1. Phương pháp trị chuột rút hiệu quả
Khi chuột rút bắt đầu, việc đầu tiên cần làm là căng cơ sắp bị co rút càng sớm càng tốt, tình trạng đau sẽ giảm đi đáng kể. Nếu sau một ngày làm việc mệt mỏi hoặc thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm, hãy dành vài phút trước khi ngủ để kéo giãn các cơ hay bị chuột rút.
Chuột rút gây ra những cơn đau đột ngột và khó chịu
Đặc biệt với chuột rút bắp chân, bài tập kéo gập lưng bàn chân giúp căng cơ rất hiệu quả. Ngược lại, đối với chuột rút cơ mặt trước cẳng chân, duỗi bàn chân hết mức trong vài phút sẽ giúp ngăn ngừa chuột rút.
Ngoài ra, có một số phương pháp trị chuột rút có thể thực hiện ngay tại nhà để đối phó với tình trạng khó chịu này:
Bổ sung Magie
Nhiều phụ nữ mang thai thường xuyên bị chuột rút, gây đau đớn và khó chịu, làm họ lười vận động. Bác sĩ cho biết, họ có thể bổ sung Magie để điều trị chuột rút, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về độ an toàn và liều lượng sử dụng.
Vì vậy, hãy xem xét việc bổ sung Magie từ thực phẩm chức năng hoặc viên uống bổ sung khi mang thai, và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, bổ sung Magie từ các nguồn thực phẩm tự nhiên cũng giúp giảm bớt chứng chuột rút. Những thực phẩm giàu Magie bao gồm quả hạch, các loại hạt,...
Bổ sung nước sẽ giúp giảm tình trạng chuột rút
Uống nhiều nước
Một trong những nguyên nhân gây chuột rút là do mất cân bằng chất điện giải và cơ thể bị thiếu nước. Vì vậy, uống nhiều nước hơn là cách hiệu quả để giảm tình trạng chuột rút, đặc biệt là sau khi chơi thể thao hoặc vận động quá sức.
Bổ sung nước lọc, đồ uống thể thao và nước uống bổ sung điện giải đều rất tốt để giảm những cơn đau bất chợt.
Ngâm chân trong nước nóng
Đây là cách giảm đau rất hiệu quả cho các chứng bệnh liên quan đến cơ xương chân và cũng giúp cải thiện tình trạng chuột rút. Ngâm chân trong nước ấm giúp thư giãn các dây thần kinh và cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu và ngăn ngừa những cơn co rút đột ngột gây đau.
Nhiệt khô cũng có tác dụng tương tự, nếu không có thời gian ngâm chân, bạn có thể dùng đai quấn nóng. Những bệnh nhân tiểu đường, mắc bệnh mãn tính hay chấn thương tủy sống có thể giảm cảm giác với nhiệt độ, dễ bị bỏng khi dùng nước quá nóng, vì vậy cần chú ý nhiệt độ.
Vận động hợp lý
Chuột rút xảy ra khi bạn vận động mạnh đột ngột với cường độ cao trong khi hệ cơ đang ở trạng thái nghỉ ngơi, không kịp thích ứng. Vì vậy, trước khi tham gia thể thao, bạn nên dành 5 - 15 phút để khởi động. Hãy khởi động toàn thân, đảm bảo các nhóm cơ xương được làm nóng để tránh chuột rút và chấn thương.
Đối với phụ nữ mang thai, hãy thường xuyên đi lại để các cơ xương được vận động. Ngoài ra, massage thường xuyên không chỉ giúp thư giãn mà còn phòng ngừa chuột rút.
Chườm đá giúp giảm đau nhanh khi bị chuột rút
Chườm đá
Nếu chuột rút gây đau quá mức, bạn có thể điều trị bằng cách chườm nước lạnh hoặc đá. Lưu ý không áp đá trực tiếp lên da, hãy bọc đá trong một miếng vải mỏng để tránh bỏng lạnh. Cơn đau sẽ nhanh chóng giảm, nhưng cách này không phòng ngừa chuột rút tái phát.
Dùng thuốc
Trong các trường hợp chuột rút thường xuyên, quá mức, gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng đến cuộc sống, bác sĩ có thể xem xét sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn. Acetaminophen, Naproxen, Ibuprofen là những loại thuốc thường được sử dụng. Không tự ý dùng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu cơn chuột rút quá nặng, các cách điều trị tại nhà không hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị hiệu quả hơn.
2. Chứng chuột rút có nguy hiểm không?
Phần lớn các trường hợp chuột rút do vận động sẽ được cải thiện sau khi nghỉ ngơi và thư giãn. Chuột rút đột ngột khi đang chơi thể thao, đặc biệt là bơi lội, đạp xe, chạy bộ,... có thể gây tai nạn. Vì vậy, hãy khởi động kỹ lưỡng trước khi tập luyện và xoa bóp, thư giãn cơ bắp để ngăn ngừa chuột rút.
Chuột rút khi mang thai gây đau đớn và khó chịu cho mẹ bầu
Chuột rút ở phụ nữ mang thai gây nhiều phiền toái và khó chịu. Việc đi lại thường xuyên kết hợp với xoa bóp cơ xương sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nếu tình trạng nghiêm trọng, hãy đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị.
Hãy chú ý nếu chuột rút, đặc biệt là chuột rút bắp chân, xảy ra thường xuyên vào ban đêm. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy giảm tĩnh mạch chân. Cần điều trị kịp thời để tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
Chứng chuột rút có thể là dấu hiệu cơ thể bạn thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là các khoáng chất như canxi, magie, kali,... gây mất cân bằng điện giải. Hãy bổ sung nhiều rau xanh trong bữa ăn, cùng với các loại trái cây như chuối, cam, đu đủ, mơ, xoài,... Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất béo, chất đạm, đường, vitamin và khoáng chất không chỉ tốt cho sức khỏe và hoạt động của cơ xương mà còn giúp phòng ngừa chuột rút hiệu quả.
Vận động thường xuyên và đúng cách giúp ngăn ngừa chứng chuột rút
Tình trạng stress và căng thẳng quá độ làm mất cân bằng hormone trong cơ thể, dẫn đến chuột rút và các tình trạng như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh,... Vấn đề tinh thần này cần được giải quyết sớm để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Khi tinh thần ổn định, tình trạng chuột rút cũng sẽ được cải thiện.