Trong phần thi IELTS Speaking Part 2 thí sinh sẽ có một phút để chuẩn bị và hai phút để thực hiện bài thi nói của mình. Ngoài việc phải có vốn từ linh hoạt thì cách triển khai ý tưởng để có thể hoàn thành bài nói cũng là một trong những vấn đề được thí sinh cần chú ý tới để đảm bảo độ trôi chảy và mạch lạc.
Bài viết này sẽ giới thiệu về một phương pháp triển khai ý trong phần thi này, đó chính là phương pháp 3C và cách áp dụng phương pháp này trong IELTS Speaking Part 2, cụ thể với dạng đề Describe a person.
Key takeaways
Phương pháp 3C được viết tắt cho 3 từ Context - Content - Conclusion. Đây là một phương pháp giúp thí sinh kể lại một câu chuyện dựa trên một sự vật, sự việc có bối cảnh, nội dung và kết thúc.
Dạng đề Describe a person là dạng đề yêu cầu thí sinh mô tả một người và cũng là một dạng đề khá phổ biến trong IELTS Speaking part 2.
Để áp dụng phương pháp 3C vào dạng bài Describe a person trong IELTS Speaking part 2, thí sinh cần làm theo các bước đề xuất theo thứ tự sau: giới thiệu đối tượng cần miêu tả, sau đó lần lượt viết về Context (bối cảnh câu chuyện), Content (nội dung câu chuyện) và Conclusion (kết thúc của câu chuyện)
Áp dụng phương pháp 3C trong IELTS Speaking part 2 có thể giúp thí sinh tối ưu hóa thời gian 1 phút chuẩn bị và có sự linh hoạt trong việc sử dụng ngữ pháp trong bài thi.
Phương pháp 3C là gì?
Context: đây là chữ C đầu tiên của phương pháp có nghĩa là bối cảnh của câu chuyện. Những câu trong phần này mang nhiệm vụ giới thiệu bối cảnh của một câu chuyện và sẽ giới thiệu chủ đề xoay quanh nội dung câu chuyện thí sinh muốn kể. Đây được xem là phần mở đầu để dẫn dắt vào câu chuyện nên người nghe có thể nắm được ý tưởng tổng quan về nội dung cũng như là ngữ cảnh để có thể dễ dàng theo dõi các chi tiết tiếp theo.
Content: Chữ C thứ hai của phương pháp có nghĩa là nội dung. Ở phần này, câu chuyện sẽ được kể theo mạch thời gian hoặc không gian, tùy thuộc vào thí sinh.
Conclusion: Chữ C cuối cùng của phương pháp là kết thúc của câu chuyện. Một hoặc hai câu kết thúc ngắn gọn sẽ giúp tóm tắt nội dung của câu chuyện vừa được kể, khiến câu chuyện của thí sinh sẽ hoàn chỉnh về mặt nội dung.
Dạng đề Mô tả một người trong IELTS Speaking
- Describe a person who solved a problem in a smart way. (Mô tả một người đã giải quyết một vấn đề theo cách thông minh.)
- Describe an older person that you admire (Mô tả một người lớn tuổi mà thí sinh ngưỡng mộ.)
- Describe a foreign person who you have heard or known that you think is interesting (Mô tả một người nước ngoài mà thí sinh đã nghe hoặc biết mà thí sinh cho là thú vị.)
Sử dụng phương pháp 3C trong dạng đề Mô tả một người trong IELTS Speaking
Giới thiệu người cần mô tả
Thí sinh cần phải giới thiệu được đối tượng muốn nói tới dựa theo yêu cầu của đề, và với dạng đề này sẽ là một người nào đó. Câu mở bài nên súc tích và đơn giản nhất có thể để người nghe có thể nắm bắt được ý chính và câu mở bài nên trả lời được câu hỏi:
Người mà thí sinh muốn nhắc đến là ai ?
Ta có thể sử dụng mẫu câu ở thì hiện tại “ I’m going to talk about …’ cho tất cả các đề bài để giới thiệu người được mô tả.
Ví du: Với đề bài ‘’Describe a person who solved a problem in a smart way” (Mô tả một người đã giải quyết vấn đề một cách thông minh)
Thí sinh sẽ giới thiệu trực tiếp đến người mà mình muốn nói đến bằng cách sử dụng câu mở bài như sau:
I am going to talk about a person who solved problems in a clever way, which is my brother.
(Dịch: Tôi sẽ nói về một người giải quyết vấn đề một cách thông minh, đó là anh trai tôi.)
