Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể là khối lượng mỡ trong cơ thể của bạn chia cho tổng trọng lượng của cả cơ thể (cơ bắp, xương, nước, v.v.). Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể có thể là một chỉ số khá tốt để chẩn đoán một số nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, nếu tỷ lệ này ở mức càng cao (đặc biệt lớp mỡ tập trung xung quanh vùng bụng), thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm xương khớp, và một số loại ung thư càng lớn. Hiện tại có nhiều cách khác nhau để tính tỷ lệ mỡ cơ thể, từ phương pháp khá cũ truyền thống (như dùng thước kẹp) đến phương pháp quét cơ thể bằng công nghệ cao. Bạn có thể tự tính tỷ lệ này tại nhà mặc dù kết quả có thể không hoàn toàn nhưng cũng khá chính xác, còn nếu muốn có kết quả chính xác nhất thì bạn phải kiểm tra bằng thiết bị đắt tiền và do chuyên gia chăm sóc sức khỏe thực hiện.
Các bước
Tính tỷ lệ mỡ cơ thể tại nhà

Đo vòng eo bằng thước dây. Dựa vào số đo vòng eo bằng thước dây cũng giúp chẩn đoán nguy cơ có mắc một số bệnh (như nói ở trên) đi kèm với thừa cân hoặc béo phì. Cụ thể hơn, nếu phần lớn lớp mỡ ở vùng quanh eo (gọi là mỡ bụng) cao hơn lớp mỡ ở hông, thì có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác. Để đo chính xác vòng eo, khi đo bạn nên đứng thẳng chỉ mặc đồ lót và đặt thước dây vòng quanh bụng dưới, bên dưới rốn và ngay phía trên xương hông. Hít vào và sau đó đo vòng eo ngay sau khi thở ra.
- Khi đo vòng eo, bạn nên dùng thước dây để có thể dễ dàng vòng quanh sát vào eo, nhưng tránh bóp quá chặt vào mô mềm bên dưới.
- Nếu kích thước vòng eo lớn hơn 90 cm đối với phụ nữ và 102 cm đối với nam giới thì có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Bạn có thể áp dụng phương pháp tính của Hải quân Mỹ, tức là dựa vào số đo vòng eo, hông, và cổ với chiều cao và trọng lượng để xác định ước tính mật độ cơ thể và tỷ lệ phần trăm mỡ.

Dùng thước kẹp để đo lượng mỡ cơ thể. Phương pháp caliper (hay còn gọi là phương pháp đo nếp gấp ở da bằng thước kẹp) tức là kéo lớp mỡ dưới da tách khỏi cơ bắp tại một số điểm và dùng thước kẹp để đo bề dày nếp gấp này. Số đo này sẽ được chuyển đổi thành ước tính tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể bằng công thức riêng. Phương pháp này yêu cầu ba số đo ở điểm cơ thể khác nhau. Phương pháp caliper là biện pháp đáng tin cậy để kiểm tra thay đổi của thành phần cơ thể theo thời gian (sai số khoảng 3%).

Đo trở kháng điện sinh học. Đo trở kháng điện sinh học là phương pháp đo thành phần mỡ của cơ thể, so với các mô khác, bằng mức trở kháng của mô mỡ với điện năng. Kết quả có độ chính xác khoảng 95% tùy thuộc vào hàm lượng nước trong cơ thể. Không cần chuyên gia và thiết bị đo thường không đắt tiền.

Tính chỉ số cơ thể (BMI). Chỉ số BMI là chỉ số rất hữu ích để xác định bạn có thừa cân hoặc béo phì. Để có được số BMI, bạn lấy trọng lượng cơ thể (kg) chia cho chiều cao (m). Kết quả càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Chỉ số BMI bình thường nằm trong ngưỡng 18,5-24,9; vượt lên ngưỡng 25-29,9 là thừa cân, từ mức 30 trở lên là béo phì và nguy hiểm.
Tính tỷ lệ mỡ cơ thể chính xác hơn

Máy quét DEXA. Kiểm tra tỷ lệ mỡ cơ thể chính xác bằng máy quét DEXA. Máy sử dụng công nghệ tia X quang để ước lượng mỡ và xương. Máy quét DEXA được coi là tiêu chuẩn vàng để đo tỷ lệ mỡ cơ thể.

Cân trọng lượng dưới nước. Phương pháp này đo mật độ cơ thể bằng cách lặn vào nước và đo sự chênh lệch mực nước. Cân trọng lượng dưới nước là biện pháp chính xác để đo tỷ lệ mỡ cơ thể.

Chỉ số tương tác cận hồng ngoại (NRI). Phương pháp này dùng quang phổ kế để ước tính tỷ lệ mỡ cơ thể. Kết quả từ chỉ số NRI không chính xác bằng DEXA nhưng cao hơn so với phương pháp tự đo.
Lời khuyên
- Phòng thí nghiệm và phòng tập thể thao chuyên nghiệp thường sử dụng Bod Pod để đánh giá thành phần cơ thể. Phương pháp này khá chính xác và phù hợp cho người béo phì và người cao tuổi.
- Nếu BMI cao hơn 25, hỏi ý kiến bác sĩ về kế hoạch giảm cân an toàn để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.