt, tích cực và ngược lại “Disapproving” dành cho những từ mang nét nghĩa tiêu cực hơn.
Dựa vào những phần thông tin được cung cấp bởi từ điển này, người dùng có thể chọn lọc và sử dụng từ ngữ một cách chính xác hơn, phù hợp với từng ngữ cảnh và mục đích cụ thể của mình.
Một số tính năng khác khi sử dụng từ điển Anh – Anh
Tra cứu thành ngữ (idioms) và cụm động từ (phrasal verbs)
Bên cạnh việc tra từ đơn, hầu hết từ điển Anh-Anh đều cho phép người dùng tra các cụm động từ cũng như thành ngữ liên quan đến từ đó. Các phần thông tin này thường hay được hiển thị kế bên hoặc phía dưới từ để người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy hoặc người dùng cũng có thể tra cứu độc lập trên ô tìm kiếm của từ điển bằng việt gõ thành ngữ hoặc cụm động từ cần biết nghĩa.
Khi nhấn vào từng cụm động từ hoặc thành ngữ, người dùng sẽ được giải thích rõ về nghĩa, cách sử dụng đi kèm ví dụ cụ thể trong câu.
Tra cứu từ đồng nghĩa (synonym) và cách sử dụng kết hợp – các từ thường đi cùng nhau
Từ đồng nghĩa là các từ mang nghĩa giống hoặc gần giống nhau, có thể được dùng để thay thế nhau trong một số trường hợp cụ thể. Mặt khác, Collocation là phần thông tin chỉ ra cho người dùng các cách kết hợp từ thông thường để diễn đạt thành câu. Khi tra cứu một từ, từ điển sẽ tự động cung cấp thêm cho người dùng những phần thông tin hữu ích này, kèm theo các ví dụ cụ thể.
Ngoài ra, như đã để cập ở mục về các nguồn từ điển Anh-Anh trực tuyến, khi muốn tra những phần thông tin riêng biệt như trên, người dùng có thể thực hiện việc tra cứu một cách nhanh hơn bằng các loại từ điển chuyên dụng chỉ dành để tra cứu từ đồng nghĩa và trái nghĩa (như từ điển Thesaurus) hay tra cứu collocation (như từ điển Ozdic).
Ví dụ khi tra từ “make-up” (trang điểm) trong từ điển Ozdic, người dùng sẽ được cung cấp thông tin về các tính từ, động từ hay danh từ thường được sử dụng kết hợp với từ “make-up” để diễn đạt trong câu. Cụ thể khi muốn nói đến hành động trang điểm, người dùng sẽ sử dụng cụm “ wear make-up”, “ put on make-up”, “apply make-up” hay loại bỏ trang điểm là “remove make-up”. Tương tự, một lớp trang điểm đậm sẽ được gọi là “heavy make-up”.
Hiểu rõ về từ ngữ, cách sử dụng từ cũng như việc sử dụng chính xác các collocation, phrasal verb hay từ đồng nghĩa giúp cho việc diễn đạt ngôn ngữ của người học trở nên chính xác và tự nhiên hơn. Dựa vào tính năng và nguồn thông tin hữu ích mà một từ điển Anh-Anh mang lại, người dùng có thể nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh của mình. Thực tế, “tra từ điển” cũng được coi là một kỹ năng mà hiện nay nhiều người học ngôn ngữ vẫn chưa thật sự để ý đến. Do đó bài viết này mong muốn giúp người đọc khám phá hết các khía cạnh của cách tra từ điển tiếng Anh hiệu quả để học từ vựng và nâng cao trình độ của mình.
Trần Thị Ngọc Huyền – Giảng viên tại Mytour