Cách viết Bối cảnh - phần giới thiệu về người được mô tả
Những thông tin ở phần Context được xem là thông tin nền để dẫn dắt người nghe vào phần nội dung chính. Ở dạng đề bài miêu tả con người vì đây là miêu tả một vật thể, cho nên thí sinh sẽ lồng ghép một câu chuyện liên quan đến người cần miêu tả để trả lời cho câu hỏi ở đề bài. Và phần bối cảnh sẽ giúp nêu bật lên câu hỏi ở đề bài bằng cách đưa ra tình huống, nguyên nhân để thí sinh xây dựng cốt truyện ở phần nội dung. Vì đây là môt câu chuyện đã xảy ra vào quá khứ nên thí sinh sẽ sử dụng thì quá khứ để áp dụng vào bài.
Những nội dung ở phần ngữ cảnh nên đáp ứng được các câu hỏi sau:
Câu chuyện này diễn ra vào lúc nào? Ở đâu?
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này là gì?
Ví dụ: Vẫn với đề bài trên, thí sinh có thể đưa ra thêm bối cảnh cho một câu chuyện kể về người nào đó đã giải quyết vấn đề theo một cách thông minh và dựa vào phần ví dụ trước thì là anh trai của thí sinh.
I remembered when I was 5, my brother and I went to the park which is in proximity to my house. While we were wandering around, there was a stranger approaching us.
(Dịch: Tôi nhớ khi tôi 5 tuổi, tôi và anh trai đi đến công viên gần nhà tôi. Trong khi chúng tôi đang dạo xung quanh, có một người lạ đến gần chúng tôi.)
Cách viết Nội dung - phần câu chuyện
Ở phần nội dung của bài kể chuyện, thí sinh sẽ tiếp tục sử dụng thì quá khứ để kể về diễn biến chính của câu chuyện. Với dạng đề miêu tả con người, thí sinh đã nêu được nguyên nhân dẫn đến câu chuyện cho nên phần nội dung sẽ tiếp tục xây dựng cốt truyện để nêu diễn biến làm bật được đặc điểm của người cần tả dựa theo yêu cầu đề bài. Ngoài ra, những diễn biến này phải có sự liên kết với phần thông tin ở phần ngữ cảnh. Đồng thời, thí sinh cũng nên đề cập yếu tố cảm xúc của bản thân để câu chuyện thêm phần sinh động và thú vị.
Để phần nội dung có đầy đủ các yếu tố trên, thí sinh phải đáp ứng được những câu hỏi sau:
Diễn biến chính của câu chuyện liên quan đến yêu câu của đề bài như thế nào?
Cảm xúc của thí sinh khi trải qua câu chuyện là gì?
Ví dụ: Tiếp nối với phần thông tin bối cảnh về đề bài ở ví dụ cũ, thí sinh sẽ đưa ra phần nội dung của câu chuyện mô tả anh trai thí sinh đã giải quyết vấn đề một cách thông minh.
Diễn biến của câu chuyện làm bật được sự thông minh khi giải quyết vấn đề của anh trai.
-The stranger was wearing an all-black outfit and a cap. My brother started to smell something fishy about that person so he told me not to let go of his hand and cry for help if the stranger grabbed one of us. I didn’t think much about what he just said at that moment but I listened to him anyway. He held my hands so tight and quickly led me to the entrance of the park as fast as possible. The stranger continued to run after us and blocked our way. My brother was a quick-thinker so he immediately distracted the strangers by pointing at an old man and calling him grandpa. That made the stranger hesitate and back away.
(Dịch: Người lạ đó mặc trang phục đen và đội mũ lưỡi trai. Anh tôi bắt đầu cảm thấy nghi ngờ người đó nên anh bảo tôi không được buông tay ra và kêu cứu nếu kẻ lạ mặt tóm lấy một người trong chúng tôi. Tôi không nghĩ nhiều về những gì anh tôi vừa nói vào lúc đó nhưng tôi vẫn lắng nghe anh ấy. Anh trai tôi nắm tay tôi chặt và nhanh chóng dẫn tôi đến lối ra của công viên nhanh nhất có thể. Kẻ lạ mặt tiếp tục chạy theo và cản đường chúng tôi. Anh trai tôi là một người nhanh trí nên ngay lập tức đánh lạc hướng bằng cách chỉ vào một ông lão và gọi ông là ông ngoại. Điều đó khiến người đàn ông lạ mặt kia do dự và lùi lại.)
Thí sinh sẽ tiếp tục nêu cảm xúc của mình khi trải nghiệm câu chuyện và chứng kiến được sự thông minh khi giải quyết vấn đề của anh trai thí sinh.
- Until I figured out what was going on, the stranger was nowhere to be seen. I was extremely shocked because we could be kidnapped at any minute. On top of that, I was in awe of my brother’s quick thinking and flexibility in that situation.
(Dịch: Cho đến khi tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì người lạ đã không thấy đâu nữa. Tôi vô cùng sốc vì chúng tôi có thể bị bắt cóc bất cứ lúc nào. Hơn hết, tôi rất khâm phục khả năng tư duy nhanh nhạy và sự linh hoạt của anh trai tôi trong tình huống đó.)
Cách viết phần Kết luận - phần kết thúc của câu chuyện
Nêu cảm xúc hiện tại khi nhớ về câu chuyện vừa kể và đưa ra bài học của bản thân (nếu có).
Nêu ý định tương lai dựa trên trải nghiệm của câu chuyện vừa kể (nếu phù hợp)
Ví dụ: Thí sinh sẽ kết thúc câu chuyện bằng việc nêu cảm xúc của bản thân khi nhớ về câu chuyện vừa kể. Do đây là một câu chuyện kể về việc anh trai thí sinh đã nhanh trí trong tình huống đó, vì vậy phần ý tưởng cho ý định tương lai dựa trên câu chuyện có thể được bỏ qua do không phù hợp.
I am still scared when I think about that terrifying experience but at the same time, my reliance on my brother increases. I feel absolutely safe whenever I am around him.
(Dịch: Tôi vẫn sợ hãi khi nghĩ về trải nghiệm kinh hoàng đó nhưng đồng thời, tôi càng tin tưởng và dựa vào anh trai tôi. Tôi cảm thấy an toàn tuyệt đối bất cứ khi nào tôi ở bên anh trai mình.)
Và khi áp dụng phương pháp 3C như trên, thí sính sẽ có một bài nói hoàn chỉnh như sau:
Đề bài: Describe a person who solved a problem in a smart way.
Tôi sẽ kể về một người giải quyết vấn đề một cách thông minh, đó là anh trai của tôi. Tôi nhớ khi tôi 5 tuổi, anh trai và tôi đi đến công viên gần nhà. Trong khi chúng tôi đang lang thang, có một người lạ lại tiếp cận chúng tôi. Người lạ mặc trang phục toàn đen và mũ. Anh trai tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn với người đó nên anh ấy bảo tôi không nên buông tay anh và khóc cầu cứu nếu người lạ nắm giữ một trong chúng tôi. Tôi không nghĩ nhiều về những gì anh ấy vừa nói lúc đó nhưng tôi vẫn nghe theo anh ấy. Anh ấy nắm chặt tay tôi và nhanh chóng dẫn tôi đến lối vào công viên càng nhanh càng tốt. Người lạ tiếp tục đuổi theo chúng tôi và chắn đường của chúng tôi. Anh trai tôi là người nhanh nhạy nên ngay lập tức anh ta làm cho người lạ phân tâm bằng cách chỉ vào một ông lão và gọi ông ta là ông nội. Điều đó làm cho người lạ do dự và rút lui. Cho đến khi tôi nhận ra điều gì đang xảy ra, người lạ đã biến mất. Tôi rất sốc vì chúng tôi có thể bị bắt cóc bất cứ lúc nào. Hơn nữa, tôi rất kinh ngạc về sự suy nghĩ nhanh nhẹn và linh hoạt của anh trai tôi trong tình huống đó. Tôi vẫn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về trải nghiệm kinh hoàng đó nhưng đồng thời, sự phụ thuộc của tôi vào anh trai tôi cũng tăng lên. Tôi cảm thấy hoàn toàn an toàn mỗi khi ở bên cạnh anh.
Lý do cần áp dụng phương pháp 3C vào IELTS Speaking Phần 2
Tối ưu hóa thời gian chuẩn bị trong một phút
Trong phần này của bài thi, thí sinh sẽ có một phút để chuẩn bị cho bài nói hai phút của mình. Đây là một khoảng thời gian quan trọng để thí sinh liệt kê các ý tạo thành một bài nói hoàn chỉnh. Việc có dàn bài và các bước chuẩn bị sẽ giúp thí sinh dễ dàng triển khai ý tưởng và tiết kiệm thời gian trong việc sắp xếp ý tưởng của bản thân.
Sự linh hoạt trong việc sử dụng ngữ pháp
Với việc áp dụng phương pháp 3C, thí sinh đã sử dụng đa dạng các cấu trúc ngữ pháp khi sử dụng thì hiện tại trong việc giới thiệu đối tượng, thì quá khứ trong phần Bối cảnh và Nội dung, và thì hiện tại (hoặc tương lai) cho phần Kết luận. Phạm vi và độ chính xác về ngữ pháp là một trong bốn tiêu chí được sử dụng để đánh giá phần thi Speaking của thí sinh, và bằng cách sử dụng đa dạng và chính xác các cấu trúc sẽ giúp thí sinh đạt điểm cao trong phần thi nói của mình.